Bạn không có thói quen nhìn vào mắt người trò chuyện với mình? Yên tâm, bạn không phải là cá biệt

Nhìn vào mắt của người nói chuyện với mình là một biểu hiện của lắng nghe tích cực, hiệu quả, nó thể hiện sự tập trung chú ý, tôn trọng người nói, sự chân thành trong giao tiếp… Song, theo một bài viết đăng trên tạp chí Tâm lý học, nhiều người Việt Nam chưa có thói quen đó. Tại sao như vậy?
Bạn không có thói quen nhìn vào mắt người trò chuyện với mình? Yên tâm, bạn không phải là cá biệt
Ảnh minh họa Trong giao tiếp hàng ngày với mọi người xung quanh mình, khi chuyện trò với nhau, nếu chúng ta nhìn vào mắt nhau một cách hợp lý (không nhìn trừng trừng, soi mói, cũng không nhìn “bằng nửa con mắt”) là một trong những biểu hiện của sự quan tâm, chú ý đến nhau, là cách thể hiện sự tôn trọng của người nghe với người nói, thể hiện sự chân thành của người nói với người nghe. Đó là một cử chỉ nhỏ, nhưng theo nguyên tắc giao tiếp, nó rất cần thiết vì nó thể hiện tính lịch sự trong giao tiếp. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều ngưởi Việt Nam, kể cả người lớn và trẻ em chưa có thói quen thực hiện cử chỉ đó. Tại sao nhiều người trong chúng ta không thực hiện được cử chỉ nhìn vào mắt người giao tiếp với mình? Tương tự như những thói quen khác, thói quen này cũng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ở đây, tôi chỉ muốn nói đến nguyên nhân của việc giáo dục trong gia đình. Từ kinh nghiệm bản thân, cũng như qua quan sát những người xung quanh, tôi thấy nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đến việc hình thành cho con thói quen giao tiếp này từ nhỏ. Theo cách thức giao tiếp giữa cha mẹ và con từ trước đến nay, thì khi chuyện trò với con, hay dặn dò, nhắc nhở con điều gì đó, nhiều bậc cha mẹ thực hiện theo kiểu: “việc ai, người ấy làm”, tức là: cha mẹ nói cứ nói, con nghe thực sự hay không là việc của con, vì con vừa nghe, vừa chơi, hoặc vừa nghe vừa làm việc gì đó. Cha mẹ không nhắc nhở con phải quay về phía mình, nhìn vào mắt họ để nghe họ nói. Ngược lại, khi con muốn thưa chuyện gì đó với cha mẹ, hỏi cha mẹ một điều gì chưa hiểu… cha mẹ cũng thường vừa nghe, vừa làm việc của mình, mà không dừng tay, quay lại với con, nhìn vào mắt con, tập trung chú ý nghe con một cách “toàn tâm, toàn ý”. Cách thức giao tiếp như vậy diễn ra hàng ngày trong gia đình từ nhỏ dễ dàng trở thành thói quen của con trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Dần dần trẻ em không có thói quen nhìn vào mắt người khác khi giao tiếp và không có nhu cầu được người khác nhìn vào mắt mình khi mình chuyện trò với họ. Có lẽ đây là một thói quen chưa đẹp của nhiều người Việt Nam ta trong giao tiếp. Trong quá trình mở cửa và hội nhập hiện nay, thói quen này có ảnh hưởng không tốt đến việc giao tiếp của các bạn trẻ khi có dịp làm quen, tiếp xúc với người nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, khi biết đến lợi ích của thói quen biết nhìn vào mắt người khác trong giao tiếp và tác hại nếu chưa có thói quen đó, chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ quan tâm đến việc hình thành ở con mình những thói quen này.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top