Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã

Cuối tháng 5, một người đã liên lạc với Erica Miller để tìm cách cứu một chú chim đang bị ốm. Miller là một tình nguyện viên cứu trợ động vật hoang dã, nên điều này cũng không quá xa lạ với cô. Đến nay, Miller đã giải cứu thành công 1.794 cá thể động vật, phần lớn trong số đó là những chú chim, và kết quả đó là nhờ có sự hỗ trợ và những lời khuyên của những người làm công việc này từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng lần này thì khác.
Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã
Ảnh: Collin Buenerkemper/CNET

Không phải 1, 2 mà là hàng trăm​

“Tôi nhận cuộc gọi và đó là một chú chim giẻ cùi lam (blue jay) trưởng thành. Tôi không có con giẻ cùi lam trưởng thành nào ở đây nhưng chúng là loài chim rất khó ưa. Thành thật mà nói thì chúng rất là xấu tính, nhưng bạn không cần quá lo lắng đâu”, Miller giải thích.
Vài phút sau, cô tiếp tục nhận được một cuộc gọi khác cũng liên quan đến một chú chim giẻ cùi lam bị ốm. Miller cứ nghĩ rằng cuộc gọi thứ hai này là từ cùng một gia đình với cuộc gọi đầu, có thể là cả hai vợ chồng đều tìm cách trợ giúp cùng một chú chim. Tuy vậy, cả hai người đều xuất hiện trước cửa nhà của cô tại Dayton, Ohio và mỗi người đều mang theo một chú chim trên tay. Giẻ cùi lam là loài chim rất hoạt bát, lanh lợi, bộ lông của chúng có màu xanh dương nhạt và chúng có tập tính lãnh thổ cực kỳ cao. Cả hai chú chim được mang đến đều bị sưng mắt và yếu ớt đến mức gần như chết đói.
“Tôi nhìn chúng và nghĩ rằng ‘Điều này thật là lạ’”, Miller nhớ lại. Bốn ngày sau đó, cô nhận cứu chữa cho 7 con giẻ cùi lam khác. Mặc dù đã cố hết sức, nhưng tất cả đều qua đời sau từ 1 đến 2 ngày. Trong suốt 8 năm ******** nguyện viên cứu trợ động vật hoang dã, cô chưa từng gặp trường hợp nào như thế này.
Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều trường hợp tương tự được ghi nhận bị ốm nặng hoặc chết trên khắp miền Đông nước Mỹ như giẻ cùi lam, quạ, sáo, chim cổ đỏ và nhiều loài chim biết hót phổ biến khác. Tương tự hai chú chim được đưa đến chỗ Miller, các trường hợp còn lại đều có biểu hiện mắt khô, sưng to. Nhiều con còn có các hành vi thất thường và một số biểu hiện của vấn đề thần kinh. Tháng 6/2021, các cơ quan động vật hoang dã ghi nhận hàng trăm trường hợp tương tự trên khắp bang Washington và 10 tiểu bang, gồm Virginia, West Virginia, Maryland, Kentucky, Pennsylvania, New Jersey, Delaware, Indiana, Ohio và Florida.
Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã
Một chú chim giẻ cùi lam trưởng thành (Ảnh: Scott Martin)

