Bản đồ 5G thế giới: Ai đang dẫn đầu? Mỹ hay Trung Quốc phủ sóng rộng hơn?

Từng là tia sáng trong mắt các ông lớn công nghệ trải dài từ Thâm Quyến, Trung Quốc đến Thung lũng Silicon, Mỹ, 5G hiện thống trị một loạt chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát công nghệ mới đang nóng hơn bao giờ hết.
Các nhà sản xuất thiết bị, kinh doanh smartphone cho đến thiết kế chip đều đang cạnh tranh để giành “thị phần trong miếng bánh 5G”. Ngày nay, tiêu chuẩn mạng di động thế hệ thứ năm dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi trên khắp thế giới, từ châu Á, châu Âu cho đến Bắc Mỹ.
Bản đồ 5G thế giới: Ai đang dẫn đầu? Mỹ hay Trung Quốc phủ sóng rộng hơn?
Giống như các nâng cấp công nghệ trước đó, 5G đã giúp cải tổ trật tự toàn cầu trên thị trường smartphone và trạm phát sóng. Đồng thời, giới chức chính phủ các nước như Mỹ hay Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, giúp thúc đẩy và hỗ trợ ngành công nghiệp 5G vì các mục tiêu kinh tế và địa chính trị.
Các khoản trợ cấp liên tục được đưa ra xuất phát từ nỗi lo ngại, rằng nếu một quốc gia nào đó thống trị nền tảng 5G thì họ sẽ dẫn trước về kinh tế trong nhiều thập kỷ tới.
Tất cả những luận điểm kể trên đều dẫn đến loạt câu hỏi: Ai đang là người dẫn trước? Nhà sản xuất thiết bị di động nào đang dẫn đầu, họ được gì hoặc mất gì? Hay đâu là quốc gia có tầm phủ sóng 5G nhiều nhất hiện nay? Sau đây sẽ là bản đồ 5G thế giới.

