Apple không thể tự mình giải quyết vấn nạn lạm dụng AirTags

AirTags được Apple tạo ra như một giải pháp công nghệ cao cho một vấn đề “xưa như Trái đất”: tìm chìa khóa, ví, và những vật dụng cá nhân khác không may bị thất lạc. Nhưng kể từ khi ra mắt hồi tháng 4 năm ngoái, thiết bị Bluetooth này đã bị lợi dụng cho không ít mục đích tiêu cực - đặc biệt là lén lút theo dõi người khác.
Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất tôi từng trải qua, và tôi muốn cho mọi người biết rằng nó là có thật” - người mẫu tạp chí Sports Illustrated, Brooks Nader, nói như vậy trên trang Instagram của mình vào tháng 1 vừa qua. Cô cho biết vào một buổi tối nọ, khi đang trên đường từ quán bar về nhà, chiếc iPhone trên tay bỗng hiện ra cảnh báo có một thiết bị đang theo dõi vị trí của cô. Chồng Nader phát hiện ra một chiếc AirTags ẩn trong túi áo khoác của cô sau khi về đến nhà.
Các chuyên gia nói rằng, các công ty công nghệ phải có trách nhiệm phối hợp tìm ra những giải pháp tốt nhất để ngăn chặn vấn nạn lợi dụng các thiết bị theo dõi Bluetooth xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Không chỉ Apple, mà còn Samsung, Tile, và những công ty khác đang sản xuất những sản phẩm tương tự, nhưng ít trang bị các tính năng an toàn hơn. Họ có thể bắt đầu bằng cách cung cấp thông tin cho nhau, và cho cộng đồng, về cách các thiết bị theo dõi Bluetooth có thể bị lợi dụng. Chia sẻ những hiểu biết liên quan hành vi của kẻ xấu sử dụng sản phẩm của từng hãng là tối quan trọng, giúp xây dựng nên những cơ chế bảo vệ quyền riêng tư có khả năng hoạt động hiệu quả trên mọi smartphone. Điều đó sẽ đảm bảo mọi công ty có thể nghiên cứu cùng một bộ dữ liệu khi phát triển nên những công cụ ngăn chặn, hoặc triệt tiêu, hành vi lạm dụng.
Tôi nghĩ sẽ có những hạn chế nếu cứ nghĩ rằng giải pháp là việc riêng của từng công ty riêng rẽ” - theo Erica Olsen, giám đốc Mạng lưới Quốc gia Ngăn chặn Bạo lực thuộc Dự án Mạng lưới An toàn.
Apple không thể tự mình giải quyết vấn nạn lạm dụng AirTags
AirTags cho phép bạn tìm các vật phẩm cá nhân bị thất lạc bằng cách hiển thị chúng trên bản đồ.
Apple đã có những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc lợi dụng AirTags, bằng cách mã hóa giao tiếp giữa thiết bị này với mạng lưới Find My của hãng. Công ty công bố hôm 10/2 vừa qua rằng sẽ tích hợp thêm nhiều cảnh báo mới vào AirTags trong quá trình cài đặt ban đầu. Họ cũng sẽ giảm thời gian cần thiết để thông báo cho chủ iPhone rằng một AirTag lạ có thể đang đi cùng họ.
Công ty nói trong một thông cáo báo chí rằng họ “cam kết lắng nghe phản hồi và đưa ra những cải tiến để tiếp tục bảo vệ người dùng khỏi bị theo dõi không mong muốn”. Tuy nhiên, Apple từ chối tiết lộ liệu họ có dự định hợp tác với các công ty công nghệ khác trong vấn đề này hay không.
Dù câu trả lời là gì đi nữa, người tiêu dùng cũng đã phải chờ đợi quá lâu rồi. Các công ty có thể không khuyến khích kẻ xấu lợi dụng công nghệ của họ, nhưng họ lại vô tình giúp hành vi này dễ thực hiện hơn, với chi phí thấp hơn. Điều họ phải làm lúc này là khiến việc lợi dụng công nghệ theo dõi Bluetooth trở nên khó khăn hơn hoặc trở nên bất khả thi.
Và trong khi chờ đợi, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ chính mình?