Đi tìm nguyên nhân​

Các loài chim đã gặp phải nhiều vấn đề từ trước khi căn bệnh bí ẩn này được phát hiện. Kể từ năm 1970, tổng số lượng chim tại Bắc Mỹ đã giảm 30%, phần lớn là do mất môi trường sống. Hai phần ba loài chim tại Bắc Mỹ hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng, khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên do lượng khí thải carbon con người tạo ra. Mặc dù tổng số cá thể giảm, nhưng một số loài như đại bàng đầu trắng đang gia tăng số lượng nhờ những nỗ lực bảo tồn.
Chim đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái, thụ phấn cho các loại cây trồng mà con người cần để tồn tại và giúp điều tiết quần thể các loài côn trùng, cũng như những loài động vật khác. Chim cũng được xem là hệ thống cảnh báo sớm của con người, chúng báo hiệu cho chúng ta biết khi điều gì đó sắp đến.
“Người ta nói ‘đất lành chim đậu’ là có lý do của nó”, Nat Miller, giám đốc bảo tồn tại Great Lakes và Upper Mississippi Flyway, giải thích. “Chim thường báo hiệu cho biết điều gì đó tốt hoặc xấu trong môi trường của chúng ta, và ở nơi có quần thể chim khỏe mạnh, thì con người cũng sẽ khỏe mạnh”.
Đó là lý do vì sao các nhà khoa học rất lo ngại trước căn bệnh mới, chưa được biết đến này. Đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy căn bệnh này có thể lây lan sang các quần thể động vật khác hay nó có tính truyền nhiễm hay không. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo người dân tháo bỏ và làm sạch một cách cẩn thận các giá cho chim ăn để đề phòng.
Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã
Giá cho chim ăn thường được sử dụng để cung cấp thức ăn cho những loài chim hoang dã tại các khu dân cư (Ảnh: Photoplus Magazine/Getty Images)
Để ngăn chặn dịch bệnh, các nhà khoa học cần biết được căn bệnh đó là gì và nguồn bệnh từ đâu. Tuy vậy, mọi thứ dường như vẫn còn là một ẩn số. “Tôi nghĩ vấn đề hiện tại là chúng ta không có điểm nào nhất quán giữa các ca bệnh từ khắp mọi nơi để xác định nguồn bệnh”, Christine Casey, bác sĩ thú y tiểu bang về động vật hoang dã tại Cục Tài nguyên Cá và Động vật Hoang dã Kentucky, cho biết.
Cô kêu gọi người dân nên kiên nhẫn chờ đợi các nhà khoa học điều tra, nhưng cô cũng không quá hy vọng điều gì. “Chúng ta chưa từng thành công trong việc loại trừ một dịch bệnh trong quần thể động vật hoang dã. Trong cái cách mà thế giới này được sắp đặt, chúng ta không giỏi trong việc xóa bỏ bệnh tật”, Casey nói thêm.

