VNR Content
Pearl
Thị trường tai nghe true wireless giờ đã khác trước. Bạn không còn cần phải bỏ ra hàng triệu đồng để có thể tận hưởng những bản nhạc hay podcast yêu thích của mình mọi lúc mọi nơi. Nhưng với những người dùng trẻ ngày nay, đôi khi tai nghe không chỉ dùng để… nghe, mà còn là cách để họ thể hiện cá tính của mình. Đó cũng là một trong những yếu tố mà các nhà sản xuất phải cân nhắc tới khi phát triển sản phẩm của mình.
Trong tay mình mấy ngày vừa rồi là chiếc tai nghe true wireless mới nhất của Havit, có tên mã TW959. Đây mới chỉ là cái tai nghe thứ hai của Havit mà mình trải nghiệm, trước đó là TW938 với những ấn tượng về một tai nghe độ trễ thấp dành cho game thủ. Havit TW959 có giá 599 nghìn đồng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki với chính sách bảo hành 12 tháng, nhưng nếu bạn săn đúng dịp sale thì giá sẽ còn rẻ hơn nữa.
Ấn tượng đầu tiên của mình với Havit TW959 là dường như chiếc tai nghe được hướng tới đối tượng người dùng là nữ giới. Nó thể hiện ở tùy chọn màu sắc, khi Havit TW959 có 4 tùy chọn màu pastel gồm: Đen, trắng, xanh dương, hồng (trên trang chủ của Havit mình còn thấy có màu đỏ nhưng có thể là chưa về Việt Nam). Mình trải nghiệm phiên bản màu xanh dương.
Thiết kế hộp sạc của Havit TW959 càng củng cố thêm ấn tượng ấy của mình: hộp có thiết kế mỏng nhẹ, các góc bo nhiều, khi mở ra trông không khác gì hộp phấn trang điểm của chị em. Lớp sơn phủ nhám giúp hộp hạn chế vết mồ hôi và vân tay tốt, nhưng màu xanh khá dễ bám bẩn và mình không rõ liệu nó có bị phai hay ngả màu khi sử dụng lâu dài hay không.
Hộp sạc này của Havit TW959 có dung lượng pin 300 mAh, sạc qua USB-C, tất nhiên chúng ta không thể kỳ vọng tính năng sạc không dây trong tầm giá này. Phía trước có 3 đèn LED chỉ báo thời lượng pin còn lại của hộp. Mặc dù có một rãnh nhỏ để chúng ta đặt móng tay mở hộp sạc nhưng thực tế thì gần như không thể làm việc đó bằng một tay do lực hút nam châm mạnh.
Với tai nghe, thiết kế của Havit TW959 có thể dùng hai từ “quen thuộc”, khi chúng lấy cảm hứng từ AirPods và AirPods Pro của Apple: Củ tai tròn bầu, chân stem dài ôm tai để cố định cũng như cải thiện chất lượng đàm thoại bằng cách cho mic gần miệng nhất có thể. Dọc chân stem là tên thương hiệu Havit cùng hai đèn LED nhỏ báo kết nối và thời lượng pin.
Một quyết định có phần thú vị xen lẫn khó hiểu của Havit đó là việc trong khi chân stem và bề mặt cảm ứng được làm từ nhựa nhám giống như hộp sạc, phần củ tai lại được làm từ nhựa bóng. Chân stem và bề mặt cảm ứng được phủ nhám sẽ giúp khu vực này hạn chế được bám mồ hôi khi tay chúng ta thao tác vào, nhất là phần cảm ứng sẽ không bị ảnh hưởng về độ nhạy. Mình thấy lẽ ra Havit nên làm luôn phần củ tai bằng nhựa nhám, vừa đồng bộ lại vừa chống bám bẩn, vì thực sự lớp nhựa bóng của củ tai không tạo cho mình cảm giác cao cấp.
Ở phân khúc phổ thông nhưng cảm giác đeo của Havit TW959 khá tốt, một phần nhờ thiết kế công thái học và trọng lượng nhẹ của mỗi bên tai. Nếu bạn thấy eartip size M mặc định chưa vừa vặn lắm thì có thể cân nhắc chuyển sang eartip size S và L mà Havit tặng kèm bên trong hộp sản phẩm. Mình nhờ một bạn nữ đồng nghiệp đeo thử và trải nghiệm thì sau gần 2 tiếng vẫn chưa thấy mỏi và bí tai.
