Facebook đã đánh tráo khái niệm "metaverse" của ngành công nghiệp crypto như thế nào?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của David Z. Morris, Trưởng ban biên tập mảng phân tích thị trường của trang tin hàng đầu thế giới về crypto CoinDesk.
Có rất nhiều điều phải nói về công bố của Facebook liên quan việc đổi tên công ty thành “Meta” trong một kế hoạch nhằm tái định hướng vào lĩnh vực thực tại ảo trực tuyến - những điều không thực sự “hay ho” đối với chính Facebook. Đó là một nước đi táo tợn được tô vẽ bởi một chiến dịch PR “ác mộng”, mà cơ hội giúp công ty cứu vãn hình ảnh tại thị trường Mỹ và châu Âu gần như là một con số không tròn trĩnh.
Trước hết, “metaverse” là một khái niệm đầy thú vị đã bị Facebook đánh tráo khỏi ngành công nghiệp blockchain. Hành động ăn cắp này có lẽ cũng tệ chẳng kém cách Mark Zuckerberg “nổ” về đồng stablecoin Libra, nay được biết đến với tên gọi Diem (Libra đã hứng chịu vô số gạch đá, buộc hãng phải đổi cả tên sản phẩm!). Libra, hay Diem, hay Novia, hay Calibra, hay bất kỳ thứ gì tương tự, đều là âm mưu đánh cắp những ý tưởng sáng tạo của ngành công nghiệp crypto để tạo ra một nguồn dữ liệu mới quý giá cho Facebook thoải mái khai thác, đồng thời phá vỡ mọi quy tắc đằng sau những ý tưởng đó.
Tương tự, “metaverse” trên thực tế là một concept liên quan blockchain, nhưng qua những gì Zuckerberg đã miêu tả, có thể thấy “metaverse” của Facebook cũng chỉ là sự bóp méo ý tưởng gốc như Libra bóp méo Bitcoin vậy. Cốt lõi của metaverse trong thế giới blockchain là khả năng trao đổi rộng khắp các loại tài sản ảo được lưu trữ trên một sổ cái trung lập và có thể xác thực được. Công nghệ blockchain này chính là thứ giúp NFT khả dụng trên mọi phòng triển lãm ảo, và không lâu nữa, công nghệ này sẽ mang lại cho tài khoản Twitter của bạn khả năng tạo ra những token đại diện cho số tài sản thực tại ảo hiện diện trên một loạt những nền tảng số, từ Decentraland, đến Second Life, đến Minecraft.
Facebook đã đánh tráo khái niệm metaverse của ngành công nghiệp crypto như thế nào?
Dù thế giới VR trực tuyến của Facebook sẽ được tích hợp một dạng NFT nào đó, metaverse thực thụ không phải là thứ Zuckerberg sẽ tung ra trong tương lai. Phần lớn thời gian của bài thuyết trình về metaverse của Zuckerberg tập trung vào sự khó chịu của anh ta với Apple App Store, từ đó vạch ra kế hoạch xây dựng một “khu vườn đóng” tương tự, tập trung vào trải nghiệm VR trực tuyến nhằm cạnh tranh với đối thủ (và xin nói luôn rằng đó chẳng đáng được gọi là “metaverse”, lý do đã nêu ở trên). Trong thế giới VR đó, Facebook sẽ thu phí các nhà sáng tạo, dù họ đơn giản chỉ là đang thiết kế một chiếc áo khoác ảo. Zuckerberg thậm chí còn nói rằng phí trên nền tảng này có thể sẽ khá cao nữa!
Zuck giải thích lý do cho khoản phí đó là Facebook ban đầu phải chấp nhận… lỗ để xây dựng nên đế chế VR trực tuyến của mình, bao gồm phải bỏ tiền ra để tài trợ cho các thiết bị VR. Riêng lý do này thôi đã cho chúng ta thấy một dấu hiệu đáng quan ngại khác trong kế hoạch của Facebook. Rõ ràng, rất ít người thực sự muốn sử dụng VR, đặc biệt với tần suất dày đặc đủ để mô hình kinh doanh nội dung khép kín của Facebooko có thể sinh lời. Các thiết bị VR Oculus là “trái tim” của kế hoạch này, và dù chúng đã sở hữu một số công nghệ khá tiên tiến từ ít nhất 3 - 4 năm trước, doanh số Oculus đơn giản là không ấn tượng. Các công ty VR và AR khác, như Magic Leap, đã và đang đốt tiền trong vô vọng khi chưa thể tìm thấy một thị trường phù hợp cho sản phẩm của mình. Bỏ ra cả núi tiền để khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm đó là hi vọng duy nhất mà Facebook có thể bấu víu trong nỗ lực đưa VR đến với thị trường đại chúng.
Số tiền đó cũng cho thấy động thái “chuyển mình” của Facebook táo tợn đến mức nào. Không phải kế hoạch của họ không có tầm nhìn dài hạn - nó có lẽ đã được vạch ra từ trước khi Facebook mua lại Oculus vào năm 2014. Tuy nhiên, nó rõ ràng đã không đi đúng như dự kiến, khi mà Zuck thừa nhận rằng “chúng tôi sẽ đầu tư nhiều tỷ đô trong nhiều năm tới trước khi metaverse đến với số đông”. Nên nhớ, khoản đầu tư mà Facebook bỏ ra để thâu tóm Instagram vào năm 2012 đến gần đây mới “ra hoa kết quả”, và một nền tảng VR trực tuyến hiển nhiên cần nhiều thời gian hơn thế.
