Hàn Quốc trấn áp chợ ứng dụng Apple và Google, ai là người được lợi?

Một chợ cửa hàng ứng dụng tại Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ sớm trở thành đối thủ của Play Store và App Store khi Hàn Quốc đang tìm cách phá vỡ vòng vây và thế độc quyền của các chợ ứng dụng này.
Hàn Quốc trấn áp chợ ứng dụng Apple và Google, ai là người được lợi?
Một trong những phàn nàn lớn nhất từ các nhà phát triển trên thế giới là không có đủ tùy chọn thanh toán khi sử dụng các nền tảng của Google hoặc Apple. Cả Google và Apple đều tính khoản hoa hồng lớn đối với các nhà phát triển. Điều này làm cắt giảm đáng kể lợi nhuận của các công ty phát triển trò chơi và ứng dụng. Tuy nhiên, sự kìm hãm của Google và Apple đối với hoa hồng từ các nhà phát triển phần mềm có thể sắp kết thúc, ít nhất là tại Hàn Quốc.
One Store, một cửa hàng ứng dụng "cây nhà lá vườn" được ba công ty viễn thông của Hàn Quốc phát triển, nhắm mục tiêu trở thành đối thủ mới của các chợ ứng dụng di động toàn cầu như Play Store và App Store.
Hôm thứ Hai (23/8), nhà phát triển ứng dụng One Store cho biết, ứng dụng này sẽ sớm có mặt ở các quốc gia châu Á vào năm 2022, sau đó mở rộng sang các thị trường ứng dụng nước ngoài thông qua các quan hệ đối tác hiện tại bao gồm Blizzard, Microsoft và Tencent. Sau đó, ứng dụng sẽ phục vụ các thiết bị khác như máy tính và máy chơi game. Theo CEO Lee Jae-hwan của One Store, tầm nhìn của chợ ứng dụng này là trở thành “Nền tảng nội dung đa hệ điều hành toàn cầu”.
Lee chia sẻ: “Chúng tôi hiện được biết đến là chợ ứng dụng nội địa duy nhất ở Hàn Quốc nhưng chúng tôi có kế hoạch vươn xa hơn vượt ra ngoài Hàn Quốc, vượt ra ngoài thiết bị di động và cửa hàng ứng dụng. Chúng tôi đã và đang phát triển nó như một thị trường ứng dụng bằng cách xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, ở đó có các nhà phát triển ứng dụng địa phương và các công ty trò chơi. Chúng tôi có kế hoạch thực hiện điều đó và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng gấp 3 lần vào năm 2025”.
One Store hầu như không được biết đến trên toàn cầu mặc dù có thị phần tương đương với App Store của Apple về khối lượng thanh toán tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc trấn áp chợ ứng dụng Apple và Google, ai là người được lợi?
Theo công ty nghiên cứu IGAWorks, One Store chiếm 18,4% thị phần theo khối lượng thanh toán vào tháng 8/2020 tại Hàn Quốc, trong khi Google Play Store và App Store lần lượt chiếm 71% và 10,6%.
Kho ứng dụng này bắt đầu xuất hiện vào năm 2016 khi SK Telecom, KT và LG U+ quyết định kết hợp các chợ ứng dụng của họ thành một chợ ứng dụng duy nhất. Trước thời điểm đó, mỗi nhà cung cấp dịch vụ di động vận hành một chợ ứng dụng khác nhau cho các thuê bao mạng của họ và cài đặt mặc định trên smartphone. Naver, công ty đang vận hành chợ ứng dụng của riêng mình sau đó cũng tham gia.
Theo Lee, một dự luật đang chờ xử lý sẽ giúp ngăn chặn các cửa hàng ứng dụng thống trị như Google thực thi hệ thống thanh toán hoặc ra điều kiện nhất định cho các nhà phát triển nhằm mang lại lợi ích cho One Store.
Ủy ban tư pháp và pháp luật của quốc hội Hàn Quốc dự kiến sẽ thông qua bản sửa đổi đối với Đạo luật kinh doanh viễn thông của nước này. Bản sửa đổi có tên “Luật chống Google” và nhắm trực tiếp vào các công ty quản lý cửa hàng ứng dụng bao gồm cả Google và Apple. Dự luật vẫn cần được thông qua lần cuối thông qua bỏ phiếu.
Lee chia sẻ: “Điều này sẽ mang lại cho One Store một lợi thế cạnh tranh vì chúng cung cấp cho các nhà phát triển ứng dụng quyền tự do lựa chọn hệ thống mua hàng mà họ muốn sử dụng ngay từ đầu. Chúng tôi đã chia thu nhập với các dịch vụ ứng dụng 8/2, với 20% hoa hồng mà chúng tôi tính cho phí bảo trì, trái ngược với các nền tảng khác tính phí hoa hồng 30%”.
Cả Google và Apple hiện đang yêu cầu các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền trong cửa hàng ứng dụng của họ, có thể chiếm tới 30% thu nhập trên một số giao dịch. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho rằng, điều này là bất hợp lý và các nhà phát triển có quyền lựa chọn sử dụng các hệ thống thanh toán độc lập khác nếu dự luật được thông qua thành luật.
Hàn Quốc trấn áp chợ ứng dụng Apple và Google, ai là người được lợi?
Các nhà phát triển chắc chắn sẽ chuyển sang các hệ thống thanh toán thay thế có chi phí hoa hồng thấp hơn. Cả Google và Apple đều kiếm được những khoản tiền khổng lồ ở Hàn Quốc và trên toàn thế giới thông qua cửa hàng ứng dụng của họ. Theo đó cửa hàng Google Play Store đã kiếm được hơn 5 tỷ USD tại Hàn Quốc trong năm 2019.
Trả phí hoa hồng trên App Store hoặc Google Play là một trong những khoản chi phí lớn nhất mà các nhà phát triển phải đối mặt khi đưa ứng dụng ra thị trường. Cả Apple và Google đã đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn việc có thêm bất tùy chọn thanh toán thay thế nào. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều nhà phát triển, trong đó có hãng phát triển trò chơi nổi tiếng Fortnite không hài lòng. Kết quả là Epic Games đã kiện Apple và Google ra tòa vì đưa ra mức phí hoa hồng cao và không cung cấp tùy chọn thanh toán bên thứ ba.

