Liên Hợp Quốc: "Nhiên liệu hóa thạch đang bóp nghẹt nhân loại"

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới vào hôm thứ Hai đã cảnh báo về việc biến đổi khí hậu do tác động của con người đang gây ra sự phá vỡ nguy hiểm và lan rộng trong tự nhiên, theo đó con người và các hệ sinh thái khó lòng đối phó với tác động nặng nề nhất.
Liên Hợp Quốc: Nhiên liệu hóa thạch đang bóp nghẹt nhân loại
Một người phụ nữ và đứa trẻ đang đứng trên cánh đồng chứng kiến đám cháy rừng ở quận Koycegiz của Mugla vào ngày 3 tháng 8 năm 2021. Ảnh: Yasin Akgul/Afp
Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) được 195 quốc gia thành viên thông qua, xác định rõ những thay đổi nhỏ, mang tính phản ứng nhanh hoặc tăng dần, không còn đủ khả năng giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Phân tích trên cung cấp cho nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới một bản tóm tắt với tiêu chuẩn vàng về khoa học khí hậu hiện đại.
Bản tóm tắt cho biết, thế giới phải đối mặt với những hiểm họa khí hậu không thể tránh khỏi trong hai thập kỷ tới, khi mà nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngay khi tạm thời vượt qua ngưỡng quan trọng này, chúng ta sẽ phải đối mặt với các tác động nghiêm trọng khác và các tác giả cảnh báo, vẫn còn khoảng cách lớn giữa nỗ lực không ngừng nghỉ để thích ứng và hành động cần thiết để giải quyết những rủi ro ngày càng tăng.
Báo cáo lần này mang tính bước ngoặt, nó xem xét các tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu đối với thiên nhiên và con người trên khắp thế giới. Đây là báo cáo thứ hai trong ba báo cáo chính của IPCC và là báo cáo đầu tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Scotland.
“Tôi đã đọc nhiều báo cáo khoa học thời gian qua, nhưng chưa từng có báo cáo nào như thế này”, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết hôm thứ Hai. Trước đó, ông đã mô tả báo cáo tháng 8 của IPCC là “một báo động đỏ cho toàn nhân loại”.
“Khi mà các sự kiện hiện tại đã khiến mọi chuyện rõ ràng, việc tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu lẫn an ninh năng lượng, dễ bị tổn thương trước nhiều cú sốc và khủng hoảng địa chính trị. Thay vì làm chậm quá trình khử cacbon của nền kinh tế toàn cầu, bây giờ là lúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong tương lai” -
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
Guterres cho biết báo cáo nhấn mạnh hai nền tảng cốt lõi: “Thứ nhất, than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đang bóp nghẹt nhân loại”. Phát hiện cốt lõi thứ hai “tốt hơn một chút” đó là có thể “đầu tư vào thích ứng”.
Liên Hợp Quốc: Nhiên liệu hóa thạch đang bóp nghẹt nhân loại
Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát của nhà máy nhiệt điện than Niederaussem vào lúc hoàng hôn ngày 11 tháng 1 năm 2022 ở Niederaussem, Đức. Ảnh: Andreas Rentz/Getty Images
Các tác giả của IPCC nhận thấy sức khỏe, cuộc sống, sinh kế của người dân ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những thay đổi diễn biến từ từ, chẳng hạn mực nước biển dâng cao.
Đó là khoảng thời gian 12 tháng mà thế giới chứng kiến những đợt nắng nóng và cháy rừng kỷ lục ở Bắc Mỹ, lũ lụt tàn phá ở châu Âu và Trung Quốc, hạn hán nghiêm trọng gây ra cuộc khủng hoảng nạn đói trên khắp khu vực Sừng châu Phi, lẫn những thay đổi chưa từng có ở các vùng cực.
Trước những phát hiện của IPCC, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry, cho biết báo cáo đã “vẽ nên một bức tranh thảm khốc về những tác động đã xảy ra do một thế giới ấm hơn và những rủi ro khủng khiếp đối với hành tinh của chúng ta nếu cứ tiếp tục phớt lờ chứng cứ khoa học”.