Xương xốp

Tổ tiên của các loài chim hiện đại xuất hiện từ 65 triệu năm trước, và loài chim cũng có quá trình tiến hóa cùng với loài khủng long. Archaeopteryx là loài khủng long nhỏ, có lông, có răng, được nhiều người xem là “loài chim đầu tiên”. Archaeopteryx bay một cách vụng về khoảng 150 triệu năm trước, vào cuối kỷ Jura, cùng thời điểm loài khủng long Stegosaurus, là loài có gai nhọn và di chuyển chậm, còn tồn tại.
Ngày nay, có khoảng 50 tỷ cá thể chim sinh sống trên 7 lục địa. Không phải tất cả chúng đều có thể bay, nhưng chúng đều có cánh, lông vũ và có một hệ hô hấp độc nhất với các túi khí bên cạnh phổi và xương xốp.
Tất cả những đặc điểm đó giúp chim có thể bay được, nhưng chúng còn cần nhiều thứ khác nữa. Lông vũ và cánh không thấm nước và giúp cách nhiệt để các loài chim chống chịu khi điều kiện thời tiết thay đổi, và hệ hô hấp giúp chúng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Thông thường, loài chim không được chuẩn bị đầy đủ để có thể di chuyển và sinh tồn trong nhiều kiểu thời tiết và môi trường khác nhau. Bên cạnh đó, việc môi trường sống của chúng ngày càng thu hẹp và khủng hoảng khí hậu đang khiến việc sinh tồn của các loài chim ngày càng khó khăn hơn.
Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã
Một chú chim cổ đỏ trưởng thành đang ăn quả mọng (Ảnh: Phòng Động vật hoang dã Ohio)
Nat Miller cho biết hơn 75% cá thể chim trưởng thành chết trong các cuộc di cư. “Hầu hết các loài chim ở Bắc Mỹ di cư hai lần mỗi năm, một số di chuyển với quãng đường rất dài và thời điểm di cư dựa trên quá trình tiến hóa”. Miller cho biết qua nhiều năm, các loài chim đã học cách di cư khi một số hạt giống đến mùa hoặc khi côn trùng bắt đầu sinh sôi. Khi môi trường sống của chúng biến mất hoặc bị tán phá, “đồng hồ” của chúng bị vô hiệu và khiến các loài chim lâm vào nguy hiểm.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy có sự gia tăng các loại bệnh trong động vật hoang dã. Laura Kearns, nhà sinh vật học động vật hoang dã tại Phòng Động vật hoang dã thuộc Sở Tài nguyên Thiên nhiên bang Ohio, cho rằng điều này có thể liên quan đến biến đổi khí hậu.
“Dường như những căn bệnh mới ở động vật hoang dã xuất hiện ngày càng nhiều, ở cả những loài động vật khác chứ không riêng loài chim, và điều này có phần đáng sợ”, cô cho biết. “Vấn đề biến đổi khí hậu khi Trái Đất nóng lên có rất nhiều hệ lụy, nó cũng ấp ủ và nuôi dưỡng những căn bệnh mới”. Nó làm thay đổi nơi động vật hướng đến và cách chúng tương tác với môi trường. Sự thay đổi này có thể khiến bệnh dịch lây lan đến những vùng đất khác.
Những căn bệnh mới ở động vật hoang dã thường xuất hiện mỗi thập kỷ một lần, “nhưng con số thống kê này có lẽ đã thay đổi”, Kearns giải thích.
Cô nhớ lại thời điểm xuất hiện virus West Nile, một dịch bệnh do muỗi truyền sang chim và xuất hiện lần đầu ở Mỹ năm 1999. Kearns gọi đợt bùng phát đầu tiên của virus này “tương tự” với những gì chúng ta đang chứng kiến ở căn bệnh mới. “[Đó là] một tình huống tương tự [với] những chú chim được manga đến. Bạn không thể làm gì để điều trị cho chúng. Và bạn nhìn vào dữ liệu theo dõi dài hạn với những loài chim cụ thể, bạn có thể thấy sự sụt giảm”. Sau hơn 20 năm, virus West Nile vẫn còn đó.
Năm 2015, một loại cúm gia cầm độc lực cao được tìm thấy tại Mỹ, nó lây nhiễm cho cả những loài chim hoang dã và gia cầm chăn nuôi. Bryan Richards, nhà sinh vật học động vật hoang dã và là điều phối viên các bệnh mới nổi tại Trung tâm Sức khỏe Động vật Hoang dã Quốc gia thuộc Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, cho biết đã có hơn 60 triệu con gà đã bị xử lý trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và gây thiệt hại hơn 3 tỷ USD.
Richard cho biết bên cạnh hậu quả về mặt sinh thái khi mất đi hàng trăm cá thể chim biết hót, mối nguy hại lớn hơn từ căn bệnh là khả năng lây lan sang các loài gia cầm chăn nuôi – và hậu quả là thiệt hại kinh tế - là những lý do đủ để chúng ta theo dõi và nắm rõ loại bệnh mới này ở gia cầm. “Mầm bệnh luôn có khả năng lây lan sang động vật chăn nuôi hoặc vật nuôi trong gia đình”.

