myle.vnreview
Writer
Curcumin là hoạt chất chính trong nghệ, có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh. Những tương tác này có thể làm tăng tác dụng phụ của các loại thuốc hoặc làm giảm hiệu quả điều trị...
Dưới đây là 8 loại thuốc khi dùng chung với nghệ dễ làm tăng tác dụng phụ:
1. Dùng chung thuốc điều trị ung thư với nghệ làm tăng tác dụng phụ
Curcumin là thành phần hoạt chất trong nghệ, có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, chất chống oxy hóa trong nghệ có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc hóa trị. Curcumin có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ, phân hủy và loại bỏ các loại thuốc hóa trị, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ.Do đó, bệnh nhân ung thư không nên tự ý sử dụng nghệ hoặc các sản phẩm chứa curcumin khi đang điều trị, trừ khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.

Curcumin, hoạt chất chính trong nghệ, có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh.
2. Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu (như warfarin, clopidogrel và aspirin) giúp điều trị hoặc ngăn ngừa các tình trạng như cục máu đông hoặc bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ và đau tim.Nghệ, đặc biệt là hoạt chất curcumin trong nghệ, có khả năng làm loãng máu nhẹ do đặc tính chống viêm và chống kết tập tiểu cầu. Khi sử dụng nghệ đồng thời với các loại thuốc chống đông máu như warfarin, aspirin hoặc clopidogrel, nguy cơ chảy máu có thể tăng cao, giảm khả năng đông máu của cơ thể. Do đó, người đang sử dụng thuốc chống đông máu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung nghệ hoặc các sản phẩm chứa curcumin vào chế độ ăn uống hoặc điều trị.
Nên đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu sau khi dùng nghệ xuất hiện các triệu chứng như ho ra máu, có máu trong nước tiểu hoặc phân, đau đầu dữ dội, chóng mặt và vết cắt không cầm máu.
3. Thuốc hạ đường huyết
Nghệ và curcumin có thể làm giảm lượng đường trong máu. Các triệu chứng hạ đường huyết bao gồm vã mồ hôi, choáng váng, run tay, lú lẫn, thậm chí ngất xỉu nếu không xử lý kịp thời. Vì vậy, người đang điều trị đái tháo đường bằng thuốc như glyburide, insulin và ozempic (semaglutide)… không nên tự ý sử dụng nghệ hoặc các chế phẩm chứa curcumin mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.4. Thuốc huyết áp amlodipine
Amlodipine là thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Curcumin - hoạt chất chính trong nghệ, cũng có thể làm hạ huyết áp nhẹ nhờ đặc tính giãn mạch và chống viêm. Do đó, nếu dùng nghệ chung với amlodipine có thể làm tăng hiệu lực của thuốc dẫn đến hạ huyết áp quá mức.Các tác dụng phụ bao gồm: Chóng mặt, nhịp tim không đều, đau ngực dữ dội và ngất xỉu. Vì vậy, những bệnh nhân đang uống thuốc amlodipine nên thận trọng khi dùng nghệ hoặc các sản phẩm chứa curcumin.
5. Estrogen
Lượng lớn nghệ có thể làm giảm tác dụng của liệu pháp thay thế hormone estrogen. Nghiên cứu cho thấy khi dùng cùng với estrogen, curcumin có thể làm thay đổi nồng độ estrogen trong máu. Điều này có thể làm giảm hiệu quả điều trị, thậm chí gây ra tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ các vấn đề về tuyến vú.Để tránh những tương tác này, những người đang dùng estrogen cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung các sản phẩm có nghệ.
6. Sulfasalazine
Sulfasalazine là một loại thuốc kháng viêm được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và bệnh viêm ruột. Nghiên cứu cho thấy dùng nghệ với sulfasalazine có thể làm tăng nồng độ thuốc trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc, tăng nguy cơ các tác dụng phụ như phát ban, đau dạ dày, đau ngực, suy nhược và co giật.7. Tacrolimus
Nghệ có thể làm tăng nồng độ tacrolimus, một loại thuốc ức chế miễn dịch dùng để ngăn ngừa đào thải ở những người đã ghép tim, thận, gan hoặc phổi. Việc dùng đồng thời dễ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ và tổn thương thận.Các tác dụng phụ nghiêm trọng được báo cáo liên quan đến tacrolimus bao gồm: Khó tiểu, khó thở, nhịp tim nhanh, co giật và chảy máu hoặc bầm tím bất thường.
8. Losartan
Losartan là thuốc điều trị tăng huyết áp, khi dùng chung với nghệ có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa của thuốc qua gan, làm giảm nồng độ thuốc trong máu, đồng thời tăng nguy cơ các tác dụng phụ như hạ huyết áp quá mức, chuột rút cơ, chóng mặt, khàn giọng, khó thở và đau ngực.Do đó, để đảm bảo việc bổ sung các sản phẩm chứa nghệ an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng; không nên tự ý dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với những người đang dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính hoặc có bệnh nền như đái tháo đường, huyết áp hoặc rối loạn đông máu...
Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu bất thường như dị ứng, đau bụng hoặc thay đổi huyết áp, cần ngưng dùng và báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.