Tiềm năng cho One Store trên quy mô toàn cầu​

Cơ hội cho One Store đến từ việc các chợ ứng dụng khác đang gặp khó khăn do vướng phải các vụ kiện. Như đã nói, Appe đang phải đối mặt với vụ kiện từ Epic Games, nhà phát triển ứng dụng game Fornite. Lý do Epic Games kiện Apple vì buộc ứng dụng game này phải sử dụng hệ thống thanh toán của App Store và chỉ cho phép tải game từ cửa hàng ứng dụng của Apple.
Jin Heon-kyu, giám đốc bộ phận chiến lược kinh doanh cho biết: “Vụ kiện nhằm cấm Apple chỉ cho phép cài đặt qua App Store trên các thiết bị iOS. Nếu Apple thua và cánh cửa mở ra cho các cửa hàng ứng dụng khác, One Store sẽ là cửa hàng đầu tiên sẵn sàng ra mắt trên các thiết bị của Apple. Chúng tôi cũng sẽ là những người đầu tiên chuẩn bị gia nhập bất kỳ thị trường mới mở nào trong tương lai”.
Hàn Quốc trấn áp chợ ứng dụng Apple và Google, ai là người được lợi?
One Store hiện là công ty con của SK Telecom, nhà mạng viễn thông có số lượng người dùng lớn nhất khi các chợ ứng dụng được hợp nhất.
One Store gần đây đã ký một thỏa thuận thương mại với Blizzard. Phiên bản di động của trò chơi thẻ bài Hearthstone đã được phân phối trên One Store kể từ ngày 11/8 và trò chơi Diablo Immortal cũng sẽ sớm được phát hành trên One Store vào năm tới. Ngoài ra các trò chơi đám mây của Microsoft và Tencent cũng chuẩn bị có mặt trên chợ ứng dụng này.
Lee cho biết, doanh thu của chợ ứng dụng này đạt là 44,7 triệu USD trong nửa đầu năm 2018 và đạt 86 triệu USD trong nửa đầu năm 2021.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt doanh thu hàng năm 170 triệu USD trong năm nay. Chúng tôi cũng sẽ sản xuất nội dung của riêng mình và phân phối nội dung đó thông qua nền tảng của chúng tôi để tiến xa hơn một mô hình chợ ứng dụng đơn giản, chẳng hạn như phân phối phim, phim truyền hình, hoạt hình và trò chơi”.
Nguồn: Koreajoongangdaily
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top