VNR Content
Pearl
Phản ứng đầy bạo lực của một cậu nhóc khiến chúng ta phải đặt ra những câu hỏi không mấy dễ chịu về thế giới chúng ta đang tạo ra cho con em mình. * Nội dung dưới đây được lược dịch từ bài viết của cây bút Dan Brooks trên trang NYTimes. Khi còn là một đứa trẻ, một trong những dự định của tôi là được xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế. Tôi có biết về chương trình “Candid Camera” (camera ngẫu nhiên), vốn từng là một hiện tượng đối với thế hệ cha mẹ tôi, hay có thể là cả thế hệ ông bà tôi nữa, nhưng ước mơ của tôi là chương trình “America’s Funniest Home Videos”, hay nếu được thì một khoảnh khắc trong chương trình tin tức địa phương cũng đã thoả lòng rồi. Bên cạnh việc giúp tôi nổi tiếng, được xuất hiện trong những hoàn cảnh đó sẽ cho mọi người thấy được sức hút của tôi. Tôi từng hi vọng rằng một đoạn video ngẫu nhiên có thể là cơ hội để tôi thể hiện được bản chất của mình: đáng yêu, nhanh nhạy, và có lẽ là có đôi chút năng khiếu thể thao nữa. Phần thú vị nhất trong kế hoạch này là tôi không thể làm gì để biết trước điều gì sẽ tiếp diễn cả; bởi camera ngẫu nhiên có nghĩa là tôi phải chờ cho nó tìm đến mình. Tôi biết khả năng điều đó xảy ra là…vô cùng thấp. Hiển nhiên rồi, ở thập niên 1990, có mấy ai vác camera đi quanh để quay lũ trẻ trên đường đâu? Ở những năm 2020, mọi chuyện đã khác. Nhờ smartphone và mạng xã hội, người ta liên tục quay video lẫn nhau, vô tình hay cố ý. Video ngẫu nhiên nay chỉ còn là một thể loại ít người xem trên truyền hình, và đã trở thành một khái niệm của lịch sử. Nhưng những chương trình tin tức 24/7 đã khiến nó sống lại. Trong một số trường hợp, những đoạn video như vậy có “siêu năng lực” tạo ra những cuộc biểu tình và chấm dứt sự nghiệp của một ai đó, nhưng hầu hết các trường hợp khác, nó đơn giản là khiến người ta phát cáu. Giống như sự ra đời của điện thoại di động đã dẫn đến những cuộc gọi ồn ào mất lịch sự trong một nhà hàng lãng mạn, smartphone biến việc quay phim ở nơi công cộng thành một thói quen bình thường nhưng tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư. Chúng ta vẫn là những nhân vật chính trong cuộc đời mình, nhưng nay lại có khả năng trở thành nhân vật phụ trong những video Instagram của kẻ khác. Và điều đó xảy ra với tất cả chúng ta, dù thích hay không.
Mới đây, tôi xem được một đoạn video dài 8 giây thể hiện rõ vấn đề này, dưới dạng tiêu cực nhất của nó. Hai cô cậu, có vẻ ở tuổi trung học, đang bước vào nhà hàng Panda Express thì một cậu nhóc thứ ba với mái tóc vàng ngăn họ ngay cửa chính. Sự khẩn trương và hào hứng của cậu ta khiến đôi trẻ chững lại trong vài giây, vừa nghi hoặc nhưng vẫn tỏ thái độ nhã nhặn. Tình huống này có thể dẫn đến hai kết cuộc trái ngược nhau. “Này, đợi tí, xin thứ lỗi - tôi có điều này thật sự quan trọng muốn hỏi bạn” - cậu tóc vàng nói với cô gái. “Khoảnh khắc tôi thấy bạn, mắt tôi như thể - ôi trời ơi, tôi yêu bạn rồi đó, bạn có thể — hự!”. Tiếng “hự” kia là âm thanh cậu ta phát ra khi ăn một đấm vào giữa mặt bởi người đi cùng cô gái. Có nhiều yếu tố đáng chú ý trong đoạn video này. Cậu trai ra tay mang quần yếm và áo thun sọc vàng, giống hệt trang phục của một nhân vật trong phim “The Warriors”. Cậu này dường như thuận tay trái, và có vẻ đã từng đấm ai đó trước đây rồi. Nhưng có lẽ điều thú vị hơn cả là khoảnh khắc đầy cam chịu của cậu và cô bạn gái khi họ nhận ra thứ cậu trai tóc vàng kia đang làm. Ngay khi cậu kia nói đến từ “mắt tôi”, cô bé quay đi và bước vào trong nhà hàng, còn cậu quần yếm từ tốn đặt cốc sinh tố xuống đất để chuẩn bị nói chuyện phải quấy với kẻ lạ mặt. Âm thanh của cú đấm rất đã tai, và đoạn video kết thúc với việc cả hai biến mất khỏi khung hình. Cậu tóc vàng lảo đảo, còn cậu quần yếm sẵn sàng tung ra cú đấm thứ hai. Đoạn kết của video thú vị đến mức khiến người ta phải xem đi xem lại nhiều lần, nhưng cũng đặt ra cho người xem một câu hỏi: bạn cảm thấy thế nào về cú đấm đó?
Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng một cú đấm là điều khó chấp nhận được nếu cậu tóc vàng kia đang bày tỏ tình cảm một cách chân thành. Nhưng nào phải vậy. Cậu ta bày tỏ tình cảm trong khi một người thứ tư không rõ mặt ghi hình lại toàn bộ quá trình đó, nhiều khả năng nhằm thực hiện một thử thách trên mạng mang tên “tán bạn gái người khác”. Trong tình huống đó, cậu ta rõ ràng đang lợi dụng người khác để làm nền cho bản thân, một hành vi tồi tệ mà xã hội không bao giờ nên khuyến khích. Nhưng chúng ta sẽ sẵn sàng từ bỏ điều gì để không khuyến khích việc đó? Mãi đến gần đây, xã hội của chúng ta mới bắt đầu lên án loại hành vi này - một hành vi ra đời giữa sự xuất hiện của những công nghệ mới và có lẽ chưa thể lụi tàn trong một sớm một chiều. Là một người trung niên, tôi nghĩ về những công nghệ đó như những thứ thuộc về giới trẻ, nhưng không phải vậy. Smartphone, YouTube, TikTok, và những thứ tương tự đã được mang ra thị trường bởi những người trưởng thành và rồi tác động lên một thế hệ vốn có rất ít sự lựa chọn về thứ họ sử dụng. Video trên internet là thứ không thể thiếu đối với thế hệ Z, giống như ma tuý với con nghiện, và từ góc nhìn đó, hành động của cậu quần yếm như một phần của lịch sử đầy bạo lực chống lại sự ảnh hưởng từ nước ngoài mà mọi người Mỹ đều sẽ nhận thấy xuyên suốt những sự kiện đã trải qua. Chúng ta lúc nào cũng nói rằng giới trẻ bây giờ nghiện điện thoại quá, nhưng lại quên mất ai đã trao điện thoại cho chúng ngay từ đầu. Chúng ta giống như những bậc phụ huynh để mở tủ rượu và rồi sốc khi thấy con cái mình hơi thở nồng nặc mùi cồn sau khi đi làm về. Chúng ta không buộc thế hệ Z phải xem và quay video; chúng ta chỉ cho chúng cơ hội mà thôi. Một số sẽ từ chối, nhưng hầu hết sẽ tận dụng cơ hội, và những đứa trẻ đó sẽ vô tình kiếm thêm một ít tiền cho Google, Apple, TikTok - những công ty được ví như kẻ cai trị thế giới mới, nơi sinh sống của những công dân số. Đó là một thế giới có thể nói là “hoang dã”, mặc cho chúng ta đang ngày càng đổ nhiều tài nguyên để “thuần hoá” nó. Cậu quần yếm rõ ràng đã thấy đồng loại mình (những cô cậu tuổi teen kiếm ra tiền) bị ăn mòn bởi một nền văn hoá ngoại lai (trở thành những công nhân dưới công nghệ của người trưởng thành) vốn lợi dụng chúng để thu lợi kinh tế. Và phản ứng duy nhất của cậu đối với vấn đề đó là bạo lực. Có lẽ cậu cũng dành thời gian rảnh để quay video chọc ghẹo người khác, nhưng nhiều khả năng cậu chỉ đang muốn sống cuộc đời tuổi teen bình thường mà thôi: muốn ăn mặc thật kỳ quặc, có một cô bạn gái, đến tiệm nước dù đã mua sinh tố bởi muốn dành thời gian ngắm nhìn cô ấy… Và bỗng đâu đó một gã tóc vàng cùng tên quay phim xuất hiện, và chúng đối xử với bạn gái cậu như thể cô ấy chỉ là một cô bạn gái nào đó của một gã nào đó - điều internet đã dạy chúng - và gã tóc vàng kia thậm chí còn làm biểu cảm khó chịu mà bạn vốn chỉ thấy trong các video diễn trò. Tất cả đã quá đủ. Cậu quần yếm quyết định “tắt đài” kẻ ngớ ngẩn. Trớ trêu thay, hành động của cậu lại trở thành trò hề trên mạng. Việc cậu từ chối trở thành một nhân vật trong đoạn video không hề mong muốn lại nhận được hàng triệu lượt xem, vô tình lại khiến cậu trở thành một nhân vật trong đoạn video mua vui đó. Bởi bạn không thể thoát khỏi nó - những người trưởng thành quá hùng mạnh, với hàng tỷ đô-la và một đạo quân nhân viên toàn thời gian chuyên tìm kiếm những thứ mới mẻ để dụ dỗ lũ nhóc làm trên điện thoại của chúng, cho đến khi điện thoại trở thành thứ không thể thiếu - một văn hoá - của trẻ em. Hãy cười lên, vì bạn sẽ luôn là nhân vật trong một đoạn phim ngẫu nhiên từ nay cho đến cuối đời. Tham khảo: NYTimes