Kit-test, dịch vụ test COVID-19,… cùng nhảy vũ điệu loạn giá

V
VNR Content
Phản hồi: 1
Chứng kiến giá kit-test trên thị trường hiện nay mới hiểu được vì sao thời gian qua cổ phiếu của một số công ty sản xuất, phân phối dược, thiết bị và dịch vụ y tế niêm yết trên sàn chứng khoán lại tăng giá mạnh và liên tục như vậy.

Dịch càng căng, giá càng loạn

Số ca mắc COVID-19 đang tiến gần đến mốc 100.000 ca/ngày (tính từ chiều ngày 27 đến chiều 28/2/2022). Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay. Từ con số này, có thể thấy những gì báo chí và dư luận phản ánh về thị trường kit-test COVID-19 thời gian qua là hoàn toàn có cơ sở: Loạn giá, giá mỗi nơi một kiểu mà thậm chí còn khan hàng, người tiêu dùng đi đến nhiều hiệu thuốc nhưng không còn kit-test để mua… Cơn sốt kit-test đã trở lại. Nói đúng hơn, cơn sốt này chỉ tạm lắng xuống chứ chưa bao giờ chấm dứt. Bởi trên thực tế, đợt dịch thứ 4 trong cộng đồng cũng chỉ tạm lắng tại khu vực TP.HCM một thời gian ngắn. Cũng một loại kit-test, có mối tốt có thể mua được với giá khoảng 85.000-90.000 đồng/kit, nhưng nếu ra nhà thuốc cầm chắc giá từ 110.000-120.000 đồng. Mức chênh 25-30% là do đâu? Người dân đương nhiên là không thể hiểu được “uẩn khúc” đằng sau hiện tượng giá cả “nhảy múa” này. Chỉ khi dân kêu thì cơ quan quản lý… cũng kêu. Kit-test nhanh COVID-19 đã sốt trong suốt 4 đợt bùng phát dịch trong 2 năm qua, giá loạn xạ từ trên dưới 200.000 đồng/kit đã hạ dần xuống nhưng đến nay, mức chênh giữa các điểm bán vẫn còn là một ẩn số. Còn người dân, trong đợt bùng phát mạnh số ca mắc COVID-19 hiện nay trên khắp cả nước, có gia đình mỗi tháng phải chi tiêu đến gần cả chục triệu đồng để mua kit-test. Không chỉ kit-test mà một số thiết bị, dịch vụ y tế cũng cùng nhảy vũ điệu loạn giá, mức chênh lên tới 20-30% giữa các điểm bán và cung cấp dịch vụ là rất phổ biến. Đơn cử, 1 chiếc nhiệt kế hồng ngoại đo trán Microlife FR1MF1 được niêm yết trên website của chuỗi nhà thuốc Pharmacity có mức giá lên tới 1.000.000 đồng. Trong khi đó, cũng là mặt hàng này chính hãng, hoàn toàn dễ dàng mua được ở các nhà phân phối khác với mức giá từ trên 600.000 đồng đến hơn 700.000 đồng. Cũng là một dịch vụ y tế là test nhanh COVID-19, nếu người dân nào biết và đến điểm test dịch vụ thuộc trạm y tế phường, mức giá chỉ hơn 80.000 đồng. Ngược lại không biết, tìm đến test tại chuỗi Diag là sẽ là 140.000 đồng (vẫn còn được xem là “mềm”). Còn tại phòng khám quốc tế Yersin, mức giá test nhanh COVID-19 dành cho khách vãng lai lên tới 400.000 đồng. Nói chung, hầu bao người dân trong mùa dịch giã cao điểm sau Tết lại phải chịu thêm quá nhiều áp lực. Nhưng không thể không chi. Với dân có tiền, muốn đi du lịch ở khách sạn 3 sao trở lên ở Đà lạt buộc phải có kết quả test nhanh âm tính đã đành, song ngay cả F0 muốn ra hiệu thuốc mua thuốc đặc trị COVID-19 cũng phải có giấy kết quả test virus SARS-CoV-2 dương tính hoặc giấy xác nhận F0.
Kit-test, dịch vụ test COVID-19,… cùng nhảy vũ điệu loạn giá
Giá kit-test và giá dịch vụ test nhanh trong vũ điệu loạn giá.

Bất ổn chưa qua, bình ổn chưa đến

Với diễn biến thị trường kit-test và dịch vụ test nhanh COVID-19 những ngày qua, chưa cho thấy có dấu hiệu có thể bình ổn trong thời gian ngắn sắp tới. Theo một số dự báo, dịch tại Hà Nội có thể đạt đỉnh vào tháng 3. Nhưng sau đó, chưa ai dám chắc rằng sẽ không còn đợt bùng phát dịch nào nữa. Sự bất ổn của thị trường kit-test và dịch vụ test nhanh COVID-19 có một phần nguyên nhân là do Việt Nam chưa thể sản xuất được kit-test nhanh, phải phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. Hàng nhập về, qua nhiều tầng lớp trung gian phân phối bán sỉ và lẻ, đẩy giá lên cao gấp hai, ba lần so với giá gốc. Tất cả các khoản lãi đó của các bên đều được chất chồng lên lưng người tiêu dùng. Minh chứng cho điều này có thể lấy trường hợp thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir: Khi Việt Nam chưa sản xuất được loại thuốc này, phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, giá cả loạn xạ, thậm chí ở ngoài thị trường tự do còn bị thao túng giá. Còn ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp trong nước đã sản xuất và tự chủ được nguồn cung, giá cả đã ổn định, chỉ 250.000 đồng/1 liệu trình thay vì mức giá hàng triệu đồng như thời gian qua. Câu chuyện kit-test thậm chí còn được đề cập đến nhiều hơn trong khoảng thời gian 2 năm qua. 2 năm dịch với nhiều lần xảy ra các đợt sốt, khan hiếm sản phẩm, thiết bị vật tư y tế, trong đó kit-test nhanh luôn là mặt hàng nằm trong tốp được người dân tìm mua nhiều nhất. Thế nhưng, việc đưa mặt hàng này vào danh mục sản phẩm bình ổn giá vẫn thiếu tiến triển như kỳ vọng. Chính xác hơn, tiến trình này ở ngay thời điểm hiện tại vẫn đang trong kế hoạch. Thị trường kit-test chưa thể bình ổn cũng chính là do sự bất ổn của nó chưa được giải quyết ở ngay phần ngọn chứ chưa nói đến gốc. Giải quyết từ gốc phải là bài toán sản xuất, tự chủ nguồn cung. Còn giải quyết từ ngọn chỉ là bài toán ở khâu phân phối, cơ chế chính sách bình ổn giá hỗ trợ thị trường, với mục tiêu là giúp người dân đỡ gánh nặng chi phí. Vâng, việc giải quyết từ phần ngọn vẫn đang chờ bình ổn. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top