Ai dẫn đầu về thiết bị viễn thông 5G?​

Vị thế thị trường của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn đang có xu hướng thay đổi, khi thế giới bắt đầu xây dựng mạng lưới 5G.
Ở vị trí đầu bảng, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tiếp tục dẫn đầu thị trường thiết bị viễn thông, trị giá 90 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, khi sóng gió ập tới với Huawei, đây cũng là lúc các tên tuổi khác dần tìm được chỗ đứng.
Cuối năm 2020, Huawei nắm giữ hơn 30% thị phần thiết bị viễn thông. Nhưng đến nửa đầu năm nay, thị phần của Huawei đã giảm xuống còn 28,8%, theo công ty nghiên cứu Dell'Oro Group.
Bản đồ 5G thế giới: Ai đang dẫn đầu? Mỹ hay Trung Quốc phủ sóng rộng hơn?
Trong khi đó, Ericsson của Thụy Điển đã chứng kiến mức tăng trưởng thị phần từ 14.7% của năm ngoái lên 15% vào nửa đầu năm nay, đưa hãng này lên vị trí thứ hai. Ngược lại, Nokia của Phần Lan trượt xuống vị trí thứ ba khi thị phần giảm từ 15,4% xuống 14,9%. Ericsson và Nokia cho thấy đà tăng trưởng ngược chiều nhau kể từ năm 2018 cho đến nay.
Mặt khác, ở nhóm các công ty có thị phần nhỏ hơn, nhiều chuyên gia phân tích bày tỏ sự quan tâm tới Samsung khi công ty Hàn Quốc đã tăng thị phần lên 3,2% trong nửa đầu năm, tăng từ 2,4% vào năm ngoái và hơn gấp đôi so với mức 1,5% vào năm 2017.
Tuy phát triển là vậy nhưng Ericsson phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là ở thị trường Trung Quốc. Công ty viễn thông Thụy Điển cảnh báo họ có thế mất thị phần tại Trung Quốc sau khi giới chức trách nước này cấm Huawei tham gia đấu thầu xây dựng hạ tầng 5G. Về phía Trung Quốc, nước này cũng đe dọa là sẽ trả đũa.
Với Nokia, công ty này đang tự vực dậy mình sau khi thừa nhận sai lầm đặt cược sai công nghệ. Vài năm trước, công ty đã đầu tư vào một bộ xử lý đắt tiền, được gọi là FPGA, nhằm cung cấp năng lượng cho phần cứng, vốn đã được Nokia bán cho các nhà mạng xây dựng 5G. Tuy nhiên, các nhà mạng lại ưa chuộng công nghệ SoC có chi phí thấp và ít tiêu tốn năng lượng hơn do các đối thủ của Nokia cung cấp.
“Nokia đã phải làm rất nhiều việc trong 18 tháng qua để đảo ngược hướng đi”, giám đốc nghiên cứu về vạn vật kết nối (IoT) và cơ sở hạ tầng mạng viễn thông tại IDC Patrick Filkins cho biết.
Trong khi đó, các nhà phân tích đồng ý rằng Samsung là một công ty đáng để mắt tới. Gã khổng lồ Hàn Quốc tạo sự khác biệt với một loạt các sản phẩm khai thác mọi khía cạnh của 5G, từ điện thoại thông minh đến trạm gốc cho đến chip.
Theo ông Filkins, hệ sinh thái mạng 5G mang lại cho công ty nhiều lợi thế khi có thể kiểm soát đầy đủ sản phẩm của mình, tối ưu hóa hiệu suất của chúng trước khi đưa ra thị trường.
Năm 2020, Samsung đã ký hợp đồng trị giá 6,65 tỷ USD với nhà mạng Verizon ở Mỹ để cung cấp thiết bị và dịch vụ mạng bao gồm cơ sở hạ tầng 5G và 4G. Công ty đã giành được các hợp đồng 5G trên toàn thế giới, nhưng không hợp đồng nào có quy mô lớn như với Verizon.
Bên cạnh đó, Samsung còn ký kết các hợp đồng đáng chú ý khác. Vào tháng 3, nhà mạng Docomo của Nhật Bản đã đồng ý mua thiết bị viễn thông của Samsung. Tiếp tục đến tháng 6, công ty viễn thông Vodafone PLC của Anh đã đồng ý sử dụng thiết bị 5G do tập đoàn Hàn Quốc cung cấp.
Ông Filkins cho rằng Samsung đã có thể cùng với Ericsson và Nokia “ngồi vào chiếc bàn thị phần 5G”.Ngoài ra, việc Huawei phải đối mặt với những thách thức ở một số quốc gia nhất định cũng như đối với công nghệ. Samsung, Ericsson và Nokia là các hãng được hưởng lợi nhiều nhất về mảng kinh doanh 5G.
Tại Mỹ, giới chức nước này cũng đang nỗ lực để mở đường cho các nhà cung cấp thiết bị 5G mới trước các lo ngại về sự quản lý của chính phủ Trung Quốc đối với Huawei hay ZTE. Mỹ còn tìm ra cách thúc đẩy một giải pháp thay thế bằng cách quảng bá Open RAN, một công nghệ dựa trên các tiêu chuẩn mở, hứa hẹn về việc sử dụng thiết bị có kinh phí thấp và linh hoạt hơn.

