Hơn 70 triệu cá thể cá ngựa bị săn bắt mỗi năm bằng lưới giã cào

Mỗi ngày, hàng nghìn con tàu khai thác hải sản trên khắp thế giới ra khơi, kéo theo những tấm lưới khổng lồ cày xới đáy biển, giữ lại mọi thứ trên đường đi của chúng và huỷ hoại môi trường sống dưới biển.
Hơn 70 triệu cá thể cá ngựa bị săn bắt mỗi năm bằng lưới giã cào
Ảnh: Viện Smithsonian
Có gần một phân tư sản lượng hải sản hằng năm của thế giới đến từ phương pháp đánh bắt lưới giã cào. Các nhà khoa học mô tả phương pháp này như đang “san phẳng” đáy biển. Phương pháp khai thác này hình thành từ thế kỷ thứ 14, nhưng nhờ những tiến bộ kỹ thuật ở nửa cuối thế kỷ 20, ngư dân đã có thể sử dụng phương pháp này ở cả vùng biển nông cho đến vùng biển sâu.
Bà Amanda Vincent, giáo sư tại Viện Hải dương và Ngư nghiệp thuộc Đại học British Columbia (Canada), đã chứng kiến mức độ tàn phá của những tấm lưới giã cào suốt 30 năm trên khắp thế giới, thông qua nhiều nghiên cứu về cá ngựa.
“Hãy tưởng tượng một chiếc trực thăng mang theo những sợi dây nặng trịch lướt qua cánh rừng yêu thích của bạn, hay một quả đồi, nó không chỉ cắt trụi mọi thứ trên đường đi, cày xới mặt đất, mà còn làm những loài động vật như ong, bướm, chim chóc, gấu và cả những bụi rậm biến mất”, giáo sư Vincent cho biết. “Chúng ta không cho phép điều đó xảy ra trên đất liền, bất kể đâu, nhưng đó lại là điều đang diễn ra ở ngoài đại dương, mỗi ngày”.
“Nó không chỉ tàn phá mà còn làm huỷ hoại hệ sinh thái”
, giáo sư nói thêm. “Đó đơn thuần là một phương pháp khai thác tận diệt và nó phải được dừng lại”.
Hơn 70 triệu cá thể cá ngựa bị săn bắt mỗi năm bằng lưới giã cào
Ảnh: Viện Bảo tồn Biển
Dự án Cá ngựa là một dự án phi lợi nhuận do giáo sư Vincent thành lập từ năm 1996. Dự án này đã góp phần giúp cá biển được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế nhìn nhận – đây là một cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ cá ngựa và các loài sinh vật biển khác.
Giáo sư Vincent cũng là người có công trong việc phát hiện ra hoạt động buôn bán cá ngựa trên toàn thế giới – cá ngựa là một thành phần phổ biến trong các bài thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc. Và nhờ có chiến dịch của bà, các nước trên thế giới đã áp đặt một số hạn chế lên việc mua bán loài động vật này. Mục tiêu tiếp theo của bà là phương pháp đánh bắt hải sản bằng luới giã cào.
Hơn 70 triệu cá thể cá ngựa bị săn bắt mỗi năm bằng lưới giã cào
Những con cá ngựa được bày bán tại các khu chợ ở Hồng Công để làm thuốc (Ảnh: CNN)
Theo Dự án Cá ngựa, mỗi năm có hơn 70 triệu cá thể cá ngựa bị đánh bắt bằng lưới giã cào và những phương pháp đánh bắt khác. Do đó, khai thác hải sản là mối nguy lớn nhất đối với sự tồn vong của loài động vật này.
“Hầu hết các tàu cá sử dụng lưới giã cào chỉ (vô tình) bắt được từ 1 đến 2 cá thể cá ngựa mỗi tàu mỗi đêm”, giáo sư Vincent nói, nhưng “những nước như Thái Lan hay Ấn Độ xuất khẩu đến 5 triệu cá thể cá ngựa mỗi năm, vì vậy, nó cho thấy quy mô khai thác bằng lưới giã cào lớn như thế nào, vì đó là cách thức chính mà họ dùng để đánh bắt cá ngựa”.

