Lên ngôi khi tuổi đã xế chiều, đây là thách thức đối với Tân vương Charles Đệ tam

Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị trị vì Vương quốc Anh trong suốt 70 năm, 7 tháng, băng hà ngày 9/9 vừa qua, thọ 96 tuổi. Ba ngày sau khi tạ thế tại lâu đài Balmoral ở Scotland, linh cữu Nữ hoàng có chuyến công du cuối cùng từ Balmoral đến Edinburg, chặng dừng đầu tiên trước khi trở về Luân Đôn vào ngày quốc tang 19/9 tới. Theo truyền thống, Hội đồng lên ngôi, gồm các thành viên của Hội đồng cơ mật đã họp đưa Thái tử Charles, 73 tuổi, người đứng đầu trong hàng thừa kế trở thành Tân vương Đệ tam (Charles III). Lễ đăng quang của Tân vương chưa công bố, còn dư luận thì vẫn râm ran: không dễ dàng chút nào cho Thái tử Charles khi ngồi vào chiếc ngai vàng này.
Lên ngôi khi tuổi đã xế chiều, đây là thách thức đối với Tân vương Charles Đệ tam

Lên ngôi khi nền kinh tế chịu nhiều áp lực

Boris Johnson giành chiến thắng áp đảo trở thành Thủ tướng Anh vào năm 2019 với lời hứa, “đưa nước Anh tới một tương lai tươi sáng bên ngoài Liên minh châu Âu”. Nhưng rồi uy tín của Thủ tướng Boris Johnson và Đảng Bảo thủ dần sụt giảm nghiêm trọng, phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc: để nền kinh tế sa sút, có “vấn đề” trong cách hành xử lẫn quyết định nhân sự. Ngày 7/7/2022, Boris Johnson đã phải từ chức Thủ tướng, trước đó, đã có ít nhất 50 quan chức cấp cao rời bỏ Chính phủ của ông. Ngày 6/9/2022, bà Liz Truss, vốn là Ngoại trưởng, sau cuộc đua đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh. Ngày 7/9/2022 bà Liz Truss được Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng, và chỉ 2 ngày sau đó Nữ hoàng băng hà. Đó là nỗi buồn chung của nước Anh, với bà Liz Truss còn có nỗi niềm riêng-sẽ phải dẫn dắt nước Anh vượt qua cuộc “khủng hoảng chi phí sinh hoạt” tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và một nền kinh tế đang ở bên bờ vực suy thoái. Có dư luận mỉa mai, “gương chiếu hậu của vị tân Thủ tướng chứa đầy nỗi cay đắng, giận dữ”. Nợ công của nước Anh trong tài khóa 2020 - 2021 là 17% GDP, mức cao nhất kể từ chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Trước tình hình này, Bộ Tài chính Anh quyết định tăng thuế doanh nghiệp từ 19% lên 25% vào năm 2023. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), lạm phát trong năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất. Cụ thể, lạm phát tại Anh đã tăng từ 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1982. Theo Ngân hàng trung ương Anh, tháng 7-2022, lạm phát ở nước này đã tăng trên 10% - lần đầu tiên sau hơn 40 năm. Dự tính lạm phát sẽ còn tăng lên 13% vào cuối năm nay do chi phí năng lượng, thực phẩm và giá nhiên liệu tăng cao. Ngân hàng trung ương cũng dự đoán, nước Anh sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trước khi kết thúc năm 2022. Việc lạm phát lập đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua đang kéo theo cuộc khủng hoảng về giá sinh hoạt. Hàng chục ngàn công nhân đường sắt Anh đã xuống đường đình công với quy mô lớn nhất trong ngành trong 30 năm trở lại đây khiến hệ thống đường sắt Anh gần như tê liệt suốt nhiều ngày. Bà tân Thủ tướng hứa sẽ đưa ra “kế hoạch táo bạo” để cắt giảm thuế , thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, “đối phó” với các hóa đơn năng lượng tăng cao và đảm bảo cung cấp năng lượng dài hạn. Tuy nhiên, lời hứa về việc cắt giảm thuế của bà Truss đang bị chỉ trích sẽ dẫn đến lạm phát thậm chí còn cao hơn và làm tăng lãi suất tín dụng trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Những người phản đối cho rằng, việc giảm thuế sẽ mang lại lợi ích không công bằng cho những người có thu nhập cao, và cũng không hỗ trợ gì nhiều cho những người đang phụ thuộc vào lương hưu hoặc trợ cấp.

Làm thế nào để thoát khỏi cái bóng quá lớn của người mẹ?

