VNR Content
Pearl
Samsung chuyển 2 dây chuyền sản xuất của đối tác kinh doanh tại Thái Nguyên (Việt Nam) về nhà máy ở Gumi (tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc) để ứng phó với việc đại dịch Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của hãng. Nhưng thông tin bình thường này đã bị thổi thành bất thường. 1. Bất thường là ở chỗ, và cũng là chi tiết quan trọng nhất, đó là Samsung chuyển 2 dây chuyền của đối tác cung ứng linh kiện điện thoại thông minh (smartphone) tại nhà máy Thái Nguyên sang nhà máy ở Gumi, nhưng thông tin đồn thổi thành “chuyển nhà máy”. Thông tin đồn thổi, đương nhiên là khiến cho những người đọc được hay tiếp nhận nó tại Việt Nam, cảm thấy trầm trọng, và hàng loạt câu hỏi đặt ra: Vì sao Samsung chuyển nhà máy tại Việt Nam về Hàn Quốc? Có chuyện gì bất ổn, liệu có phải do môi trường đầu tư tại Việt Nam đã kém hấp dẫn tác động tới quyết định chuyển?… Nhiều người có tri thức, biết nhiều thông tin về thị trường công nghệ và đầu tư công nghệ tại Việt Nam, sau khi đọc các thông tin lan truyền “Samsung chuyển nhà máy từ Việt Nam về Hàn Quốc” cũng cảm thấy rất ngạc nhiên và khó hiểu. Bởi, Samsung đã chọn Việt Nam để xây dựng “cứ điểm sản xuất điện thoại” lớn nhất thế giới, sản lượng và doanh số xuất khẩu từ các nhà máy của Samsung tại Việt Nam không ngừng tăng (tính tới thời điểm kết năm 2021 chiếm tới 60% sản lượng điện thoại của Samsung trên toàn cầu), và vốn đầu tư của hãng vào Việt Nam cũng liên tục tăng lên những ngưỡng mới. Một doanh nghiệp lớn, đang ăn nên làm ra tại Việt Nam như vậy (dù trong bối cảnh dịch Covid-19 trong 2 năm qua gây ra không ít khó khăn), tại sao lại phải chuyển nhà máy để phải tốn thêm bao chi phí, công sức và thời gian nếu không phải nhằm để giải quyết bài toán chẳng đặng đừng là nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh. Tin giả lan truyền, nhiễu loạn và lệch lạc, đọc thoáng qua tưởng có lý. Nhưng đọc đi đọc lại và suy ngẫm, phân tích, đồng thời so sánh với các thông tin, số liệu về đầu tư, kinh doanh của chính hãng, mới thấy rõ những điều phi lý. Bởi dời toàn bộ nhà máy từ Việt Nam về Hàn Quốc không chỉ phải đối mặt với thách thức là chi phí di dời mà còn hàng núi các thách thức khác: Nguồn lao động đáp ứng (trong thời gian sớm nhất), tiêu tốn nhiều tháng để lắp đặt và chạy lại guồng sản xuất, chi phí nhân công sẽ đội lên cao hơn nhiều… Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là sự ổn định sản xuất sẽ không thể có được trong quá trình di dời. Và hơn nữa, khi chọn Việt Nam là “cứ điểm”, thì Việt Nam cũng mang lại lợi thế nhất định cho Samsung, và cũng được tính toán về bài toán điểm xuất phát xuất khẩu sản phẩm tới nhiều thị trường khác thuận lợi hơn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển.
Công nhân nhà máy Samsung tại Việt Nam 2. Hai dây chuyền được Samsung chuyển về Gumi (Hàn Quốc) chỉ nhằm ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh hãng này cần bảo đảm sự ổn định cung ứng linh kiện cho những dòng smartphone gập cao cấp mới. Thời điểm Samsung chuyển 2 dây chuyền (chứ không phải cả nhà máy hay chuyển địa điểm sản xuất) về Gumi vào quý III/2021 cũng là lúc cao điểm bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư trong cộng đồng tại Việt Nam. Vì thế, hãng này phải chuyển dịch một bộ phận để ứng phó với khả năng xấu nhất gây ảnh hưởng đến sản xuất là hoàn toàn dễ hiểu. Trên thực tế, đây cũng không chỉ là câu chuyện của Samsung. Tại một cuộc họp bàn về hồi phục kinh tế tại TPHCM vào tháng 8/2021, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cũng cho biết, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp khiến cho lực lượng lao động không ổn định, các khách hàng sẽ chuyển đơn hàng sang nước khác, doanh nghiệp FDI phải tính đến việc chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang nước khác để bảo đảm việc sản xuất đáp ứng các đơn hàng. Một diễn biến khác, thương chiến Mỹ - Trung diễn ra từ năm 2018 đã khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc gặp khó khăn vì mức thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh. Một số doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc đã di dời sang các quốc gia gần hoặc lân cận như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chỉ di dời một phần chứ không thể toàn bộ, chỉ nhằm phân tán nhằm tránh rủi ro “để tất cả trứng vào một giỏ” chứ không thể di dời hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Bởi khi các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đã chọn quốc gia, thị trường, địa điểm đầu tư, họ đã có những khảo sát, nghiên cứu, đánh giá kỹ càng trước đó, cân đo đong đếm tất cả các mặt và những khả năng có thể xảy ra trong đó có cả dịch bệnh, thiên tai, địch họa… Đành rằng, thực tế xảy ra nhiều khi có những tình huống khó lường, song sự ổn định tại một thị trường có nền chính trị, kinh tế - xã hội ổn định cùng với chính sách thu hút đầu tư công nghệ nhiều ưu đãi như tại Việt Nam, là một mối quan tâm được ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư. Và tới thời điểm này, thông tin thực hư về việc Samsung chuyển nhà máy từ Việt Nam về Hàn Quốc đã được xác nhận rõ. Đó chỉ là việc di dời 2 dây chuyền sản xuất nhằm bảo đảm năng lực sản xuất trong bối cảnh vào thời điểm di dời dịch Covid-19 đang xảy ra cực kỳ phức tạp gây ra tổn thất nặng nề về người và cả nền kinh tế tại Việt Nam. Tin giả như thật, lộng giả thành chân.v.v… không còn xa lạ trong thời buổi hiện nay. Trên mạng xã hội, mọi thứ càng dễ thổi giả thành thật và biến thật thành giả. Dạ Thảo