AirTags hoạt động như thế nào, tại sao chúng lại bị dùng vào việc lén lút theo dõi người khác?

AirTags là những thiết bị theo dõi Bluetooth nhỏ như nút áo, được thiết kế để giúp người dùng iPhone theo dõi những vật dụng cá nhân của họ. Đặt một chiếc AirTag vào bất kỳ thứ gì, từ ví tiền cho đến xe đạp, và vị trí của nó sẽ hiện ra trên bản đồ trong ứng dụng Find My của Apple (trên iPhone, iPad, và máy tính Mac) - một tính năng hữu ích nếu bạn vô tình làm thất lạc thứ gì đó. Khi AirTag ra khỏi phạm vi phủ sóng Bluetooth của chủ nhân, các thiết bị Apple khác trong mạng lưới Find My có thể phát hiện ra nó thông qua Bluetooth và “bắn” vị trí của nó lên đám mây.
Apple không thể tự mình giải quyết vấn nạn lạm dụng AirTags
Nhưng vì độ chính xác quá cao, nên sử dụng AirTag đi kèm một vài rủi ro. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng AirTags đang bị lợi dụng để lén lút theo dõi và hỗ trợ hành vi trộm cắp, đến mức Tổng chưởng lý của New York và Pennsylvania đã phải ban hành cảnh báo an toàn đến người dân các thành phố này vào ngày 16/2. Một người đàn ông ở Connecticut (Mỹ) đã bị bắt vì cáo buộc sử dụng AirTag theo dõi bạn gái cũ - gã này đã lén lút thả một chiếc AirTag vào ô tô của cô, theo bản tin ngày 2/2 của trang Fox 61. Trang CBS News cho biết vào tháng trước, họ đã phỏng vấn hai phụ nữ ở Atlanta, những người phát hiện ra đang bị theo dõi bởi hai chiếc AirTags ẩn trong xe ô tô. Một trong hai người cho biết cô tìm thấy AirTag trong bình xăng của xe. Trước đó, vào tháng 12/2021, tờ The New York Times phỏng vấn 7 phụ nữ tin rằng đang bị theo dõi thông qua AirTags sau khi nhận được cảnh báo trên iPhone. Hai trong số họ cho biết chưa bao giờ tìm được chiếc AirTag gây ra cảnh báo đó.
AirTags ngày càng bị chú ý, một phần bởi mạng lưới Find My của Apple quá rộng lớn. Trong thông cáo báo chí hồi tháng 4/2021, công ty cho biết mạng lưới này đã có 1 tỷ thiết bị Apple tham gia. Vào thời điểm đó, đã có hơn 1,8 tỷ thiết bị Apple đang được sử dụng trên toàn thế giới, do đó mạng lưới này vẫn còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn (bạn có thể tắt tính năng Find My này, do đó không phải mọi sản phẩm Apple đang hoạt động đều có mặt trong mạng lưới).
Các thiết bị theo dõi Bluetooth của hãng khác có phạm vi hoạt động hẹp hơn nhiều. Ví dụ, Tile đã bán được hơn 40 triệu thiết bị trên toàn cầu cho đến hiện tại. Mạng lưới của Tile lớn hơn một chút, bởi nó còn có cả các thiết bị tương thích từ các công ty khác, như các thiết bị Echo thuộc mạng lưới Sidewalk của Amazon. Nhưng Tile không phải là Apple. “Bạn có thể đi cả ngày mà không hề lọt vào tầm phủ sóng Bluetooth của một người cài ứng dụng Tile trên điện thoại của họ” - theo Eva Galperin, giám đốc an ninh mạng của Electronic Frontier Foundation. “Nhưng đi cả ngày mà không lọt vào tầm phủ sóng Bluetooth của một chiếc iPhone khác thì là điều không tưởng”.

