MobiFone thấy còn nhiều thách thức trong triển khai 5G

Á
Ánh Mai
Phản hồi: 0

Ánh Mai

Editor
Thành viên BQT
Mặc dù khẳng định MobiFone quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa 5G sau khi được cấp giấy phép băng tần C3, tại buổi Tọa đàm "Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh" do CLB Nhà báo CNTT tổ chức, đại diện MobiFone, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone cho rằng: Cơ hội thì nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn.

Theo ông Huy, thách thức đầu tiên là khung pháp lý, chúng ta chưa có các cơ sở pháp lý đầy đủ, tiêu chuẩn cũng chưa có. Nhập thiết bị hãng nào? Về có phát sóng được không? Có gây nhiễu thiết bị khác được không? Rất nhiều vấn đề.

Câu chuyện thứ 2 là muốn phát triển 5G phải có 4.0, thế nhưng phải có 1.0, 2.0, 3.0 trước đã. Có nghĩa là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Drone làm sao triển khai được khi dây diện chằng chịt? Đường Hà Nội làm sao đi được xe tự lái?

Muốn phủ sóng 5G thì số lượng trạm phải rất lớn. Thách thức ở mặt đầu tư, phải tầm vài trăm nghìn trạm mới phủ sóng 5G hết Việt Nam. Trung Quốc hiện có 4-5 triệu trạm 5G, Việt Nam cũng cần cỡ 1/10 con số đó, cần mật độ rất dày. Số tiền đầu tư lớn, 1 trạm 5G = 3, 4 trạm 4G. Trong khi đó, mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G ở xã hội Việt Nam lại rất thấp.

Thách thức cuối cùng, ông Huy nhấn mạnh, là vấn đề an ninh mạng. Số lượng kết nối IoT lớn như vậy, nếu bị tấn công DdoS thì sẽ khủng khiếp thế nào. Đó là những thách thức mà các nhà mạng sẽ gặp phải.

1735235382413.png

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone

Khi được hỏi về cơ hội của mạng 5G khi triển khai với các nhà máy thông minh, tuy cho rằng cơ hội của Việt Nam sẽ rất lớn, nhưng ông Huy cũng chỉ ra rằng còn rất nhiều doanh nghiệp chưa tự động hóa gì, nên sẽ chưa thể có nhà máy thông minh.

Ông Huy chia sẻ thông tin: Theo khảo sát của VINASA tại các khu công nghiệp, chế xuất tại TP.HCM với 98 doanh nghiệp, 61% các doanh nghiệp này chưa tự động hóa gì cả, hoàn toàn làm bằng tay, 25% tự động hóa được một chút chút. Điều này cho thấy dư địa vẫn còn rất nhiều. Tổng cộng lại đến 86% các doanh nghiệp gần như chưa tự động hóa gì cả. Ở mảng thông minh hóa còn thấp hơn nữa, 25% các doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối, thông minh trong dây chuyền sản xuất.

Lợi thế của Việt Nam là lao động giá rẻ. Do vậy chúng ta toàn sản xuất thủ công chứ chưa có nhà máy thông minh, toàn gia công cho thế giới về may mặc, da giày. Dư địa để làm nhà máy thông minh ở Việt Nam còn rất nhiều.

Cơ hội là như vậy, tuy nhiên nhận thức của các doanh nghiệp về nhà máy thông minh còn rất thấp. 5G chỉ là công nghệ kết nối, còn nhà máy cần cả một dự án chuyển đổi số. Để làm điều đó thì phải có sự đầu tư.

Trên thế giới, mạng 5G được ứng dụng rất hiệu quả tại các cảng. Việt Nam cũng có tới 269 cảng. Ông Huy cho biết, ở Hải Phòng hiện áp dụng cảng thông minh nhiều (ePort), ra vào 1 cửa 1 dấu, nhưng thực tế mức độ so với thế giới vẫn còn hạn chế. Nếu muốn đầu tư cả một cảng thông minh như vậy thì phải bỏ toàn bộ những cái cũ đi.

