Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!

Ở phía Bắc Kalimantan (Indonesia), Jonni Spedika nhìn chằm chằm vào những hàng cây đều tăm tắp và nghiến chặt răng. Với người ngoài, hàng cây dường như thanh bình đến lạ. Nhưng với Spedika và dân làng của anh, sự hiện diện của chúng lại là một mối đe doạ nghiêm trọng.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
“Điều này lẽ ra không nên được cho phép”, Spedika nói, anh nguyên là trưởng làng của một trong những ngôi làng lớn trên đảo này.
Từ xa xưa, cây gỗ lim Borneo và các loại cây thân gỗ nhiệt đới khác đã phủ xanh những mảnh đất gồ ghề trên hòn đảo này. Rất nhiều lợn rừng, là nguồn thức ăn chính của người dân trên đảo, đi lang thang trong các khu rừng nhiệt đới gần làng của họ. Những rừng cây bảo vệ và nuôi dưỡng mặt đất bên dưới và hấp thụ một lượng lớn khí thải CO2 gây biến đổi khí hậu.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Jonni Spedika, một dân làng ở vùng Bắc Kalimantan, nơi những khu rừng đang được cấp phép khai thác (Ảnh: NBC News)
Nhưng những cái cây khiến Spedika buồn bực không phải cánh rừng già gỗ lim hay cây hạt dầu. Mà đó là những hàng cây bạch đàn mới được một công ty cung cấp gỗ, là PT. Adindo Hutani Lestari, trồng cách đây không lâu. Và các chuyên gia đánh giá sự kiện này là hình ảnh sự suy thoái của một trong những hệ thống rừng nhiệt đới quan trọng nhất hành tinh.
Adindo và các đối thủ cạnh tranh từ lâu đã hoạt động tại khu vực này. Suốt nhiều năm, những công ty này đã đốn hạ những cánh rừng cổ thụ để lấy đất làm đồn điền. Gỗ sẽ được vận chuyển đến các nhà máy, chúng bị nghiền thành giấy và kéo thành một loại vải thoáng khí được sử dụng phổ biến khắp nước Mỹ: viscose rayon.
Vải viscose rayon được ứng dụng khá đa dạng trong ngành thời trang, từ những trang phục sang trọng cho đến những chiếc áo thể thao. Loại vải này được quảng bá là “thân thiện với môi trường” vì được tạo ra từ nguồn nguyên liệu tái tạo: cây xanh.
Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng tăng của loại vải này lại dẫn đến… nạn phá rừng ở Indonesia. Các đồn điền được thành lập trên những khu đất trống và tạo ra nguồn cung gỗ liên tục, cùng những sản phẩm khác như dầu cọ, chúng thường được tạo ra từ một giống cây duy nhất.
Các đồn điền sẽ hoà vào những khu rừng xung quanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những đồn điền này sẽ làm cạn kiệt nguồn nước và gia tăng khả năng gây cháy rừng, cũng như phá hoại môi trường sống tự nhiên của hàng loạt loài động, thực vật bản địa.
“Điều này giống như họ cướp đi vùng biển của chúng tôi vậy”, Spedika bức xúc, anh cũng chia sẻ rằng lợn rừng và những loài động vật mà dân làng thường đi săn cũng dần biến mất.
Ruth DeFries, giáo sư về sinh thái và phát triển bền vững tại Đại học Columbia (New York), cho biết các đồn điền gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự đa dạng sinh học của rừng mưa nhiệt đới.
“Các đồn điền độc canh là một hệ sinh thái rất khác biệt so với rừng mưa nhiệt đới với hàng triệu loài sinh vật”, giáo sư DeFries cho biết, bà đã hoàn thành công trình nghiên cứu của mình ở Indonesia.
“Một trong những khoảng thời gian đẹp nhất mà tôi có là có bóng dáng ai đó đang nghiên cứu về loài đười ươi”, bà nói thêm. “Nhìn thấy môi trường sống của chúng bị huỷ hoại – quả thực rất đau lòng”.