Apple đang làm gì để ngăn chặn tình trạng theo dõi lén lút

Apple đã thêm nhiều tính năng an toàn để ngăn chặn tình trạng theo dõi lén lút, và họ cho biết đang làm việc với lực lượng hành pháp để giải quyết những yêu cầu liên quan AirTag.
Một trong những tính năng an toàn quan trọng nhất là thông báo cảnh báo người dùng iPhone khi có một chiếc AirTag lạ đang di chuyển cùng họ trong một khoảng thời gian nhất định. Cô người mẫu Nader đã đề cập đến ở phần đầu bài viết cho biết “phao cứu sinh” duy nhất cô có được trong tình huống bị theo dõi là chiếc iPhone có khả năng cảnh báo rằng cô có thể đang bị theo dõi. Cô đã liên hệ với cảnh sát, nhưng họ không làm được gì nhiểu bởi cô không biết ai đã lén đặt thiết bị vào túi áo mình.
Apple không thể tự mình giải quyết vấn nạn lạm dụng AirTags
Ngoài Apple, Tile và Samsung cũng có những thiết bị theo dõi Bluetooth.
Apple gửi thông báo về AirTag lạ khi người nhận đã về đến nhà, hoặc đến một địa điểm quan trọng nào đó, như phòng gym hay những điểm đến thường xuyên khác, hoặc vào cuối ngày. Nhưng vào cuối năm nay, họ sẽ tinh chỉnh để cảnh báo hiện ra sớm hơn nữa.
Công ty còn công bố hàng loạt thay đổi khác để chấm dứt tình trạng theo dõi lén lút. Cuối năm nay, những người sở hữu các mẫu iPhone tương thích (từ iPhone 11 trở về sau) sẽ có thể sử dụng tính năng Precision Finding của hãng để xem khoảng cách và đường đi đến một AirTag lạ nằm trong phạm vi phủ sóng Bluetooth của iPhone (khoảng 10 mét). Công ty sẽ tinh chỉnh âm thanh phát ra khi ai đó đang tìm kiếm một chiếc AirTag lạ, cụ thể là làm cho âm thanh phát ra to nhất có thể để hỗ trợ quá trình tìm kiếm. Và người mua AirTag cũng sẽ thấy một cảnh báo về quyền riêng tư khi họ thiết lập thiết bị lần đầu tiên, trong đó nhấn mạnh theo dõi người khác mà chưa được phép là hành vi trái pháp luật ở nhiều nơi.
Chưa hết. Khi một chiếc AirTag không còn ở gần chủ nhân trong một khoảng thời gian nhất định, nó sẽ phát ra âm thanh nếu bị di chuyển để giúp dễ tìm thấy hơn. Apple đã giảm thời gian cần thiết để phát ra âm thanh này, từ 3 ngày xuống còn 8 - 24 giờ. Công ty cũng tung ra ứng dụng miễn phí mang tên Tracker Detect cho các điện thoại Android hồi tháng 12 năm ngoái, với chức năng quét bất kỳ AirTag không ở gần chủ nhân chúng ở xung quanh người dùng.
Apple cho biết họ rất coi trọng sự an toàn của khách hàng. “AirTag được thiết kế với hàng loạt tính năng nhằm chủ động ngăn chặn hành vi theo dõi lén lút - chưa từng có thiết bị nào trong ngành công nghiệp như vậy - trong đó vừa thông báo cho người dùng biết có một AirTag lạ đang đi cùng họ, và ngăn kẻ xấu sử dụng AirTag cho những mục đích mờ ám. Nếu người dùng cảm thấy đang đối mặt với nguy cơ về an toàn, họ được khuyến khích liên hệ với cơ quan hành pháp địa phương, để các cơ quan này làm việc với Apple và thu thập bất kỳ thông tin liên quan về chiếc AirTag lạ đó”

Những thiết bị theo dõi khác không có nhiều tính năng bảo vệ quyền riêng tư như AirTag

