“Chi tiết” làm mình bất ngờ khi trải nghiệm máy giặt sấy ở Việt Nam

Thanh Phong

Editor
Thành viên BQT
Máy giặt tích hợp chức năng sấy hiện nay là sản phẩm khá phổ biến trên thị trường. Các hãng lớn như Electrolux, LG, Samsung và Panasonic đều bán ra các sản phẩm máy giặt sấy ở thị trường Việt Nam.

Trong đó, hầu hết máy giặt sấy bán chính hãng ở Việt Nam sử dụng công nghệ sấy ngưng tụ. Rất ít hãng tích hợp công nghệ sấy bơm nhiệt vào các máy giặt sấy do chi phí đắt đỏ. Bản thân các máy sấy bơm nhiệt độc lập trên thị trường hiện nay đã có giá ngang ngửa một chiếc máy giặt lồng ngang cao cấp rồi. Vì vậy, tích hợp công nghệ sấy bơm nhiệt vào trong máy giặt sấy sẽ bị đội giá sản phẩm rất cao.

Điều này có thể thấy rõ rệt trên chiếc máy giặt sấy đầu tiên sử dụng công nghệ sấy bơm nhiệt của Samsung vừa mở bán ở Việt Nam. Đó là mẫu máy giặt sấy Bespoke AI Combo có khối lượng giặt và sấy rất lớn (25kg với giặt và 15kg với sấy) và giá bán cũng cực kỳ cao tới 76 triệu đồng.

Máy giặt sấy tích hợp có một ưu thế nổi bật là sự tiện lợi: máy có chức năng sấy khô quần áo sau khi giặt, không cần phải phơi hay làm thêm bước cho đồ giặt vào máy sấy trong trường hợp dùng máy sấy độc lập nữa. Điều này vô cùng tiện lợi với những gia đình bận rộn, thường giặt quần áo vào ban đêm. Nếu dùng máy sấy độc lập, bạn sẽ phải chờ máy giặt xong để chuyển đồ giặt sang máy sấy. Nếu để qua đêm sáng hôm sau mới cho đồ giặt vào máy sấy hoặc đem phơi thì đồ giặt xong để lâu dễ bị có mùi hôi khó chịu.

Với mặt giặt sấy tích hợp, bạn có thể cho quần áo bẩn vào máy, bấm nút giặt sấy rồi đi ngủ là sáng hôm sau thức dậy sẽ có mặt quần sạch thơm tho và khô để mặc ngay được. Tuy vậy, máy giặt sấy bán chính hãng ở Việt Nam hiện nay cũng có một số điểm hạn chế. Đầu tiên là chức năng sấy trên đa số máy giặt sấy chính hãng đều không có túi lọc bụi vải, một tính năng rất quan trọng của máy sấy độc lập. Không có túi lọc bụi vải, bụi vải từ quần áo sấy sẽ thải ra một phần theo đường nước, bám lại quần áo và bên trong máy giặt.

Hạn chế thứ hai là điểm mình muốn nói trong bài viết này là quá trình sấy của máy giặt sấy dùng công nghệ sấy ngưng tụ vẫn sử dụng một lượng nước khá lớn.

Mình đã trải nghiệm một số máy giặt sấy chính hãng sử dụng công nghệ sấy ngưng tụ của Panasonic và Samsung nhận thấy riêng chu trình sấy của các máy giặt sấy này sử dụng lượng nước khoảng 60-80 lít cho mỗi mẻ sấy. Số nước này gần ngang ngửa với lượng nước tiêu thụ của một chu trình giặt thông thường trên máy giặt lồng ngang.

1728360570705.png

Chiếc máy giặt sấy Samsung Bespoke AI (khối lượng giặt 14kg và sấy 8kg) sử dụng khoảng 60 lít nước cho riêng chu trình sấy.

1728360600429.png

Máy giặt sấy Panasonic NA-S106FX1LV (khối lượng giặt 10kg và sấy 6kg) sử dụng khoảng 70 lít cho riêng chu trình sấy.