Suy thoái rừng ở một nơi như Indonesia gây ảnh hưởng rất lớn. Khả năng hấp thụ khí CO2 của một mẫu đồn điền gần như không thể bằng một mẫu rừng mưa nhiệt đới.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature Communications năm 2018 cho thấy mỗi héc-ta rừng mưa nhiệt đới bị chuyển đổi thành đồn điền dầu cọ sẽ làm giảm khả năng dự trữ 174 tấn carbon, và phần lớn trong số đó nằm trong không khí dưới dạng khí CO2.
“Chuyển đổi rừng mưa nhiệt đới thành đồn điền không phải là thoả hiệp một đổi một”, Gillian Galford, nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Vermont, cho biết, cô không liên quan đến nghiên cứu nói trên. “Sự suy thoái rừng mà chúng ta nhận thấy ở Đông Nam Á là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đối khí hậu”.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Một xe chở gỗ ở Bắc Kalimantan (Ảnh: NBC News)
Một loạt các ngành công nghiệp đã thúc đẩy quá trình suy thoái rừng nhiệt đới ở Indonesia, nơi có diện tích rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Amazon và Congo Basin.
Từ những năm 1960, các công ty sản xuất dầu cọ, giấy và cà phê đã đốn hạ những cánh rừng khổng lồ, là nhà của nhiều loài động vật cực kỳ nguy cấp, như đười ươi Sumatran và hổ.
Cho đến những năm 1990, huỷ hoại môi trường và hoạt động của các công ty lớn hầu như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Trong thập kỷ cuối của thế kỷ 20, các chiến dịch gây sức ép buộc các công ty phải quan tâm hơn đến chuỗi cung ứng và có giải pháp giảm thiểu suy thoái rừng.
Các biện pháp đã có hiệu quả. Tỷ lệ phá rừng của Indonesia năm 2020 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 với những nỗ lực kiểm soát của chính phủ.
Theo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, trong năm 2020, quốc gia này đã mất 115.000 héc-ta rừng.
Diện tích này tương đương thành phố Los Angeles, dù vậy nó đã giảm khoảng 75% so với năm 2019. Theo đánh giá của chính phủ, nền kinh tế bị kìm lại do dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm rõ rệt này, tuy vậy, tỷ lệ phá rừng vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm kể từ năm 2015.
Một số tổ chức môi trường ước tính diện tích rừng mà Indonesia đã mất trong năm 2020 có thể lớn hơn con số kể trên, tuy vậy xu hướng giảm là có.
Tính đến đầu thế kỷ 21, Indonesia là quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới.
Theo phân tích từ tổ chức phi lợi nhuận Auriga và một số tổ chức môi trường tại địa phương, tính đến năm 2000, quốc gia này đã mất xấp xỉ 13 triệu héc-ta rừng tự nhiên – lớn hơn diện tích toàn bộ các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Phần lớn đất rừng được chuyển sang trồng cây dầu cọ và các loại cây nông nghiệp khác như cà phê, ngoài ra, còn có các đồn điền cây gỗ mềm (thường dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy).
Mặc dù tỷ lệ phá rừng mưa nhiệt đới đã chậm lại, các nhà môi trường học vẫn lo ngại rằng nhu cầu gỗ mềm, nguyên liệu để sản xuất bột giấy và sợi viscose, sẽ là động lực khiến nhiều cánh rừng bị đốn hạ hơn.
“Trong những năm tới, tôi lo ngại nhất là cây gỗ thân mềm”, Timer Manurung, giám đốc tổ chức Auriga, cho biết.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Cánh rừng tại Bắc Kalimantan (Ảnh: NBC News)

“Phá rừng quy mô lớn”​

Viscose, loại sợi làm từ cellulose của thực vật thân gỗ, là nguyên liệu chính trong các sản phẩm thường ngày như khăn em bé và khẩu trang. Khi được dệt thành vải, nó có tên là viscose rayon.