Cơ chế bảo vệ quyền riêng tư của Apple vượt trội so với các đối thủ. Ứng dụng SmartThings Find của Samsung cho phép người dùng quét các Galaxy SmartTags lạ gần đó, nhưng không chủ động cảnh báo họ trước. Samsung từ chối cho biết liệu có thêm chức năng này trong tương lai hay không. Công ty còn nói rằng họ “cam kết cung cấp trải nghiệm di động bảo mật đến mọi người dùng”
Apple không thể tự mình giải quyết vấn nạn lạm dụng AirTags
Ứng dụng Tracker Detect của Apple dành cho Android.
Dẫu vậy, Samsung trên thực tế cũng có một số tính năng bảo vệ quyền riêng tư. Tương tự Apple, các thiết bị tags của họ đều đặn thay đổi ID thiết bị của chúng để ngăn tín hiệu Bluetooth khỏi bị lần theo sau những khoảng thời gian dài. Và mọi dữ liệu người dùng đều được mã hóa.
Các sản phẩm của Tiles không cho phép mọi người quét các tags không thuộc về họ ở gần đó, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi. Công ty sẽ tung ra một tính năng vào đầu năm 2022 gọi là Scan and Secure, tạo điều kiện cho người dùng tìm các tag Tile gần đó ngay trong ứng dụng Tile, kể cả nếu người đó không có tài khoản.
Nhưng giống như Samsung, Tile yêu cầu bạn phải nhấn một nút bấm trong ứng dụng để tìm các tag gần đó - nó không tự quét các tag khi chưa thông báo với người dùng. Tile cũng cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến từ các chuyên gia và cải tiện tính năng này.

Làm gì để ngăn các thiết bị theo dõi Bluetooth bị lạm dụng sai mục đích

Dù Apple và Tile đang nghiên cứu các giải pháp, các chuyên gia về quyền riêng tư tin rằng chừng đó là chưa đủ. Đầu tiên và trước nhất, họ phải hợp tác với Google để đảm bảo người dùng Android cũng được bảo vệ như người dùng iPhone.
Ứng dụng Tracker Detect của Apple phát triển dành cho Android có cùng nhược điểm như các hệ thống tương tự của Samsung và Tile: nó không chủ động cảnh báo mọi người nếu phát hiện được một AirTag gần đó (một tính năng mà người dùng iPhone được ưu ái). Công ty từ chối bình luận về việc có dự định mang tính năng này lên ứng dụng trong tương lai hay không.
Apple không thể tự mình giải quyết vấn nạn lạm dụng AirTags
Alexander Heinrich, một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Darmstadt (Đức), là một trong những nhà phát triển của một ứng dụng khác có khả năng phát hiện AirTags, gọi là AirGuard. Ứng dụng Android miễn phí này ra mắt hồi tháng 9 năm ngoái, rất lâu trước khi Apple tung ra Tracker Detect.
AirGuard có một vài tính năng mà Apple không có, bao gồm quét tìm AirTags dưới nền mà không cần nhấn bất kỳ nút bấm nào trong ứng dụng (tuy nhiên bạn phải trao cho ứng dụng đủ các quyền cần thiết). Ứng dụng cho đến nay đã có hơn 100.000 lượt cài đặt, nhưng đánh giá của người dùng thì không phải hoàn toàn tích cực.
Phát triển những giải pháp bảo vệ toàn diện hơn cho người dùng Android là một bước khởi đầu tốt. Nhưng để trả lời được câu hỏi thực sự, Olsen cho biết các công ty cần hợp tác bằng cách chia sẻ thông tin về cách mà các sản phẩm của họ đang bị lợi dụng. Bà nhắc đến Coalition Against Stalkerware, một tổ chức thành lập vào năm 2019 với mục tiêu cung cấp các khóa giáo dục cũng như tài nguyên để ngăn chặn các phần mềm theo dõi lén lút (stalkerware). Các đối tác của họ gồm các công ty bảo mật như Malwarebytes, Kaspersky, và Avast - một ví dụ cho thấy các công ty đối thủ hoàn toàn có thể làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề về quyền riêng tư.
Tile nói rằng họ đã bắt đầu thảo luận “cả trong nội bộ lẫn với bên ngoài” về việc hợp tác với các công ty cạnh tranh để phát triển những giải pháp quyền riêng tư áp dụng rộng rãi trong toàn ngành công nghiệp.
Apple và Samsung từ chối bình luận về các kế hoạch của họ trong tương lai.

