Học chữ có làm cho bộ não người Anh, Pháp, Ý tiến hóa theo những cách khác nhau?

Tiếng Anh và tiếng Ý là hai ngôn ngữ có nhiều điểm khác biệt về mặt ngôn ngữ học. Tiếng Ý đọc sao viết vậy gần giống tiếng Việt còn tiếng Anh thì đọc một đằng viết một nẻo, không có quy tắc ngữ âm và chính tả thống nhất. Những đặc trưng này có làm cho bộ não của người Anh và người Ý thay đổi khác nhau khi đến trường học chữ, tiếp thu ngôn ngữ viết?
Bài viết tham khảo website Keystoliteracy và sách The learning brain lessons for education của hai nhà tâm lý học nhận thức Sarah-Jane Blakermore và Utah Frit đến từ University College London.

Học chữ có làm cho bộ não người Anh, Pháp, Ý tiến hóa theo những cách khác nhau?
(Ảnh: iStock)
Đọc là một sự phát triển văn hóa tương đối mới. Trở về thời điểm tổ tiên chúng ta phát minh ra chữ viết 4000 năm trước công nguyên, chỉ một số người có thể đọc. Mãi tới sau thời kỳ cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, một lượng lớn dân số ở nhiều quốc gia mới được học chữ. Bộ não con người không tiến hóa để có thể đọc theo cách nó đã tiến hóa để phát triển ngôn ngữ viết.
Để đọc được, bộ não phải xác định lại các chức năng não bộ đã phát triển qua hàng ngàn năm cho những công việc khác, những nhu cầu cơ bản hơn.
Nhà thần kinh học nổi tiếng người Pháp Stanislas Dehaene đã miêu tả điều này như sau: “Hệ thống mạch điện não bộ được thừa kế từ sự tiến hóa linh trưởng của chúng ta đã được bổ sung thêm nhiệm vụ nhận dạng các từ in trên giấy - mạng lưới thần kinh hiện tại của bộ não được “tái chế” cho việc đọc. Do sự mềm dẻo của não, trong quá trình phát triển não bộ, nhiều mạch điện não có thể thích ứng với những công dụng mới. Khi chúng ta học một kỹ năng mới như đọc, chúng ta tái chế một số mạch điện não cũ của chúng ta”.
Những phần nào của bộ não tham gia vào việc đọc?
Không có một khu vực đặc biệt nào trong não được chúng ta dùng để đọc. Đọc bao gồm nhiều tiến trình sử dụng các khu vực khác nhau của bộ não.
Những tiến bộ trong ngành khoa học thần kinh từ năm 1980 đã cho phép các nhà khoa học làm sáng tỏ các nguyên tắc bên dưới các mạch điện não bộ liên quan đến việc đọc. Việc chụp ảnh não sử dụng các kỹ thuật mới như FMRI, PET giúp các nhà nghiên cứu tạo ra những hình ảnh tiết lộ nhiều thông tin về: hoạt động và giải phẫu bộ não trong khi đọc, các thành phần não bộ hoạt động khi chúng ta đọc. Theo đó, những người đọc có kinh nghiệm sử dụng 3 vùng trong não, chủ yếu ở bán cầu não trái.