‘Bird ick’

Các nhà khoa học hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu trong quá trình xác định căn bệnh đang giết chết những chú chim giẻ cùi lam và những loài chim khác. “Tôi chỉ gọi nó là ‘bird ick’, nghe chẳng có gì là khoa học cả”, Stormy Gibson, giám đốc điều hành lâm thời tại Trung tâm Động vật Hoang dã Ohio, cho biết. Gibson và nhóm cứu trợ động vật hoang dã của cô đã nhận rất nhiều báo cáo về căn bệnh mới. Trong mùa hè, có thời điểm, họ nhận “ít nhất” 50 đến 60 cuộc gọi mỗi ngày từ những người tìm thấy những chú chim bị ốm hay đã chết, hoặc hỏi về cách xử lý giá cho chim ăn của họ.
Tương tự Erica Miller, hằng năm, Trung tâm Động vật Hoang dã Ohio cũng chăm sóc rất nhiều cá thể động vật bị thương hoặc bị ốm. Gibson cho biết họ gặp nhiều nhất là thỏ, kế đến là chim. Cô cũng gửi một vài cá thể đến phòng thí nghiệm chẩn đoán để thực hiện một số xét nghiệm sâu hơn, và gần đây nhất là những chú chim.
Chúng được gửi trong hộp đựng chuyên dụng trong phòng ngừa nguy hại sinh học, Gibson giải thích. “Khi tôi giao nó cho người bên UPS, anh ấy hỏi ‘Chuyện gì vậy?’, tôi đáp rằng ‘Đã có rất nhiều con chim bị chết và chúng tôi vẫn chưa biết điều gì đang xảy ra’. Và anh ta trả lời rằng ‘Hy vọng nó không phải COVID’”.
Gibson cho rằng dịch COVID-19 đã giúp người dân hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của virus biến chủng. “Vì vậy, khi anh ta nói đùa về điều đó, thật tâm tôi đã nghĩ rằng ‘Thật sự mong nó không phải COVID của loài chim’”.
Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã
Bird ick (Ảnh: Stormy Gibson)
Một số bệnh đã biết được loại trừ như COVID-19, West Nile và cúm gia cầm, cùng nhiều loại bệnh phổ biến khác. Tuy nhiên, việc tìm ra căn bệnh không hề dễ dàng như việc xác định nó.
“Hệ sinh thái bệnh dịch có một sự phức tạp mà con người chưa thể hiểu hết được”, Casey cho biết.
Phòng chẩn đoán có thể sử dụng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để xác định loại virus gây bệnh, tuy nhiên họ chỉ có thể áp dụng đối với những căn bệnh đã biết. Xét nghiệm PCR hiện cũng được sử dụng để xác định người nhiễm virus COVID-19, HIV và một số loại bệnh khác ở người. “Nhưng nếu đó là một căn bệnh mới, nếu chủng này chưa từng được con người tìm ra, hoặc chúng ta đã biết đến nó nhưng chưa từng ghi nhận ở loài chim, chúng ta sẽ không thể biết được cách tìm ra chúng”, Casey giải thích.
Casey cho rằng nguyên nhân gây bệnh không phải do ký sinh trùng hay nấm, vì những loại vi sinh vật này dễ dàng tìm thấy bằng kính hiển vi. Vi khuẩn nhỏ hơn và khó nhìn thấy hơn, vì vậy các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nâng cấp công nghệ của mình. Hiện tại, các nhà khoa học chờ kinh hiển vi điện tử mới cho phép họ có thể nhìn thấy được nhiều thứ hơn so với những thiết bị thông thường.
Các nhà khoa học đang làm việc cật lực để xác định nguyên nhân gây tử vong ở những loài chim này, nhưng tốc độ xét nghiệm và khả năng tiếp cận trang thiết bị công nghệ cao đều phụ thuộc vào nguồn tiền. “Khoa học không thể nhanh được. Trừ khi bạn có rất nhiều tiền. Mà tôi tin rằng đó là thứ mà thế giới hoang dã không có”, Casey cho biết.

