Dự án chạy bộ kiếm tiền nở rộ ở Việt Nam

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Sau trào lưu chơi game kiếm tiền, các dự án chạy bộ kiếm tiền do người Việt phát triển tiếp tục bùng nổ.
Làn sóng chơi game kiếm tiền (play to earn - P2E) thu hút người dùng Việt từ giữa năm ngoái nhờ sự nổi lên của Axie Infinity. Đến đầu năm nay, chạy bộ để kiếm tiền (move to earn - M2E) tiếp tục là trào lưu mới thu hút cộng đồng blockchain trong nước. Chỉ trong vài tháng, hàng loạt dự án ra đời, được người dùng đón nhận, bất chấp thị trường đang có nhiều điều chỉnh mạnh.
Anh Minh Thanh (TP HCM) cho biết trung bình mỗi tuần anh chạy khoảng 40 km. Khi cơn sốt StepN xuất hiện cách đây hơn một tháng, anh cũng muốn tham gia nhưng còn chần chừ vì phải bỏ ra ít nhất 1.000 USD để mua "giày ảo". Mới đây, anh đăng ký một dự án trong nước vì được cho chơi thử miễn phí trước khi quyết định chi tiền.
Calo Metaverse, một trong những dự án M2E thu hút chú ý trên thị trường, đang có hơn 50.000 lượt tải, với số người chơi hàng ngày khoảng 7.200 tài khoản. Một dự án khác là Run Together khẳng định bán hết 7.413 NFT ShoeBox trong 30 phút mở bán. Sau 6 ngày, ứng dụng có hơn 15.000 lượt tải, có lúc vươn lên đứng thứ hai trên bảng xếp hạng Google Play tại Việt Nam, số người dùng trung bình đạt trên 3.000.
Một số dự án move to earn cũng chuẩn bị ra mắt và được cộng đồng chờ đợi.
Dự án chạy bộ kiếm tiền nở rộ ở Việt Nam
Một gian hàng của dự án move to earn thu hút nhiều khách tham quan.

Khác biệt của dự án Việt​

Chạy bộ kiếm tiền bắt đầu trở thành trào lưu tại Việt Nam từ đầu năm nay với sự xuất hiện của ứng dụng StepN, do công ty Satoshi Lab phát triển hệ sinh thái blockchain Solana. Bản beta đầu tiên ra mắt ngày 20/12/2021.
Game chạy bộ kiếm tiền của người Việt cũng kết hợp các yếu tố của GameFi, SocialFi và NFT. Tuy nhiên, các dự án như StepN hướng đến chế độ chơi cá nhân và xếp hạng theo thời gian, thưởng cho người chơi để duy trì lối sống lành mạnh hơn. Còn các dự án Việt lại chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cộng đồng, tăng tương tác của người chơi khi xây dựng các chế độ chơi theo đội nhóm.
Ông Phan Tuấn, CEO của Calo Metaverse, nói: "Chúng tôi định vị Calo là một hệ sinh thái hơn là một ứng dụng. Sau khi phát triển người dùng thông qua cơ chế M2E, ứng dụng sẽ tập trung xây dựng vũ trụ ảo để kết nối và tập luyện".
Trong khi đó, dự án của Run Together hướng người dùng đến những cộng đồng chạy bộ ngoài đời thực như tổ chức các cuộc thi marathon. "Tôi nghĩ đây là khác biệt lớn nhất của dự án Việt so với sản phẩm quốc tế. Đội ngũ vận hành am hiểu thói quen của người dùng trong nước, chú trọng hoạt động kết nối, giao lưu thay vì chỉ chạy để kiếm tiền. Cuối tháng 5, chúng tôi phối hợp với địa phương và đối tác để tổ chức giải chạy ở Cần Thơ. Tôi tin rằng, tương tự GameFi, các ứng dụng M2E cũng là cách nhanh và dễ hiểu nhất để đưa blockchain đến gần hơn với cộng đồng", ông Lê Khải, CMO của Run Together, nói.
Một số dự án Việt cũng xây dựng những nền tảng riêng, cho phép các vận động viên chuyên nghiệp có thể tham gia, truyền cảm hứng. "Thời gian hoạt động sự nghiệp của các vận động viên thường không dài. Vì vậy, chúng tôi tạo thêm một sân chơi để người nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao có thể biến vật phẩm, huy chương trong sự nghiệp thi đấu thành NFT để tăng thêm thu nhập, tham gia dẫn dắt cộng đồng", ông Phan Tuấn nói.