Hãng nào dẫn đầu về smartphone 5G?​

Tuy không phải là người tiên phong, Apple mới là hãng thúc đẩy thị trường smartphone 5G nở rộ. Song, giới phân tích nhận định việc duy trì vị thế dẫn đầu có thể là một thách thức lớn giữa thị trường công nghệ đầy cạnh tranh.
Khi Apple giới thiệu loạt sản phẩm iPhone 12 hỗ trợ 5G đầu tiên của mình vào năm ngoái, hãng đã đi sau các đối thủ như Samsung hay Ericsson một thời gian. Tuy nhiên, vào thời điểm iPhone 13 năm nay ra mắt, Apple đã cho thấy họ xoay chuyển tình thế.
Bản đồ 5G thế giới: Ai đang dẫn đầu? Mỹ hay Trung Quốc phủ sóng rộng hơn?
Theo IDC, Apple nắm giữ 28,3% thị trường smartphone 5G trong nửa đầu năm nay. Hãng điện thoại Oppo của Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 14,4% thị phần, nhỉnh hơn Samsung với 13,9%. Hai cái tên còn lại trong top 5 cũng đến từ Trung Quốc là Vivo giữa 13,5% và Xiaomi giữ 11,2%.
Runar Bjørhovde, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Canalys, cho biết Apple đã “thành công khi đưa thế giới bước vào kỷ nguyên 5G”. Thành công của Apple đến từ việc hãng bắt đầu đồng loạt bán ra các mẫu iPhone 12 với trang bị sẵn 5G. Người dùng sẽ không có bất kỳ lựa chọn 4G nào nên thị phần 5G của Apple nhờ đó được tăng lên.
Sự xuất hiện của iPhone 5G còn thúc đẩy thị trường điện thoại 5G bùng nổ. Khoảng 18% tổng số smartphone được xuất xưởng có hỗ trợ 5G sau khi iPhone 12 được ra mắt. Trong vòng 3 tháng, thiết bị 5G đã chiếm 32% tổng số lô hàng smartphone bán ra. IDC ước tính thị trường điện thoại thông minh 5G dự kiến sẽ tăng từ 161,4 tỷ USD năm ngoái lên 361,8 tỷ USD năm nay và đạt mức 454,7 tỷ USD vào năm 2025.
Giám đốc nghiên cứu của IDC Nabila Popal cho biết, Apple phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để giữ vững thành công ban đầu trong thị trường điện thoại 5G.
Gần 70% số điện thoại bán ra của Apple có trang bị 5G, trong khi lượng máy 5G bán ra của Samsung chỉ chiếm 26% trên tổng số lô hàng, với Xiaomi là 30%. Nhờ đó, các đối thủ ở châu Á lại có thêm nhiều cơ hội để phát triển hơn. Ông Bjørhovde nhận định, khi thị trường chứng kiến sự xuất hiện của nhiều thiết bị di động 5G giá rẻ, chúng có khả năng làm giảm vị thế của Apple.
Qua thời gian, các nhà sản xuất dần đuổi kịp xu hướng smartphone 5G. Tại cuộc họp gần đây nhất, gã khổng lồ chip xử lý Qualcomm đã cho thấy công nghệ 5G đang được ứng dụng rộng rãi, có thể thúc đẩy số lô hàng điện thoại 5G bán ra đạt mức cao nhất với dự báo từ 450 – 550 triệu chiếc trong năm nay.
Cùng với các nhà sản xuất thiết bị, các nhà mạng cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc đưa 5G đến gần người tiêu dùng. Apple kỳ vọng công nghệ mạng không dây thế hệ thứ năm sẽ phủ sóng ở 60 quốc gia với hơn 200 nhà mạng vào 3 tháng cuối năm.