Vải viscose rayon được tạo ra từ hơn 100 năm trước. Loại vải này rẻ và bền hơn lụa, và được quảng cáo trong ngành thời trang là loại vật liệu bền vững với khả năng phân huỷ sinh học. Trong những năm gần đây, vải viscose rayon nhanh chóng trở nên phổ biến và phát triển thành nền công nghiệp triệu đô.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Một mẫu vải viscose rayon, hay còn gọi là lụa nhân tạo, từ năm 1898 đang được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học London (Ảnh: Science & Society Picture Library/SSPL/Getty Images)
Tuy nhiên, một số công ty lớn cung cấp sợi viscose đang phải hứng chịu chỉ trích do là tác nhân gây nên nạn tàn phá rừng ở Đông Nam Á.
Asia Pacific Resources International Holding (hay APRIL Group), công ty sản xuất giấy và bột giấy lớn thứ 2 ở Indonesia, từ lâu đã phải đối mặt với cáo buộc tham gia hoạt động phá rừng. Nguồn gỗ nguyên liệu của công ty này đến từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, trong đó có Adindo, công ty quản lý đất trên đảo Kalimantan, Indonesia (hay còn được gọi là đảo Borneo).
Tháng 6/2015, APRIL cam kết ngừng hoạt động khai thác rừng tự nhiên. Thông báo này, dù đưa ra sau các đối thủ cạnh tranh cũng có cam kết tương tự, đã được nhiều nhóm bảo vệ môi trưởng ca ngợi.
Công ty cũng đã có cải tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu nạn phá rừng của mình. Tuy nhiên, một vài nhà cung cấp của APRIL, trong đó có Adindo, lại vướng phải cáo buộc tàn phá rừng nhiệt đới nguyên sinh sau khi APRIL đã tuyên bố cam kết của mình.
Tháng 10/2020, liên minh gồm nhiều nhóm bảo vệ môi trường đã công bố một báo cáo về nạn phá rừng trên hòn đảo do Adindo khai thác dựa trên hình ảnh vệ tinh và bản đồ phân loại độ phủ đất do chính phủ Indonesia cung cấp.
Báo cáo cho rằng từ tháng 6/2015 đến 31/8/2020, đã có gần 7.300 héc-ta rừng tự nhiên bị đốn hạ trong khu vực thuộc quản lý của Adindo. Cũng theo báo cáo, một nửa diện tích bị tàn phá nằm trong khu vực được Adindo phân loại là rừng có “giá trị bảo tồn cao”. Theo Manurung, một trong các tác giả chính của báo cáo, hình ảnh ghi lại trên mặt đất và trên không bằng thiết bị bay không người lái cũng được sử dụng để đánh giá.
Ở thời điểm đó, APRIL bác bỏ các cáo buộc và cho rằng không xảy ra phá rừng ở những khu vực được nêu trong báo cáo. APRIL cho biết khu đất do Adindo quản lý nằm trong khu vực được quy hoạch thiết lập đồn điền, hoàn toàn không có phần nào thuộc khu vực rừng có “giá trị bảo tồn cao”.
Trước đó, APRIL cũng bác bỏ các cáo buộc về các nhà cung cấp khác có hành vi phá hoại hiện trạng rừng từ tháng 6/2015.
Edward Boyda, nhà vật lý học, đồng sáng lập nhóm nghiên cứu môi trường Earthrise, được NBC News đề nghị phân tích nạn phá rừng trên gần 1 triệu héc-ta đất thuộc quản lý của các nhà cung cấp của APRIL ở Kalimantan.
Thông qua hình ảnh vệ tinh của NASA và các vệ tinh thương mại khác, Boyda kết luận rằng từ cuối năm 2015, có khoảng 7.700 héc-ta rừng nguyên sinh trên hòn đảo này đã bị đốn hạ. Anh cũng cho biết con số trên chỉ mới là ước tính sơ bộ.
