Động vật đang "thay đổi hình dạng" để đối phó với biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu mới cho thấy, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang đẩy chọn lọc tự nhiên lên quá mức, buộc các loài động vật phải đối phó với nhiệt độ tăng nhanh bằng cách biến đổi thể chất, hay còn gọi là 'thay đổi hình dạng'. Điều này đặt ra một câu hỏi: "Liệu sự tiến hóa có thể bắt kịp lượng khí thải carbon do con người thải ra hay không?".
Trong 150 năm qua, các loài vẹt Úc đã cho thấy mức tăng kích thước mỏ trung bình đến 10%. Điều này diễn ra song song với việc nhiệt độ tăng trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Đây là kết quả của nghiên cứu mới được công bố ngày 7/9.
Sara Ryding, nhà nghiên cứu tại trường đại học Deakin (Úc), cho biết: "Thật đáng báo động khi thấy động vật phải tiến hóa để đối phó với biến đổi khí hậu như thế này. Chúng ta không biết liệu chúng có thể tiến hóa kịp khi khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn hay không".
Những con vẹt Úc không phải là nạn nhân duy nhất của biến đổi khí hậu. Một số loài chim khác ở Bắc Mỹ và Úc đã được xác nhận là đang tăng kích thước ở mỏ, chuột đồng đuôi dài thì phát triển đôi tai lớn hơn trong khi đó một số loài dơi đang có bộ cánh lớn hơn trước đây.
Động vật đang thay đổi hình dạng để đối phó với biến đổi khí hậu
Việc các loài động vật tiến hóa để phát triển một số bộ phận cơ thể lớn hơn trước đây được cho là sẽ giúp chúng chịu được thời tiết nắng nóng bởi sẽ giải phóng thân nhiệt dễ hơn. Ryding lưu ý: "Sự thay đổi này của các loài động vật có thể không quan sát được dễ dàng bằng mắt thường. Tuy nhiên, về mặt chức năng thì nó rất quan trọng với động vật".
Mặc dù động vật tiến hóa là điều bình thường và diễn ra từ khi trái đất có sự sống, tuy nhiên, Ryding lo lắng rằng hiện tượng này đang xảy ra quá nhanh. Ryding cũng cho rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Mặc dù tiến hóa là một quá trình chậm, mất cả nghìn năm hoặc hơn nhưng nó sẽ diễn ra nhanh hơn nếu có sự chọn lọc mạnh mẽ.
Ryding cho rằng nếu chỉ 1/10 thành viên của một loài có thể sống sót trong khí hậu nóng hơn do phát triển được phần phụ của cơ thể to hơn thì 9 thành viên còn lại sẽ không sống đủ lâu để truyền được gen cho thế hệ tiếp theo. Đó là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến các loài có phần phụ của cơ thể lớn hơn, đi theo quỹ đạo của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Ryding kết luận: "Khi nhìn thấy hiện tượng các loài vật phát triển phần phụ của cơ thể lớn hơn trên phạm vi địa lý rộng, yếu tố nguyên nhân mà chúng tôi nghĩ tới là do biến đổi khí hậu".
Lý thuyết về việc này được phát triển lần đầu vào năm 1877 bởi nhà động vật học người Mỹ Joel Asaph Allen. Lý thuyết này cho rằng động vật sống ở các vùng khí hậu ấm áp sẽ có phần phụ của cơ thể lớn hơn và dài hơn so với động vật sống ở vùng lạnh.
Ryding giải thích: "Động vật có thể thải nhiệt lượng cơ thể dư thừa qua phần phụ cơ thể. Do đó, phần phụ này có kích thước lớn hơn sẽ giúp thải ra nhiệt lượng dư thừa nhiều hơn".

Nguồn: Cnet
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top