Nhân loại cần hành động như thế nào?​

Phân tích tái khẳng định tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã, đang và sẽ có tác động sâu sắc đến nhân loại khi nóng thêm 1,1 độ C. Đồng thời nhấn mạnh tình trạng không đồng đều về thảm họa khí hậu trên toàn cầu.
Nó cho thấy sự gia tăng của sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt đã vượt quá khả năng chịu đựng của thực vật và động vật, dẫn đến tử vong hàng loạt ở các loài cây cối và san hô.
“Báo cáo này là một cảnh báo nghiêm trọng về hậu quả việc không hành động. Nó cho thấy rằng biến đổi khí hậu là một ‘mồ chôn’ và làm tăng mức độ nghiêm trọng đối với sự thịnh vượng và một hành tinh khỏe mạnh. Những hành động của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hình cách con người thích ứng và ứng phó tự nhiên khi những rủi ro khí hậu ngày càng tăng", Hoesung Lee, chủ tịch IPCC nói.
Báo cáo cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra đồng thời và gây ra các tác động theo từng đợt, ngày càng khó kiểm soát. Nó khiến hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và nguồn nước nghiêm trọng, đặc biệt là ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ, các quốc đảo nhỏ và Bắc Cực.
Để tránh các nguy cơ đến sinh mạng, đa dạng sinh học và cơ sở hạ tầng, báo cáo khẳng định cần tăng tốc hành động để thích ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu đồng thời kết hợp cắt giảm nhanh và sâu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tình trạng đốt các nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như than, dầu và khí đốt, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã mô tả nhiên liệu hóa thạch là “ngõ cụt” cho hành tinh, nhân loại và các nền kinh tế. Do đó, ông cho rằng khu vực kinh tế tư nhân vẫn sử dụng than đá “phải bị hủy bỏ”, trong khi “những gã khổng lồ dầu khí và những tổ chức bảo hiểm của họ cũng phải bị cảnh báo”.
Ông nói: “Một sự chuyển đổi nhanh chóng, quản lý tốt sang năng lượng tái tạo là con đường duy nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, khả năng tiếp cận toàn cầu và những việc làm xanh mà thế giới cần”.
“Các hệ sinh thái lành mạnh có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu và cung cấp các dịch vụ quan trọng đối với sự sống như thực phẩm và nước sạch”,
đồng chủ tịch Nhóm công tác II của IPCC, Hans-Otto Pörtner cho biết.
“Bằng cách khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo tồn hiệu quả và công bằng 30% đến 50% đất đai, môi trường sống nước ngọt và đại dương trên Trái đất, xã hội có thể hưởng lợi từ khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của tự nhiên, đồng thời chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ hướng tới phát triển bền vững, nhưng đồng thời cũng cần phải hỗ trợ tài chính và chính trị tương xứng”.
Tài chính khí hậu là đặc biệt quan trọng. Nhiều người coi tài chính khí hậu là một vấn đề của công bằng khí hậu. Các quốc gia có mức thu nhập cao, chịu trách nhiệm lịch sử lớn nhất đối với khủng hoảng khí hậu, được trông đợi sẽ hỗ trợ tiền tệ cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Cam kết của các quốc gia giàu hơn cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm vào năm 2020 là một nền tảng chính của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, cam kết này dự kiến sẽ không được đáp ứng cho đến năm 2023.
Các tác giả báo cáo mới nhất của IPCC cho biết nguồn tài chính đã có sẵn cho đến nay thấp hơn nhiều so với ước tính về chi phí thích ứng với khí hậu và thậm chí sẽ cần tài chính nhiều hơn nữa trong tương lai khi tình trạng nóng lên toàn cầu gia tăng.
Liên Hợp Quốc: Nhiên liệu hóa thạch đang bóp nghẹt nhân loại
Một người phụ nữ đứng trong ngôi nhà ngập nước của mình vào tháng 10 năm 2021. Thái Lan đã phải đối mặt với lũ quét do lượng mưa lớn, triều cường và thoát nước từ đập Chao Phraya sau khi cơn bão Dianmu đổ bộ vào nước này. Ảnh: Sopa Images/Lightrocket/Getty Images
“Không thích ứng với cuộc khủng hoảng này sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Không tạo nên tài chính khí hậu công bằng, dễ tiếp cận sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ phải trả giá bằng mạng sống”, Tina Stege, đặc phái viên khí hậu của Cộng hòa Quần đảo Marshall, cho hay.
“Với hậu quả của không hành động đã được minh chứng quá rõ ràng, nhưng một lần nữa cần nhấn mạnh rằng không hành động là vô nhân đạo và vô lương tâm”.
Tổng Thư ký Guterres cho biết, việc tăng quy mô đầu tư vào thích ứng “sẽ là điều cần thiết cho sự tồn tại”, trước khi nói thêm rằng cam kết COP26 về tài trợ thích ứng “rõ ràng là không đủ để đương đầu với những thách thức mà nhiều quốc gia đang ở tuyến đầu cuộc khủng hoảng khí hậu phải đối mặt”. Guterres đã kêu gọi 50% tổng tài chính khí hậu được chi cho biện pháp chống chịu và thích ứng với các tác động của toàn cầu nóng lên.
Các nhà khoa học khí hậu nhấn mạnh, tình trạng khẩn cấp về khí hậu sẽ tương tác lẫn nhau với các chiều hướng toàn cầu như sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững, đô thị hóa ngày càng tăng, bất bình đẳng xã hội và những tổn thất, thiệt hại do các sự kiện cực đoan gây ra. Các chiều hướng này được nhận định là đe dọa đến sự phát triển trong tương lai.