Boyda cho biết những hình ảnh này đã kể chúng ta nghe câu chuyện về hòn đảo, bắt đầu với những mảng cây xanh nối tiếp nhau và phát triển thành những mảng màu nâu – mà anh gọi là “vết sẹo bỏng” do cây cối bị đốn hạ và phát quang. Anh cũng chỉ ra rằng hình ảnh timelapse cũng cho thấy những hàng cây trồng đều tăm tắp được thu hoạch.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Hình ảnh vệ tinh cho thấy rừng nhiệt đới vào năm 2015, công ty PT. Fajar Surya Swadaya được cấp phép khai hoang vào năm 2016 và các đồn điền phát triển từ năm 2017. Theo Theo Ed Boyda, hình ảnh này cho thấy 81 héc-ta, một phần của khu rừng nhiệt đới rộng 2.849 héc-ta, dường như đã bị phá sạch. Công ty này là nhà cung cấp nguyên liệu cho APRIL (Ảnh: Airbus DS / Earthrise; 2017 CNES)
“Từ một khu vực có độ đa dạng sinh học cao bậc nhất thế giới trở thành một nơi ‘khô cằn’ về mặt đa dạng sinh học”, Boyda cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Norway khi mô tả sự biến đổi từ rừng mưa nhiệt đới thành đồn điền.
APRIL Group phản bác các thông tin cho rằng nhà cung cấp của họ chặt phá rừng nguyên sinh.
Trong một tuyên bố, công ty này cho biết các phân tích cho thấy đại đa số diện tích cây bị đốn hạ mà Boyda trích dẫn là quá trình khai thác các đồn điền đã có.
“Rõ ràng những hoạt động đó không phải hành vi phá rừng nguyên sinh, mà thực tế, đó là quá trình khai thác và tái trồng cây thông thường trên các đồn điền hợp pháp, và một bộ phận nhỏ đất nông nghiệp”, APRIL cho biết.
APRIL Group nhấn mạnh rằng diện tích bị cáo buộc là phá rừng trên đất không quy hoạch làm đồn điền (khoảng 1.400 héc-ta) chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng diện tích đất do các đối tác của APRIL quản lý tại Kalimantan.
APRIL cũng cho biết thêm rằng phần diện tích bao phủ rừng biến mất trên 1.400 héc-ta này bao gồm một số khu vực đã bị “xâm lấn hoặc phá hoại bởi bên thứ ba”, và trong một số trường hợp có thể là do lỗi trong “thuật toán viễn thám” khi gặp phải một số điều kiện cục bộ như mây và sương mù.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Ảnh vệ tinh năm 2015 và năm 2018 cho thấy đồn điền của Adindo ngày một mở rộng. Theo Ed Boyda, hình ảnh cho thấy có khoảng 259 héc-ta rừng đã biến mất (Ảnh: Airbus DS / Earthrise)
“Công ty chúng tôi cực kỳ nghiêm túc trước mọi cáo buộc về việc thay đổi bất hợp pháp hiện trạng bao phủ đất và điều ra mọi trường hợp mà chúng tôi xác định hoặc nghi ngờ (vi phạm)”, APRIL Group tuyên bố. “Nếu xác nhận có hoạt động bất hợp pháp, chúng tôi cam kết sẽ nhanh chóng cho dừng hoạt động và báo cáo cho chính quyền xử lý”.
Công ty cho biết họ đã đáp ứng được 81% cam kết bảo tồn/bảo vệ một héc-ta rừng tự nhiên cho mỗi héc-ta đồn điền. “Đối với chúng tôi, khai thác và bảo tồn có mối quan hệ phụ thuộc và bổ trợ lẫn nhau”.
Tháng 11/2021, APRIL đã gửi thư đến Forest Stewardship Council (Hội đồng Quản lý Rừng - FSC), chương trình cấp chứng nhận hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp khai thác rừng, và thừa nhận “những nguy cơ tiềm tàng đối với môi trường và xã hội” từ những hoạt động trong quá khứ của công ty kể từ năm 1993.
