Khoa học công nghệ Trung Quốc có vượt qua những rào cản?

D
Bui Ngoc Dang
Phản hồi: 0
Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc sau một tuần làm việc đã bế mạc ngày 22/10. Nhiều mục tiêu mới được đề ra cho một nhiệm kỳ, trong đó khoa học công nghệ vẫn được xác định là nền tảng then chốt để Trung Quốc thực hiện “phát triển chất lượng cao”. Nhưng mục tiêu này đã và đang bị những rào cản từ phía Mỹ, liệu Trung Quốc có vượt qua được không?

Kế thừa từ quá khứ, tạo đột phá trong kế hoạch 10 năm

Trong qua khứ Trung Quốc đã đạt được một vài thành tựu về khoa học-kỹ thuật, đặc biệt từ năm 2015 khi nước này bắt đầu thực hiện “Kế hoạch đột phá 10 năm Made in China 2025” nhằm tự chủ về Khoa học và công nghệ (KH&CN), nên đã đạt được nhiều thành tựu: Do ưu tiên phát triển 10 ngành công nghệ cao đã tạo ra được 7 “ông vua nội địa” về công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới và đã tiến ra chiếm lĩnh thị trường toàn cầu; Vì tăng cường mua quyền sở hữu trí tuệ nên Trung Quốc đã bắt kịp và có ngành đã vượt sức mạnh công nghệ của Mỹ. Nước này hiện đứng thứ 14 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đạt mức đầu tư 2,4% GDP- khoảng 353,5 tỷ USD, tăng hơn 10% so với những năm trước đó cho Nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngân sách về R&D của Trung Quốc đã lớn hơn của các nước châu Âu cộng lại và hiện bằng 85% ngân sách R&D của Mỹ. Số bằng sáng chế và các công trình nghiên cứu khoa học trong nước của Trung Quốc đã vượt Mỹ.
Khoa học công nghệ Trung Quốc có vượt qua những rào cản?
Công nhân làm việc trong nhà máy lắp ráp của hãng xe điện Nio Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, nhất là ở các công nghệ mới. Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của họ được cho là ngang ngửa, có thể thay thế hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS của Mỹ, thậm chí còn được đánh giá là có độ chính xác hơn. Thiết bị 5G Trung Quốc phổ dụng, chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu, len sâu vào cả cơ sở hạ tầng viễn thông của các nước đồng minh của Mỹ. Trung Quốc còn đang dần lấp đầy các “khoảng trống” kỹ thuật số, “vùng ảnh hưởng độc quyền” theo luật chơi của họ trải rộng khắp thế giới. Nước này có đội ngũ 1,87 triệu nhà nghiên cứu - lớn hơn Mỹ có 1,43 triệu người, số tiến sĩ kỹ thuật và kỹ sư cũng nhiều hơn Mỹ. Trung Quốc còn tiên phong đưa vệ tinh liên lạc lượng tử vào không gian và dẫn đầu thế giới về hệ thống vệ tinh 5G, chiếm ưu thế hơn Mỹ về công nghệ 5G và kỹ thuật số. Họ bỏ xa Mỹ về quy mô, tốc độ phủ sóng 5G cũng như ứng dụng 5G trong sản xuất công nghiệp, đã có hệ sinh thái 5G mạnh, doanh nghiệp đã vận hành 5G đầy đủ, chẳng hạn như cảng Hạ Môn tự động hóa hoàn toàn từ năm 2020 với mạng 5G. Sứ mệnh lên mặt trăng của Trung Quốc đã hoàn thành với việc tàu vũ trụ của họ quay trở lại Trái đất cùng với các mẫu đất mặt trăng. Đây là lần đầu tiên đất nước này làm được điều đó. Họ cũng đang lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh có phi hành đoàn đầu tiên lên hành tinh Đỏ vào năm 2033. Trung Quốc còn có tầm nhìn dài hạn, chiến lược rất rõ ràng trong thu hút nhân tài toàn cầu, nhất là nhân tài Hoa kiều - chìa khóa phát triển công nghệ cao. Để có được những thành tựu mới đó, một trong những cách Trung Quốc thực hiện là triển khai chiến lược khai thác nhiều nguồn lực KH&CN trong môi trường quốc tế và đã thu được nhiều lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ quốc tế, từ việc tiếp cận đào tạo - hợp tác nghiên cứu với các trường đại học hàng đầu thế giới. Hiện Trung Quốc đã có đội ngũ các nhà khoa học có khả năng hiểu biết và làm việc tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng đã học được từ quốc tế các chính sách KH &CN và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của mình. Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa diễn ra, hai chủ đề được thảo luận sôi nổi là kích thích và tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển dựa trên Đổi mới sáng tạo (ĐMST). Phát triển dựa trên ĐMST không chỉ nhằm đưa sản phẩm của Trung Quốc lên mức độ tinh vi và giá trị gia tăng cao hơn cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, mà còn tăng cường một hệ sinh thái rộng lớn hơn cho ĐMST để củng cố các mục tiêu “lưu thông kép” - lưu thông trong nước và quốc tế. Cụ thể là thúc đẩy các lĩnh vực then chốt về KH&CN mang tầm chiến lược quốc gia như trí tuệ nhân tạo thế hệ mới; truyền thông lượng tử; mạch tích hợp; khoa học quân sự; dữ liệu lớn; sản xuất thông minh và người máy. Tinh thần “Canh tân kỹ thuật là mặt trận chính trong chiến lược Trung Quốc đối đầu với Mỹ” như ông Tập Cận Bình đã nói với các nhà khoa học vẫn được tiếp tục.

