Điều ít ai để ý tại WWDC 2022: Apple nhảy vào cuộc chơi tài chính với "Apple Pay Later" mua trước trả tiền sau

nhhgiap

Pearl
Rồi ai cũng phải chạy theo thị trường, bao gồm cả gã khổng lồ Apple. Mới đây Táo khuyết đã quyết định nhảy vào ngành công nghiệp “mua trước, trả sau” với dịch vụ “Apple Pay Later”, được công bố tại sự kiện WWDC 2022 diễn ra đầu tuần này. Apple Pay Later sẽ ra mắt tại thị trường Mỹ vào cuối năm nay.
Điều ít ai để ý tại WWDC 2022: Apple nhảy vào cuộc chơi tài chính với Apple Pay Later mua trước trả tiền sau
Apple Pay Later cho phép chia khoản thanh toán thành 4 phần bằng nhau với lãi suất 0%
Pay Later sẽ được tích hợp vào Apple Wallet và khả dụng với bất kỳ giao dịch nào thanh toán qua Apple Pay. Khách hàng có thể chia chi phí mua thành 4 phần thanh toán bằng nhau, với lãi suất 0% và không kèm bất cứ loại phí nào, trải dài trong 4 tháng.
Tuy nhiên, để có thể sử dụng, khách hàng sẽ phải trải qua vòng kiểm tra tín dụng mềm của Apple (kiểm tra lịch sử tín dụng của một cá nhân mà không ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người đó). Theo Apple, hãng ra mắt dịch vụ với mong muốn hỗ trợ quản lý sức khỏe tài chính người tiêu dùng.
Với chiến lược trên, có vẻ Apple vừa muốn củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng vừa muốn tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Do đó, cũng giống như khăn lau Apple hay chuột Magic Mouse 2, người tiêu dùng vẫn cần thận trọng với rủi ro từ Apple Pay Later.

Apple: đứa con cưng của người tiêu dùng

Sau khi ra mắt dịch vụ trên, Apple sẽ chính thức biến PayPal, Block, Klarna và AfterPay thành đối thủ của mình. Đối đầu với đứa con cưng của người tiêu dùng, không ngạc nhiên lắm khi cổ phiếu của một vài công ty đã giảm.
Apple sẽ được hưởng lợi từ thị trường khổng lồ và sức mạnh thương hiệu của mình, bất cứ sản phẩm nào dán logo Táo khuyết sẽ luôn có hàng dài người nối đuôi nhau mua. Từ thời Steve Jobs, công ty luôn nổi tiếng vì quan tâm đến trải nghiệm người sử dụng, dần dần hãng tạo ra lượng lớn fan đa quốc gia cực kỳ trung thành. Không quá khi nói Apple chính là đứa con cưng của người dùng.
Ngoài ra, với hệ sinh thái ngày càng phát triển, người dùng luôn được khuyến khích sử dụng sản phẩm và dịch vụ từ nhà Táo, như thanh toán qua iPhone thay vì thẻ ngân hàng. Và một khi đã bước chân vào thế giới của họ, bạn rất khó để bước ra.

Điều ít ai để ý tại WWDC 2022: Apple nhảy vào cuộc chơi tài chính với Apple Pay Later mua trước trả tiền sau
Apple Pay - tính năng thanh toán không cần chạm khiến các ngân hàng "khóc ròng"
Gã khổng lồ cung cấp nhiều cách để người dùng có thể tích hợp các công cụ họ cần vào trong một hệ sinh thái duy nhất, thông qua iPhone, Apple Watch hay sắp tới là Pay Later.

Lợi nhuận tăng

Apple có thể kiếm được lợi nhuận tài chính thông qua Pay Later, qua đó tăng doanh thu tổng. Hiện tại tầm bao phủ của hãng trong lĩnh vực bán lẻ là rất rõ ràng, với hơn 85% hệ thống bán lẻ ở Mỹ chấp nhận dịch vụ thanh toán từ Apple.
Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy khoảng 26% người mua sắm trực tuyến ở Úc thường xuyên sử dụng dịch vụ liên quan đến “mua trước, trả sau”. Khi người dùng iPhone bắt đầu sử dụng Pay Later, gã khổng lồ sẽ có lợi nhuận từ phí người bán. Đây là khoản phí nhà bán lẻ phải trả để có thể cung cấp cho khách hàng của họ Apple Pay. Ngoài ra, công ty cũng có nguồn dữ liệu tài chính từ khách hàng để dự đoán hành vi tiêu dùng và chi tiêu trong tương lai.
Để ra mắt phiên bản hoàn thiện của Apple Pay Later, hãng đã hợp tác với Goldman Sachs, công ty cho vay nổi tiếng. Mối nhân duyên giữa họ đã bắt đầu từ năm 2019, khi Goldman Sachs trở thành đối tác cho sản phẩm thẻ tín dụng Apple. Chính vì lần hợp tác này mà Apple đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường tài chính tiêu dùng.

Thách thức với người dùng

Chúng ta luôn được dặn là phải cảnh giác với những món hời từ trên trời rơi xuống. Trong một thị trường không kiểm soát như tài chính, dịch vụ “mua trước, trả sau” có thể là con đường dẫn đến hiểm họa mắc nợ. Nhóm nhân khẩu học trẻ (gen Y và gen Z) và các hộ gia đình có thu nhập thấp là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ dịch vụ này.
Điều ít ai để ý tại WWDC 2022: Apple nhảy vào cuộc chơi tài chính với Apple Pay Later mua trước trả tiền sau
Apple Pay Later cho phép bạn vay "nóng" để thanh toán mọi thứ
Nhà sản xuất đã đánh vào tâm lý tiêu dùng phổ biến là khao khát sở hữu những tiện ích mới nhất và xa xỉ nhất của bộ phận người trẻ. Các công ty luôn tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm mà không cảm thấy đau đớn khi phải tạm biệt một khoản tiền lớn ngay lập tức. Nói cách khác, một khi khách hàng đắm chìm trong guồng quay dễ chịu đó, họ có thể chi nhiều tiền hơn mức họ có thể trả.
Việc chậm thanh toán trên Pay Later sẽ ảnh hưởng xấu đến xếp hạng tín dụng của một cá nhân, dẫn đến hậu quả như không đủ điều kiện để vay, mức lãi suất và hạn mức tín dụng. Tâm lý tiêu dùng này còn gây ra "hiệu ứng sở hữu". Đó là khi người dùng quá gắn bó với sản phẩm họ mua và không muốn trả lại nó dù không thể trả nợ.
Bằng công nghệ hiện đại và sự tin cậy của người dùng, dịch vụ “mua trước, trả sau” của Apple cho phép hãng có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Mặc dù gã khổng lồ tuyên bố sản phẩm hướng đến sức khỏe tài chính người tiêu dùng, song cũng giống như bất kỳ sản phẩm nào trước đây, chúng ta cần nhận thức được rủi ro khi chấp nhận sử dụng Apple Pay Later.
Nguồn: The Conversation
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top