Hồ nước ở Hawaii chuyển sang màu hồng "cánh sen" sau hạn hán, nguyên nhân được giới khoa học tiết lộ

Nước tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Kealia trên đảo Maui đang chuyển sang màu hồng đậm từ ngày 30/10, khi nồng độ muối tăng cao do hạn hán nghiêm trọng.
Mẫu nước đã được gửi đến Đại học Hawaii, chỉ ra rằng cổ khuẩn ưa muối (halobacteria) chịu trách nhiệm cho vẻ đẹp kỳ lạ này, theo Cục quan sát cá và động vật hoang dã Mỹ.

Hồ nước ở Hawaii chuyển sang màu hồng cánh sen sau hạn hán, nguyên nhân được giới khoa học tiết lộ
Hồ nước ở Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Kealia có màu hồng đậm do ảnh hưởng của hạn hán
Cổ khuẩn ưa muối là những sinh vật đơn bào có khả năng sống trong môi trường vô cùng mặn như hồ Great Salt và Biển Chết. Chúng được xem là những sinh vật có khả năng chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt, sống trong môi trường với độ mặn gấp đôi so với nước biển.
Mặc dù tên gọi Kealia có ý nghĩa là "cặn muối", độ mặn của hồ đã vượt qua mức thông thường do hạn hán kéo dài tại Maui. Cả hòn đảo đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán, theo Cơ quan theo dõi hạn hán Mỹ (USDM). Vị trí của khu bảo tồn hồ Kealia đang nằm trong vùng hạn hán cấp 2 theo thang phân loại của USDM.
Suối Waikapu, đưa nước từ núi Tây Maui vào hồ Kealia, cũng trải qua tình trạng hạn hán. Việc ít nước ngọt đổ vào hồ đã làm tăng nồng độ muối, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của cổ khuẩn ưa muối.
Khoảng 90% quận Maui, bao gồm cả các đảo khác, đang phải đối mặt với hạn hán kéo dài kể từ đợt cháy rừng ở Lahaina vào tháng 8. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về tác động của khủng hoảng khí hậu lên Hawaii. Dự báo cho thấy hạn hán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, ngay cả ở vùng nhiệt đới.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top