Cạnh tranh với Mỹ bước vào giai đoạn mới

Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn về đối ngoại. Trực tiếp và lâu dài nhất là cuộc cạnh tranh với Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới mà thách thức lớn hơn cơ hội. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy mạnh việc tạo ra một cuộc “chiến tranh lạnh” kiểu mới với Trung Quốc. Điều này đã gây ra những khó khăn lâu dài với Trung Quốc và có thể dẫn đến nhiều rủi ro hoặc khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực. Đó là việc Mỹ và đồng minh tăng cường liên kết, phối hợp toàn diện về an ninh, kinh tế, chính trị để hình thành một lực lượng đa quốc gia do Mỹ dẫn dắt nhằm bao vây, kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Trong khi đó, các nước gọi là “liên minh” tham gia vào “ những sáng kiến” của Trung Quốc phần lớn là những nước nhỏ, gắn với Trung Quốc vì cần sự hỗ trợ một phần về kinh tế của nước lớn. Vì thế Trung Quốc nhấn mạnh: “Tự lực cánh sinh làm tốt công việc của mình” để ứng phó với những rủi ro, thách thức chưa từng có từ bên ngoài vẫn là “kim chỉ nam” toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển đất nước này. Trong đó, KH &CN là một trong những nền tảng then chốt để Trung Quốc chuyển đổi thành công sang thời kỳ phát triển chất lượng cao. Mục tiêu chiến lược đặt ra là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ đứng vào hàng ngũ các quốc gia đổi mới sáng tạo; đến năm 2049, Trung Quốc trở thành cường quốc KH &CN. Để giải quyết “nút thắt” trong phát triển công nghệ cốt lõi, Trung Quốc tiếp tục đầu tư nguồn lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo về KH &CN, cụ thể là “tự sản xuất chip”. Nhưng sự xấu đi trong mối quan hệ với Mỹ cũng liên quan đến các vấn đề KH&CN. Những lo ngại về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trước đây được coi là trọng tâm trong các mối quan tâm của Mỹ, nhưng tiến bộ tổng thể về KH&CN của Trung Quốc giờ được Mỹ và các nước khác coi là mối đe dọa cạnh tranh kinh tế cơ bản hơn và mối quan tâm về an ninh quốc gia. Do đó, từ thời Tổng thống Trump đã đưa ra những hạn chế với việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng. Chính quyền của ông Trump đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông 5G hàng đầu của Trung Quốc và là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Washington sử dụng các lệnh trừng phạt và lệnh cấm xuất khẩu khiến Huawei không thể tiếp cận nguồn cung chip quan trọng mà họ cần, từ đó làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của họ. Các chính phủ được coi là đồng minh của Mỹ cũng quay sang cấm Huawei tiếp cận cơ sở hạ tầng viễn thông tương lai của họ. Câu chuyện về Huawei là khởi đầu cho mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ-Trung, và cuộc chiến giành quyền thống trị lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp diễn, ngày càng khốc liệt, khó lường. Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Joe Biden lại ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu mới, mở rộng phạm vi kiềm chế các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc thông qua việc cấm các công ty của Mỹ đầu tư vào 59 doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực quốc phòng và công nghệ theo dõi, giám sát. Việc hạn chế xuất khẩu một số loại chip được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính sang Trung Quốc, đồng thời siết quy định về việc bán thiết bị bán dẫn cho mọi công ty của nước này, đang gây khó cho nền công nghệ Trung Quốc. Ông Greg Allen, nguyên giám đốc ngành Trí tuệ nhân tạo Bộ quốc phòng Mỹ nói, đó là một đòn