Thái tử Charles lên ngôi vào lúc chính trường Luân Đôn đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Chèo lái con thuyền đất nước Anh là Thủ tướng, nhưng Vương triều cũng có đóng góp theo một cách riêng cho nền kinh tế đất nước. Nhà vua còn là biểu tượng của sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế, đóng góp không nhỏ cho đất nước. Nhưng nội bộ đảng Bảo thủ Anh suốt nhiều năm qua vẫn trong tình trạng bị chia rẽ gay gắt vì vấn đề Brexit chưa được giải quyết. Từ 2016, khi đại đa số cử tri đòi ra khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), Scotland liên tục đòi tách rời khỏi Vương quốc Anh. Tranh cãi về đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, là thành viên trong EU vẫn luôn là một “cái gai” trong quan hệ giữa Anh với Bỉ, Cộng hòa Ireland lẫn Bắc Ireland. Gần đây nhất, chính quyền Bắc Ireland đòi thống nhất hai phần lãnh thổ của Ireland. Làm thế nào để các phần lãnh thổ trên Vương quốc Anh gắn bó với nhau là một thách thức lớn chờ đợi Charles Đệ Tam.
Lên ngôi khi tuổi đã xế chiều, đây là thách thức đối với Tân vương Charles Đệ tam
Về quan hệ quốc tế, giới quan sát còn cho thấy, hào quang của Luân Đôn giờ đây không còn được như 70 năm về trước khi công chúa Elizabeth lên kế vị cha. Khối thịnh vượng chung đã thu hẹp lại và càng lúc càng có nhiều nước nhỏ muốn khép lại thời kỳ từng là thuộc địa của Anh. Ngay cả Úc, thế hệ trẻ cũng không còn gắn bó với hình ảnh của Nữ hoàng, dù chỉ là một cách tượng trưng. Nước Anh trong thế bị cô lập ngay trong khối Tây phương từ sau Brexit, quan hệ giữa Luân Đôn với các thành viên trong EU không mấy thuận hòa. Bà Thủ tướng mới Liz Truss đã tránh né trả lời câu hỏi, “Pháp là bạn hay là thù của nước Anh”. Bà và người tiền nhiệm tìm cách đổ lỗi cho Pháp, cho EU về những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt. Điểm tựa vững chắc nhất của Anh là Mỹ, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, ngay cả với Washington, Luân Đôn cũng không thực sự thoải mái, khi mà ảnh hưởng của Anh bị thu hẹp dần ngay tại một số quốc gia như Úc hay New Zealand vốn thuộc Khối thịnh vượng chung. Nước Anh trước đây đã kỳ vọng nhiều vào quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhất là về thương mại, để phần nào lấp vào chỗ trống một khi ra khỏi EU. Nhưng từ 2016 đến nay, tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, Luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh không tạo điều kiện để Bắc Kinh và Luân Đôn xích lại gần nhau. Làm thế nào để Tân vương Charles Đệ tam thoát khỏi cái bóng quá lớn của người mẹ, duy trì được sự gắn bó giữa những vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh? Để tỏ lòng tôn kính với người vừa khuất, các công đoàn thông báo tạm ngừng phong trào bãi công; Các đảng phái chính trị cũng ngừng mọi tranh cãi về ngân sách, về dự án trưng cầu dân ý đòi tách rời khỏi vương quốc Anh. Nhưng liệu sự đồng thuận đó của dân Anh sẽ kéo dài được bao lâu? Nhất là Tân vương Đệ tam nay đã ngoại thất tuần, nhiều người cho rằng, Charles có thể sẽ chỉ là nhịp cầu giữa Elizabeth Đệ nhị với người con trai của ông là hoàng tử William vừa tròn 40 tuổi. Hai người con trai của Thái tử Charles từng rất thân thiết, song mối quan hệ không còn nồng ấm sau khi vợ chồng Harry-Meghan từ bỏ tước vị hoàng gia và chuyển đến Mỹ sinh sống vào đầu năm 2020. Việc Nữ hoàng băng hà là dịp để anh em hoàng tử William-Harry họp mặt sau hai năm quan hệ lạnh giá. Nhưng sự kiện đó lại làm dấy lên mầm mống đòi độc lập tại xứ Scotland. Nhiều người trẻ được báo chí phỏng vấn cho rằng, “nền dân chủ của Scotland sẽ còn tốt hơn nữa nếu được độc lập”. Có người không ngần ngại nói: “Tôi rất muốn tách thành hai nước”; Hoặc “hy vọng một ngày nào đó được trở lại với EU”; “Nước Anh dưới thời Thủ tướng Truss sẽ không êm ả với EU do thái độ cứng rắn của bà Truss đối với các thỏa thuận liên quan Brexit. Bà Truss được coi là “người cải đạo” khi từng phản đối Brexit vào năm 2016, nhưng sau đó lại là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ Brexit và cứng rắn trong các đàm phán với EU về hậu Brexit. EU cũng sẽ không nhẹ tay với bà Truss nếu các cam kết của nước Anh theo hiệp ước Brexit về Bắc Ireland được ký giữa cựu Thủ tướng Boris Johnson và EU không được tôn trọng. Các chính sách trả đũa thương mại có thể được áp dụng. Thách thức với Tân vương Charles Đệ tam và tân Thủ tướng Anh đang ở phía trước. ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top