Lúc trải nghiệm, mình đã bất ngờ về chi tiết này, vì sao riêng chu trình sấy mà máy lại dùng nhiều nước như vậy. Mình đã thử khóa nguồn cấp nước lúc các máy giặt sấy này thực hiện chu trình sấy thì thấy các máy vẫn hoạt động, vẫn sấy quần áo khô. Nhưng thời gian tới hoàn tất mẻ sấy kéo dài thêm hơn 1 giờ nữa và tiêu thụ điện cũng cao hơn đáng kể so với mẻ sấy được cấp nước bình thường.

Mình đã trao đổi với kỹ thuật của một số hãng sản xuất ở Việt Nam gồm Panasonic, LG và Electrolux thì được phản hồi là công nghệ sấy ngưng tụ trên các máy giặt sấy cần sử dụng nước để làm mát bộ phận trao đổi nhiệt, giúp quá trình sấy hiệu quả và nhanh hơn.

Theo chia sẻ của đại diện hãng Electrolux, nguyên lý hoạt động của máy sấy ngưng tụ là không khí được làm nóng sẽ lưu thông xung quanh lồng sấy để hấp thụ độ ẩm của áo quần ướt, sau đấy những luồng khí ẩm nóng sẽ được làm mát thông qua bộ trao đổi nhiệt (condenser) để ngưng tụ thành nước và xả ra ống thoát nước ngoài. Trong quá trình làm mát của bộ trao đổi nhiệt, máy sẽ sử dụng nước lạnh để làm chất làm mát nên việc cấp nước trong quá trình sấy là bình thường. Trong trường hợp người dùng ngừng cấp nước cho máy, thì bộ trao đổi nhiệt sẽ bắt buộc sử dụng không khí xung quanh để làm chất làm lạnh dẫn đến quá trình làm mát để ngưng tụ sẽ diễn ra chậm hơn, và tốn nhiều điện năng hơn là như vậy.

Đại diện Electrolux cho biết lý do các máy giặt sấy thường dùng công nghệ ngưng tụ là bởi một số lý do: 1) thời gian sấy khô đồ giặt nhanh hơn do nhiệt độ sấy lên đến 70-80 độ C; 2) cấu thành chi phí sử dụng bộ trao đổi nhiệt của máy ngưng tụ rẻ hơn so với bơm nhiệt. Ngoài ra, bộ máy xử lý trao đổi nhiệt của công nghệ sấy ngưng tụ có ít thành phần cấu thành hơn so với bộ máy nén của bơm nhiệt. Do đó về khâu sản xuất, để đáp ứng được toàn bộ tính năng của một máy giặt thì sử dụng bộ trao đổi nhiệt của ngưng tụ sẽ dễ cấu thành nên một chiếc máy giặt sấy hơn.

Theo đại diện Electrolux, hãng này cũng có dòng sản phẩm máy giặt sấy tích hợp công nghệ bơm nhiệt thay vì ngưng tụ hiện được bán ở thị trường châu Âu. Do giá thành sản phẩm cao chưa phù hợp với thị hiếu hiện tại của đa số người dùng Việt Nam nên hãng đang cân nhắc thời điểm đưa về trong tương lai.

Trở lại với chi tiết quá trình sấy của máy giặt tích hợp sấy ngưng sử dụng khá nhiều nước cho chu trình sấy, mình tìm hiểu thì không thấy hãng nào đưa chi tiết này vào thông số trên các máy giặt sấy. Vì vậy, các bạn dùng máy giặt sấy (công nghệ sấy ngưng tụ) giờ thấy gia đình tốn tiền nước hơn bình thường chút thì đừng bất ngờ nhé.

>> Đánh giá máy giặt sấy Panasonic NA-S106FX1LV: combo có vẹn toàn cả giặt và sấy không?

>> Trải nghiệm máy giặt sấy Samsung Bespoke AI: giặt giũ tự động, quá nhàn

>> Electrolux ra mắt máy giặt đầu tiên có thể giặt nhanh full tải trọng ở Việt Nam

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top