Những loài chim phổ biến

Cho đến nay, những chú chim bị mắc bệnh đều thuộc những loài thường gặp, là những loài chim bạn có thể bắt gặp trong sân vườn hay trên đường phố ở bất cứ đâu. Bởi vì số lượng cá thể của những loài này rất lớn nên không hẳn toàn bộ loài chim biết hót sẽ bị xóa sổ ngay lập tức, Nat Miller cho biết. Có một tin tốt là số trường hợp mắc mới của căn bệnh bí ẩn này đã giảm dần từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng căn bệnh này sẽ tái xuất hiện và có thể gây ảnh hưởng đến quần thể chim về lâu dài.
Trong công tác bảo tồn chim, có một câu thần chú rằng “Hãy giữ những loài chim phổ thông còn phổ thông”, Kearns nói. “Vì vậy, khi thứ gì đó mới xuất hiện lần đầu, như bùng phát dịch bệnh chẳng hạn, có rất nhiều vấn đề lo ngại”. Điển hình loài bồ câu viễn khách, trước đây từng là một loài chim phổ biến, có số lượng lên đến vài triệu, đã bị tuyệt chủng từ năm 1914. “Ngày nay điều này vẫn còn xảy ra”, cô nói thêm.
Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã
Quạ là loài chim có lông màu đen khá phổ biến ở Bắc Mỹ (Ảnh: Phòng Động vật Hoang dã Ohio)
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tìm cách xác định nguồn bệnh. Theo đó, có một giả thiết cho rằng có sự liên quan giữa nạn ve sầu Brood X và căn bệnh lạ ở chim. Dù thời gian có sự trùng hợp, tuy vậy, ở một số bang không có sự xuất hiện của ve sầu vẫn ghi nhận có ca mắc bệnh. Và cũng có những bang có sự xuất hiện một lượng lớn ve sầu nhưng lại không ghi nhận bất kỳ ca bệnh nào ở loài chim.
Stormy Gibson lo ngại rằng dịch bệnh sẽ tái bùng phát ngay sau mùa thu năm nay, khi các loài chim ở phía Bắc, nơi có dịch bệnh, bắt đầu di cư về phía Nam và tiếp xúc với các loài chim ở khu vực chưa có dịch.
“Một khi [dịch bệnh mới] xuất hiện, thì tôi phải đối phó với việc phát hiện sớm, khoanh vùng và quản lý. Bất cứ khi nào một căn bệnh xuất hiện ở động vật hoang xã, nó sẽ trở thành dịch bệnh và hầu như không thể loại trừ được”, Casey cho biết.
Bất kỳ ai làm nghiên cứu sẽ đều cảm thấy thất vọng. Với Casey, nguyên nhân là vì các cơ quan động vật hoang dã không có đủ kinh phí, việc xét nghiệm mất nhiều thời gian và thiếu cơ sở dữ liệu để nắm được dư lượng độc tố được xem “bình thường” ở loài chim là bao nhiêu. “Bạn thử đoán xem có bao nhiêu nghiên cứu đã được thực hiện về dư lượng thuốc trừ sâu bình thường ở loài chim? Một con số không. Vì vậy chúng ta không thể biết được cách diễn giải [kết quả xét nghiệm]”, cô nói.
Những người đam mê các loài chim cũng cảm thấy thất vọng. Họ muốn đặt giá cho chim ăn trở lại. Ở một số bang, như Kentucky, Pennsylvania và Maryland, đã đưa ra một số hướng dẫn chính thức về việc đặt lại giá cho chim ăn bên ngoài. Tại Ohio và một số bang khác vẫn khuyến cáo người dân không treo giá cho chim ăn.
“Tôi biết nhiều người mong muốn nhanh chóng có câu trả lời, nhưng rất tiếc là không thể, đặc biệt là với một mầm bệnh mới, hay một căn bệnh mới, vấn đề nguồn bệnh có thể là một vấn đề đa yếu tố”, Casey giải thích. “Có thể không chỉ có một mầm bệnh”.