Hiểu được quy mô của vấn đề

Một phần của thách thức là chưa rõ AirTags hay các thiết bị theo dõi Bluetooth tương tự khác đang được sử dụng để lén lút theo dõi hoặc phục vụ trộm cướp thường xuyên đến mức nào - theo Jen King, nhà nghiên cứu chính sách quyền riêng tư và dữ liệu tại Viện AI phục vụ con người thuộc Stanford.
Heinrich và các đồng nghiệp cũng đang tìm cách trả lời câu hỏi đó. Đại học Kỹ thuật Darmstadt đang sử dụng ứng dụng AirGuard để tiến hành một nghiên cứu có thể cho chúng ta biết AirTags đang bị lợi dụng để lén lút theo dõi người khác thường xuyên đến mức nào.
Người dùng AirGuard có thể tham gia vào nghiên cứu, từ đó cho phép Heinrich và các đồng nghiệp thu thập dữ liệu nặc danh vốn không thể truy ra người dùng được. Thông tin thu thập được bao gồm độ mạnh tín hiệu từ AirTag bị phát hiện, số lượng thông báo gửi đến người dùng, và ngày giờ của những cảnh báo đó.
Dẫu vậy, sử dụng dữ liệu như độ mạnh tín hiệu Bluetooth và tần suất thông báo để biết AirTag bị sử dụng vào việc theo dõi lén lút có thể không đơn giản như tưởng tượng. Heinrich và các đồng nghiệp có thể thấy khi nào AirGuard gửi thông báo, nhưng họ không biết được bối cảnh khi các thông báo đó xuất hiện. Ví dụ nhiều người dùng có thể chỉ đang dùng thử để xem ứng dụng có hoạt động hay không. Đó là lý do tại sao nhóm nghiên cứu dự định tiến hành bài nghiên cứu thứ hai, trong đó thêm vào một bảng hỏi để biết rõ hơn về bối cảnh. Trong khi đó, dữ liệu như độ mạnh tín hiệu Bluetooth có thể giúp Heinrich và các đồng nghiệp biết được khoảng cách của AirTag lạ với người dùng.
Apple không thể tự mình giải quyết vấn nạn lạm dụng AirTags

Người dùng có thể làm gì để tự bảo vệ mình

Hiện tại, người dùng Android có thể tải về ứng dụng Tracker Detect của Apple, hoặc AirGuard, để kiểm tra xem có đang bị bám đuôi bởi một chiếc AirTags lạ hay không. Còn người dùng iPhone sẽ nhận được cảnh báo “AirTag Found Moving With You” mà chẳng cần tải về ứng dụng nào. Nếu đó là một sản phẩm tương thích Find My, người dùng iPhone cũng sẽ nhận được một cảnh báo tương tự, trong đó thể hiện tên của sản phẩm.
Tự tìm những khu vực mà một chiếc AirTag có thể ẩn nấp, như trong túi hoặc bên dưới thảm sàn xe ô tô, cũng là một việc cần làm.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác góp phần khiến việc đối phó với những mối đe dọa đến từ những sản phẩm công nghệ mới trở nên khó khăn hơn. Theo Petros Efstathpoulos, giám đốc NortonLifeLock Research Group, chúng ta đơn giản là không có bản năng mạnh mẽ nhằm tránh né những mối nguy tiềm ẩn trong thế giới ảo như trong thế giới thực.
Nếu bạn đang ngồi trong phòng khách, và bạn thấy ai đó nhìn qua cửa sổ, bạn sẽ có bản năng phản ứng ngay với việc đó. Bạn sẽ cảnh giác kiểu ‘Ai đấy? Tại sao nhìn tôi?’Cảm giác cảnh giác đó không hiệu quả lắm trong thế giới số” - ông nói.
Tham khảo: Cnet
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top