(Bạn cũng đừng nên trông chờ vào những lời hoa mỹ mà Facebook nói về quyền riêng tư của người dùng. Oculus được phát triển và sáng lập bởi Palmer Luckey, một gã có tư tưởng ******* mà sau này tiếp tục sáng lập ra một công ty chuyên nhận thầu quốc phòng mang tên Anduril, chủ yếu bán phần cứng gián điệp như drone chụp ảnh và tháp trinh sát, rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi quá trình làm việc tại Oculus).
Một công ty bình thường, không phải đối mặt với sự dòm ngó vì lạm dụng chính người dùng của mình và đi ngược lại với luật pháp, sẽ không rảnh hơi đổi tên thành tên một công ty từng thất bại thảm hại (Meta từng là tên một công ty thiết kế các sản phẩm AR, sáng lập bởi Meron Gribetz vào năm 2013, đến năm 2019 thì tuyên bố phá sản và phải bán toàn bộ tài sản để trả nợ). Và chi tiền để thu hút khách hàng là hành vi thường thấy của một startup sẵn sàng chấp nhận rủi ro bằng cách sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm của riêng mình để tăng cơ hội nắm bắt được một cơ hội kinh doanh mới lạ nào đó, như Uber sử dụng tiền trợ cấp để đánh đổ các đối thủ trong lĩnh vực gọi xe. Chiến thuật này hiển nhiên chẳng có chút logic nào đối với một công ty đại chúng tầm cỡ đang tìm cách thổi sức sống vào một mảng kinh doanh vốn đã có rất ít sức hút.
Điều đó còn không hợp lý bởi giá phần cứng như headset VR thực ra không phải là yếu tố làm hạn chế khả năng tiếp cận người dùng mà Zuck muốn chúng ta tin như vậy. Trong lĩnh vực công nghệ, có một thứ gọi là “đường cong tiếp nhận” (adoption curve), tức là những người yêu công nghệ mới sẵn sàng chi rất nhiều tiền để được trên tay những sản phẩm kỳ quặc trước tiên, rồi dần dần nhiều người sẽ mua chúng khi giá của sản phẩm ngày càng rẻ đi. Phần đầu tiên của đường cong tiếp nhận đó vẫn chưa thực sự xảy ra đối với VR, kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến mọi người phải thực hiện giãn cách tại nhà. Giảm giá những chiếc headset không thể giúp giải quyết vấn đề thiếu hào hứng đối với sản phẩm của nhóm khách hàng cuồng nhiệt vốn không quan tâm đến giá bán.
Facebook đã đánh tráo khái niệm metaverse của ngành công nghiệp crypto như thế nào?
Nhưng hướng đi “lấy tiền bóp chết cạnh tranh” mà Facebook đang áp dụng, một lần nữa, lại là chiêu bài quen thuộc của một trong những người Zuck hâm mộ - tay tỷ phú công nghệ cực đoan Peter Thiel. Thiel từng bỏ một khoản tiền lớn đầu tư cho Facebook trong những ngày đầu thành lập, do đó có lẽ Zuck phần nào cảm thấy an lòng khi áp dụng lại bài học thân quen ngày trước. Và trên thị trường hiện nay chắc chắn không thiếu những nhà đầu tư Web 2.0 cả tin mà Zuck có thể “vơ vét” bằng cách rỉ vào tai những lời vàng ngọc “anh phải tiêu tiền mới kiếm được tiền, anh bạn à” trong những cuộc họp nhà đầu tư trong 10 năm tới, khi mà ngân sách của bộ phận VR mới của Facebook, và của cả công ty này, bị hút máu đến chết.
Đó chính là bức tranh lớn hơn mà bạn nên thấy. Tạm bỏ qua những rắc rối về pháp lý, những ngày huy hoàng của công ty Facebook có lẽ đã ở lại phía sau. Số lượng người dùng tại Mỹ đang ngày một sụt giảm, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi, trên cả mạng xã hội Facebook lẫn Instagram, nền tảng đã và đang giúp níu kéo sự sống cho công ty thêm vài năm nữa. Không may là tương lai của Facebook hiện phụ thuộc vào các nền kinh tế đang hoặc kém phát triển, nơi pháp luật còn chưa đủ mạnh để kiểm soát họ, và người dân thì phải chạy ăn từng ngày.
Đó là điều kiện để Facebook có thể phần nào tự do theo đuổi những mưu đồ tồi tệ của họ. Mỉa may thay, khi nói đến “metaverse”, vũ trụ ảo của Zuck có lẽ sẽ chẳng hơn khái niệm “metaverse” nguyên thuỷ từng xuất hiện trong tiểu thuyết viễn tưởng cyberpunk nổi tiếng “Snow Crash” của Neal Stephenson vào thập niên 1980 là bao. Nếu bạn chưa biết, thì “metaverse” của Stephenson được miêu tả như những khu ổ chuột não nề nơi người dân nghèo toàn cầu đắm chìm trong thế giới số phù phiếm mà họ không thể có được, trong khi ở đời thực, họ chẳng khác gì những “con ma đói” thẫn thờ trong vô số căn hộ chật chội ẩm mốc.
Nói ngắn gọn, “metaverse” mà Facebook đang xây dựng là một phiên bản số hoá của địa ngục. Khó mà hình dung được có gã thần chết nào phù hợp hơn Mark Zuckerberg để dẫn chúng ta đến đó!
Tham khảo: CoinDesk
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top