Dịch vụ ví điện tử trả sau như cái bẫy, “khai quật” lại làm gì?

Những tưởng, dịch vụ ví trả sau trên nền ví điện tử từng bị người dùng phàn nàn nhiều đã bị “chôn vùi” thì mới đây, dịch vụ này lại được “khai quật” trở lại. 1. Dịch vụ ví trả sau trên ứng dụng ví điện tử, hiểu một cách đơn giản, là người dùng ví điện tử có thể mượn tiền thông qua ví (doanh nghiệp vận hành ví liên kết với một ngân hàng để cung cấp nguồn tiền và chức năng cho vay) với một hạn mức nhất định để chi tiêu, và khoản nợ sẽ được trả sau. Cũng hiểu một cách đơn giản, đây là một kiểu thấu chi qua ví điện tử, tương tự như quẹt thẻ tín dụng, cho phép người dùng cứ tiêu trước và sẽ trả nợ sau đó. Tất nhiên, trong trường hợp trả muộn nợ gốc, phần lãi phải chịu sẽ rất cao, và còn phải chịu thêm khoản phạt nặng. Những ai đã dùng thẻ tín dụng trễ hạn trả nợ chắc chắn được biết rằng, chỉ cần nợ phí duy trì thẻ hàng năm hay khoản nợ gốc chi tiêu vài ba trăm ngàn thôi, tiền lãi cộng gộp khoản phạt cũng có thể lên tới vài ba trăm ngàn, gấp hơn 100% khoản nợ. Song đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, họ đều đặn nhận được sao kê qua email hoặc qua tin nhắn SMS hàng tháng, tạo thành thói quen nhắc nhớ trả nợ, cho nên hầu hết người dùng tránh được trường hợp trễ hạn trả nợ dẫn đến bị phạt nặng và tính lãi cao. Tuy nhiên đối với dịch vụ ví trả sau của ví điện tử tại Việt Nam hiện nay, lại không có được sự nhắc nhớ như vậy. Còn nhớ vào khoảng tháng 8/2021, ví điện tử MoMo từng thử nghiệm dịch vụ ví trả sau và không ít người sử dụng (trong đó có người viết bài này). Dù chi tiêu bằng tài khoản ví trả sau đâu chỉ hơn 100.000 đồng nhưng quên thanh toán (tất nhiên ứng dụng ví điện tử MoMo cũng chẳng có tính năng nhắc nhớ nào giúp cho người dùng), cuối cùng người viết bài này phải trả lãi và các khoản khác (mà người dùng không được rõ) hơn 90.000 đồng sau hơn một tháng. Nhiều người quen của người viết bài này cũng bị tình trạng tương tự, những khoản lãi, phạt lớn hơn khoản nợ một cách oan ức mà không phải do họ cố tình không trả nợ hay không có khả năng trả nợ, mà chỉ do không được nhắc nhớ, cho dù tài khoản chính trong ví còn tiền và tài khoản ngân hàng đã liên kết trong ví cũng còn nhiều tiền. Cùng khoảng thời gian trên, nhiều người dùng thử dịch vụ ví trả sau của MoMo cũng bày tỏ sự bức xúc trên mạng (hiện vẫn có thể tìm thấy qua Google Search). Quan điểm chủ yếu của những bức xúc, phàn nàn này chính là: Dịch vụ ví điện tử trả sau của MoMo chẳng khác nào một sự giăng bẫy, nhà cung cấp dịch vụ không có các tính năng nhắc nhớ người dùng về khoản nợ. Mặt khác, người dùng dù nợ ở tài khoản ví trả sau, nhưng ở tài khoản chính (trên cùng một ứng dụng) hay tài khoản ngân hàng (đã liên kết) có dư tiền để trả nợ, nhưng ứng dụng vẫn không tự động liên thông, hoặc có tính năng thông báo cho người dùng để chọn cách thanh toán cho khoản nợ trong tài khoản ví trả sau, khiến họ bị trả lãi hay phạt một cách tức tưởi. Đó chính là những yếu tố chưa minh bạch, khiến người dùng rất dễ rơi vào bẫy mắc nợ của dịch vụ ví trả sau. Hay nói đúng hơn, dịch vụ này chưa hoàn thiện, chưa đủ hoàn hảo để giúp người dùng có trải nghiệm thiết thực, hữu ích và bảo đảm được quyền lợi. 2. Dịch vụ ví trả sau của MoMo sau đó rơi vào quên lãng. Thậm chí hiện nay, thử chạm lại vào icon dịch vụ này trên MoMo, hệ thống thông báo rằng chưa thể đăng ký sử dụng. Cho nên mới lấy làm ngạc nhiên là, dịch vụ ví trả sau của MoMo trước đó với những bất cập gây ra những thiệt hại cho người dùng đã bị nhiều người dùng phản ứng và hủy dịch vụ, thì nay bỗng dưng lại được ví điện tử ZaloPay của VinaGame (VNG) “khai quật” trở lại thông qua hợp tác với ngân hàng CIMB Việt Nam. Theo tìm hiểu, những thông tin quảng cáo về dịch vụ này cũng chả mới mẻ hay khác gì so với MoMo trước đây. Nhưng đặc biệt đáng lưu tâm hơn, trong rất nhiều thông tin quảng cáo về dịch vụ này của ZaloPay đăng tải trên các báo và trang tin, điều mà những người dùng từng bị “dính chưởng” từ ví trả sau của MoMo muốn được đọc thấy là tính năng nhắc nhớ trả nợ như thế nào trong dịch vụ ví trả sau của ZaloPay, thì tịnh không thấy nhắc tới. Ví trả sau – tiện nhưng có lợi không? Hãy coi chừng. Bởi mới chỉ dùng thử thôi đã như sa vào bẫy, thì cái tiện này chưa chắc là có lợi cho những người dùng. Một dịch vụ, nhà cung cấp sau lại đi vào “vết xe đổ” của nhà cung cấp trước, có thể khiến người dùng tiếp tục sa vào bẫy quên trả nợ để rồi có thể bị phạt, bị trả lãi nặng một cách không đáng có. Nhưng trên hết, “người dùng hãy tự cứu mình” trước bằng cách tìm đọc thông tin phản ánh đầy tiêu cực và cảnh báo về dịch vụ ví trả sau trên Google Search trước khi kích hoạt sử dụng loại dịch vụ này. Về phía nhà cung cấp dịch vụ, hãy mang đến dịch vụ thật sự hoàn hảo, đừng để người dùng khi sử dụng một dịch vụ lại như bị rơi vào cái bẫy để rồi bị trả lãi cao và đóng phạt nặng. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Momo tới kỳ là gửi thông báo nhắc liên tục mà nhỉ? Ngoài ra ngân hàng TP cũng có sử dụng robot gọi điện nhắc nợ khách hàng, nhắc nhẹ nhàng tình cảm chứ cũng không phải đe doạ gì.
 
Top