Các thao tác điều khiển cảm ứng của Havit TW959 bao gồm tiến/lùi bài hát, tạm dừng/phát nhạc, triệu hồi trợ lý ảo và nhận/từ chối/kết thúc cuộc gọi. Ai bảo game thủ chỉ có thể là nam? Havit TW959 còn trang bị Game Mode giảm độ trễ phản hồi âm thanh xuống chỉ còn 65 ms. Theo nhà sản xuất thì độ nhạy cảm ứng của tai nghe đã được điều chỉnh để hạn chế thao tác nhầm, mình sử dụng thì thấy miễn là bạn chạm có chủ đích, thao tác chạm rõ ràng và đúng vào bề mặt cảm ứng thì tai sẽ không nhận nhầm hoặc nhận thiếu đâu.
Quá trình kết nối tai nghe với thiết bị đơn giản và dễ dàng, khi sau lần kết nối đầu tiên, chỉ cần mở nắp hộp sạc là tai sẽ tự động kết nối với thiết bị nghe gần nhất, không cần đưa hẳn tai ra ngoài. Havit TW959 hỗ trợ hai bộ giải mã phổ biến là SBC và AAC, như với điện thoại Xperia 1 III của mình thì bạn có thể lựa chọn sử dụng bộ giải mã nào trong phần cài đặt kết nối bluetooth. Thời gian mình trải nghiệm Havit TW959 là không nhiều, khoảng hơn 3 ngày một chút, nhưng xuyên suốt những ngày này thì mình không hề gặp hiện tượng rè, lag hay mất kết nối đột ngột. Tầm phủ sóng của tai xa, mình có thể đặt điện thoại trong phòng ngủ và đi khắp nhà mà vẫn nghe nhạc hoặc nhận cuộc gọi bình thường.
Game Mode của Havit TW959 mình không test nhiều vì mình ít chơi game trên điện thoại, nếu có chơi thì quan điểm của mình là tai nghe có dây vẫn tốt hơn. Dù vậy, con số 65 ms mà Havit khẳng định vẫn là khá ấn tượng, khi so sánh với chiếc EarFun Free Pro 2 mình mới đánh giá gần đây vốn có giá cao gấp 3-4 lần Havit TW959 thì độ trễ khi bật Game Mode vẫn lên tới 80 ms. Mình không có công cụ để đo chính xác con số là bao nhiêu, nhưng nếu bạn chơi game theo kiểu “casual” chứ không phải “try hard” thì mình nghĩ Havit TW959 sẽ đáp ứng được.
Về chất âm, không ngạc nhiên khi Havit TW959 có chất âm tổng thể V-shape, nhấn mạnh vào dải âm trầm. Đây là dải âm “dễ chơi dễ trúng thưởng” nhất, lại phù hợp với những genre nhạc mà giới trẻ hay nghe. Bass của Havit TW959 có lực, đánh khá gọn, nhưng sub-bass hơi nông hơn mình mong đợi. Nghe Enemy của Imagine Dragon thì từng nhịp drum được tái tạo sống động, nhưng mình vẫn muốn nó mạnh mẽ, nhiệt huyết hơn nữa. Mid và treble của Havit TW959 chỉ ở mức tròn vai. Dải mid lùi để nhường chỗ cho bass tỏa sáng, trong khi treble thì lại hơi sắc và chói nhẹ. Nhìn chung, Havit TW959 phù hợp nhất với các thể loại nhạc điện tử, đề cao sự sống động của nhịp điệu thay vì tách bạch của nhạc cụ. Ngoài ra, một điểm mà Havit TW959 cần cải thiện đó là âm lượng tổng hơi nhỏ. Kích thước gọn nhẹ ở cả tai nghe lẫn hộp sạc nên thời lượng pin sẽ là thứ mà Havit phải cân đối với TW959. Theo nhà sản xuất, tai nghe cho thời gian phát nhạc là 5 giờ, và cộng với cả hộp sạc là 20 giờ. Thời lượng sử dụng thực tế của mình thấp hơn một chút, khoảng hơn 4 tiếng, 4 tiếng rưỡi là phải sạc rồi, nhưng có thể là vì âm lượng mình nghe cao hơn so với đo lường của Havit.