Mùa đông công nghệ: hết thời tăng trưởng nóng, các hãng đua nhau sa thải

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Thứ gì đi lên quá nhanh sẽ phải đi xuống với tốc độ tương tự.
Những startup phất lên như diều gặp gió với mức định giá kỷ lục, mục tiêu tuyển dụng hoành tráng và kế hoạch mở rộng đầy tham vọng, nay đang đua nhau công bố tạm ngừng/hạn chế hoạt động thu hút nhân tài, và trong một số trường hợp là sa thải hàng loạt. Giống như bong bóng dot-com trước đây - nhưng lần này, khi vừa trải qua một đại dịch toàn cầu, mọi chuyện dường như đã được đoán trước.
Các nhà sáng lập cùng vô số nhà đầu tư dường như đang chuẩn bị cho viễn cảnh suy thoái kinh tế. Hồi tháng 5, Y Combinator đã gửi email đến các nhà sáng lập với nội dung cảnh báo họ “sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất". Công ty tăng tốc khởi nghiệp này từng bày tỏ sự thận trọng rằng đợt suy thoái sắp tới nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến “các công ty quốc tế, các công ty chuyên đầu tư tài sản, các công ty lợi nhuận thấp, các công ty phần cứng, và một số công ty khác đang thực hiện những khoản đầu tư lớn, đòi hỏi thời gian dài trước khi thu về lợi nhuận”
Không chỉ các startup mới nổi cảm nhận được sức nóng phả từ sau gáy. Nhiều công ty công nghệ lớn bao gồm Meta, Salesforce, và Netflix gần đây cũng công bố ngừng tuyển dụng hoặc sa thải do không chịu nổi áp lực cắt giảm chi phí và lạm phát tăng cao, cộng với một thị trường gấu đang dần hiện ra rõ ràng hơn, trong khi lãi suất không có dấu hiệu giảm xuống. Một vài ông lớn trong ngành công nghiệp (Microsoft), các công ty truyền thông xã hội mới phất lên (Snap), và nhiều tên tuổi mới trong ngành crypto (Coinbase) chưa công bố tiến hành sa thải nhân viên, nhưng tất cả đều tìm cách hạn chế tuyển dụng sau một quý kinh doanh không như ý muốn. Đến cuối tháng 5 vừa qua, chỉ số S&P 500, vốn là nơi thống trị của các cổ phiếu công nghệ, đã mất hơn 20% giá trị kể từ đầu năm nay.
Mùa đông công nghệ: hết thời tăng trưởng nóng, các hãng đua nhau sa thải

Những hãng công nghệ đã sa thải nhân viên trong năm 2022

Các đợt sa thải diễn ra trên nhiều quy mô, từ nhỏ lẻ, đến những trường hợp khá bi đát, khi mà một lượng lớn nhân viên bị sa thải hàng loạt thông qua những đoạn tin nhắn video vắn tắt khiến nhiều người không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hồi giữa tháng 5, cựu giám đốc Sở Phát triển Việc làm, Michael Bernick, nói rằng tình hình sa thải tại các công ty công nghệ đã đạt đến đỉnh điểm kể từ tháng 1/2021, và không một ai thoát khỏi tác động của nó, từ những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp lẫn các startup non trẻ. Website chuyên theo dõi hoạt động sa thải của các startup công nghệ, Layoffs.fyi, đã ghi nhận đến 60 công ty công nghệ tiến hành sa thải nhân viên trong tháng trước, với số lượng nhân viên bị thôi việc lên đến hơn 16.000 người. Một số công ty buộc phải chia tay với đội ngũ nhân sự trong vài tuần trở lại đây bao gồm startup về dinh dưỡng Noom, dịch vụ giao nhận tạp phẩm theo yêu cầu Getir, và công ty tài chính công nghệ Bolt.