Cơ sở cho sự lạc quan đầy thận trọng này là gì?​

Báo cáo đã công bố những sự thật kinh khủng, tuy nhiên nó cũng chỉ rõ rằng một số tình huống xấu nhất vẫn có thể tránh được nếu hành động nhanh chóng và táo bạo nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng đang rất tồi tệ: “Ngày càng có nhiều bằng chứng rủi ro khí hậu đối với con người có thể được giảm thiểu bằng cách cải thiện thiên nhiên, nghĩa là chúng ta đầu tư bảo vệ thiên nhiên và tái xây dựng các hệ sinh thái để mang lại lợi ích cho cả con người và đa dạng sinh học”.
Báo cáo trích dẫn các ví dụ như giảm nguy cơ lũ lụt dọc theo các con sông bằng cách khôi phục các vùng đất ngập nước và các môi trường sống tự nhiên khác dọc theo vùng đồng bằng ngập lũ; các thành phố có thể được làm mát bằng công viên, ao hồ và bằng cách “phủ xanh” đường phố; nông dân xem xét tăng khả năng chống chịu của việc buôn bán bằng cách đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi của họ.
“Nhưng chỉ dựa vào thiên nhiên là không đủ”, báo cáo cho rằng việc giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra và một loạt các hành động chuyển biến cách sống nhằm đưa xã hội loài người vào con đường phát triển bền vững sẽ là cần thiết để tăng khả năng chống chịu với khí hậu.
Emily Shuckburgh, giám đốc Cambridge Zero - sáng kiến về biến đổi khí hậu của Đại học Cambridge, cho biết: “Một trong những điều tôi cảm thấy quan trọng nhất cần phải nhận ra đó là biến đổi khí hậu chính là một trong những cuộc khủng hoảng dễ dự đoán nhất và cũng có thể phòng tránh nhất”.
“Và vì vậy, tin tốt chính là có giải pháp để tồn tại. Nếu được thực hiện một cách chu đáo, nó thực sự có thể mang lại nhiều lợi ích – điều trái ngược của rủi ro theo từng đợt đó là bạn cũng có cơ hội phòng tránh theo hình thái tương tự”
, Shuckburgh nói.
Liên Hợp Quốc: Nhiên liệu hóa thạch đang bóp nghẹt nhân loại
Các nhà hoạt động khí hậu Extinction Rebellion tham gia cuộc tuần hành Rise and Rebel được tổ chức trùng với thời điểm kết thúc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào ngày 13 tháng 11 năm 2021 tại London, Vương quốc Anh. Ảnh: Mark Kerrison/In Pictures
IPCC thay mặt các chính phủ tiến hành đánh giá trên quy mô lớn các tài liệu khí hậu mới nhất trong vài năm một lần. Hiện tại đang là chu kỳ đánh giá thứ sáu; báo cáo đầu tiên được xuất bản vào năm 1990.
Phần đầu tiên của Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của IPCC, được xuất bản vào tháng 8 , tập trung vào cơ sở khoa học vật lý của biến đổi khí hậu. Các phát hiện đã làm rõ rằng việc hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C sẽ sớm vượt kiểm soát nếu không giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức ở quy mô lớn.
Tiếp theo báo cáo chính thứ hai của IPCC, phần thứ ba trong chu kỳ đánh giá thứ sáu của IPCC sẽ tập trung vào giảm thiểu biến đổi khí hậu và các phương pháp để giảm phát thải khí nhà kính cũng như loại bỏ chúng khỏi khí quyển. Báo cáo sẽ được xuất bản vào đầu tháng 4.
Phần cuối cùng của chu kỳ Báo cáo Đánh giá Thứ sáu của IPCC sẽ là Báo cáo Tổng hợp, kết hợp các phát hiện của từng phần trong ba phần trước, dự kiến được xuất bản vào tháng 9 năm nay.
Nguồn: CNBC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top