Apple đã chịu nhận sai, nhưng có phải vì muốn nhún nhường người dùng?

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Là những người đam mê công nghệ, chúng ta đã quen với sự thỏa hiệp. Chúng ta không phải là người thiết kế nên các sản phẩm, đó là việc của những công ty mà chúng ta yêu thích - Samsung, Google, hay Apple - và họ mới là người quyết định một sản phẩm sẽ trông ra sao, hoạt động như thế nào.
Bạn muốn jack headphone? Nó đi xa rồi. Bạn muốn một vài tính năng ngon lành hơn nữa trên chiếc điện thoại hay tablet đang dùng? Hãy cứ bày tỏ ý kiến và hi vọng ai đó thực sự lắng nghe, bởi đưa ra những quyết định quan trọng không phải quyền hạn của chúng ta - người tiêu dùng.
Và có những công ty nổi tiếng vì...không thèm lắng nghe người dùng, trong số đó phải kể đến cái tên số 1: Apple. Công ty với lượng fan khủng và anti-fan cũng khủng không kém này biết cách tạo ra những thứ tuyệt vời, và giới thiệu chúng đến bạn theo cách khiến bất kỳ ai cũng phải trông ngóng từng ngày để "được" xuống tiền. Nhưng nếu luôn đưa ra những quyết định tồi tệ, tại sao họ có thể trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới? Nói vậy không đồng nghĩa Apple nên lơ đi những gì người tiêu dùng đang nói. Họ không nên quên đi những sai lầm và khăng khăng giữ những lựa chọn của riêng mình. Thực ra, Apple cũng có thể thay đổi ý kiến, hoặc giới thiệu những thứ mới mẻ mà rõ ràng được lấy cảm hứng từ những ý tưởng các fan đưa ra và đã liên tục kêu gọi suốt thời gian dài.
Hãy cùng điểm qua một số ví dụ như vậy, và vui mừng hay ngạc nhiên là tùy bạn.

iPad cuối cùng cũng đa nhiệm như desktop

Apple đã chịu nhận sai, nhưng có phải vì muốn nhún nhường người dùng?
Không người ngoài cuộc nào thực sự biết điều gì đang diễn ra trong những bộ óc siêu việt và siêu kín tiếng của Apple, nhưng có giả thuyết cho rằng công ty này luôn đè nén tiềm năng của iPad vì lo sợ chiếc tablet "gặm nhấm" doanh số MacBook Air.
Cách đây chưa lâu, iPad vẫn chỉ là một chiếc tablet cơ bản. Ngay cả một chức năng đa nhiệm đơn giản như chạy hai ứng dụng cùng lúc ở chế độ chia đôi màn hình cũng mới chỉ được giới thiệu vài năm về trước. Còn bất kỳ thứ gì khác mang lại trải nghiệm đa nhiệm tương tự desktop, bao gồm một thanh dock cố định, ứng dụng chạy theo kiểu cửa sổ… thì như một giấc mơ xa vời.
May thay, với iPadOS 16 sẽ ra mắt mùa thu tới, tất cả những thứ đó sẽ hiện diện trên iPad của bạn, nhưng có một vấn đề - bạn cần iPad Pro M1 hoặc iPad Air M1. Dù là một hạn chế mà nhiều người đã đoán trước, thật sự đáng tiếc nếu bạn không may sở hữu một chiếc iPad Pro cấu hình khủng nhất ra mắt trước thời M1!
Vậy có phải Apple cuối cùng đã chùn bước vì quá nhiều fan iPad liên tục than phiền? Rằng iPad không thể thực sự đa nhiệm, không thể phát huy hết tiềm năng, cấu hình khủng với chip M1 từ MacBook để làm gì?
Rõ ràng, phải mất khá nhiều thời gian trước khi những lời càm ràm kia đến tai Apple, và dù giả thuyết Apple không muốn iPad cạnh tranh với MacBook là đúng hay sai, thì điều quan trọng là họ cuối cùng cũng chịu lắng nghe người dùng!

iPad hỗ trợ chuột sau nhiều năm, trong khi tablet Android đã làm được từ lâu

Apple đã chịu nhận sai, nhưng có phải vì muốn nhún nhường người dùng?
Vài năm trước, chẳng ai dám nói đùa rằng iPad sẽ hỗ trợ chuột. Như thể việc thêm con trỏ và hỗ trợ trackpad hay chuột Bluetooth hoàn toàn không phải là điều công ty này hứng thú vậy. Một số ít người thực sự muốn sử dụng iPad như laptop đã phải chấp nhận mua những con chuột kỳ quặc được các bên thứ ba quảng cáo là “chế tạo cho iPad”, nhưng hiệu quả thì chỉ 50/50.
Rồi một tính năng trợ năng ẩn bất ngờ xuất hiện trong iPadOS 13.4 ra mắt năm 2019, sau đó tiến hóa thành tính năng hỗ trợ chuột hoàn chỉnh cho iPad! Không chỉ vậy, Apple còn bắt đầu bán bàn phím kèm trackpad cho iPad nữa. Quả là một cú quay xe không lường trước được so với những gì hãng tuyên bố 5 năm trước, đạp đổ hoàn toàn triết lý “Không ai dùng iPad với chuột cả”. Apple ngày xưa muốn chúng ta biết rằng iPad là một chiếc tablet, và chỉ là tablet thôi, không phải laptop. Apple ngày nay thực sự muốn chúng ta biết rằng iPad là một thiết bị thay thế laptop, với giao diện và trải nghiệm, cũng như cách hoạt động không khác laptop là bao.
Và dù chúng ta có thể nói rằng Apple chỉ đang mở rộng tính năng trợ năng của họ, việc Apple liên tục quảng bá iPad cùng bàn phím và trackpad khiến ai cũng nhận ra tầm nhìn của họ đối với thiết bị này thực ra là thế nào - một chiếc laptop, có con trỏ chuột! Tất nhiên, bạn không buộc phải sử dụng nó như laptop… chí ít thì bạn cũng có một sự lựa chọn, và lựa chọn đó không tệ chút nào.