Lacework
Công ty an ninh mạng Lacework đã sa thải 20% số nhân viên vào ngày 25/5. Dù không tiết lộ số lượng cụ thể, công ty này trước đó từng cho biết đang có hơn 1.000 nhân viên tính đến tháng 3/2022. Trong bài viết trên blog, Lacework nói rằng quyết định đưa ra là một phần trong “kế hoạch tái cấu trúc và điều chỉnh của công ty”. Các chuyên gia an ninh mạng hiện đang là mục tiêu săn đón của nhiều công ty, đặc biệt là những ông lớn như Microsoft vốn đang lên kế hoạch thu hút và đào tạo những tài năng nhằm lấp vào lỗ hổng đang ngày một rộng hơn trong toàn ngành công nghiệp.
Gorillas
Ứng dụng giao nhận tạp phẩm theo yêu cầu Gorillas đã cắt giảm một nửa đội ngũ nhân viên, tức khoảng 300 người trên toàn thế giới, vào hôm 24/5. Trong nội dung gửi đến các nhân viên, đồng sáng lập kiêm CEO của startup này, Kagan Sumer, nói rằng “Hai tháng trước, vào tháng 3, thị trường bất ngờ đảo lộn, và kể từ đó tình hình tiếp tục diễn biến tệ hơn”
PayPal
Chỉ vài tuần sau khi sa thải hơn 80 nhân viên tại trụ sở ở San Jose, PayPal tiếp tục chia tay đội ngũ quản trị và điều hành rủi ro ở Chicago, Nebraska, và Arizona vào ngày 26/5.
Bolt
Maju Kuruvilla, CEO công ty thanh toán Bolt, nói với các nhân viên rằng công ty đang trải qua “nhiều thay đổi về cơ cấu”, và đã cắt giảm hơn 100 nhân viên nhằm “đảm bảo tình hình tài chính cho Bolt” giữa những rung lắc của thị trường vào hôm 25/5.
Carvana
Công ty kinh doanh trực tuyến các loại xe hơi đã qua sử dụng Carvana cũng sa thải 2.500 nhân viên, nhiều trong số đó qua Zoom, vào hôm 10/5. Các nhân viên xui xẻo này chủ yếu làm việc trong bộ phận điều hành và chiếm 12% nhân lực của công ty. Carvana nói quyết định này xuất phát từ “những yếu tố kinh tế vĩ mô khiến ngành bán lẻ xe hơi rơi vào suy thoái”
Mural
Nhiều nhân viên tại startup công cụ cộng tác Mural đã bị sa thải vào ngày 6/5. Số lượng chính xác chưa được công bố, nhưng Leah Taylor, phát ngôn viên của công ty, cho biết lý do sa thải là nhằm “giải quyết vấn đề dư thừa”. Vào ngày 21/6, Taylor xác nhận rằng Mural đã triển khai đợt sa thải thứ hai.
ClickUp
Ứng dụng năng suất ClickUp đã sa thải 7% đội ngũ nhân viên trong một diễn biến bất ngờ hôm 24/5. CEO Zeb Evans cho biết mục đích của đợt sa thải này là nhằm đảm bảo khả năng sinh lời cho ClickUp cũng như cải thiện tính hiệu quả trong hoạt động của công ty trong tương lai.
Klarna
Công ty “mua trước, trả sau” Klarna đã sa thải 10% đội ngũ nhân viên vào ngày 23/5 trong bối cảnh đang nỗ lực gọi thêm vốn bằng cách giảm bớt mức định giá của công ty. Theo website Klarna, công ty này có khoảng 5.000 nhân viên. Trong một tin nhắn gửi đến toàn bộ nhân viên, CEO Sebastian Siemiatkowski nói rằng kế hoạch kinh doanh mà công ty lập ra vào năm ngoái được hoạch định trong “một thế giới rất khác biệt so với thế giới chúng ta đang sống hiện nay”
Cameo
Startup video về người nổi tiếng đã sa thải 87 nhân viên vào hôm 5/4, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao, bao gồm CTO Rob Post, giám đốc marketing Emily Boschwitz, CPO Nundu Janakiram, và Giám đốc Nhân lực Melanie Steinbach. CEO Steven Galanis lấy lý do đã tuyển dụng quá nhiều trong thời điểm đại dịch, và “tình hình thị trường đã thay đổi quá nhanh chóng”
Robinhood
Ứng dụng giao dịch Robinhood đã sa thải gần 9% đội ngũ nhân viên toàn thời gian hôm 26/4. Sau một thời kỳ tăng trưởng nóng, công ty đã cắt giảm nhiều vị trí trùng lặp và một số bộ phận không còn cần thiết nhằm giảm thiểu sự phức tạp trong cơ cấu công ty. Vào ngày 2/8, công ty tiếp tục sa thải thêm một lượng lớn nhân viên, chiếm 23% đội ngũ nhân viên còn lại sau đợt sa thải trước đó. Tổng cộng cả hai đợt sa thải đã ảnh hưởng đến hơn 1.000 nhân viên của Robinhood.
