Câu chuyện kỳ lạ về con mèo duy nhất du hành vào không gian

Hàng ngàn con vật đã được đưa lên quỹ đạo Trái đất kể từ khi loài người bắt đầu bước vào kỷ nguyên chinh phục vũ trụ. Nhưng riêng loài mèo thì sao? Trước khi những phi hành gia đầu tiên đặt chân vào không gian, các loài động vật đã được giới khoa học sử dụng để tìm hiểu khả năng sinh tồn của các thực thể sống nói chung trước những tác động mà quá trình du hành vũ trụ gây ra. Chúng còn là vật mẫu nhằm đánh giá các tiến trình sinh học và hiệu ứng của môi trường vi trọng lực lên sinh vật sống. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Liên bang Soviet, đã đưa động vật vào không gian, chủ yếu là chó, một số loài gặm nhấm, linh trưởng, cá, ếch, nhện, và côn trùng. Vậy loài mèo đã từng du hành vũ trụ chưa?

Con mèo đầu tiên vào không gian

Cho đến ngày nay, chỉ có duy nhất một con mèo từng bay lên vũ trụ - một cô mèo tên Felicette, được phóng lên quỹ đạo vào năm 1963 trong khuôn khổ một chương trình không gian của Pháp. Felicette - một con mèo hoang được các nhà khoa học đưa về từ những con phố Paris hoa lệ - là một trong 14 con mèo chọn ra bởi tổ chức Centre d’Enseignement et de Recherches de Medicine Aeronutique (CERMA) để tham gia khóa huấn luyện chuẩn bị vào không gian.
Câu chuyện kỳ lạ về con mèo duy nhất du hành vào không gian
Cô mèo đầu tiên bay vào không gian - Felicette Khóa huấn luyện này trên thực tế bao gồm một vài bài kiểm tra trong máy quay ly tâm và phần lớn thời gian còn lại nhằm giúp những con mèo làm quen với trang phục bay chật chội. Mèo tham gia chương trình được cấy ghép và gắn điện cực vĩnh viễn. “Đây là lần đầu nước Pháp bước vào cuộc đua vũ trụ, biến họ thành quốc gia thứ 3 thành lập cơ quan vũ trụ dân dụng” - theo Keith Crisman, giáo sư khoa Nghiên cứu vũ trụ thuộc Đại học Bắc Dakota.

Tại sao phải đưa mèo vào không gian?

Mục đích chính của việc sử dụng mèo vào thời điểm đó là bởi không ai thực sự biết vi trọng lực sẽ gây ảnh hưởng ra sao đến các sinh vật phức tạp như loài người. “Nếu mèo sống sót, có thể người cũng vậy” - Crisman nói. “Những con mèo đó được huấn luyện trong những tình huống khắc nghiệt, bao gồm mặc trang phục nén ngăn chuyển động và thậm chí là đưa vào máy ly tâm gia tốc cao. Chưa hết, còn có rất nhiều bài kiểm tra xâm lấn nữa” Các nhà khoa học Pháp cuối cùng đã chọn ra 6 con mèo trong nhóm 14 con ban đầu, dựa trên hành vi trong quá trình huấn luyện và thái độ tổng quan. Felicette được “chọn mặt gửi vàng” nhờ sự điềm tĩnh và cân nặng phù hợp. Trước đó, Felicette chưa có tên, được gọi đơn giản bằng mã số C341. Một con mèo dự phòng, cũng không có tên, được chọn để tiếp tục trong trường hợp Felicette gặp rắc rối. Vào ngày 18/10/1963, Felicette được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Veronique AG1, từ bãi phóng ở Algeria nằm trong sa mạc Sahara. Trong suốt hành trình kéo dài chưa đến 15 phút, cô mèo này đã lên đến độ cao gần 100 dặm, và được chớp nhoáng trải nghiệm tình trạng phi trọng lực. Nó may mắn sống sót sau chuyến đi, khi buồng thoát hiểm tách thành công khỏi tên lửa và hạ cánh an toàn xuống mặt đất. Ron Doel, phó giáo sư lịch sử tại Đại học bang Florida, cho biết ý tưởng đằng sau việc đưa động vật lên không gian vào giữa thế kỷ 20 là nhằm tìm hiểu khả năng thích ứng với môi trường mới của con người. “Một trong những thử nghiệm ban đầu là, liệu cá có biết cách bơi theo một đường thẳng trong môi trường phi trọng lực không? Đó vừa là một câu hỏi nghiên cứu cơ bản, vừa là điều các nhà khoa học muốn xem - liệu cá hay các loài động vật khác sẽ định hướng tốt ra sao trong môi trường không gian?” - Doel nói. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn quan tâm về những vấn đề như sự phơi nhiễm bức xạ trên quỹ đạo Trái đất thấp và những hiệu ứng nó gây ra cho cơ thể.