MacBook mới dày hơn và có lại các cổng đã bị loại bỏ trước đây

Apple đã chịu nhận sai, nhưng có phải vì muốn nhún nhường người dùng?
Đó là điều đang diễn ra với thế hệ MacBook M1 gần đây nhất. Bạn cho rằng Apple đã không còn tập trung vào những thiết kế tối giản hoàn mỹ mà quan tâm hơn đến chức năng cơ bản và sự tiện lợi cho người dùng?
Quay lại với MacBook Pro 2016, nơi mọi thứ bắt đầu. Được thiết kế để mỏng và nhẹ hết sức có thể, chiếc laptop này chỉ có đúng hai cổng USB-C và một jack headphone. Lúc bấy giờ, USB-A vẫn rất phổ biến và ai cũng muốn dùng nó, chưa kể đối với một chiếc laptop được gắn mác “Pro”, bạn hẳn phải kỳ vọng nó được trang bị cổng HDMI lẫn đầu đọc thẻ nhớ SD, đúng chứ?
Không chỉ riêng bạn đâu. Từ MacBook Pro 2016, bạn đã phải chấp nhận mua thêm adapter dù sở hữu một chiếc laptop pro đắt đỏ, nếu bản thân thực sự là một người chuyên nghiệp cần đến những thứ cơ bản như hai cổng bị thiếu nêu trên. Nhiếp ảnh gia, các nhà biên tập video, bất kỳ ai thích dùng hai màn hình… là một vài ví dụ.
Apple đã chịu nhận sai, nhưng có phải vì muốn nhún nhường người dùng?
MacBook cũ (trái) và MacBook mới với chip M1 (phải)
Đến MacBook Pro 2020, tình hình vẫn không thay đổi nhiều. Vẫn chỉ hai cổng USB-C và một jack headphone. Người dùng vẫn than phiền. Apple vẫn cứng đầu.
Nhưng rồi, MacBook Pro M1 2021 xuất hiện. Ngược lại mọi suy nghĩ, nó không mỏng và cũng không thiếu cổng kết nối - trên thực tế, chiếc MacBook này đã dày hơn, và nhìn mà xem: 3 cổng USB-C, 1 jack headphone, 1 đầu đọc thẻ SD, cổng HDMI, và cả cổng sạc từ tính MagSafe được yêu thích nữa!
Có phải Apple ngầm thừa nhận việc chạy theo mỏng, nhẹ, và lấy đi các cổng kết nối là một nước đi tồi? Không ai trách gì đâu, tiếp tục lắng nghe người dùng đi Apple ơi.

iPhone cỡ lớn? Ai muốn thứ đó chứ? Ờ, thì…

Apple đã chịu nhận sai, nhưng có phải vì muốn nhún nhường người dùng?
Vào năm 2010, Steve Jobs lên sân khấu nói về chiếc iPhone 4. Ông dõng dạc tuyên bố chẳng ai thèm mua một chiếc điện thoại cỡ lớn.
Trong khi iPhone 4 sở hữu màn hình chỉ 3.5-inch, điện thoại Android cùng thời, như HTC Evo 4G và Motorola Droid X, đã bắt đầu được trang bị màn hình 4.3-inch trở lên.
Đến năm 2012, iPhone 5 được “lên đời” màn hình 4-inch, thì điện thoại Android, như Galaxy S3, đã dùng màn hình 5-inch trở lên. iPhone thậm chí chưa đuổi kịp kích cỡ màn hình của Android từ năm 2010! Apple rõ ràng kiên quyết với điện thoại cỡ nhỏ bởi chúng có thể sử dụng thoải mái với một tay, trong khi cả ngành công nghiệp đã theo đuổi màn hình ngày càng lớn.
Năm 2014, iPhone 6 có màn hình 4.7-inch và iPhone 6 Plus có màn hình 5.5-inch. iPhone 6 cũng là thế hệ iPhone đầu tiên có bản Plus với màn hình lớn hơn, mở ra một thông lệ từ thời điểm đó.
Hiện nay, chúng ta có những mẫu iPhone Pro và Pro Max, và sắp tới, iPhone 14 sẽ có Max và Pro Max, trong đó màn hình iPhone 14 Pro Max có thể lên đến 6.7-inch. Triết lý của Apple đã thay đổi một cách chóng mặt kể từ iPhone 4 màn hình 3.5-inch.
Công bằng mà nói, khi ra mắt iPhone 4, Apple làm sao biết được tương lai sẽ thế nào. Không ai biết được điện thoại 12 năm sau sẽ biến đổi đến mức nào. Không ai biết 12 năm nữa từ lúc này, họ sẽ ra sao. Có thể chẳng ai dùng điện thoại nữa, mà thay nó bằng kính AR hay một thứ gì đó khác?

Các công ty khác đã lấy đi những gì của bạn?

Mọi công ty công nghệ lớn đều nhiều lần “quay xe”, xóa bỏ những lựa chọn bị người dùng đánh giá là sai lầm - chuyện này diễn ra rất thường xuyên, và nên như vậy. Bạn có bất kỳ ví dụ nào muốn chia sẻ với VNReview không?
Ngoài ra, có công ty nào vẫn chưa chịu lắng nghe khách hàng?
Tham khảo: PhoneArena
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top