Một nguồn nhiên liệu mới ở Nhật Bản: Bỉm tã của người già

Dòng nước khiến du khách phục hồi, tỉnh táo, chảy vào các nhà tắm công cộng ở thị trấn gần bờ biển phía tây Nhật Bản bắt nguồn từ các suối nước nóng cách mặt đất hơn 1 km. Ở trên bề mặt, trước khi bong bóng nước tuôn ra khỏi ống máng, nó được làm nóng thêm đến 41,7 độ C - một nhiệt độ lý tưởng để làm sạch và ngâm rửa cơ bắp mệt mỏi.
Một nguồn nhiên liệu mới ở Nhật Bản: Bỉm tã của người già
Các nhân viên chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Daisen ở Houki, tỉnh Tottori, thu gom tã người lớn đã qua sử dụng để tái chế vào ngày 7 tháng 10 (ảnh: James Whitlow Delano/The New York Times).
Nhưng có một bí mật mà hầu hết những người đến tắm đều không biết, đó là lò hơi làm nóng nước được đun sôi bằng nhiên liệu có nguồn gốc dường như không được vệ sinh: các viên nén được tái chế từ … tã bẩn của người cao tuổi.
Đất nước Nhật Bản đang già đi nhanh chóng, những người lớn tuổi, không thể tự kiểm soát vệ sinh cá nhân đang phải sử dụng tã còn nhiều hơn cả trẻ sơ sinh. Khi mà Nhật Bản đang chìm trong sức nặng của những ngọn núi rác thải ngày càng tăng cao này, thị trấn Houki đã trở thành nơi tiên phong trong việc cố gắng giảm thiểu nó. Bằng cách tái chế tã, chiếm khoảng 1/10 số rác của thị trấn, họ đã thay đổi hướng đi khả dĩ của rác thải từ trước đến nay đó là đổ vào các lò đốt và làm tăng thêm khí thải vào bầu khí quyển.
Với việc nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với tình trạng nhân khẩu học tương tự, rác thải tã lót của người cao tuổi là một thách thức “ẩn giấu” tồn tại bên cạnh tình trạng thiếu hụt lao động tại các viện dưỡng lão và hệ thống lương hưu không được tài trợ đầy đủ.
“Đó là một vấn đề khó và lớn. Nhật Bản và các quốc gia phát triển sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự trong tương lai”, Kosuke Kawai, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Môi trường Nhật Bản cho hay.
Tại Houki, một thị trấn thuộc tỉnh Tottori chỉ có hơn 10.500 dân, các quan chức đang lo lắng về tình trạng rác thải tã ngày càng tăng nhanh và xem xét chi phí để nâng cấp một lò đốt đã lỗi thời. Họ quyết định chuyển đổi một trong hai lò đốt của thị trấn thành nhà máy tái chế tã lót và sản xuất nhiên liệu giúp giảm chi phí sưởi ấm bằng khí đốt tự nhiên hiện tại ở các nhà tắm công cộng.
Một nguồn nhiên liệu mới ở Nhật Bản: Bỉm tã của người già
Tả của người lớn được băm vụn tại trung tâm tái chế ở Houki, tỉnh Tottori, vào ngày 25 tháng 10 (ảnh: James Whitlow Delano/The New York Times).
Tại các nhà tắm, người ta sẽ không để thông tin về xuất xứ của nhiên liệu lò hơi. Tuy nhiên, Satomi Shirahase, 45 tuổi, du khách từ Tokyo tỏ ra khá bình thản khi biết nguồn gốc của nó.
Nỗ lực tái chế “đối với tôi nghe có vẻ khá hay. Tôi không sợ hãi, đó vẫn là nguồn nước tốt”, cô nói sau chuyến đi bộ đường dài ở Núi Daisen, nơi có vẻ ngoài khá giống với ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng.
Thách thức về tã giấy ở Nhật Bản đặc biệt lớn, hơn 80% rác thải của đất nước này được đưa đến các lò đốt - cao hơn bất kỳ quốc gia giàu có nào khác. Trong khi hầu hết các nguồn chất thải khác đang giảm về khối lượng do dân số Nhật Bản thu hẹp lại, thì các sản phẩm bỉm tã cho người cao tuổi lại đang tăng lên hàng tấn.
Theo số liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản, lượng rác thải tã giấy của người lớn đã tăng gần 13%, lên gần 1,5 triệu tấn mỗi năm, trong vòng 5 năm qua. Dự báo sẽ tăng thêm 23% vào năm 2030, khi những người 65 tuổi trở lên sẽ chiếm gần 1/3 dân số.
Bởi vì tã giấy có chứa rất nhiều bột giấy và nhựa, và nở ra gấp bốn lần trọng lượng ban đầu của chúng sau khi đã sử dụng, vì thế cần nhiều nhiên liệu để đốt cháy hơn so với các nguồn chất thải khác. Điều đó dẫn đến các hóa đơn quản lý chất thải tốn kém cho các đô thị tự quản và lượng khí thải carbon gây hại tăng cao.
Không giống như các sản phẩm khác, chẳng hạn như đồ nhựa sử dụng một lần, việc sử dụng tã giấy không thể bị hạn chế vì nó ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh và chăm sóc sức khỏe.
Kremena M. Ionkova, chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị tại Ngân hàng Thế giới cho biết: “Chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ ống hút và ô che nắng trang trí trên ly cocktail. Nhưng chúng ta không thể loại bỏ tã”.