Netflix
Đầu tiên, Netflix sa thải một số phóng viên làm việc cho website giải trí Tudum của mình vào cuối tháng 4. Sau đó, họ sa thải tiếp 150 nhân viên vào giữa tháng 5, rồi 300 nhân viên khác vào cuối tháng 6. Sau báo cáo tài chính không mấy khả quan trong quý I/2022, CFO Spencer Neumann cho biết công ty sẽ thu hồi một vài khoản chi tiêu để kiểm soát tốt hơn chi phí vận hành.
Loom
Công ty gọi điện video dành cho doanh nghiệp Loom đã sa thải 34 nhân viên thuộc nhóm vận hành và sản phẩm vào ngày 1/6, tức 14% đội ngũ nhân sự công ty. CEO Joe Thomas cho biết quyết định được đưa ra nhằm đảm bảo công ty có thể tiếp tục hoạt động một cách bền vững.
Gemini
Sàn giao dịch crypto của anh em nhà Winklevoss công bố cắt giảm 10% đội ngũ nhân viên hôm 2/6. Gemini không tiết lộ con số cụ thể, nhưng theo thống kê số lượng nhân viên của Gemini chỉ hơn 1.000 người mà thôi. Anh em Winklevoss cho biết ngành công nghiệp crypto “đang trong giai đoạn thu hẹp để bước vào thời kỳ cân đối”.
Bảy tuần sau đó, vào ngày 18/7, nhiều thông tin rò rỉ cho biết Gemini tiếp tục sa thải nhiều nhân viên hơn nữa. Dù công ty không công khai, một nguồn tin cho biết số nhân viên bị sa thải lần này là 68 người, chiếm 7% đội ngũ nhân sự.
Cybereason
Công ty an ninh mạng này cho biết đã sa thải 100 nhân viên, tức khoảng 10% nhân sự, xuất phát từ việc chưa thể lên sàn chứng khoán trong tương lai gần. Với việc thị trường IPO trong ngành công nghệ hiện “đã chững lại, các công ty như chúng tôi phải đưa ra nhiều giải pháp tài chính cứng rắn hơn” - theo công bố của Cybereason.
IRL
Startup mạng xã hội IRL sa thải khoảng 20 nhân viên vào đầu tháng 6. Công ty này được chống lưng bởi SoftBank và đã có khoảng 100 nhân viên trước đợt sa thải này.
Policygenius
Công ty công nghệ bảo hiểm Policygenius sa thải 25% nhân sự vào ngày 6/6. Dù số lượng nhân viên bị ảnh hưởng chưa được xác nhận, có thông tin cho rằng con số cụ thể là 170 người. Công ty này từng kêu gọi được nguồn vốn 125 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E hồi tháng 3 năm nay. CEO Jennifer Fitzgerald nói rằng “sự thay đổi lớn bất ngờ trong tình hình kinh tế đã buộc chúng tôi phải thích ứng chiến lược của mình”
Tesla
Tesla công bố cắt giảm khoảng 10% số nhân viên biên chế vào ngày 3/6, tức khoảng 3,5% tổng số nhân viên hiện có. Musk nói với các lãnh đạo công ty rằng ông có một “linh cảm cực xấu” về tình hình kinh tế, và công ty đã “tuyển dụng quá đà trên nhiều lĩnh vực”. Đợt sa thải này không ảnh hưởng đến các nhân viên trong các bộ phận chế tạo và sản xuất xe hơi. Vào ngày 28/6, công ty tiếp tục sa thải khoảng 200 nhân viên trong nhóm phát triển Autopilot.
