Một giấc ngủ sâu giúp hình thành trí nhớ và duy trì khả năng gợi nhớ

Một nghiên cứu mới do Đại học Northwestern (Mỹ) dẫn đầu đã tìm hiểu ảnh hưởng của giấc ngủ đối với trí nhớ của chúng ta, liên quan đến khả năng ghi nhớ tên và khuôn mặt.
Một giấc ngủ sâu giúp hình thành trí nhớ và duy trì khả năng gợi nhớ
Các nhà khoa học nhận thấy, mọi người có thể cải thiện khả năng ghi nhớ các liên kết như tên, gương mặt mới thông qua việc kích hoạt lại thông tin này trong quá trình ngủ sâu không bị gián đoạn. Tuy nhiên, nếu giấc ngủ bị gián đoạn, bộ nhớ sẽ không được giúp ích gì và thậm chí còn có thể bị ảnh hưởng.
Các nhà khoa học đã nhờ tới 24 người tham gia, độ tuổi từ 18 đến 31 và yêu cầu họ ghi nhớ khuôn mặt và tên của 40 học sinh từ một lớp lịch sử Nhật Bản và 40 học sinh từ một lớp lịch sử Mỹ Latinh.
Sau đó, những người tham gia chợp mắt trong khi các nhà nghiên cứu theo dõi hoạt động não của họ thông qua các phép đo điện não đồ. Khi họ đạt đến trạng thái ngủ sâu, một số cái tên họ đã biết trước đó được phát nhẹ trên loa cùng với âm nhạc liên quan đến một trong các lớp giả định.
Khi những người tham gia tỉnh dậy, họ sẽ được kiểm tra lại để kiểm chứng khả năng nhớ tên. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người có giấc ngủ sâu không bị gián đoạn và khi bộ nhớ của họ được kích hoạt trở lại, họ có thể nhớ nhiều khuôn mặt tốt hơn so với những người có giấc ngủ bị gián đoạn.
Nathan Whitmore, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về Khoa học thần kinh tại Northwestern chia sẻ: “Đó là một phát hiện mới và thú vị về giấc ngủ, bởi vì nó cho chúng ta biết rằng cách thức thông tin được kích hoạt lại trong khi ngủ để cải thiện khả năng lưu trữ của bộ nhớ có liên quan đến một giấc ngủ chất lượng”.
Một giấc ngủ sâu giúp hình thành trí nhớ và duy trì khả năng gợi nhớ
Whitmore chia sẻ thêm: “Chúng tôi biết rằng một số rối loạn giấc ngủ như ngưng thở có thể làm suy giảm trí nhớ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một lời giải thích tiềm năng về điều này. Một giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên vào ban đêm có thể làm suy giảm trí nhớ”.
Whitmore và các đồng nghiệp hiện đang trong quá trình nghiên cứu tiếp. Trong đó họ cố tình làm gián đoạn giấc ngủ để tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa chất lượng giấc ngủ và sự hình thành trí nhớ.
Tác giả cấp cao của nghiên cứu Ken Paller, giáo sư Tâm lý và Khoa học Thần kinh Nhận thức tại Northwestern cho hay: “Nghiên cứu mới này sẽ giải quyết nhiều câu hỏi thú vị chẳng hạn như việc gián đoạn giấc ngủ luôn có hại hay liệu nó có thể sử dụng để làm suy yếu, triệt tiêu những ký ức không mong muốn hay không”.
Ông kết luận: “Dù sao đi nữa, chúng ta đang ngày càng tìm ra những lý do chính đáng để có một giấc ngủ chất lượng tốt nhất”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí NPJ: Science of Learning mới đây.
Nguồn: Earth
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top