VNR Content
Pearl
Tại Hàn Quốc, trước Covid-19, khẩu trang chủ yếu được sử dụng bởi người nổi tiếng để tăng tính riêng tư khi ra ngoài, hoặc được mọi người đeo tại những nơi mà chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao. Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi đeo khẩu trang trở thành điều bắt buộc ở những nơi công cộng tại quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hàn Quốc đã vượt qua đợt bùng dịch gần đây nhất liên quan biến thể Omicron, với số ca nhiễm hàng ngày đang giảm dần, thì chính phủ nước này cũng đang thay đổi hướng tiếp cận sang sống chung với virus và xem chữa trị Covid-19 giống như một căn bệnh đặc hữu vậy. Nhiều hạn chế trong đời sống đã được gỡ bỏ, bao gồm số giờ tối đa mà các công xưởng, nhà máy nhất định được hoạt động, hay số người tối đa được tập trung tại các sự kiện mang tính riêng tư. Tuy nhiên, khẩu trang vẫn là một quy định bắt buộc, và có lẽ sớm thôi, đến một thời điểm phù hợp, nó sẽ một lần nữa trở lại là một lựa chọn cá nhân.
Trước đại dịch, khẩu trang chủ yếu được sử dụng bởi những người nổi tiếng muốn tránh sự chú ý khi ra ngoài Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tạm biệt chiếc khẩu trang thân quen. Một số bất ngờ phát hiện ra những lợi ích mà trước nay họ không nghĩ đến khi đeo khẩu trang, trong khi số khác vẫn lo ngại về nguy cơ bị lây nhiễm virus. “Ban đầu thì không thoải mái lắm, nhưng nay tôi đã quen với việc đeo khẩu trang ở khắp nơi - ở văn phòng, trên phương tiện công cộng, ở phòng gym. Cảm giác thật lạ khi không che mặt lúc đứng trước người khác” - theo Choi Young-kyung, một nhân viên văn phòng 28 tuổi ở Seoul. “Và thành thực mà nói, tôi thích việc có thể che đi nửa khuôn mặt mình khi nói chuyện với cấp trên ở nơi làm. Họ dường như không để ý thấy rằng tôi chỉ đang cười bằng mắt chứ không phải bằng miệng nữa - đó là một kỹ năng hữu ích mà tôi tập được nhờ đeo khẩu trang” Một số người dự định tiếp tục đeo khẩu trang bởi đây là “tấm khiên” hiệu quả ngăn chặn các bệnh lây nhiễm khác, chứ không chỉ mỗi virus corona. “Trước đại dịch, tôi thường xuyên bị ngứa họng và chảy mũi. Nhưng trong hai năm qua, tôi không gặp bất kỳ triệu chứng nào nữa, có nghĩa là khẩu trang thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa những bệnh khác” - theo Lee Jae-gil, một chủ nhà hàng 55 tuổi ở Seoul. “Tôi sẽ tiếp tục đeo khẩu trang trừ những ngày mùa hè quá nóng thôi” Những lo ngại đối với virus corona vẫn còn đó, có nghĩa là khá nhiều người - vốn không đồng tình với việc chính phủ giảm nhẹ các biện pháp phòng dịch - sẽ tiếp tục đeo khẩu trang trong thời gian trước mắt.
Nhiều người Hàn Quốc vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang ở nơi công cộng, như tàu điện “Với việc các lớp học trở lại như truyền thống và nhiều cuộc hội họp được tổ chức trong trường đại học, tôi lo rằng mình có thể nhiễm virus bất kỳ lúc nào. Kể cả nếu đeo khẩu trang khi ra ngoài không còn là bắt buộc nữa, tôi sẽ tiếp tục đeo chúng ở mọi nơi” - theo một sinh viên 22 tuổi họ Lee, đang học tại Đại học Hàn Quốc. Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, nói rằng kể cả khi nhà nước cho phép mỗi người dân đeo khẩu trang theo ý thích, món phụ kiện này có lẽ sẽ không sớm biến mất. “Trước đại dịch, khẩu trang được xem là món đồ chỉ được đeo bởi người bệnh hoặc những người quá lo lắng về sức khỏe. Còn nay, nó là một biện pháp hữu ích để giúp bạn che giấu khuôn mặt mình khỏi sự chú ý không mong muốn, và cũng trở thành một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng với người khác” Lim giải thích rằng sẽ mất một khoảng thời gian để mọi người làm quen với việc tiếp xúc mặt đối mặt trong thế giới hậu đại dịch. Các chuyên gia còn nhấn mạnh rằng, không như các quốc gia phương Tây, nơi quy định bắt buộc đeo khẩu trang dẫn đến những cuộc biểu tình dẫn đầu bởi nhóm người xem nó là một sự vi phạm tự do cá nhân, thì ở Hàn Quốc, điều đó không xảy ra. Koo Jeong-woo, một nhà xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, cho biết suy nghĩ này phản ánh “bản chất sống theo tập thể” của người Hàn Quốc. “Người Hàn Quốc không chỉ quen với việc tuân thủ quy định của chính phủ, họ còn sợ mình nổi bật giữa đám đông. Kể cả khi đeo khẩu trang không còn là điều bắt buộc khi ra ngoài nếu giữ khoảng cách với người khác, mọi người vẫn sẽ đeo khẩu trang bởi họ lo ngại sẽ bị người khác nhòm ngó”
Một cơ sở sản xuất khẩu trang tại Hàn Quốc Koo cũng dự báo rằng kể cả khi quy định đeo khẩu trang được gỡ bỏ hoàn toàn, đại đa số người dân vẫn sẽ đeo chúng ở nơi công cộng như trên tàu điện và các phòng gym trong nhà. “Khẩu trang là một công cụ quan trọng để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm, nhưng tôi thấy quan ngại khi người ta đã quá xem nhẹ những tác động tiêu cực của khẩu trang đối với đời sống xã hội” - ông nói. “Che đi nửa khuôn mặt trong khi nói chuyện với người khác sẽ gây cản trở tương tác xã hội và khả năng chia sẻ cảm xúc” Tham khảo: SCMP