Các nhà khoa học rút ra điều gì từ việc đưa mèo vào không gian?

Trong quá trình huấn luyện những con mèo Pháp, các điện cực đã được cấy vào não chúng để các nhà nghiên cứu có thể giám sát hoạt động thần kinh. Để tránh vấn đề xảy ra với các điện cực, hoạt động huấn luyện được rút ngắn xuống chỉ còn vài tháng mà thôi. “Một số điện cực được thiết lập để giám sát hoạt động thần kinh thông qua việc đặt chúng lên nhiều vị trí khác nhau của hộp sọ và trong xoang trước, một số được đặt ở chân sau để giám sát nhịp tim, và hai điện cực được đặt ở chân trước để kích thích xung điện, gây phản ứng ở mèo” - Crisman nói. Nhịp thở của Felicette được giám sát bởi một microphone gắn trên ngực và trong phần chóp nhọn của tên lửa. Cô mèo này đã sống khoảng 5 phút trong môi trường phi trọng lực, nhưng đã chịu lực G 9.5gs lúc cất cánh và 7gs lúc hạ cánh. “Để dễ so sánh, các phi hành gia tàu con thoi chịu lực G khoảng 3gs và xấp xỉ 4gs với phi các phi hành gia tàu SpaceX Dragon, tương tự như các phi hành gia trên Sao Thổ V” - Crisman nói. Dữ liệu mà các nhà nghiên cứu thu thập được cho thấy cô mèo bị tăng nhịp tim và tần suất hô hấp trong quá trình cất cánh và hạ cánh, nhưng trở lại bình thường trong môi trường vi trọng lực. Dù sống sót sau hành trình đáng nhớ, Felicette đã bị giết hại hai tháng sau đó, để các nhà khoa học có thể tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về bộ não của cô.

Đã có bao nhiêu con mèo vào không gian?

Dù Felicette là con mèo duy nhất từng bay vào không gian, người Pháp quả thật có ý định thử một lần nữa với con mèo dự phòng. Ngày 24/10/1963, con mèo thứ hai được phóng lên quỹ đạo, nhưng tên lửa gặp trục trặc cơ khí và nổ tung, khiến cô mèo xấu số không còn cơ hội nào. “Cô mèo không lên được vũ trụ, và do bị thương cũng như tốn quá nhiều thời gian để đến được chỗ nó, đã qua đời trong phần chóp nhọn bị hư hại nặng nề của tên lửa” - Crisman nói. Tất cả những con mèo còn lại, trừ một con có phản ứng với điện cực, đã bị “xử lý” khi chương trình kết thúc. Con mèo may mắn này về sau trở thành biểu tượng cho nhóm nghiên cứu. Vào thập niên 1940, một số con mèo được sử dụng bởi Không quân Mỹ trong chương trình nghiên cứu vũ trụ của họ. Nhưng chúng không bao giờ được đưa vào không gian, mà thay vào đó là tham gia vào các bài kiểm tra di chuyển trong môi trường vi trọng lực (mèo được đưa lên những chuyến bay hình parabol để các nhà khoa học quan sát cách chúng di chuyển trong môi trường vi trọng lực giả lập). “Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết liệu con người có thể di chuyển trong vi trọng lực hay không - có người còn lo sợ đôi mắt của các phi hành gia có thể…rơi ra ngoài nữa. Do đó câu trả lời là cho mèo thử trước trong những chuyến bay hình parabol” - Crisman nói. Câu chuyện về Felicette đã bị lấn át bởi những loài động vật khác, như Laika - một chú chó Soviet, con vật đầu tiên lên quỹ đạo Trái đất vào năm 1957. “May thay, Felicette cuối cùng cũng được tạc tượng tưởng nhớ - bức tượng hình cô mèo đang ngước nhìn bầu trời” - Crisman nói. Mới đây, sau một chiến dịch gọi vốn thành công trên Kickstarter, người ta đã đúc một bức tượng bằng đồng về cô mèo này vào năm 2019 và đặt nó tại Đại học Vũ trụ Quốc tế ở Strasbourg, Pháp. Tham khảo: Newsweek >> Oan không cơ chứ! Viện khoa học Ba Lan coi mèo là “loài ngoại lai xâm lấn”
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top