Môi giới chứng khoán ăn nên làm ra

Với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán giúp nghề môi giới trở nên hấp dẫn, thu nhập bình quân tăng 2-3 lần so với trước dịch.
Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, các thị trường chứng khoán sụt giảm xuống đáy sâu. Tuy vậy, những biến động sau đó giúp dòng tiền lại chảy mạnh vào thị trường và đẩy giá chứng khoán tăng nhanh. Một lớp nhà đầu tư mới (F0) xuất hiện và làn sóng đầu tư càng được mở rộng.
Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước liên tục tăng nhanh gần đây và hiện có hơn 3,8 triệu tài khoản, tương đương gần 4% dân số.
Khi tỷ lệ người dân tham gia ngày càng lớn, những câu chuyện liên quan đến chứng khoán cũng xuất hiện dày đặc hơn trong các quán cà phê, hàng ăn… Nghề môi giới chứng khoán theo đó đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, bởi mức thu nhập và cơ hội phát triển lớn.
“Người dân đang có niềm tin rất lớn vào thị trường chứng khoán nên giai đoạn vừa qua khá dễ dàng với cả nhà đầu tư và môi giới. Trước đây, khi gọi điện tư vấn thì khách hàng hầu như từ chối nhưng bây giờ xác suất thành công rất cao bởi họ đã muốn lắng nghe và muốn tham gia”, ông Nguyễn Doãn Đạt, môi giới chứng khoán tại KBSV Việt Nam chia sẻ.

Thu nhập trăm triệu là bình thường​

Nhân viên môi giới chứng khoán thường đóng vai trò trung gian để kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp, thông qua việc tư vấn mua bán các loại chứng khoán và qua đó tạo thanh khoản cho thị trường sơ cấp.
Đại dịch Covid-19 xảy ra là cú sốc cho thị trường tài chính toàn cầu nhưng cũng là bước ngoặt đối với các thị trường chứng khoán. Trào lưu nhà đầu tư mới xuất hiện mạnh mẽ trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam đã đẩy các chỉ số liên tiếp lập đỉnh mới.
Thị trường luôn tồn tại nguyên tắc của tiền và hàng (lượng cổ phiếu). Khi lượng hàng không thay đổi nhiều thì dòng tiền rất lớn của nhà đầu tư lại chảy vào, qua đó làm thị trường tăng nóng và hầu như cứ bỏ tiền vào là sẽ có lãi.
Với bối cảnh thuận lợi, ông Đạt nói rằng vai trò của môi giới trong 2 năm qua khá “nhàn” khi hầu như tư vấn mã nào cũng tăng lên. Nhờ thị trường bùng nổ với lượng giao dịch rất lớn đã tác động rất tích cực đến thu nhập của người môi giới.
Môi giới chứng khoán ăn nên làm ra
Vị môi giới hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành nhận thấy thu nhập nhìn chung cao hơn 2-3 lần so với trước dịch, bởi nhà đầu tư F0 với lượng tiền rất lớn đã đổ vào mua bán mạnh trên thị trường.
Thu nhập của môi giới thường sẽ tăng theo quy mô thanh khoản thị trường chứng khoán, đối với một môi giới kinh nghiệm 2-3 năm trở lên thì mức thu nhập trên trăm triệu đồng là rất bình thường”, ông Đạt tiết lộ.
Theo số liệu từ HoSE, thanh khoản bình quân trong 10 tháng đầu năm vào khoảng 19.600 tỷ đồng/phiên, gấp hơn 3 lần so với năm ngoái. Thậm chí trong các phiên đầu tháng 11 càng giao dịch tích cực hơn khi thanh khoản trên cả 3 sàn vượt hơn 2 tỷ USD.
Nghề môi giới thường ăn theo thanh khoản thị trường, thu nhập sẽ phụ thuộc nhiều vào trình độ và từng giai đoạn của thị trường. Các nhân viên có cách tiếp cận khách hàng tốt như livestream, tổ chức khóa học, hội thảo… thì nguồn khách hàng lớn và thu nhập có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Đạt tin rằng thu nhập đối với môi giới chứng khoán là rất hấp dẫn và không có giới hạn. Một nhân viên lâu năm có mức lương 100 triệu đồng là bình thường nhưng một môi giới mới vào nghề cũng hoàn toàn có thể đạt được con số này.

