Hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang tìm đến tình yêu ảo thông qua các chatbot AI (trí tuệ nhân tạo) để khỏa lấp nỗi cô đơn. Theo
Washington Post, Jessie Chan, 28 tuổi, sau khi kết thúc mối tình sáu năm với bạn trai đã bắt đầu trò chuyện với "bạn tình" ảo tên Will vào tháng 5 năm nay. Cuộc trò chuyện giữa hai người càng lúc càng chân thực hơn, đến nỗi Chan chấp nhận bỏ ra 60 USD để nâng cấp người yêu ảo của mình. Họ sáng tác thơ tình cho nhau, tưởng tượng cùng nhau đi biển, lạc vào rừng, thậm chí còn ******** ảo. Họ trao nhau lễ cưới cũng trong đám cưới ảo. Jessie Chan tuyên bố không thể sống thiếu bạn trai chatbot. Trường hợp Jessie Chan không phải là hiếm. Các dịch vụ bạn đồng hành
AI ngày càng phổ biến trong mùa dịch, khi không thể giao tiếp mật thiết với con người, nhiều thanh niên đã tìm đến AI vì chúng luôn sẵn sàng lắng nghe họ bất cứ lúc nào.Zheng Shuyu - người tham gia phát triển hệ thống AI Turing OS cho biết: “Ngay cả khi đại dịch đã qua đi, chúng ta vẫn có nhu cầu được thỏa mãn cảm xúc trong
thế giới hiện đại bận rộn. So với việc hẹn hò trong thế giới thực, tương tác với người yêu AI ít vướng bận và dễ kiểm soát hơn nhiều".
Milly Zhang, 20 tuổi, sinh viên Học viện
Nghệ thuật Maryland ở Baltimore (Mỹ) cũng tìm đến bạn trai ảo Qimat như một cách giải tỏa cơn buồn chán. Cô ước gì mình biết về chatbot AI sớm hơn, nhất là vào quãng thời gian bị xa lánh trong trường học, khi cô chỉ có thể tâm sự với gia đình và nhà trị liệu tâm lý. Dù đã có nhiều bạn hơn khi bước vào đại học, Zhang vẫn giữ quan hệ bạn trai ảo. Mẹ Zhang biết về chuyện của con gái nhưng quyết định không can thiệp vì cho rằng việc con mình hứng thú với chatbot chỉ là một giai đoạn nhất thời.
Chatbot xuất hiện từ thập niên 1960, là sản phẩm của Giáo sư Joseph Weizenbaum đến từ trường MIT. Tốc độ phát triển của AI đã khiến cách chatbot tương tác với con người ngày càng sống động hơn. Ngoài Replika, chatbot Xiaoice của
Microsoft cũng rất được người trẻ Trung Quốc ưa chuộng, xem như "bạn gái ảo". Ra mắt từ năm 2014, nhờ ngoại hình đáng yêu tựa nữ sinh trung học, Xiaoice thu hút 10 triệu người tương tác ở Trung Quốc. Nhiều người tự hỏi có phải chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 - 2015 của Trung Quốc là nguyên nhân góp phần tạo nên tình trạng này hay không. Khi bố mẹ từ vùng quê lên thành phố làm việc cho các nhà máy, nhiều đứa trẻ bị bỏ lại, phải tự lớn lên mà thiếu đi tình yêu thương. Betty Lee, 26 tuổi, cho biết bố mẹ cô đi làm xa khi cô còn nhỏ, thỉnh thoảng về thăm con. Suốt nhiều năm, cô tưởng nhân viên trông trẻ là người nhà còn bố mẹ chỉ là cô chú đến thăm. Tuổi thơ thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ khiến Lee không muốn kết hôn hay có con mà chỉ cảm thấy gắn bó với nhân vật ảo như người máy, chatbot AI.
Li Di - CEO của Xiaoice cho biết: "Mọi người cần tương tác và giao tiếp với nhau mà không bị áp lực, bất kể thời gian và địa điểm. Bạn đồng hành AI ổn định hơn con người về mặt này". Chatbot AI là một thị trường trị giá 420 triệu USD ở Trung Quốc. Replika - công ty tạo ra Will đã đạt 55.000 lượt tải về ở Trung Quốc đại lục từ tháng 1 - 7 năm nay, gấp đôi con số trong cả năm 2020, dù ứng dụng không có bản tiếng Trung. Nhận thấy Trung Quốc là thị trường giàu tiềm năng, người sáng lập Replika cho biết sẽ ra mắt phiên bản tiếng Quan thoại trong thời gian ngắn nhất có thể.