Tốc độ phổ cập 5G ở các quốc gia có sự chênh lệch​

Khi nói đến quốc gia nào đang gặt hái được nhiều lợi ích nhất từ 5G, Trung Quốc là cái tên hàng đầu cần được nhắc đến. Trong khi đó, Mỹ và một số nước láng giềng châu Á của Trung Quốc, bao gồm Việt Nam đang cho thấy những bước tiến trong việc triển khai 5G.
Việc Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua bắt nguồn từ việc nước này đã nhanh nhạy khởi động quá trình triển khai 5G. Vào tháng 7 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết đã có hơn 961.000 trạm gốc 5G được thiết lập, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác cho đến nay.
Bản đồ 5G thế giới: Ai đang dẫn đầu? Mỹ hay Trung Quốc phủ sóng rộng hơn?
Bill Rojas, chuyên gia phân tích tại IDC, cho biết: Cứ 1.500 người tập trung tại một địa điểm thì ở đó có một trạm phát 5G - một con số ấn tượng đối với quốc gia rộng lớn như Trung Quốc.
Độ phủ sóng rộng rãi của 5G, cùng với các ưu đãi lớn của chính phủ đối với tất cả lĩnh vực liên quan đến 5G đã đặt nền tảng cho việc phát triển và áp dụng các ứng dụng 5G để từ đó gặt hái được những lợi ích thực tiễn của kết nối 5G siêu nhanh.
Những tiến bộ bước đầu với 5G ở Trung Quốc có thể kể đến như việc khai thác tài nguyên trở nên dễ dàng hơn khi các thiết bị máy móc được tự động hóa bởi khả năng truyền tải tốc độ cao của 5G, cùng với đó là có thể đi sâu vào các mỏ than và các khu vực địa hình nguy hiểm thay cho con người.
Tháng 6 năm ngoái, tập đoàn khai thác viễn thông China Mobile đã công bố những mỏ than ứng dụng 5G đầu tiên của Trung Quốc, tọa lạc tại khu vực mỏ than có độ sâu lên đến 1.752 foot ở tỉnh Sơn Tây.
Công ty cho biết họ đã cùng với Huawei phát triển ứng dụng 5G vào việc cơ giới hóa và kiểm soát từ xa các cỗ máy. Sau đó, Huawei đã công bố kế hoạch mở rộng khai thác 5G tới các mỏ than trên khắp Trung Quốc.
“Bằng cách hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, chúng tôi có thể phát triển kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hiệu quả và an toàn hơn ở các mỏ. Tại đó, các công nhân làm việc có thể mặc vest và đeo cà vạt, khác xa so với hình ảnh lấm lem như trước”, giám đốc điều hành của Huawei ông Nhậm Chính Phi cho biết trong một cuộc họp báo ở Sơn Tây đầu năm nay.
Bản đồ 5G thế giới: Ai đang dẫn đầu? Mỹ hay Trung Quốc phủ sóng rộng hơn?
Sau Trung Quốc, Mỹ là nước đang ráo riết triển khai 5G. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn gặp hạn chế khi không có quyền truy cập vào phổ tần mới. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng đang thử nghiệm ứng dụng 5G. Thậm chí có một số trường hợp, 5G vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chưa được phủ rộng.
Đơn cử như Nhật Bản, quốc gia này từ lâu đã đi sau trong việc triển khai 5G. Tại Thế vận hội Tokyo vừa diễn ra đầu năm nay, Nhật Bản đã phát triển một số ứng dụng 5G vào việc sử dụng máy bay không người lái để quay các sự kiện như chèo thuyền, đánh gôn và truyền hình trực tiếp cho khán giả.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang cố gắng bắt kịp và thúc đẩy sự phát triển 5G bằng cách ưu đãi thuế cho các công ty xây dựng mạng 5G riêng để ứng dụng vào sản xuất ở nhà máy hay trang trại thông minh. Họ có thể chọn mức khấu trừ thuế 15% hoặc khấu hao đặc biệt 30% cho các khoản đầu tư liên quan đến 5G.
Hàn Quốc, quốc gia được ghi nhận là có tốc độ mạng 5G nhanh nhất thế giới và là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G, cũng đang chú trọng vào các ứng dụng 5G tiềm năng. Vào tháng 7, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin của nước này đã công bố kế hoạch chi 49 nghìn tỷ won, tương đương khoảng 41 tỷ USD, trong 4 năm tới để giúp thiết lập các hạ tầng mạng 5G chuyên biệt được thiết kế để hỗ trợ các ứng dụng mới như nhà máy thông minh.
Nguồn: Wall Street Journal
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top