Nhận thấy vấn đề ngày càng gia tăng, Bộ Môi trường Nhật Bản đã thảo luận về các giải pháp thay thế cho việc đốt tã giấy. Một số thành phố tự quản khác đang làm theo Houki và biến tã giấy thành những viên nhiên liệu, trong khi một số khác đang thử nghiệm chuyển đổi chúng thành vật liệu có thể trộn với xi măng để xây dựng hoặc lát đường.
Unicharm, một trong những hãng sản xuất tã giấy lớn nhất Nhật Bản, đã xây dựng một nhà máy thí điểm ở Kagoshima, miền nam Nhật Bản, nơi công ty đang tái chế tã giấy thành nhiều loại tã hơn.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc tái chế là đòi hỏi người chăm sóc phải phân loại tả bẩn với tất cả các chất thải khác. Hayato Ishii, một quan chức trong bộ phận xúc tiến tái chế của Bộ Môi trường cho biết chưa đến 10% các thành phố tự quản yêu cầu các hộ gia đình tách tã ra khỏi rác chung.
Ở Houki, các hộ gia đình cá nhân không phân loại tã, nhưng tại 6 viện dưỡng lão, các phụ tá xử lý tã trong các túi khử mùi đặc biệt, sau đó đưa đến nhà máy tái chế mỗi ngày trong tuần. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Daisen, nơi 8/10 trong số khoảng 200 bệnh nhân cần tã dùng một lần, họ thải ra khoảng 181 kg chất thải như vậy mỗi ngày.
Vào một buổi chiều gần đây, Tatsushi Sakata, 33 tuổi, một trong hai công nhân tại nhà máy tái chế tã, đã thu dọn được 35 túi khổng lồ - mỗi túi chứa 30 tã bẩn và tất cả đã được sử dụng trong vòng 24 giờ trước đó - từ một kho chứa phế thải phía sau cơ sở.
Sakata thường thu thập gần một tấn túi mỗi ngày. Tại nhà máy tái chế, anh và đồng nghiệp của mình, mặc bộ đồ liền thân Tyvek, ủng cao su và đội mũ bảo hiểm, đổ tã vào một bể chứa có kích cỡ bằng một xe kéo nhỏ. Chúng được khử trùng và lên men trong 24 giờ ở nhiệt độ 350 độ, giúp giảm thể tích của chúng xuống còn 1/3 trọng lượng của lúc đã qua sử dụng. Quá trình biến tã thành sợi lông tơ được xử lý qua một máy khác và biến thành những viên nhỏ màu xám dài 2 inch.
Một nguồn nhiên liệu mới ở Nhật Bản: Bỉm tã của người già
Viên nhiên liệu làm từ tã vụn của người lớn ở Houki, tỉnh Tottori, vào ngày 7 tháng 10 (ảnh: James Whitlow Delano/The New York Times).
Các hoạt động gợi lên một chút cảnh tượng nhà máy trong “Soylent Green” (phát hành năm 1973), bộ phim kinh dị về thời kỳ xã hội tệ hại, trong đó bánh xốp dinh dưỡng được làm từ thịt người. Mặc dù các bộ lọc bằng gốm và than được thiết kế để loại bỏ mùi hôi, máy móc vẫn thoang thoảng tỏa ra mùi men, mùi khét khi các viên nén rơi từ máng màu cam sáng xuống một hộp nhựa lớn.
“Lúc đầu, tôi cảm thấy hơi rùng mình vì chúng tôi đang xử lý phân. Mục đích của chúng tôi là biến rác không thể xử lý thành thứ có thể xử lý được”, Sakata, người đã làm việc 10 năm tại nhà máy cho biết.
Tamotsu Moriyasu, thị trưởng của Houki, cho biết hoạt động tái chế này không tạo ra tiền, mặc dù nó đã giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu tại nhà máy đốt rác và giảm chi phí vận chuyển. Ông cho biết có nhiều du khách muốn tìm hiểu về quá trình này, họ đến từ khắp nơi tại Nhật Bản cũng như Indonesia và Tahiti.
Tại nhà tắm công cộng, nhân viên vận hành đổ các viên đã xử lý vào một cái phễu lớn được nối bằng ống nhựa rộng với một nồi hơi sinh khối. Các viên này được đốt cháy để tạo ra nhiệt lượng cực lớn cần thiết để làm ấm nước tắm. Theo tính toán của chính phủ, mặc dù quy trình tạo ra khí thải carbon, nhưng các viên nén này ít gây ô nhiễm hơn so với than đá hoặc khí dầu mỏ được sử dụng trong lò hơi.
Tatsuya Sakagami, 68 tuổi, một quan chức thành phố về hưu, người thỉnh thoảng sử dụng nhà tắm này cho biết: “Lần đầu tiên khi nghe về nó, tôi đã hơi đắn đo nhưng rồi chẳng qua tả lót của người lớn chính là thứ được sử dụng bởi con người”.
“Trước đây, người ta bón phân cho rau bằng chất thải của con người”
, ông nói thêm và cho rằng chuyển đổi tã bẩn thành nhiên liệu cũng gần tương tự như vậy. “Tôi nghĩ đó là một ý kiến hay vì nó tốt hơn về mặt sinh thái”.
Nguồn: The Japantimes
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top