Cơ hội và thách thức​

Thanh Bình, quản trị viên một nhóm chạy bộ kiếm tiền hơn 7.000 thành viên, cho biết ban đầu, đa số người chơi đầu tư vào ứng dụng StepN nhưng hiện người tham gia vào các dự án Việt đã nhiều hơn.
Theo ông, có hai lý do khiến dự án M2E trong nước được chú ý. Một là sự am hiểu thị trường, tập trung vào các hoạt động xây dựng cộng đồng, tương tác trực tiếp. Hai là chi phí đầu tư để bắt đầu chơi thấp hơn. "Nếu chơi StepN, bạn phải bỏ ra khoảng 1.000 USD để mua giày. Nhưng với dự án Việt, người chơi chỉ cần 100 USD là có thể tham gia vào mô hình đi bộ kiếm tiền. Nhiều dự án còn có những hoạt động chạy miễn phí một thời gian dài mới bán NFT ShoeBox", ông Bình nói.
Dự án chạy bộ kiếm tiền nở rộ ở Việt Nam
Nếu không muốn chi tiền, người dùng vẫn có thể sử dụng giày được tặng miễn phí để làm quen. Ảnh: Khương Nha.
Wu Blockchain, chuyên trang phân tích về tiền mã hóa, nhận định nếu một dự án có quá nhiều người kiếm tiền hơn chi tiền, bản chất sẽ vẫn là mô hình đa cấp, nghĩa là tiền thu về của người chơi sau trả cho người chơi trước.
"Nhưng nếu người dùng sẵn sàng ở lại nền tảng, lượng chi tiêu lớn hơn đầu tư, nó vẫn có thể phát triển ổn định", trang này nhận định.
Bên cạnh đó, các dự án move to earn trong nước cũng gặp phải một số thách thức, như mất nhiều thời gian để thuyết phục cộng đồng rằng "đây không phải dự án lừa đảo".
"Niềm tin là rào cản đầu tiên khi đưa dự án đến với người chơi. Chúng tôi phải tổ chức các hoạt động ngoài đời thực, cho người dùng chạy thử miễn phí, đến khi bán NFT ShoeBox cũng chỉ để giá rất thấp để họ an tâm, dùng thử rồi mới tính đến chuyện gắn bó lâu dài", đại diện một dự án M2E nói.
Một rào cản khác là công nghệ blockchain, NFT và tiền mã hóa còn quá mới đối với nhiều người. "Để chạy bộ và kiếm được tiền, người chơi nên trang bị những kiến thức nền tảng liên quan đến NFT, token, metaverse... Nếu không, họ có thể mất tiền oan, sau đó lại có góc nhìn không tốt về công nghệ, sản phẩm. Đó là một vòng luẩn quẩn với nhiều dự án blockchain Việt nói chung chứ không chỉ M2E. Cách tốt nhất là các dự án vừa làm sản phẩm, vừa xây dựng cộng đồng, phổ cập kiến thức, thay vì chỉ đến và kiếm tiền rồi rời đi", ông Phan Tuấn nói.
Theo giới phân tích, hiện còn quá sớm để kết luận move to earn chỉ là trào lưu nhất thời hay sẽ là một hướng đi mới sau làn sóng play to ean từng đưa Việt Nam thành điểm sáng trên bản đồ blockchain thế giới. Nhiều ứng dụng M2E được kỳ vọng sẽ là Axie Infinity tiếp theo.
Tuy nhiên, cũng không ít người hoài nghi, cho rằng nền kinh tế trong M2E còn thiếu ổn định khi yếu tố chơi để kiếm tiền chưa cân bằng với mục tiêu hoạt động thể chất của cộng đồng.
Theo Khương Nha/VnExpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top