Chỉ quan tâm mua được chứng khoán​

Thị trường chứng khoán bùng nổ dẫn đến sự quan tâm và niềm tin của người dân cao hơn. Điều đó cũng làm tăng xác suất gọi điện hay tư vấn thành công của môi giới trong giai đoạn vừa qua.
Ông Đạt tiết lộ tỷ lệ từ chối cuộc gọi hiện nay cực kỳ thấp chỉ khoảng 10-20%, còn lại 80-90% là muốn nghe tư vấn và tham gia đầu tư. Đây là một xác suất rất cao bởi trước đây, tỷ lệ người đồng ý cho tư vấn chỉ khoảng 5-10%.
“Bây giờ có quá nhiều người có nhu cầu đầu tư, khách hàng chỉ quan tâm làm sao mua bán được chứng khoán thôi. Mình chỉ cần gọi điện trao đổi xem họ có nhu cầu hay không và hướng dẫn họ tham gia”, vị này nói.
Thực tế cho thấy số lượng nhà đầu tư đang tăng với tốc độ rất nhanh. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy có gần 1,1 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới kể từ đầu năm, lớn hơn 4 năm trước đó cộng lại. Tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,8 triệu đơn vị, trong đó có khoảng 3 triệu tài khoản đã kích hoạt giao dịch.
Môi giới chứng khoán ăn nên làm ra
Nhà đầu tư mới chỉ quan tâm làm sao mua được chứng khoán. Ảnh: Việt Linh.
Không chỉ số lượng nhà đầu tư nhiều hơn mà giá trị đầu tư cũng tăng lên đáng kể. Ông Đạt nhận thấy các khách hàng lớn đã nộp thêm tiền vào tài khoản với quy mô gấp 3-4 lần trước dịch. Thậm chí với các tài khoản có quy mô quanh trăm triệu đồng, khách hàng có thể nộp thêm gấp 10-20 lần trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu từ tiền tiết kiệm chảy sang.
Nói thêm về nhà đầu tư F0, ông Đạt quan sát thấy họ chỉ quan tâm hôm nay mua được mã cổ phiếu nào và mua bao nhiêu, đôi khi không quan tâm doanh nghiệp kinh doanh những gì. Bởi F0 cũng không có nhiều thời gian và kiến thức chuyên sâu để phân tích.
“Khách hàng đang rất muốn giao dịch. Có người nói rằng thà mua rồi chịu lỗ còn hơn cứ ngồi ngoài, cũng có người vừa đầu tư có lời đã chuyển hết tiền tiết kiệm vào tài khoản chứng khoán, có khách hàng nhất quyết không chịu bán vì cứ bán là tăng…”, vị môi giới kỳ cựu nói về sự hưng phấn của nhà đầu tư F0.
Việc có nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường cũng khiến công việc của môi giới trở nên bận rộn hơn. F0 thường ít kiến thức ban đầu về thị trường chứng khoán nên sẽ mất nhiều thời gian để tư vấn, từ cách nhập lệnh giao dịch, nộp tiền đến các phân tích cổ phiếu…
Nghề môi giới chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ nhờ hưởng lợi từ thị trường chung. Chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi mới ở thị trường cận biên. Tỷ lệ tài khoản chứng khoán chỉ chiếm chưa đầy 4% dân số, thấp hơn rất nhiều so với các thị trường trên thế giới.
Dù đang có giai đoạn hấp dẫn, nghề môi giới chứng khoán cũng chứng kiến sự đào thải lớn khi áp lực doanh số vẫn luôn đặt lên hàng đầu, việc trụ vững với nghề cần những quyết tâm và kinh nghiệm nhất định để có thể vượt qua nhiều biến động của thị trường.
Công việc chủ yếu của môi giới chứng khoán là tìm kiếm khách hàng và tư vấn. Thời gian làm việc cũng khá linh hoạt nhưng công việc thông thường bao gồm 3 khung giờ chính.
Trước giờ giao dịch: Tổng hợp và dự báo thị trường cho phiên giao dịch tiếp theo, đánh giá các cơ hội và rủi ro cho danh mục khách hàng.
Trong giờ giao dịch 9-15h: Cập nhật diễn biến thị trường ở các room hoặc email, hỗ trợ các công việc khác cho khách hàng.
Sau giờ giao dịch: Đánh giá lại phiên giao dịch về những yếu tố làm thay đổi quan điểm đầu tư.
Môi giới chứng khoán yêu cầu có trình độ học vấn cao, bao gồm bằng đại học và bắt buộc thi lấy chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top