KOL sắp hết thời rồi, Trung Quốc đang nở rộ trào lưu dùng streamer ảo để bán hàng

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu ứng dụng các công nghệ mới như streamer ảo làm livestream để thay thế con người, khiến những người có ảnh hưởng trên mạng (KOL) dần trở nên thất thế.
KOL sắp hết thời rồi, Trung Quốc đang nở rộ trào lưu dùng streamer ảo để bán hàng
Theo phân tích của McKinsey, hoạt động bán hàng qua livestream đã tăng 19% doanh số trong lễ hội mua sắm “Ngày độc thân” 11/11 vừa qua, trong khi doanh số bán hàng qua thương mại điện tử truyền thống giảm 1%.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các nhà bán lẻ ở Trung Quốc đã đổ xô thuê hoặc tự tổ chức các buổi livestream để bán sản phẩm. Các cá nhân, chẳng hạn như KOL (người có ảnh hưởng trên mạng) Austin Li, đã trở thành người nổi tiếng và triệu phú chỉ sau một đêm nhờ sử dụng hình thức livestream bán hàng.
“Livestream, đặc biệt là livestream bán hàng, là điều mà không quốc gia nào trên thế giới có được ở quy mô như Trung Quốc”, Daniel Zipser, lãnh đạo bộ phận bán lẻ và tiêu dùng của McKinsey tại Châu Á cho biết.
Giờ đây, các công ty ở Trung Quốc đang ồ ạt chuyển sang thử nghiệm mô hình dùng các streamer ảo để làm livestream bán hàng thay thế cho con người.
Xiaofeng Wang, nhà phân tích chính của Forrester cho biết, việc sử dụng streamer ảo làm livestream là xu hướng nổi bật trong Ngày Độc thân năm nay.
“Chất lượng đã được cải thiện rất nhiều trong năm nay, các streamer ảo trông thật hơn, ít nhất là những streamer tôi từng thấy từ Tencent, JD”, Xiaofeng Wang nói.
KOL sắp hết thời rồi, Trung Quốc đang nở rộ trào lưu dùng streamer ảo để bán hàng
Các streamer ảo thực hiện các phiên livestream bán hàng trên sàn JD
Theo Xiaofeng Wang, việc sử dụng streamer để phát livestream là một cách để các nhà bán lẻ tạo sự khác biệt với những người khác, cũng như giảm chi phí thuê KOL nổi tiếng. Hơn nữa, việc dùng streamer cũng an toàn hơn, không có rủi ro dính vào các vụ bê bối giống như việc dùng KOL làm livestream bán hàng.
Tencent đã ra mắt sản phẩm chỉ cần một đoạn video dài 3 phút của người dùng cùng với 100 câu nói để xây dựng hình đại diện ảo.
Công ty cũng có nền tảng “Zen Video” cho phép mọi người tạo các video quảng cáo đơn giản với người phát ngôn ảo.
Một số công ty cũng đang kết hợp trí tuệ nhân tạo giống ChatGPT với tính năng livestream. Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến JD.com cho biết sản phẩm stream ảo Yanxi của họ - dựa trên mô hình AI của công ty - đã được sử dụng trong các buổi livestream cho hơn 4.000 thương hiệu trong Ngày Độc thân 11/11 năm nay. Theo bộ phận công nghệ của JD, một streamer ảo đã phát sóng livestream liên tục trong 28 giờ.
Baidu, nổi tiếng với công cụ tìm kiếm và chatbot Ernie AI, đã tham gia sự kiện mua sắm trực tuyến vào Ngày Độc thân này với việc sử dụng ở quy mô lớn streamer ảo “Huiboxing” trên nền tảng thương mại điện tử “Youxuan”. Công ty tuyên bố streamer ảo đã thực hiện 17.000 lượt livestream từ ngày 20/10 đến ngày 11/11.
Trong sự kiện mua sắm Ngày Độc thân 11/11, hãng điện tử Suning lớn của Trung Quốc cho biết các phiên livestream của streamer ảo đã đóng góp hơn 3 triệu nhân dân tệ (420.000 USD) doanh số chỉ trong một ngày.
Các streamer ảo hiện được người bán sử dụng miễn phí trên nền tảng thương mại điện tử của Baidu và dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn đứng sau Ernie bot, Wu Chenxia - người đứng đầu Huiboxing cho biết. Theo Wu Chenxi, việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn có thể tạo ra nhiều kịch bản livestream chỉ trong nháy mắt.

Trung Quốc có gói cước riêng cho livestream

Sự thành công của livestream cũng phụ thuộc vào kết nối video ổn định.
Người mua tiềm năng hầu như luôn xem trên điện thoại di động, trong khi người bán có thể cố gắng phát trực tiếp từ cánh đồng nơi họ đang trồng sản phẩm.
Nhà khai thác dịch vụ di động China Unicom và China Mobile đã bắt đầu bán các gói dữ liệu hướng tới những người phát trực tiếp ở các vùng của đất nước.
Joe Wang thuộc bộ phận CNTT của Huawei cho biết các gói dữ liệu này được thiết kế ưu tiên ưu dịch vụ cho người làm streamer, tương tự như làn đường cao tốc dành riêng để tránh nghẽn mạng. Các gói cước này đều dựa trên mạng 5G, cho phép livestream ngoài trời đồng thời trên nhiều nền tảng.
Hiện tại, nhiều nhà mạng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng mạng 5.5G với tốc độ tải xuống (download) cao hơn 10 lần so với 5G và tốc độ tải lên (upload) cao gấp 2 đến 3 lần. Dự kiến mạng 5.5G sẽ được cung cấp ở Trung Quốc vào năm 2025. Cùng với sự phát triển của hạ tầng mạng di động tốc độ cao thì sự phát triển của AI đang cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng biến hình ảnh 2D thành hình ảnh 3D.
Điều đó có nghĩa là việc livestream 3D có thể trở thành hiện thực trong khoảng hai năm nữa.

Livestream là kênh tăng doanh số

Với nhiều quốc gia, livestream bán hàng chỉ là một trong những hoạt động mang tính marketting là chính, còn bán hàng là phụ. Nhưng ở Trung Quốc, livestream là kênh bán hàng quan trọng.
Ngay cả với những công ty như Quantasing bán các khóa học giáo dục dành cho người lớn cũng tổ chức livestream để bán khóa học. Trong tháng 8 vừa qua, các phiên livestream đã tạo ra 13,3 triệu nhân dân tệ (khoảng 45 tỷ đồng) doanh thu trong tháng 8.
Matt Li, CEO của Quantasing cho biết công ty này tổ chức hơn 10 phiên livestream cùng một lúc và sử dụng công nghệ để quyết định loại sản phẩm và tài nguyên nào sẽ dành cho mỗi phiên nhằm tạo ra nhiều doanh thu nhất.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, việc livestream phải tuân theo quy định nghiêm ngặt về nội dung của Trung Quốc. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng doanh số bán hàng qua livestream thường là hành động mua sắm ngẫu hứng, dẫn đến nhiều sản phẩm bị trả lại.
Tuy vậy, các công ty làm ăn ở Trung Quốc hiện nay đều dùng livestream, coi là cách bán hàng và kết nối với người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang chuyển từ sử dụng những người có ảnh hưởng KOL sang streamer ảo.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top