Biến chủng Omicron đã tấn công đến loài hươu, có nguy cơ lây nhiễm trở lại sang người trong tương lai

T
Nguyễn Thu Hà
Phản hồi: 0
Một nghiên cứu mới vừa được công bố trong tuần này đã phát hiện ra biến thể Omicron của coronavirus trên loài hươu đuôi trắng sống ở New York, đây là kết quả mới nhất cho thấy loài vật này đã thành vật chủ mang virus SARS-CoV-2. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này dường như đang có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai của virus cũng như giải thích cho tính chất dễ bị tổn thương của chúng ta đối với các biến thể virus mới.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy rằng loài hươu rất dễ bị lây nhiễm coronavirus. Chẳng hạn vào tháng 11 năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Đại học Penn State và các nơi khác đã báo cáo rằng có tới một phần ba số hươu sống tự do và bị nuôi nhốt ở Iowa mang dấu vết của virus từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện xét nghiệm máu và mẫu dịch mũi của những con hươu hoang dã sống trên đảo Staten đang bị trông giữ như một phần của chương trình triệt sản để kiểm soát quần thể. Các mẫu được thu thập từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022, và các nhà khoa học đã thực hiện các xét nghiệm kháng thể và RNA trên chúng.
Theo báo cáo, có khoảng 14,5% trong số 131 con hươu được lấy máu xét nghiệm dương tính với kháng thể coronavirus, cho thấy chúng đã bị nhiễm bệnh trước đó. Khoảng 10% trong số 68 con hươu được ngoáy mũi xét nghiệm dương tính với bệnh nhiễm trùng cấp tính. Khi nghiên cứu giải trình tự gen của những mẫu dương tính này, họ cũng phát hiện biến thể Omicron, biến chủng dễ lây truyền nhất của coronavirus mới xuất hiện.

Biến chủng Omicron đã tấn công đến loài hươu, có nguy cơ lây nhiễm trở lại sang người trong tương lai
Omicron được tìm thấy ở những con hươu này mang gen di truyền gần giống với các chủng Omicron được tìm thấy ở những cư dân của thành phố New York, và họ xác nhận rằng con người bằng cách nào đó là nguồn lây nhiễm bệnh cho hươu. Vẫn chưa có những khẳng định chắc chắn về nguyên nhân nhưng có khả năng là từ việc tiếp xúc trực tiếp qua cho ăn bằng tay hoặc tiếp xúc với nước thải hoặc thùng rác bị ô nhiễm. Ngoài ra có một con hươu trong số đó bị nhiễm bệnh có các kháng thể đang hoạt động rất mạnh, có thể thấy nó đã bị tái nhiễm.
Trong bài báo đã được công bố của mình, các nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ rằng: "Omicron có thể lây nhiễm bệnh cho hươu đuôi trắng và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc giám sát toàn diện các loài động vật nhạy cảm để xác định các mạng lưới lây truyền sinh thái và đánh giá tốt hơn các nguy cơ tiềm ẩn của phản ứng tràn sang người”.
Loài hươu dường như không gặp các bệnh tật do nhiễm trùng đặc trưng cho động vật, không giống với loài chồn. Tuy nhiên, sự lây nhiễm rộng rãi của virus được phát hiện ở động vật này là một dấu hiệu xấu bởi nhiều lý do. Loại virus trên người có thể đột biến và trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với hươu, thêm vào danh sách những bệnh truyền nhiễm trên động vật này. Virus có thể đột biến theo những cách mà chúng ta rất khó đoán trước hoặc tái tổ hợp với các coronavirus khác ở hươu, nai, hậu quả có thể là giúp nó trở nên miễn dịch tốt hơn hoặc nguy hiểm hơn khi truyền bệnh trở lại cho người.
Các dự đoán ở trên vẫn chưa có gì là chắc chắn bởi có rất nhiều coronavirus đã lưu hành và đột biến ở người. Một trong những lý do khiến cho các bệnh dạng như cúm được coi là mối đe dọa trở thành đại dịch là vì virus cúm có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh giữa các loài khác nhau. Đôi lúc, sự xáo trộn gen trong quá trình này cũng có thể tạo ra một dạng chủng cúm khác dễ lây hơn ở người và gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn so với bệnh cúm theo mùa thông thường. Nếu điều tương tự xảy ra với virus SARS-CoV-2 thì đó là rủi ro mà loài người phải đối mặt và cần phải theo dõi nhiều hơn về diễn biến của nó.
Vivek Kapur, tác giả nghiên cứu và là nhà vi sinh vật học thú y tại Đại học Penn State nói rằng: "Sự lây lan và phát triển của virus ở hươu tạo cơ hội cho chúng thích nghi và tiến hóa. Nhưng nó cũng có khả năng quay trở lại và ám ảnh chúng ta trong tương lai."
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top