Loài ong mất nhiều thế hệ phục hồi sau một lần dính thuốc trừ sâu

nhhgiap

Pearl
Một nghiên cứu mới đây cho thấy loài ong có thể mất nhiều thế hệ để phục hồi sau khi tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng dù chỉ một lần. Chúng ta từ lâu đã biết tác hại của thuốc trừ sâu lên môi trường, nhưng lại ít biết ảnh hưởng của nó lên côn trùng về lâu dài.
Loài ong mất nhiều thế hệ phục hồi sau một lần dính thuốc trừ sâu
Nghiên cứu được công bố trên PNAS (Viện khoa học quốc gia Mỹ), cho thấy ngay cả một lần tiếp xúc với thuốc trừ sâu trong năm đầu đời cũng ảnh hưởng đến sinh sản của ong cái. Tác động của thuốc được tích lũy lâu dài trong cơ thể ong đã làm giảm số lượng loài.
Clara Stuligross, một nghiên cứu sinh về sinh thái học tại Đại học California ở Davis và là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết:
“Đặc biệt trong các khu vực nông nghiệp, thuốc trừ sâu thường được sử dụng nhiều lần trong năm và nhiều năm liên tiếp. Điều này đe dọa đến tồn vong của cả loài ong”.
Để chỉ ra mức độ tàn phá của thuốc diệt côn trùng, còn được gọi là “hiệu ứng truyền”, nhóm các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm thực địa kéo dài hai năm. Đối tượng nghiên cứu là giống ong vườn xanh, một loài thụ phấn hoang dã, sống đơn độc, thân có màu xanh lam chứ không phải màu đen và vàng như ong mật.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thuốc trừ sâu imidacloprid, nổi tiếng vì độc tính mạnh với ong, để kiểm tra với từng mức độ phơi nhiễm thì ảnh hưởng của thuốc sẽ như thế nào. Imidacloprid bị cấm sử dụng ở EU nhưng không cấm sản xuất, vì vậy chúng vẫn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Tại Mỹ, có hơn 400 sản phẩm được rao bán có chứa imidacloprid, theo Trung tâm Thông tin Thuốc trừ sâu Quốc gia tại Đại học Bang Oregon.

“Imidacloprid có mặt trong tất cả các mô thực vật, phủ rộng trên nhiều cánh đồng nên ong rất dễ dính phải loại thuốc này. Khi vào cơ thể, imidacloprid ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh khiến hành vi và sinh lý của ong bị thay đổi theo”, Stuligross nói.
So với con không tiếp xúc, những con ong tiếp xúc với imidacloprid khi còn là ấu trùng giảm tỷ lệ sinh 20%. Những con phơi nhiễm duy nhất một lần khi trưởng thành giảm tỷ lệ sinh 30%, những con phơi nhiễm cả hai năm liên tục giảm 44%.
Khi tính toán xác suất và tỷ lệ làm tổ của ong cũng như tỷ lệ con cái trên con đực, việc tiếp xúc thuốc trừ sâu trong hai năm liên tiếp giảm 71% tốc độ tăng trưởng dân số.
“Các tác động là tích lũy và tăng dần quy mô tàn phá theo thời gian. Chỉ một lượng nhỏ thuốc sử dụng trong nhiều năm liên tiếp là đủ để đe dọa dân số của một loài côn trùng”, Lars Chittka, một giáo sư sinh thái học tại Đại học Queen Mary ở London nói.
“Nghiên cứu mới này cho thấy ngay cả khi cấm sử dụng thuốc trừ sâu trong vụ mùa năm 2022, chúng tôi vẫn thấy tác động bất lợi tồn đọng từ năm 2021. Ấu trùng ong trưởng thành năm nay và chuẩn bị thụ phấn cho cây trồng năm sau đã hết hy vọng cứu vãn”, giáo sư nói thêm.
Theo Stuligross, hiểu rõ cách thuốc trừ sâu tích tụ trong môi trường cũng như cách chúng ảnh hưởng đến loài ong trong nhiều năm giúp chúng ta dự đoán tốt hơn rủi ro từ việc sử dụng hóa chất bảo vệ cây trồng. Hiện tại, chìa khóa vẫn là giảm tiếp xúc thuốc trừ sâu càng nhiều càng tốt, đưa các nghiên cứu trên vào phát triển chiến lược ngăn ngừa dịch hại mà không đe dọa đến côn trùng có ích.
Nguồn: The Guardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top