VNR Content
Pearl
Khi iPhone 14 được mở bán trên toàn cầu ngày 15.9 (giờ Việt Nam đã bước sang ngày 16), hàng xách tay bị thêm một đòn bồi: Dân Việt sang Singapore, Thái Lan… đánh hàng khó mua được iPhone mới tại các Apple Store.
1. Trong 2 năm 2020-2021, con đường iPhone thế hệ mới xách tay về Việt Nam vào ngày mở bán đã bị thu hẹp rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân. Điều đầu tiên tác động trực tiếp và cũng gây ảnh hưởng lớn nhất chính là dịch COVID-19, khiến ngành hàng không đình đốn, nhiều quốc gia cũng áp dụng chính sách cách ly nghiêm ngặt và không mở cửa cho du khách, từ đó dân Việt không thể đi sang Singapore, Hongkong, Nhật Bản, Thái Lan… đánh hàng iPhone thế hệ mới về được. Cùng với đó, trong khoảng thời gian trên, Apple cũng đẩy mạnh các kênh phân phối bán lẻ hàng chính hãng tại Việt Nam. Cụ thể, mạng lưới phân phối chính hãng của Apple đã mở ra thêm cho nhiều chuỗi bán lẻ trong đó có rất nhiều chuỗi nhỏ được công nhận trở thành Đại lý ủy quyền chính hãng Apple (Apple Authorized Resellers - AAR). Và khi đã trở thành AAR, các chuỗi bị ràng buộc với cam kết không được bán hàng xách tay (cho dù có thể bán hàng cũ). Bằng cách này, Apple Việt Nam đã “đánh đuổi” hàng xách tay ra khỏi nhiều chuỗi cửa hàng, khiến iPhone xách tay bị thu hẹp thị phần một cách nhanh chóng. Chưa hết, Apple Việt Nam không quản giá bán iPhone nếu không muốn nói rằng ngầm ủng hộ việc sử dụng đòn bẩy giá tại các AAR để “tiêu diệt” thị trường iPhone xách tay. Trong 2 năm 2020-2021, tại nhiều thời điểm, iPhone thế hệ mới chính hãng được một số chuỗi bán ra với mức giá ngang bằng hoặc thậm chí còn rẻ hơn mức giá iPhone xách tay bán tại những cửa hàng nhỏ lẻ. Thêm vào đó, Nghị định 98/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 cũng có chế tài tăng nặng đối với hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, khiến cho các chuỗi cũng e ngại hơn khi iPhone xách tay nằm trong tầm ngắm. Theo một thống kê không chính thức, trước thời điểm thế hệ iPhone 14 ra mắt, thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam bị sụt giảm mạnh thị phần, chỉ còn khoảng 25% thay vì ở mức 50% từ thời điểm năm 2020 trở về trước. Có thể nói, Apple Việt Nam đã được hưởng quá nhiều điều kiện thuận lợi để có thể ra tay bóp nghẹt thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam. 2. Và hơn thế nữa, Apple cũng có nhiều điều kiện thuận lợi tự thân để dẹp hàng xách tay. Cụ thể, vài năm về trước mỗi dịp mở bán iPhone thế hệ mới các Apple Store tại Singapore, Hongkong… vẫn mở bán cho khách xếp hàng, nhờ đó nhiều dân Việt đánh hàng có thể sang sớm một ngày để trực chiến mua iPhone thế hệ mới rồi chuyển theo đường xách tay về Việt Nam. Song mùa iPhone 14 năm 2022, các Apple Store không còn bán theo phương thức trên. Thay vào đó, Apple Store ưu tiên mở bán cho khách đặt hàng trước trên website và hẹn khách đến nhận hàng hoặc giao hàng trong ngày đầu mở bán. Những khách không đặt hàng trước vẫn có thể mua được iPhone 14 trong trường hợp Apple Store được bổ sung thêm hàng, tuy nhiên số lượng cũng không được nhiều. Phương thức này chẳng khác nào cú bồi khiến cho thị phần iPhone xách tay tại Việt Nam đã thu hẹp nay lại càng thêm bất lợi. Nhưng không vì thế mà nên “khóc thương” cho thị trường iPhone xách tay. Thị trường iPhone 14 chính hãng tại Việt Nam dù mở bán muộn nhưng kèm theo đầy đủ các quyền lợi và thậm chí còn có những ưu đãi, khuyến mãi. Trên thực tế, nhiều người dùng đã dần quen với việc mua hàng chính hãng, bởi sốt sắng mua hàng xách tay sớm hơn được vài tuần hay một tháng nhưng giá cao, ngoài ra cũng chẳng có kèm theo ưu đãi gì. “Khóc thương” cho iPhone xách tay thì được gì? Chẳng được gì cả. Thị trường iPhone xách tay đang “chết dần chết mòn” nhưng cũng chả ai mảy may quan tâm. Bởi khi iPhone xách tay không còn rẻ hơn hàng chính hãng thì nó chẳng còn mang lại được giá trị gì hơn mà chỉ có kém hơn mà thôi. Thứ nhất là iPhine xách tay lách/trốn đủ loại thuế: Thuế nhập khẩu (khi mang về Việt Nam), thuế giá trị gia tăng + thuế thu nhập doanh nghiệp (khi bán ra). Ngược lại, iPhone chính hãng nhập khẩu và bán ra trên thị trường phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế trên theo qiu định hiện hành. Thứ hai, khi thị phần iPhone chính hãng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh và nhanh, doanh số được Apple chính thức ghi nhận, là yếu tố rất quan trọng góp phần giúp nâng hạng thị trường. Đây chính là yếu tố trả lời cho các câu hỏi vì sao Việt Nam chưa có Apple Store, vì sao iPhone thế hệ mới mở bán tại Việt Nam luôn muộn hơn nhiều tuần so với nhiều nước trong khu vực… Và cuối cùng, thị trường iPhone xách tay có “chết” thì cũng chẳng sao cả trừ phi Apple lợi dụng ưu thế thống lĩnh thị trường để trở kèo bóp nghẹt quyền lợi của khách hàng. Song nếu điều này xảy ra, iPhone xách tay lại có cơ hội được quan tâm. Dạ Thảo >> Đánh giá iPhone 14 Pro: màn vẫn đẹp, camera không nhiều cải tiến, Dynamic Island còn sơ khai