Ba Lan khai quật bộ xương được an táng theo đúng chuẩn "ma cà rồng" chưa từng có tiền lệ

Truyền thuyết về ma cà rồng trong nhiều nền văn hóa khác nhau đều tồn tại những câu chuyện về cách ngăn một người đã khuất đội mồ sống dậy, dưới hình hài loài quỷ bất tử, săn tìm những người còn sống. Và có vẻ như truyền thuyết chưa hẳn là hư cấu, khi mà mới đây, tại một nghĩa trang Ba Lan thế kỷ 17 gần Bydgoszcz, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một bộ xương được an táng theo đúng cách mà người ta thường làm với… ma cà rồng: bộ xương được cho là của nữ giới, được chôn cất với một lưỡi liềm kê ngang cổ, ngón chân cái của bàn chân trái bị móc vào một ổ khóa!
Theo ArsTechnica, những câu chuyện về sinh vật giống ma cà rồng đã tồn tại từ ít nhất 4.000 năm về trước ở vùng Lưỡng Hà cổ đại. Ví dụ, người Assyria rất sợ một nữ quỷ tên là Lamastu, kẻ chuyên giết hại trẻ em từ trong nôi hoặc khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Một số văn bản cổ đại khác đề cập đến một sinh vật tương tư, Lilith - con quái vật hiện diện cả trong các văn bản lẫn truyền thuyết Do Thái - chuyên đánh cắp trẻ sơ sinh và trẻ còn trong bụng mẹ. Dù cả hai không được người hiện đại xem là “ma cà rồng”, chúng đều là tiền thân của huyền thoại về Lamia của Hi Lạp, một con quái vật bất tử chuyên hút máu trẻ em.
Ba Lan khai quật bộ xương được an táng theo đúng chuẩn ma cà rồng chưa từng có tiền lệ
Trong thần thoại Trung Quốc, có một loại sinh vật giống ma cà rồng khác, gọi là k’uei, là những xác chết đội mồ sống dậy và đi săn người sống; cũng sinh vật tương tự tại Nga gọi là upir, Ấn Độ gọi là vetala, Romania gọi là strigoi, và Hi Lạp gọi là vrykolakas. Các tin tức đề cập cụ thể đến ma cà rồng xuất hiện lần đầu tại Anh vào năm 1732, khi “đại dịch” hút máu gây ra nỗi khiếp sợ khắp vùng Đông Âu. Đến thế kỷ 19, hầu hết châu Âu chìm trong cơn cuồng loạn ma cà rồng, tạo cảm hứng cho nhiều nhà văn tung ra những tác phẩm liên quan như The Vampyre (1819) của John Polidori, Carmilla (1872) của Sheridan LeFanu, và tất nhiên là Dracula (1897) của Bram Stoker, một tác phẩm kinh điển làm nền móng cho dòng phim ma cà rồng hiện đại.
Lẽ thường tình, vì quá khiếp sợ những sinh vật không biết có thật sự tồn tại hay không kia, con người nghĩ ra vô vàn phương pháp nhằm đảm bảo người chết không thể hồi sinh được. Vào đầu thời Trung cổ, nông dân Nga thường khai quật những thi thể nghi là của ma cà rồng và hỏa thiêu, chặt đầu, hoặc cắm cọc xuyên tim chúng. Cọc cũng thường được cắm cố định vào nắp trên quan tài khi tiến hành nghi lễ chôn cất nhằm khiến sinh vật tự xiên chính nó khi tìm cách trốn thoát.
Tại Đức và vùng phía tây Slavic, những người chết được cho là ma cà rồng sẽ bị chặt đầu rồi chôn đầu ở giữa hai bàn chân hoặc cách xa cơ thể. Những phương thức khác bao gồm chôn xác theo kiểu lộn ngược, cắt gân đầu gối, hoặc đặt thánh giá và các mảnh gốm lên ngực người chết. Tại những nơi mà người ta tin rằng ma cà rồng là những kẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hạt giống cây thuốc phiện hoặc hạt kê sẽ được rải ở nơi chôn con ma cà rồng đó.
Những nấm mồ thời đầu phong kiến đầu tiên trong vùng gần Bydgoszcz được phát hiện từ năm 2005 - 2009, khi các nhà khảo cổ tìm thấy đồ trang sức, những viên đá được đẽo tinh xảo, một chiếc tô đồng, và nhiều mảnh quần áo lụa. Dariusz Polinski thuộc Đại học Nicholas Copernicus đã dần đầu đoàn khảo cổ quay lại khu vực này hồi đầu năm nay với hi vọng phát hiện ra nhiều đồ tạo tác hơn nữa. Không đạt được ý định ban đầu, họ chuyển sự chú ý sang một nghĩa trang từ thế kỷ 17 ở gần đó, trong một ngôi làng tên là Pien.
Ba Lan khai quật bộ xương được an táng theo đúng chuẩn ma cà rồng chưa từng có tiền lệ
Đó là khi các nhà nghiên cứu xác định được một ngôi mộ có chứa bộ xương nữ giới. Theo Polinski, đã có nhiều ngôi mộ “chống ma cà rồng” được phát hiện ở Ba Lan, trong đó nhiều bộ xương bị chặt đầu được tìm thấy vào năm 2008, và cả một thi thể bị nhét gạch vào miệng cùng với nhiều lỗ bị đục trên chân nữa. “Những cách giúp bảo vệ người sống khỏi người chết đội mồ sống dậy bao gồm cắt đầu hoặc chân, chôn sấp mặt, đốt xác, và dùng đá nghiền nát” - Polinski nói.
Dẫu sao đi nữa, bộ xương mới được phát hiện gần đây là chưa từng có tiền lệ. Dù đã có nhiều báo cáo về việc người dân đặt lưỡi liềm hoặc lưỡi hái gần ngôi mộ để ngăn quỷ xâm nhập xác chết, cách đặt lưỡi liềm ở bộ xương lần này có sự khác biệt. “Nó không được đặt nằm trên mặt đất mà ngay trên cổ, theo cách mà nếu người chết tìm cách ngồi dậy, đầu của họ sẽ bị cắt hoặc bị thương” - theo Polinski. Về chiếc khóa ở ngón chân cái, “nó tượng trưng cho cái kết của một trạng thái sự sống và làm cho khả năng trở lại trở nên bất khả thi”.
Một đặc điểm bất thường nữa là bộ xương dường như thuộc về một người phụ nữ có địa vị xã hội cao, xét cách người này được chôn cất khá cẩn thận. Ngoài ra còn có nhiều tàn tích của một chiếc mũ lụa trên đầu bà, thứ không thể mua được đối với những người ở tầng lớp hạ lưu. Tại sao bà lại bị chôn cất theo cách này? Polinski cho biết bà có một chiếc răng cửa nhô ra rất rõ rệt, khiến ngoại hình của bà trông khác biệt với mọi người, dẫn đến suy nghĩ bà có thể là một phù thủy hoặc ma cà rồng!
Tham khảo: ArsTechnia

>> Ma cà rồng có thật không?

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top