APRIL bị cấm sử dụng nhãn hiệu của FSC trên các sản phẩm giấy và bột giấy thương mại kể từ năm 2013, sau khi công ty này bị thu hồi chứng nhận. APRIL cho biết công ty rút khỏi chương trình do lo ngại vi phạm chính sách của FSC sau khi 3 nhóm bảo vệ môi trường đệ đơn cáo buộc APRIL “tham gia hoạt động phá rừng quy mô lớn” tại Indonesia.
Nhiều năm qua, APRIL vẫn luôn tìm cách để được cấp lại chứng nhận của FSC. Theo FSC, hội đồng vẫn đang tiếp tục quá trình xem xét.
APRIL được quản lý bởi Royal Golden Eagle, một tập đoàn có trụ sở tại Singapore chuyên quản lý các công ty sản xuất giấy, dầu cọ và sợi viscose.
APRIL vận chuyển gỗ từ Kalimantan đến hòn đảo Sumatra gần đó để xử lý, sau đó chuyển đến một nhà máy ở Trung Quốc do Sateri vận hành để tạo thành sợi viscose, công ty này cũng thuộc quản lý của Royal Golden Eagle. Và sản phẩm cuối cùng là loại vật liệu tương tự bông gòn.
Theo nghiên cứu của NBC News, Sateri vận chuyển sợi viscose đến các nhà máy trên khắp thế giới để sản xuất các mặt hàng thời trang, trong đó có các thương hiệu lớn như Adidas, Abercrombie & Fitch và H&M. Ngoài ra, Sateri cũng cung cấp sợi viscose cho các nhà máy ở Mỹ để sản xuất khăn lau mặt, khăn khử trùng, khăn trẻ em.
H&M và Adidas là một trong số những nhãn hàng bán lẻ lớn đang phải chịu áp lực từ các tổ chức phi chính phủ, như Changing Markets, vì sử dụng sợi viscose có nguồn gốc liên quan đến hoạt động phá rừng.
H&M cho biết các đơn vị sản xuất của họ sử dụng nguồn nguyên liệu từ Sateri, nhưng H&M “hiện không có bất kỳ quan hệ thương mại trực tiếp nào với Sateri”.
Người đại diện của Adidas từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Abercrombie & Fitch cũng không có phản hồi.
Năm ngoái, Adidas và H&M là một trong số 12 thương hiệu đã tham gia vào nhóm các công ty chuyên bán quần áo làm từ vải tái chế. Nhóm này được đặt tên là “New Cotton Project” và được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu.
Trong một tuyên bố, Sateri cho biết công ty này sẽ có những bước đi nhằm đảm bảo nguồn cung gỗ “không liên quan đến hoạt động phá rừng hay bóc lột (lao động)”.
“Liên quan đến đối tác cung cấp bột giấy là APRIL, chúng tôi bác bỏ các thông tin cho rằng họ đã ‘vi phạm’ các cam kết sản xuất bền vững dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả việc kiên định với cam kết không phá rừng”, Sateri tuyên bố.
Royal Golden Eagle cho biết tập đoàn này “hoàn toàn tự tin trong việc thực hiện các chính sách và cam kết bền vững của APRIL Group và Sateri”.
Sau khi NBC News đăng tải bài viết này, APRIL Group đã có bài viết phản hồi trên trang web chính thức của công ty.
“Liên quan những lo ngại được nêu trong câu chuyện của NBC về việc nhu cầu sử dụng bột giấy, giấy và sợi viscose tăng lên sẽ dẫn đến nguy cơ phá rừng gia tăng, điều này chỉ đơn giản là không đúng với APRIL cũng như với các nhà cung cấp của công ty”, trích bài đăng của APRIL.
