Chương trình tự sửa MacBook của Apple: phải đọc kỹ tài liệu dài 162 trang, nhiều bước phức tạp, không rẻ hơn thuê sửa ngoài là bao

Apple cuối cùng cũng đưa các mẫu MacBook dùng chip M1 vào chương trình tự sửa chữa của hãng, sau khi chỉ hỗ trợ iPhone trong nhiều tháng trời. Ý tưởng đằng sau chương trình này là cho phép khách hàng tự sửa chữa MacBook bằng cách cung cấp tài liệu hướng dẫn, bán linh kiện và cho thuê dụng cụ cần thiết, qua đó giúp họ tiết kiệm phần nào chi phí sửa chữa mà thông thường Apple hay một kỹ thuật viên nào đó sẽ được hưởng.
Nhưng một nhà phân tích của iFixit nhận định rằng, tự sửa chữa một chiếc MacBook là điều không thực sự dễ dàng ngay cả khi xét dưới góc nhìn của một kỹ thuật viên, và chi phí cho việc đó cũng không giảm là bao so với những gì chúng ta vẫn nghĩ. Đầu tiên, tài liệu hướng dẫn mà Apple cung cấp để sửa MacBook Pro 14-inch dài đến 162 trang, và ngay từ trang 3, khách hàng đã nhận được một cảnh báo khá đáng sợ: “Hãy đọc toàn bộ hướng dẫn trước. Nếu không thấy thoải mái với việc sửa chữa theo hướng dẫn trong tài liệu, đừng làm tiếp”
Tệ hơn nữa, các bước sửa chữa và thay thế linh kiện kéo dài từ trang thứ 4 cho đến trang 162. Chưa hết, một khi đã đặt được linh kiện vào vị trí phù hợp, người dùng cần trải qua quy trình cấu hình hệ thống, trong đó có bước so khớp số hiệu linh kiện vốn cực kỳ quan trọng. Nếu số hiệu linh kiện không khớp, các hệ thống quan trọng trong chiếc MacBook có thể… không hoạt động.
Chương trình tự sửa MacBook của Apple: phải đọc kỹ tài liệu dài 162 trang, nhiều bước phức tạp, không rẻ hơn thuê sửa ngoài là bao
Những cảnh báo đầy ám ảnh trong hướng dẫn tự sửa chữa MacBook của Apple.

Hành trình tự sửa chữa khiến bất kỳ ai cũng nản chí

Tài liệu hướng dẫn tự sửa chữa hẳn sẽ súc tích và gọn gàng hơn nhiều nếu quy trình thay pin chỉ bao gồm tháo pin cũ và lắp pin mới. Nhưng không, người dùng phải cực kỳ tỉ mỉ mở bung nắp trên ra, tháo cụm bàn phím, và mò mẫm hàng tá linh kiện khác trước khi sờ được khối pin của máy. Theo hướng dẫn, sau khi lắp pin mới vào, khách hàng còn phải lắp lại mạch Touch ID, các linh kiện USB-C, cụm MagSafe, quạt, linh kiện âm thanh, màn hình, nắp bản lề màn hình, mạch logic, mô-đun ăng-ten, mạch trackpad, cảm biến đóng mở nắp, cáp flex của pin, và mâm dưới.
Bạn sẽ phát điên khi biết Apple không bán riêng khối pin - ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó, họ buộc khách hàng bỏ tiền mua toàn bộ cụm linh kiện với tên gọi dài ngoằng: “Mâm trên với pin và bàn phím”. Đúng vậy, bạn phải mua cả mâm trên và bàn phím dù chỉ muốn thay pin! Hiển nhiên, chi phí ở đây cực kỳ đắt đỏ. Theo website của Apple, toàn bộ cụm này có giá 500 USD (gần 12 triệu đồng!)
Chương trình tự sửa MacBook của Apple: phải đọc kỹ tài liệu dài 162 trang, nhiều bước phức tạp, không rẻ hơn thuê sửa ngoài là bao

Thân thiện với người dùng?

Apple nói rằng sẽ bán riêng mô-đun pin trong tương lai, nhưng điều đó không đồng nghĩa khách hàng sẽ ngừng bị bòn rút. Chi phí tiếp theo họ phải đối mặt là phí thuê công cụ sửa chữa, đồng thời bị áp lực phải hoàn tất quá trình tự sửa chữa trong vòng 2 tuần nếu không muốn mất tiền đặt cọc. iFixit khẳng định “Apple đang vờn những người muốn tự sửa chữa bằng một nắm đấm sắt chết tiệt”
Không khó để nhận ra tại sao iFixit lại đi đến kết luận như vậy. Đọc hết 162 trang tài liệu kỹ thuật đã là điều không tưởng. Với những ai đủ dũng cảm để “đấu trí” với Apple, họ sẽ phải bỏ ra gần nửa ngàn đô để “khởi động” bằng cách mua các linh kiện vốn chẳng cần thay thế - tất cả là nhờ lối thiết kế kỳ quặc của Apple.
Đó là chưa nói đến rủi ro xảy ra tại một bước nào đó trong quá trình sửa chữa, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đó là lý do hầu hết khách hàng thà chấp nhận trả phí cao hơn để sửa MacBook tại một trung tâm được ủy quyền, khiến chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: phải chăng ngay từ đầu, Apple đã chẳng hề muốn khuyến khích văn hóa tự sửa chữa đối với sản phẩm phần cứng đắt đỏ của hãng?
Tham khảo: SlashGear

>> Bảng giá linh kiện MacBook cho những ai muốn tự sửa chữa tại nhà

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top