Báo Nhật: Việt Nam đang "hút" đơn hàng may mặc giày dép ra khỏi Trung Quốc

Các nhà sản xuất hàng may mặc lớn của Nhật Bản đang chuyển nhiều hoạt động sản xuất ở nước ngoài từ Trung Quốc sang thị trường Đông Nam Á, do chi phí lao động ngày càng tăng của Trung Quốc và chính sách zero-COVID đã làm mất đi sự thống trị của nước này.
Trong bối cảnh đồng Yên (nhật) mất giá và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, các công ty may mặc đang tận dụng mọi phương pháp để giảm thiểu chi phí. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương có hiệu lực vào tháng 1, đã mang đến cho các công ty một cứu cánh mới.
Các công ty may mặc lớn, chẳng hạn như Adastria, Aoyama Trading và các nhà cung cấp của Uniqlo, đang chuyển một số cơ sở sản xuất của họ sang các nước thành viên RCEP ở Đông Nam Á nhằm tận dụng việc giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu hàng dệt may.
Adastria, công ty sở hữu các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Global Work, đã gia tăng sản xuất tại Campuchia và Việt Nam từ năm 2022. Tỷ lệ sản xuất ở Đông Nam Á tính đến tháng 8 đã tăng gấp đôi số lượng so với cùng kỳ lên 22%.
Công ty có kế hoạch mở rộng khu vực sản xuất sang Indonesia, Bangladesh và các quốc gia khác, đồng thời tăng sản lượng ở Đông Nam Á lên 50% vào cuối 2/2026.
Trong số đồ may mặc được nhập khẩu vào Nhật Bản, số lượng mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc đã giảm xuống 59% vào năm 2021, giảm từ mức 81% một thập kỷ trước đó.
Trong khi đó, Aoyama Trading, một công ty lớn về thời trang nam, đang mở rộng hoạt động thu mua sản phẩm từ Indonesia và Việt Nam. Hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 36% lượng nhập khẩu của nước này trong năm tài khóa 2021, giảm 7% so với năm trước. Chủ tịch công ty Osamu Aoyama cho biết: “Trong kế hoạch trung và dài hạn, tỷ lệ sản xuất ở Trung Quốc có thể sẽ giảm hơn nữa”.

Báo Nhật: Việt Nam đang hút đơn hàng may mặc giày dép ra khỏi Trung Quốc
Tập đoàn may mặc Matsuoka, nhà cung cấp Uniqlo xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào cơ sở sản xuất tại Trung Quốc
Tập đoàn Matsuoka, nhà sản xuất theo hợp đồng cho công ty con Uniqlo của Fast Retailing, đã sản xuất 50% lượng quần áo của mình, tính theo doanh thu, tại Trung Quốc tính tới 3/2022, nhưng có kế hoạch giảm tỷ lệ đó xuống còn 29% vào năm 2025.
Trong cùng thời gian, Matsuoka sẽ tăng sản lượng ở Bangladesh từ 28% lên 34% và ở Việt Nam từ 16% lên 28%. Công ty cũng đang tăng năng lực sản xuất ở hai quốc gia, cam kết đầu tư 8,7 tỷ yên (hơn 1500 tỉ VNĐ) vào các nhà máy mới trong thời gian hai năm kết thúc vào 3/2023.
Được biết, nhiều quy trình trong ngành may mặc vẫn áp dụng phương pháp thủ công vì tính chất công việc may khó có thể tự động hóa, khiến nhân công trở thành chi phí sản xuất lớn thứ hai, chỉ sau nguyên liệu thô.
Bắt đầu từ những năm 1980, các công ty bắt đầu chuyển sản xuất từ Nhật Bản sang Trung Quốc để tìm kiếm lao động giá rẻ. Tuy nhiên từ khoảng năm 2010, phong trào này đã mở rộng sang Đông Nam Á như một phần của chính sách "Trung Quốc +1" (các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng chi nhánh hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất của họ sang cả các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Myanmar nhằm bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc), trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao ở đất nước này.
Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, mức lương trung bình hàng tháng của một công nhân nhà máy ở Quảng Châu, Trung Quốc, gần đây đạt khoảng 670 đô la (hơn 15 triệu VNĐ), vượt xa mức lương khoảng 270 đô (hơn 6 triệu VNĐ) ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam và 120 đô la (gần 3 triệu VNĐ) ở Dhaka, Bangladesh.
Ngoài ra, chính sách zero COVID của Trung Quốc trong việc khởi xướng các đợt phong tỏa quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất và logistics ở nước này.
Có thể thấy ngành may mặc không đơn độc trong việc gia tăng mua sắm ở Đông Nam Á.
Gã khổng lồ nội thất và đồ gia dụng Nitori có kế hoạch mua đất mới tại một nhà máy ở Việt Nam để mở rộng sản xuất. Và nhà sản xuất đồ nội thất văn phòng Okamura đã điều chỉnh vật liệu được sử dụng cho đệm ghế của mình để có thể sử dụng vật liệu từ bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều công ty Nhật Bản. Đối với các công ty may mặc, một phần sức hấp dẫn của Trung Quốc tiếp tục là vị trí gần Nhật Bản. “Trung Quốc có năng lực công nghệ cao và chuỗi cung ứng phát triển tốt đối với các nguyên liệu thô như vải”, giám đốc tài chính Hiroyuki Kaneko của Tập đoàn Matsuoka cho biết.


>>>Đồng Yên mất giá, giàu như người Nhật mà giờ cũng đổ xô đi mua iPhone cũ


Theo Nikkei Asia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top