5G chỉ là chất xúc tác, kết nối, liệu cảng có sẵn sàng bỏ tiền cho một dự án chuyển đổi số như vậy không? Vai trò của các nhà mạng như thế nào? Nhà mạng đang chuyển đổi số rồi, cũng có đội làm CNTT, chúng ta liệu có thể kết hợp cùng nhau để làm được không? Không có chuyện bảo cảng tự bỏ tiền để hiện đại hóa cả cái cảng đó, khi mà một cái cần cẩu thông minh giá đã cả triệu USD rồi, xe tự lái trong cảng cũng 200.000 USD rồi. Ai sẽ bỏ tiền? Các quỹ có mạo hiểm để đầu tư hay không?

Các nước có chính sách để hỗ trợ cái này - ông Huy nói. Hàn Quốc bỏ ra 1.96 tỷ USD để đầu tư làm những thứ này. Họ đầu tư cho các use case. Các viện nghiên cứu, trường đại học có hẳn một chính sách quốc gia về dùng 5G làm chất xúc tác phát triển kinh tế. Trung Quốc cũng vậy. Họ có nhiều chính sách Cánh buồm để thúc đẩy 5G. Họ ưu đãi về thuế, miễn phí tần số chẳng hạn. Tuy nhiên Việt Nam không được như vậy nên các doanh nghiệp Việt Nam phải tự bươn trải. Nhà mạng đầu tư rất lớn nhưng chưa nhìn thấy đầu ra.

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều chuyên gia về CNTT nhưng chưa chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cảng biển. Chắc phải có hợp tác nước ngoài, với Trung Quốc chẳng hạn, họ rất mạnh môn này, như cảng Thiên Tân hiện là 1 trong 10 cảng lớn nhất thế giới, họ rất mạnh về smartport. Hoặc chúng ta có thể tham khảo các use case Hàn Quốc, Singapore và một số nước khác. Cảng Singapore cũng là cảng rất lớn, dùng cả drone để giám sát các vết nứt trên container. Chúng ta thấy Việt Nam đang thiếu các chuyên gia chuyển đổi số ngành dọc. Phải có các chuyên gia chuyển đổi số thì nhà mạng và các cảng, doanh nghiệp, nhà máy, sân bay mới kết nối với nhau được – ông Huy nói.

Chia sẻ về những hoạt động chuẩn bị cho triển khai 5G của MobiFone, ông Nguyễn Tuấn Huy cho biết: “MobiFone sắp thương mại hóa 5G, hướng đến cả thuê bao B2C vàcác giải pháp cho hộ gia đình, rồi cả các giải pháp về giáo dục, nông nghiệp. MobiEdu đã được công nhận là nền tảng số QG tiềm năng, có 3 triệu user lũy kế, 700.000 user active, đang cung cấp cả ở Lào. Các use case 5G của MobiFone sẽ tập trung triển khai trên MobiEdu rất nhiều, ví dụ học trực tuyến, từ xa, dạy phẫu thuật, lái drone, máy bay, để cô giáo ở Hà Nôi có thể dạy học sinh vùng sâu vùng xa... Chúng tôi sẽ nhắm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ sinh thái về giáo dục, y tế. Chúng tôi sẽ có một bộ sản phẩm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đấy là mục tiêu của MobiFone khi cung cấp các sản phẩm 5G".

MobiFone đang trong giai đoạn chuyển mình từ một nhà mạng truyền thống thành công ty công nghệ nên sẽ làm rất nhiều các giải pháp khác nhau cho các doanh nghiệp SME trên nền tảng 5G, từ hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, khai báo thuế, các giải pháp chữ kỹ số, kế toán, email marketing, hội nghị truyền hình,… Chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp đó cho doanh nghiệp SME dựa trên nền tảng 5G của MobiFone, triệt để ứng dụng AI, trợ lý ảo, các AI Agents để hỗ trợ doanh nghiệp. AI hiện hỗ trợ rất tốt cho công việc và cuộc sống hàng ngày. Trợ lý ảo sẽ được ứng dụng trong MobiEdu, MobiSmartTravell của MobiFone, những nền tảng số quốc gia tiềm năng – ông Huy nói.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top