Bí mật chết chóc: Chiến tranh điện tử định hình cuộc chiến Nga-Ukraine

Trên các chiến trường của Ukraine, chỉ hành động đơn giản là bật nguồn điện thoại di động có thể báo hiệu một cơn mưa chết chóc trên trời ập xuống. Radar pháo binh và điều khiển từ xa của máy bay không người lái cũng có thể gây ra những trận mưa bom đạn lửa.
Đây là chiến tranh điện tử, một yếu tố quan trọng nhưng chủ yếu là vô hình trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Các chỉ huy quân sự phần lớn tránh thảo luận về nó, vì sợ họ sẽ gây nguy hiểm cho các hoạt động quân sự do tiết lộ bí mật.
Bí mật chết chóc: Chiến tranh điện tử định hình cuộc chiến Nga-Ukraine
Hệ thống Palantin-K EW của Nga
Công nghệ tác chiến điện tử nhắm vào các hệ thống thông tin liên lạc, định vị và dẫn đường để xác định vị trí, làm mù và đánh lừa đối phương - và trực tiếp ra đòn sát thương. Nó được sử dụng để chống lại pháo binh, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và hơn thế nữa. Quân đội cũng sử dụng tác chiến điện tử để bảo vệ lực lượng của họ.
Đây là lĩnh vực Nga được cho là có lợi thế rõ ràng khi tham chiến. Tuy nhiên, vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, năng lực tác chiến điện tử được nhiều người biết đến của Nga hầu như không được nhìn thấy trong giai đoạn đầu của cuộc chiến khi họ thất bại trong việc đánh chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine. Nhưng tác chiến điện tử đang trở thành "vũ khí vô hình" có thể chi phối cục diện xung đột giữa Nga và Ukraine khi cuộc chiến đang ở giai đoạn quyết định.
Nó đã trở thành một nhân tố quan trọng hơn rất nhiều trong cuộc giao tranh ác liệt hiện nay ở miền đông Ukraine, nơi các đường tiếp tế ngắn hơn, dễ bảo vệ hơn cho phép Nga di chuyển thiết bị tác chiến điện tử đến gần chiến trường hơn.
Một quan chức tình báo Ukraine gọi mối đe dọa từ Nga là "khá nghiêm trọng" khi tác chiến điện tử làm gián đoạn các nỗ lực do thám và liên lạc của chỉ huy với quân đội. Ông nói, việc Nga gây nhiễu máy thu GPS trên các máy bay không người lái mà Ukraine sử dụng để xác định vị trí đối phương và bắn pháo trực tiếp đặc biệt dữ dội.
Bí mật chết chóc: Chiến tranh điện tử định hình cuộc chiến Nga-Ukraine
Ukraine đã có một số thành công trong việc chống lại cuộc tấn công điện tử của Nga. Họ đã chiếm được phần cứng quan trọng và tiêu diệt ít nhất hai đơn vị tác chiến điện tử di động đa phương tiện.
Khó có thể đánh giá khả năng tác chiến điện tử của Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng nó đã được cải thiện rõ rệt kể từ khi Nga lấy lại Crimea năm 2014. Ukraine cũng đã sử dụng hiệu quả công nghệ và thông tin tình báo của Mỹ và các thành viên NATO khác, giúp họ đánh chìm tàu tuần dương chiến đấu Moskva. Ngoài ra, các vệ tinh và máy bay giám sát của đồng minh, mạng liên lạc vệ tinh Starlink của Elon Musk trợ giúp Ukraine rất nhiều.
Chiến tranh điện tử gồm 3 thành tố cơ bản: trinh sát, tấn công và bảo vệ. Trước tiên, với hoạt động trinh sát, lực lượng tác chiến điện tử thu thập thông tin tình báo qua định vị tín hiệu điện tử của đối phương. Với hoạt động tấn công, lực lượng tác chiến điện tử sẽ vô hiệu hóa hoặc làm giảm năng lực hệ thống của đối phương, trong đó có liên lạc qua vô tuyến, điện thoại di động, radar phòng không hoặc radar pháo binh. Thứ ba là đánh lừa đối phương để đạn bắn trượt mục tiêu.
Đại tá Laurie Buckhout, cựu chỉ huy tác chiến điện tử của Quân đội Hoa Kỳ cho biết: “Hoạt động trên một chiến trường hiện đại mà không có dữ liệu thực sự khó khăn. Tắc nghẽn dữ liệu “có thể làm máy bay bị mù và điếc rất nhanh và rất nguy hiểm, đặc biệt nếu đó là một chiếc máy bay phản lực bay với tốc độ 600 dặm một giờ bị mất GPS và radar”.
