Hộp sữa rỗng, ruột bút cũ 'cháy hàng' tại Trung Quốc

Các trường học ở Trung Quốc muốn dạy học sinh tái chế bằng cách bắt chúng thu gom lượng lớn rác thải nhựa mỗi tháng. Kết quả là thị trường buôn bán các hộp sữa qua sử dụng bùng nổ.

1725528472193.png

Một số trường đã đặt ra chỉ tiêu thu gom rác tái chế và đánh giá xếp loại giáo viên dựa trên mức độ hoàn thành. Ảnh : Journal.​

Trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, một thị trường mới đang bùng nổ dành cho những loại mặt hàng rất đặc biệt, từ hộp sữa rỗng cho đến ruột bút đã qua sử dụng.

Loại hình buôn bán rác thải nhựa này đột nhiên tăng trưởng mạnh là nhờ các bậc cha mẹ Trung Quốc. Họ đang cố gắng giúp con mình hoàn thành các dự án tái chế ở trường học, mặc dù nhiều dự án trong số đó mang danh "tự nguyện".

Sàn online bán "rác"​

Khi chính quyền Trung Quốc tìm cách nâng nhận thức bảo vệ môi trường trong hệ thống giáo dục, các trường học ngày càng giao nhiều “bài tập” cho học sinh, nhằm dạy các em thói quen tái chế, Sixth Tone cho biết.

Nhưng những dự án bảo vệ môi trường này lại rất hà khắc và cứng nhắc. Trong một vài trường hợp, các trường học còn yêu cầu mỗi học sinh thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm đồ nhựa đã qua sử dụng mỗi tháng. Nếu các em không hoàn thành nhiệm vụ, điểm số của học sinh và đánh giá xếp loại của giáo viên có thể bị ảnh hưởng.

Kết quả là gia đình các học sinh phải liên tục tìm nguồn rác tái chế khổng lồ. Các bậc cha mẹ bận rộn thường khó đạt chỉ tiêu về nhựa, nên phải mua một lượng lớn rác thải trên các sàn online để bù vào.

1725528488098.png

Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đăng bán ruột bút, chai hộp rỗng. Ảnh: Sixth Tone.
Theo báo chí trong nước, rác thải tái chế đã trở thành loại sản phẩm phổ biến nhất trên các sàn thương mại điện tử lớn Trung Quốc trong những tháng gần đây. Trên ứng dụng mua bán đồ cũ Xianyu của Alibaba, hiện có hàng trăm nhà bán hộp sữa, hộp đựng bút, hộp bìa cứng cũ và nhiều mặt hàng đã qua sử dụng khác.

Một chồng 100 hộp sữa rỗng, đã rửa sạch và sấy khô để tái chế, thường được bán với giá khoảng 30 nhân dân tệ (4 USD). Gói 100 ruột bút đã qua sử dụng có giá khoảng 20 nhân dân tệ. Đối với nhiều bậc cha mẹ, những mặt hàng này rất đáng giá.

Zhang Yunping (37 tuổi), mẹ của một học sinh tiểu học ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, là người thường xuyên mua rác tái chế. Cô cho biết trường của con thường yêu cầu mỗi học sinh nộp 100 hộp sữa mỗi tháng.

“Nếu không gom đủ, tôi sẽ mua qua các sàn online vì tiện lợi hơn. Số lượng hộp sữa gắn liền với điểm số của con nên chúng tôi cố gắng thu thập càng nhiều càng tốt”, cô nói với Sixth Tone.

"Bài tập" nâng cao nhận thức về môi trường không chỉ dừng lại ở đó. Zhang cho biết đôi khi nhà trường còn yêu cầu học sinh làm quần áo từ báo cũ hoặc túi nhựa.

Lin Ya (33 tuổi) giáo viên tiểu học ở Thượng Hải cho biết một số trường đã đặt ra chỉ tiêu thu gom rác tái chế và đánh giá xếp loại giáo viên dựa trên mức độ hoàn thành thu gom. “Điều này gây rất nhiều áp lực cho giáo viên. Những đứa trẻ không thích uống sữa cũng khó hoàn thành nhiệm vụ”, Lin nói.

“Bài tập” tái chế ép buộc​

Nhu cầu về rác thải nhựa tăng cao đã khiến người dùng mạng xã hội Trung Quốc ngạc nhiên. Nhiều người trong số họ không biết về yêu cầu tái chế của trường học. Chủ đề “Ai mua hộp rỗng và nạp bút” đã nhận được hàng triệu lượt xem trên Weibo.

Hầu hết người bình luận đều chỉ trích các trường đã đặt ra những nhiệm vụ nặng nề và cứng nhắc như vậy. Nhiều người cho rằng cha mẹ thường không có thời gian cho các dự án tái chế trong trường vì họ đã phải chịu rất nhiều áp lực trong công việc.

1725528510001.png

Trên mạng xã hội đại lục, một số người còn cho biết họ phải uống thêm sữa để hoàn thành bài tập của con. Ảnh: Shutterstock.​

Kiểu giao bài tập về nhà ép buộc này đã nhận một làn sóng phản đối khổng lồ ở Trung Quốc.

Trong một bài bình luận, cơ quan truyền thông nhà nước Quang Minh Nhật báo nhận định các trường học nên sử dụng các phương pháp thiết thực và hiệu quả hơn để dạy trẻ em về lợi ích của việc tái chế. Chẳng hạn như yêu cầu học sinh ghi lại một hành trình xanh và không khuyến khích chúng sử dụng đũa dùng một lần khi gọi đồ ăn mang đi.

“Thay vì đánh giá các bài tập về môi trường bằng cách đếm xem có bao nhiêu hộp sữa, hộp bút hoặc chai được thu thập, các trường học nên cân nhắc việc cho trẻ em tự do lựa chọn chủ đề của riêng mình. Phương pháp này giúp chúng nảy ra các mẹo và tham gia sự kiện về môi trường trong cuộc sống hàng ngày”, bài viết cho hay.

Trước đó, các cơ quan giáo dục của Trung Quốc từng phải giải quyết vấn đề giao bài tập về nhà không hợp lý. Năm 2021, Bộ Giáo dục đã ban hành thông báo yêu cầu các trường tránh giao bài tập về nhà thiếu tính thực tiễn, sai lệch mục đích đã định.

Nguồn: Thúy Liên/Znews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top