Cá voi sát thủ xuất hiện ở biển Bắc Cực, nơi từng là tử địa của chúng

nhhgiap

Pearl
Bà Brynn Kimber, nhà nghiên cứu khoa học tại Đại học Washington, báo cáo đã ghi nhận những âm thanh lạ ở Bắc Cực, nghi ngờ là do cá voi sát thủ gây ra. Bà Kimber là người đã dành nhiều năm để tìm hiểu dữ liệu âm thanh được ghi lại ở vùng biển băng giá nằm phía bắc Alaska, Canada và Nga.
Cá voi sát thủ xuất hiện ở biển Bắc Cực, nơi từng là tử địa của chúng
Thông thường, họ chỉ nghe thấy âm thanh từ những loại động vật như cá voi Bowhead, kỳ lân biển cùng các loài động vật giáp xác khác. Tuy nhiên, một vài năm trước, họ bắt đầu nghe thấy một loại âm thanh rất đặc biệt. Theo miêu tả, nó giống như tiếng mèo kêu khi tức giận vì không được cho ăn. Tìm hiểu sâu hơn, đó không phải mèo, mà là cá voi sát thủ.
“Khi bắt đầu làm việc ở đây, người cố vấn đã nói với tôi rằng, sẽ không có cơ hội nào để thấy cá voi sát thủ ở khu vực này. Nhưng theo từng năm, chúng tôi lại nghe thấy càng nhiều tiếng kêu của cá voi sát thủ hơn. Điều đó khá bất thường”, bà nói.
Việc xuất hiện nhiều cá voi sát thủ ở vùng biển Bắc Cực cho thấy nơi đây đang thay đổi nhanh chóng. Khi băng biển rút đi, chúng mạo hiểm tới những vùng biển mà trước đây từng là tử địa, nhanh chóng học cách thích nghi và bắt đầu săn mồi. Sự thay đổi này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới chuỗi thức ăn bản địa.
Quan sát vệ tinh cho thấy băng ở biển Bắc Cực đã giảm đáng kể trong 4 thập kỷ.
“Khoảng 75% khối lượng băng đã biến mất chỉ trong 15 năm qua, lớp băng còn lại mỏng và chất lượng kém hơn nhiều”, Amy Willoughby, nhà sinh vật học động vật biển có vú thuộc Trung tâm Khoa học Thủy sản Alaska của NOAA, cho biết.
Chỉ cần sự xuất hiện của một kẻ ngoại lai là đủ để gây rối loạn sinh hoạt của toàn bộ sinh vật ở biển Bắc Cực. Điển hình như, buộc cá voi Bowhead phải đi xa hơn, tìm kiếm những tảng băng dày để trốn khỏi cá voi sát thủ.

Cá voi Bowhead, còn được gọi là cá voi Greenland, là loài cá voi có tấm sừng ở hàm (thay cho răng) dùng để lọc thức ăn từ nước biển. Cá voi sát thủ là kẻ thù tự nhiên của chúng.
Cá voi sát thủ xuất hiện ở biển Bắc Cực, nơi từng là tử địa của chúng
Mất băng, thay đổi nhiệt độ khí quyển cùng với nước ấm lên đã ảnh hưởng tới mọi cấp độ của hệ sinh thái Bắc Cực. Các loài động vật có vú, kích thước lớn như gấu Bắc Cực đã phải vật lộn để thích nghi với môi trường sống bị thu hẹp từng ngày. Còn loài tảo biển ở đáy chuỗi thức ăn lại không ngừng nở hoa, phát triển sớm và trở nên ngày càng phong phú.
Khí hậu cực đoan cũng làm thay đổi hành vi của nhiều loài động vật biển có vú. Cá voi sát thủ thường xuyên tấn công và ăn thịt cá voi Bowhead hơn. Các nhà khoa học và cộng đồng bản địa Bắc Cực đã ghi nhận số lượng lớn xác cá voi Bowhead ở vùng biển phía đông bắc Chukchi và phía tây Beaufort. Sau khi quan sát, họ nhận thấy chúng đều chết do bị cá voi sát thủ tấn công.
Nếu không chết do bị tấn công thì cũng là bởi một nguyên nhân liên quan đến cá voi sát thủ. Khi cá voi Bowhead cảm thấy bị đe dọa, chúng thường lẩn trốn vào sâu những lớp băng dày. Tuy nhiên, điều này lại khiến chúng gặp khó khăn trong việc hô hấp cũng như tìm kiếm thức ăn. Hai nguyên nhân trên dẫn đến nhiều cái chết của cá voi Bowhead con.
Theo bà Kimber, việc sụt giảm số lượng cá voi Bowhead sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi thức ăn toàn bộ khu vực: cá voi tấm sừng hàm (họ của cá voi Bowhead) là nguồn thức ăn quan trọng cho nhiều kẻ săn mồi tự nhiên ở biển Bắc Cực.

“Cá voi sát thủ thực sự rất thông minh. Chúng là loài tiêu thụ và phản ứng nhanh với biến đổi môi trường. Nếu nhận thấy khu vực săn mồi được mở rộng, chúng ngay lập tức di chuyển và tấn công những loài thích nghi chậm với biến đổi”, Cory Matthews, một nhà khoa học nghiên cứu về Khu vực Thủy sản và Đại dương ở Bắc Cực đến từ Canada, cho biết.
Ông nói thêm, phải mất thêm một thời gian nghiên cứu, quan sát nữa để nhận thấy rõ tầm ảnh hưởng của kẻ săn mồi nguy hiểm nhất hành tinh ở Bắc Cực.
Nguồn: The New York Times
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top