Bí mật chết chóc: Chiến tranh điện tử định hình cuộc chiến Nga-Ukraine
Một thiết bị không người lái Nga bị bắn hạ
Tất cả những điều đó giải thích sự bí mật xung quanh tác chiến điện tử.
James Stidham, một chuyên gia bảo mật truyền thông, người đã tư vấn cho Bộ An ninh Nội địa và Nhà nước Hoa Kỳ, cho biết: “Đây là một lĩnh vực được phân loại cực kỳ phức tạp vì nó phụ thuộc nhiều vào các công nghệ tiên tiến, nơi lợi ích thu được có thể bị sao chép và xóa rất nhanh.
Ukraine đã học được những bài học khắc nghiệt về chiến tranh điện tử vào năm 2014 và 2015, khi lực lượng của Nga áp đảo. Người Nga đã đánh bật máy bay không người lái khỏi bầu trời và vô hiệu hóa đầu đạn, thâm nhập mạng điện thoại di động để thực hiện nhiệm vụ tâm lý chiến và tấn công lớp bảo vệ Ukraine.
Trong cuộc chiến hiện nay, tác chiến điện tử đã trở thành một sân khấu kịch liệt của sự tranh chấp.
Nga đã gây nhiễu GPS ở các khu vực từ Phần Lan đến Biển Đen. Do đó, một hãng hàng không của Phần Lan đã phải hủy các chuyến bay trên một tuyến trong một tuần. Việc gây nhiễu của Nga cũng đã làm gián đoạn việc phát sóng truyền hình Ukraine.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu chiến tranh, việc sử dụng chiến tranh điện tử của Nga kém hiệu quả và quy mô hơn so với dự đoán. Điều đó có thể giải thích cho việc Nga không thể tiêu diệt đủ các đơn vị radar và phòng không Ukraine để giành ưu thế trên không. Các chuyên gia phương Tây cho rằng có thể Nga đã hạn chế sử dụng tác chiến điện tử ngay từ đầu cuộc xung đột vì lo ngại các kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản vận hành nó kém hiệu quả.
Bí mật chết chóc: Chiến tranh điện tử định hình cuộc chiến Nga-Ukraine
Các đoàn xe của tổ hợp Palantin thuộc một tiểu đoàn tác chiến điện tử riêng biệt của quân chủng liên hợp thuộc Quân khu phía Tây trong một cuộc tập trận đặc biệt tại khu huấn luyện Pogonovo, Nga.
Trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu cho biết: “Những gì chúng tôi đang biết được là người Nga đã tắt tính năng này vì nó can thiệp quá nhiều vào thông tin liên lạc của chính họ”. Rõ ràng có chuyện nhiều binh sĩ Nga nói chuyện trên các kênh vô tuyến mở không an toàn, dễ bị người ngoài theo dõi.
Bộ Quốc phòng Nga đã không đưa ra bình luận gì về vấn đề này.
Điện Kremlin tuyên bố có hơn 1.000 máy bay không người lái loại nhỏ, đa năng Orlan-10 mà nước này sử dụng để trinh sát, xác định mục tiêu, gây nhiễu và đánh chặn điện thoại di động. Các chuyên gia phương Tây nhận định, mỗi nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga, gồm khoảng 1.000 quân nhân, được trang bị một đơn vị tác chiến điện tử. Theo Lầu Năm Góc, Nga hiện có khoảng 110 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn ở Ukraine.
Mỹ và Anh cũng đang cung cấp thiết bị gây nhiễu. Nó giúp được Ukraine như thế nào là không rõ ràng. Không quốc gia nào cung cấp thông tin chi tiết. Hệ thống Starlink thì rõ ràng hơn. Hơn 2.200 vệ tinh quỹ đạo thấp cung cấp internet băng thông rộng cho hơn 150.000 trạm mặt đất của Ukraine. Việc cắt đứt những kết nối đó là một thách thức đối với Nga. Việc làm nhiễu các vệ tinh quỹ đạo trái đất thấp khó hơn nhiều so với các vệ tinh địa tĩnh. Musk đã giành được nhiều lời khen ngợi vì ít nhất đã tạm thời đánh bại việc Nga gây nhiễu các trạm mặt đất bằng một bản sửa lỗi phần mềm nhanh chóng.
Hiện vẫn chưa rõ các tài sản điện tử của Ukraine có thể mang lại bao nhiêu lợi thế. Tuy nhiên, rõ ràng trong chiến tranh hiện đại, tác chiến điện tử hoàn toàn có thể làm thay đổi cục diện chiến trường một cách ngoạn mục.

>> NATO nâng cấp viện trợ quân sự: Nga gửi 1 xe tăng, Mỹ sẽ tặng Ukraine 10 tên lửa

Nguồn: AP
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top