để “cắt cổ tất cả những cái đầu của con rồng sản xuất chip” của Trung Quốc. Chất bán dẫn - thứ được coi là nền tảng cho những công nghệ quan trọng, một mảng mà Trung Quốc kỳ vọng sẽ làm được, nhưng một số biện pháp hạn chế của Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề đến những tham vọng đó. Ông Paul Triolo, người đứng đầu Phòng chính sách công nghệ của Công ty tư vấn Albright Stonebridge, nói với truyền thông: “Ông Tập đáng lẽ phải nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy mảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhưng ngay cả thế, một ngành phụ thuộc quá nhiều vào các nguyên liệu đầu vào như chất bán dẫn khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó tái tạo tất cả yếu tố của chuỗi cung ứng phức tạp đó”. Mỹ còn yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc một số loại chip do nước ngoài sản xuất nhưng sử dụng công cụ và phần mềm của Mỹ. Các hãng sản xuất chip như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) - nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, cũng phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Điều đó có nghĩa là bất kỳ công ty Trung Quốc nào dựa vào TSMC đều có thể bị cắt nguồn cung chip. Trong khi đó, Trung Quốc không có bất kỳ sản phẩm nội địa nào tương đương như TSMC. Nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là SMIC, vẫn đi sau TSMC về công nghệ. Và với những quy định hạn chế mới của Mỹ, SMIC sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua các rào cản của Mỹ trong trong ĐMST khoa học. Các quy định mới của Mỹ sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực liên quan và khiến các công ty Trung Quốc không thể cạnh tranh trong một số mảng như máy tính hiệu suất cao và các ứng dụng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Khoa học công nghệ Trung Quốc có vượt qua những rào cản?
SMIC chưa thể vượt TSMC về công nghệ bán dẫn Cùng với yếu tố bên ngoài, yếu tố bên trong cũng làm cho Trung Quốc yếu đi về năng lực cạnh tranh, trong đó có KH&CN. Theo các chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc có những điểm yếu nên chững lại. Tín hiệu bất ổn là, Bản báo cáo kinh tế đáng lẽ được đưa ra trong kỳ đại hội Đảng thứ 20 đã bị hoãn lại, không nêu lý do. Ngân hàng Thế giới tiên đoán kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ chỉ đạt 2.9%, thấp hơn con số 5.9% trong năm 2021. Trước đây Tập Cận Bình đã đặt chỉ tiêu tăng gấp đôi Tổng sản lượng quốc nội (GDP) vào năm 2035, để vượt qua kinh tế Mỹ. Trong bài diễn văn tại Đại hội 20 ông Tập không nhắc tới mục tiêu đó nữa. Số tiền đầu tư vào các ngành kỹ thuật mới nhất của nước này đã giảm 11% trong ba quý đầu năm 2022, so với năm 2019. Trong cùng thời gian đó, tiền đầu tư “mạo hiểm” của Mỹ trong các ngành này đã tăng thêm 70%. Cách đây hai năm Trung Quốc đã đưa ra chế độ quản lý nghiêm ngặt những “gã khổng lồ” công nghệ phát triển nhanh một thời, nhằm chống độc quyền, bảo vệ dữ liệu người dùng, nhưng đi liền đó là hệ lụy. Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, như Alibaba và Tencent lao dốc trong giai đoạn 2021-2022. Đến nay, các cổ phiếu này vẫn chưa thể phục hồi như trước. Trong cạnh tranh với các “thành trì” về KH&CN, nhiều chuyên gia dự đoán: Người Trung Quốc có thể tiến rất nhanh trong các ngành kỹ thuật cũ đã được thế giới khai thác, thí dụ khi xây dựng các đường xe lửa cao tốc, các hàng không mẫu hạm và trong việc sản xuất pin điện chạy xe hơi. Nhưng khi dụng tới các kỹ thuật hoàn toàn mới mẻ thì phải mất vài chục năm để đuổi kịp các công ty Mỹ. ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top