Nhà khoa học điên

Với Erica Miller, cô tình nguyện viên cứu trợ động vật hoang dã, mục tiêu cứu chữa những chú chim trở nên quan trọng hơn hết. Cùng thời điểm chồng của cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn bốn khoảng 8 năm trước, cặp đôi đã tìm thấy một con gấu mèo mô côi và quyết định chăm sóc nó. Từ đó, chú gấu mèo đã trở thành một thành viên của gia đình cô. Chú gấu mèo bơi cùng họ trong bể bơi, đi lại tự do trong nhà và ngủ cùng chồng cô sau khi anh điều trị bệnh ung thư.
“Đó thực sự là một điều gì đó rất đẹp trong khoảng thời gian tồi tệ nhất”, cô nói. Chồng của Miller đã vượt qua căn bệnh ung thư và cô quyết định “đền đáp” bằng cách trở thành một tình nguyện viên cứu trợ động vật hoang dã được cấp phép.
Miller là người duy nhất mà tôi được gặp đã nỗ lực cứu chữa cho những chú chim ốm yếu. “Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều sẽ từ bỏ, bạn biết đấy, họ chỉ mang chúng về nhưng không thực sự chữa trị gì cả bởi vì chúng sẽ chỉ phí phạm thuốc men”, cô giải thích. “Chúng tôi không được trả tiền để làm những việc này, vì vậy mọi biện pháp chữa trị đều do bạn tự chi trả. Bạn sẽ phải tự mua tất cả số thuốc này, vì vậy bạn sẽ không muốn phung phí tiền vào một cá thể nào đó không thể sống nổi”.
Căn bệnh không tên bí ẩn giết chết hàng trăm chú chim hoang dã
Một chú chim giẻ cùi lam non đang đậu trên cành (Ảnh: Phòng Động vật Hoang dã Ohio)
Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực xác định nguyên nhân gây ra căn bệnh bí ẩn, Miller đã tự tìm cách chữa trị cho những chú chim. “Tôi làm một cái biểu đồ như một nhà khoa học điên vậy, và viết ra đó từng loài chim, cách điều trị tôi đã thực hiện và kết quả là gì”, cô nói. Miller trước đây là một y tá trong phòng hồi sức tích cực ở bệnh viện, do đó cô có cách tiếp cận rất kiên trì và có hệ thống. Cô cho biết mình sẵn sàng thử bất kỳ điều gì – như những phương pháp hay cách điều trị khác nhau – miễn là không gây hại cho động vật.
Kết quả là cô đã chữa trị thành công một vài cá thể bằng cách sử dụng kết hợp một loại thuốc kháng sinh tên enrofloxacin – “Là loại thuốc tôi dùng khi mọi thứ khác đều không có tác dụng” – và thuốc mỡ Neo-Poly-Bac để chữa trị cho đôi mắt bị nhiễm trùng. Cô đã có thể trả về tự nhiên 11 cá thể chim sáo non và một số cá thể khác bị bệnh.
Cô đã báo cáo lại phát hiện của mình cho Phòng Động vật Hoang dã, bao gồm cả những thông tin về loại thuốc có và không có hiệu quả. Kearns, nhà sinh vật học tại đây, đã chuyển dữ liệu của Miller đến Trung tâm Sức khỏe Động vật Hoang dã Quốc gia (USGS). “Đáng tiếc là tôi không biết rõ mức độ thành công của những người khác với phương pháp điều trị này, hay những phương pháp mà họ đã thử qua”, Kearns cho biết.
Miller cũng chia sẻ kết quả tìm tòi của cô với những người cứu trợ động vật hoang dã khác và biết được rằng có ít nhất một người khác có thể trả một vài chú chim về tự nhiên sau khi chữa trị bằng hỗn hợp thuốc nói trên.
Mặc dù căn bệnh này vẫn chưa được đặt tên, nhưng những nỗ lực của Miller đã cho thấy “bird ick” không hẳn là một án tử hình. Ngay cả khi các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra nguồn bệnh, căn bệnh này vẫn có thể chữa trị được.
Và những chú chim biết hót sẽ vẫn còn cất tiếng hót.
Theo CNET
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top