Học chữ có làm cho bộ não người Anh, Pháp, Ý tiến hóa theo những cách khác nhau?
Các vùng não ở bán cầu não trái hoạt động khi con người đọc chữ (Ảnh: Keystoliteracy)
Vùng đầu tiên ở phía trước nằm ở thùy trán (frontal lobe), hệ thống sản xuất lời nói cơ bản của não, xử lý những âm thanh lời nói (speech sounds) khi chúng ta nghe và nói. Vùng này còn được gọi là vùng Broca theo tên nhà thần kinh học người Pháp Paul Broca.
Vùng thứ hai, chính giữa, nằm ở khu vực thái dương - thùy đỉnh (parietal-temporal region) đảm nhận việc phân tích chữ viết thành âm thanh, ví dụ phân tích từ (word analysis), đọc các từ thành tiếng. Vùng này còn được gọi là vùng Wernicke, tên của nhà thần kinh học người Đức Carl Wernicke.
Vùng thứ ba ở phía sau, khu vực thái dương - thùy chẩm (occipital-temporal region) là nơi lưu giữ hình ảnh và ý nghĩa từ, được gọi là vùng dạng từ thị giác. Vùng này làm những việc như nhận dạng từ-chữ cái (letter-word recognition), tự động hóa, hiểu ngôn ngữ (language comprehension). Vùng này quan trọng trong việc đọc trôi chảy và tự động để người đọc có thể nhanh chóng xác định từ mà không cần đọc thành tiếng.
Điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là, dù có nhiều khu vực khác nhau đóng vai trò nhất định trong tiến trình đọc, trong quá trình này, các phần của não bộ hợp tác với nhau liên tục. Theo nhà tâm lý Mark Seidenberg trong cuốn Language at the speed of sight in năm 2018, “mỗi loại thông tin quan trọng trong quá trình đọc được hỗ trợ bởi một mạng lưới cấu trúc não bộ hơn là được giao cho một khu vực riêng lẻ, và mỗi khu vực não bộ đáp ứng và tham gia vào việc xử lý nhiều loại thông tin”.
Mark Seidenberg là giáo sư khoa tâm lý đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ, chuyên nghiên cứu về đọc và ngôn ngữ.
Hệ thống các bộ phận trong não bộ làm nhiệm vụ đọc đã được chứng minh chủ yếu qua nhiều nghiên cứu trên người biết đọc chữ ở Anh. Một nghiên cứu quốc tế trên bộ não người biết đọc chữ ở 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý góp phần củng cố lý thuyết quen thuộc này. Kết quả chụp ảnh PET cho thấy, các bộ phận não bộ tham gia vào quá trình đọc chữ ở người Anh, Pháp, Ý đều giống nhau, chính là hệ thống ở trên. Sự khác biệt ở đây là mức độ đóng góp của mỗi bộ phận vào quá trình đọc, ít hoặc nhiều tùy theo bạn đang học ngôn ngữ nào.
Khi bạn học tiếng Anh, Pháp là những ngôn ngữ mà sự tương ứng âm thanh-chữ viết rất xa nhau, vùng dạng từ sẽ tích cực hơn, làm việc nhiều hơn. Khi bạn học tiếng Ý, một ngôn ngữ có sự tương ứng âm thanh-chữ viết cao giống như tiếng Việt, vùng biên dịch âm-chữ sẽ năng động hơn, gánh vác nhiều việc hơn.
PET (Positron Emission Tomography, chụp ảnh cắt lớp phát xạ positron) và FMRI (Functional Magnetic Resonance Imaging, chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng) là các kỹ thuật đo lường lượng máu chảy tới các khu vực trong bộ não. PET và FMRI khác nhau ở chỗ FMRI đo lường lượng máu có oxy. Để hoạt động tích cực, các neuron (tế bào thần kinh) cần có oxy trong máu. Máy quét FMRI sẽ phát hiện lượng oxy di chuyển trong máu nhờ từ tính của oxy. Thông tin từ lượng oxy sẽ được dùng để tạo ra các tấm ảnh về sự thay đổi trong hoạt động não bộ khi các tình nguyện viên nhìn thấy hoặc nghe thấy các kích thích nhất định trong lúc đang trả lời câu hỏi, bấm các nút nào đó v.v...
Các hệ thống chữ viết
Chữ viết ra đời cách đây 5000 năm một cách độc lập ở Trung Quốc, khu vực Sumer của Mesopotamia (Iraq ngày nay). Những chữ viết cổ xưa nhất của nhân loại có dạng hình ảnh, và chữ viết cổ nhất được tìm thấy ở Mesopotamia là các mô hình đất sét của vật được nhắc đến. Theo thời gian, các hình ảnh sự vật thu nhỏ dần dần phát triển thành các ký hiệu trừu tượng và hình ảnh cơ bản như chữ hình nêm (cuneinform) của người Babylons, chữ tượng hình Ai Cập (hieroglyph) dùng ký hiệu biểu thị toàn bộ từ lẫn âm của từ, chữ tượng hình Trung Quốc (logographic) dùng ký hiệu biểu thị toàn bộ một từ hoặc một ngữ tố-đơn vị nhỏ nhất có ý nghĩa trong ngôn ngữ.

Học chữ có làm cho bộ não người Anh, Pháp, Ý tiến hóa theo những cách khác nhau?
Một số chữ viết cổ là những mô hình đất sét mô phỏng các vật thể, rồi đến các ký hiệu trừu tượng hơn (Ảnh từ sách The learning brain lessons)
Chữ viết thể hiện ý nghĩa của ngôn ngữ là chữ viết tối cổ của nhân loại được gọi là chữ tượng hình (còn gọi là chữ biểu ý, chữ ghi ý). Sau chữ tượng hình, con người còn phát minh loại chữ phản ánh khía cạnh âm thanh của ngôn ngữ được gọi là chữ tượng thanh (hay chữ biểu âm, chữ ghi âm). Các loại chữ ghi âm cổ nhất là chữ Phoenician ở Địa Trung Hải thể hiện phụ âm. Chữ viết đầu tiên thể hiện nguyên âm là chữ Hy Lạp cổ vào năm 500 trước công nguyên. Sau đó, bảng chữ cái được nhiều ngôn ngữ hơn sử dụng, số ký tự giảm xuống như trong bảng chữ cái La Mã, tức bảng chữ cái Latin hay bảng chữ cái abc phổ biến ngày nay gồm 23 chữ cái (26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh ngoại trừ u, j, w).
Bảng chữ cái Latin là cơ sở cho nhiều hệ thống chữ ghi âm hiện đại ngày nay như Anh, Pháp, Ý và Việt Nam. Tiếng Ý và tiếng Việt là những ngôn ngữ có sự tương ứng âm-chữ rất cao, đọc sao viết vậy. Tiếng Anh, Pháp là những ngôn ngữ mà khoảng cách âm thanh-chữ viết rất xa nhau, âm một đằng chữ một nẻo, không theo quy tắc nhất quán như tiếng Ý, tiếng Việt.
Nguồn: The learning brain lessons for education, Keys to literacy
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top