“APRIL đã có tuyên bố rõ ràng rằng công ty không có ý định mở rộng diện tích rừng được cấp phép khai thác và nhu cầu về nguồn cung sợi trong tương lai sẽ được đáp ứng bởi chuỗi cung ứng hiện có của công ty, bao gồm cả bằng biện pháp thâm canh và gia tăng năng suất của những đồn điền đã có”.
Bên cạnh đó, không phải mọi loại sợi viscose đều có nguồn gốc từ các đồn điền trong và xung quanh rừng mưa nhiệt đới. Một số nguồn nguyên liệu khác đến từ các đồn điền nằm xa những cánh rừng nhiệt đới, như ở Nam Phi và Cộng hoà Séc.
Một số công ty cũng tuyên bố ngừng sử dụng sợi viscose.
Dana Davis, phó chủ tịch phụ trách tính bền vững của nhà thiết kế Mara Hoffman, cho biết công ty đã xem xét kỹ lưỡng nguồn vải nguyên liệu của mình vào năm 2015. Hoffman quyết định ngừng sử dụng vải viscose rayon và thay bằng một loại vật liệu khác, là lyocell. Mặc dù cũng được tạo ra thực vật, nhưng lyocell có hơn 99% chất hoà tan có thể tái sử dụng và Davis cho biết công ty nắm rõ nguồn gốc xuất xứ của số gỗ nguyên liệu.
“Điều mà chúng không không bao giờ muốn là lấy nguyên liệu từ những cánh rừng đang nguy cấp”, Davis cho biết.

“Chúng tôi không thể phản kháng”​

Jonni Spedika không biết nhiều về vải viscose rayon, nhưng anh hiểu rõ việc tàn phá rừng nhiệt đới đã khiến cuộc sống của anh thay đổi như thế nào.
Spedika sống cùng vợ và con gái 5 tuổi tại làng Tetaban, một trong những cộng đồng dân cư chính của người Indigenous Dayak.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Anh Jonni Spedika (Ảnh: NBC News)
Đã từng có thời gian anh chỉ cần đi vào cánh rừng gần nhà khoảng 500m là có thể dễ dàng săn được lợn rừng và một số loài động vật khác. Nhưng hiện tại, Spedika cho biết dù vào rừng hơn 5km mà anh vẫn không gặp bất kỳ một con vật nào.
“Giờ rất khó mà tìm được con vật nào để săn”, Spedika nói. Hiện anh đang quản lý một nông trại nuôi gà và trồng rau nhỏ để trang trải cuộc sống.
Adindo, công ty cung cấp gỗ, hiện đang quản lý một khu vực rộng 190.000 héc-ta xung quanh làng của Spedika, nơi từng là một cánh rừng nguyên sinh.
Hendrik Siregar, nhà nghiên cứu thuộc nhóm giám sát môi trường Auriga, chia sẻ rằng những khách hàng đang sử dụng quần áo từ Mỹ cần biết về tác động của chúng đến những quốc gia như Indonesia.
Loại vải “thân thiện với môi trường” lại đang gây ra... nạn phá rừng!
Ảnh Hendrik Siregar (Ảnh: NBC News)
“Có lẽ câu chuyện sẽ khiến người ta tranh cãi về thứ vật liệu mà họ cho là thân thiện với môi trường này”, Siregar nói. “Rõ ràng là nó không hề thân thiện với môi trường vì nó chỉ khiến số cây bị đốn hạ ngày một tăng lên”.
Adindo không đưa ra phản hồi về vấn đề này.
Spedika cũng cho biết khí hậu tại ngôi làng của anh cũng thay đổi theo khung cảnh xung quanh. Thời tiết trở nên khô và nóng hơn do mật độ bao phủ cây xanh giảm đi, cháy rừng và lũ lụt cũng thường xuyên xảy ra hơn.
“Chúng tôi không thể phản kháng”, Spedika nói. “Vì họ có giấy phép, khu vực này giờ là của họ. Chúng tôi chỉ có thể phó mặt cho số phận”.
Theo
NBC News
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top