Tác động đến môi trường biển​

Một nghiên cứu năm 2018 ước tính mỗi năm có khoảng 19 triệu tấn cá và các loài động vật không xương sống kết thúc cuộc đời của chúng trong hàng chục nghìn tấm lưới giã cào trên toàn thế giới. Một nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng khoảng 60% lượng hải sản bị thải loại về đại dương là do vô tình mắc kẹt trong lưới giã cào.
“Phương pháp này có tác động rất khủng khiếp đến thế giới đại dương”, Juan Mayorga, nhà hải dương học tại Đại học California (Santa Barbara), cho biết. “Để có 1kg tôm, bạn có thể vô tình bắt được đến 25kg các loài khác… Lưới giã cào hoàn toàn không có sự chọn lọc”.
Hơn 70 triệu cá thể cá ngựa bị săn bắt mỗi năm bằng lưới giã cào
Một mẻ lưới đánh bắt tôm bằng lưới giã cào tại Mexico (Ảnh: CNN)
Ngoài việc gây tổn hại đến trữ lượng hải sản, một nghiên cứu gần đây, do Mayorga làm đồng tác giả, đã nghiên cứu hành trình của hơn 20.000 tàu đánh bắt bằng lưới giã cào trên toàn thế giới và nhận ra rằng việc nạo vét lớp trầm tích giàu carbon dưới đáy đại dương khiến đoàn tàu đánh cá này có lượng khí thải tương đương với toàn bộ ngành hàng không của cả thế giới.
Các đại dương hấp thụ khoảng một phần ba lượng khí thải carbon trong khí quyển, từ đó khiến đáy đại dương trở thành bể chứa carbon lớn nhất hành tinh.
“Chỉ với độ sâu 1m từ bề mặt tầng đáy đại dương đã có trữ lượng carbon lớn gấp đôi toàn bộ trữ lượng carbon trên đất liền cộng lại”, Mayorga cho biết. “Vì thế nó là một bể chứa carbon vô cùng, vô cùng lớn”.

Giảm thiểu mức độ tàn phá​

Mayorga cho biết số lượng tàu cá sử dụng lưới giã cào không thay đổi nhiều trong những năm gần đây, một phần là do chi phí nhiên liệu và một số thay đổi giúp ngành khai thác hải sản giảm mức độ tàn phá, ví dụ như chỉnh sửa lại ngư cụ để giảm thiểu đánh bắt nhầm và cho phép những loài sinh vật như cá ngựa có thể thoát ra. Tuy vậy, Mayorga nói thêm rằng những giải pháp này chưa được ứng dụng rộng rãi.
Giáo sư Vincent cho biết một trong số những cách giảm thiểu thiệt hại hiệu quả nhất là chấm dứt các khoản trợ cấp của chính phủ cho hoạt động này. Các nhà nghiên cứu cho biết các khoản trợ cấp này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành khai thác hải sản. Họ cho rằng việc khai thác xa bờ bằng lưới giã cào không thể mang lại lợi nhuận nếu không có trợ cấp của chính phủ.
Hơn 70 triệu cá thể cá ngựa bị săn bắt mỗi năm bằng lưới giã cào
Ảnh: The Guardian
Ngoài ra, giáo sư Vincent còn “kỳ vọng lớn” vào cam kết bảo vệ 30% diện tích đại dương đến năm 2030 thông qua việc triển khai các Khu bảo tồn biển (MPA). Hoạt động đánh bắt hải sản sẽ được siết chặt hoặc cấm hoàn toàn trong những khu vực này. Dự án Cá ngựa cũng đã hỗ trợ thiết lập 35 khu bảo tồn biển trên các vùng biển của Philippines, trong đó có các quần đảo là nơi sinh sống của 10 trên tổng số 46 loài cá ngựa đã biết.
Tuy vậy, giáo sư cho rằng bà vẫn còn nhiều mục tiêu phải thực hiện.
Mặc dù lưới giã cào đang là mối nguy lớn nhất đối với loài cá ngựa, giáo sư Vincent cho rằng nó cũng làm gia tăng nguy cơ phá huỷ môi trường sống dưới biển và gây biến đổi khí hậu. “Khi nhìn vào số phận của loài cá ngựa ở hiện tại, chắc chắn chúng đang báo hiệu cho một điều gì đó sắp đến”.
“Đại dương là tất cả những gì chúng ta có – 99% không gian trên Trái Đất tồn tại sự sống nằm ở đại dương”
, giáo sư Vincent cho biết thêm. “Về cơ bản, chúng ta đang sử dụng loài cá ngựa để cứu giúp cả đại dương. Nếu chúng ta có thể làm được điều gì đó cho những chú cá nhỏ này, chúng ta sẽ làm được rất nhiều thứ khác cho đại dương”.
Theo CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top