Chân dung người phụ nữ đứng sau "cơn bão AI" ChatGPT đang rầm rộ khắp cõi mạng

ChatGPT thời gian qua đã thực sự khuấy đảo internet sau khi ra mắt hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Dù bị đưa vào danh sách đen của một số tổ chức, thành công bất ngờ của AI này vẫn thuyết phục được Microsoft tiếp tục mạnh tay đầu tư 10 tỷ USD vào công ty đứng sau nó là OpenAI, trong khi khiến Google lo sợ đến mức ban hành “báo động đỏ” và hối thúc nhân viên đẩy nhanh tiến độ một loạt dự án AI mới.
Với năng lực “vô tiền khoáng hậu”, ChatGPT thậm chí đậu cả kỳ thi cấp giấy hành nghề y khoa tại Mỹ, kỳ thi MBA vào Trường Kinh doanh Wharton, và 4 kỳ thi khác vào các đại học luật danh giá tại Mỹ.
Trong tháng 1 năm nay, ChatGPT đã vượt mặt Bitcoin trong bảng xếp hạng các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, theo số liệu từ Google Trends. Mọi sự chú ý đổ dồn vào startup đến từ San Francisco, với 375 nhân viên và nguồn doanh thu khá hạn chế, giúp mức định giá của họ nhảy vọt lên gần 30 tỷ USD.
Nhưng ít ai biết, đằng sau ChatGPT là một nữ nhân tài năng trong ngành công nghệ có tên Mira Murati.
Sinh ra tại San Francisco, tốt nghiệp Đại học Dartmouth Hanover, Mira Murati sở hữu bảng thành tích tương đối “dữ dằn”: từng làm trợ giảng tại Trường Kỹ thuật Thayer thuộc Đại học Dartmouth, chuyên viên phân tích cho Goldman Sachs chi nhánh Tokyo, kỹ sư cho Zodiac Aerospace, quản lý sản phẩm cấp cao cho Tesla (chịu trách nhiệm sản xuất xe Model X), Phó Chủ tịch sản xuất và kỹ thuật cho Leap Motion, Phó Chủ tịch bộ phận trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho OpenAI. Từ tháng 5/2022, cô đảm nhận vị trí Giám đốc công nghệ (CTO) của OpenAI, dẫn dắt nhóm phát triển ChatGPT và DALL-E - một AI tạo tranh vẽ dựa trên văn bản cũng nổi tiếng không kém.
Chân dung người phụ nữ đứng sau cơn bão AI ChatGPT đang rầm rộ khắp cõi mạng
Mira Murati, CTO của OpenAI
Giống như mọi cuộc cách mạng khác chúng ta từng trải qua, sẽ có nhiều công việc mới, và một số công việc hiện nay sẽ biến mất…” - Murati nói hồi mùa thu năm ngoái về tác động của AI. “Nhưng tôi rất lạc quan”.
Mọi công nghệ chấn động đều được tạo ra để giải quyết một vấn đề nào đó. Đối với ChatGPT, Murati cho biết nó có tiềm năng thay đổi hoàn toàn cách chúng ta học hỏi - cụ thể hơn là cá nhân hóa hoạt động giáo dục. Thử tưởng tượng một lớp học với 30 người dù có hoàn cảnh khác nhau, cách học khác nhau, nhưng sử dụng cùng một thời khóa biểu. Với những công cụ như ChatGPT, chúng ta có thể thảo luận không giới hạn với mô hình AI để hiểu được một khái niệm bất kỳ, được diễn giải theo cách phù hợp với mức độ hiểu biết của từng người.
Là người trực tiếp phụ trách tạo ra ChatGPT, bên cạnh mặt mạnh, Murati hiển nhiên thấy được điểm yếu của “đứa con tinh thần”. Khi được tạp chí TIME phỏng vấn về những hạn chế cũng như thách thức gặp phải trong quá trình phát triển ChatGPT, Murati nói rằng, giống như mọi mô hình ngôn ngữ được huấn luyện để dự đoán từ tiếp theo khác, ChatGPT đôi lúc có thể “chế cháo” thông tin để cung cấp cho người dùng và theo một cách cực kỳ tự tin đến nỗi chúng ta khó lòng biết được AI này đang “xạo” hay đưa ra nội dung đã được kiểm chứng.
Theo Murati, đó là lý do nhóm phát triển chọn sử dụng hình thức hội thoại khi đặt câu hỏi cho ChatGPT, bởi nó cho phép bạn tương tác với mô hình và phản hồi lại câu trả lời của nó. Ví dụ, nếu bạn cho rằng câu trả lời ChatGPT đưa ra là không đúng, chỉ cần hỏi lại nó “có chắc không?”, “tôi nghĩ là phải thế này…”, và AI sẽ trao đổi kỹ hơn với bạn như cách hai con người thảo luận với nhau vậy.
Cô cũng khẳng định rằng, AI cần được quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền.
AI có thể bị sử dụng sai mục đích, hoặc có thể bị lợi dụng bởi kẻ xấu. Do đó phải đặt ra những câu hỏi rằng làm cách nào chúng ta có thể quản lý việc sử dụng công nghệ này trên toàn cầu? Làm sao chúng ta đánh giá việc sử dụng AI có phù hợp với các giá trị con người không?
Dù tin rằng OpenAI và các công ty công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phổ cập kiến thức về AI đến công chúng, nhưng chỉ như vậy là chưa đủ. Để một AI hoạt động hiệu quả và đáp ứng tốt mọi yêu cầu đặt ra, hệ thống cần rất nhiều dữ liệu vượt ngoài phạm vi công nghệ đơn thuần - và quản lý AI chắc chắn cần sự ra tay của các cơ quan thẩm quyền, chính phủ các nước, cũng như tất cả mọi người khác. Và xét những tác động to lớn mà công nghệ này sẽ mang lại, điều đó cần được thực hiện ngay, thay vì lo sợ sự can dự của chính phủ có thể kìm hãm đà phát triển của AI.
Tham khảo: TIME
>> ChatGPT đã khởi động cuộc đua AI như thế nào?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top