BlockFi
BlockFi cắt giảm 20% đội ngũ nhân sự vào ngày 13/6. Công ty cho vay crypto cho biết phải phản ứng ngay với sự chuyển dịch lớn trong tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu. Số lượng nhân viên của BlockFi là khoảng 850 người, đồng nghĩa đợt sa thải ảnh hưởng đến khoảng 170 nhân viên.
Coinbase
Coinbase sa thải 18% đội ngũ nhân sự nhằm đảm bảo khả năng duy trì hoạt động trong đợt suy thoái kinh tế - theo CEO Brian Armstrong vào ngày 14/6. Ban đầu công ty giảm dần hoạt động tuyển dụng, sau đó ngưng hẳn và từ chối bất kỳ lời mời ứng tuyển nào mà họ đã đưa ra vào hôm 2/6 để “tái ưu tiên hoạt động tuyển dụng theo những nhu cầu cần thực hiện để đạt những mục tiêu kinh doanh cao nhất” - theo COO Emilie Choi. Công ty hiện đã tạo ra một cơ sở dữ liệu các nhân viên bị sa thải để giúp họ tìm việc mới.
Niantic
Công ty game Niantic đã cắt giảm khoảng 8% đội ngũ nhân sự vào ngày 29/6, tương đương từ 85 - 90 nhân viên. Công ty còn hủy bỏ 4 dự án bởi đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế - theo CEO John Hanke.
Substack
Công ty chuyên về bản tin qua email Substack đã sa thải 13 nhân viên, tương đương 14% đội ngũ nhân sự hôm 29/6. CEO Chris Best cho biết mục tiêu của công ty là sinh tồn qua thời kỳ thị trường bất ổn mà không lệ thuộc vào các chiến dịch gọi vốn. Số nhân viên bị sa thải chủ yếu thuộc bộ phận HR, hỗ trợ khách hàng, và vận hành.
Unity
Nhà cung cấp công cụ phát triển game Unity đã sa thải hơn 200 nhân viên, tương đương 4% đội ngũ nhân sự, hôm 29/6. Công ty cho biết quyết định này nhằm tái phân bổ nguồn lực để chuyển đổi định hướng và phát triển lâu dài.
Celsius
Công ty cho vay crypto Celsius đã sa thải khoảng 150 nhân viên, xấp xỉ 1/4 đội ngũ nhân sự, hôm 3/7. Công ty nói nguyên nhân xuất phát từ tình hình thị trường cực xấu sau khi đã ngừng cho phép khách hàng rút tiền 3 tuần trước đó.
eToro
Công ty môi giới trực tuyến eToro đã sa thải 100 nhân viên, tương đương 6% đội ngũ nhân sự, hôm 7/5. Công ty này còn hủy bỏ thương vụ sáp nhập với công ty FinTech Acquisition Corp.
Twitter
Twitter được cho là đã sa thải 30% nhân viên trong nhóm tìm kiếm tài năng hôm 7/7. Trước đó, CEO Parag Agrawal đã công bố sẽ ngừng tuyển dụng và rút gọn chi tiêu. Hai lãnh đạo quan trọng, Kayvon Beykpour và Bruce Falck, cũng rời bỏ công ty. Agrawal cho biết công ty đưa ra những quyết định nêu trên sau khi gặp khó khăn trong việc thu hút người dùng và không đặt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, đồng thời còn đối mặt với một số vấn đề nội bộ giữa thương vụ mua lại của Elon Musk. Có thông tin cho biết Twitter đã bắt đầu từ chối những lời mời tuyển dụng đã đưa ra trước đó.
OpenSea
Chợ NFT OpenSea đã cắt giảm 20% đội ngũ nhân sự. CEO kiêm đồng sáng lập Devin Finzer cho biết công ty đã bước vào mùa đông crypto và thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô chưa từng có tiền lệ, và cần phải chuẩn bị cho khả năng suy thoái kinh tế kéo dài.
TikTok
TikTok bắt đầu sa thải nhân viên vào ngày 18/7 trong kế hoạch tái cơ cấu toàn cầu. Chưa rõ có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng, nhưng một lãnh đạo của công ty tiết lộ chưa đến 100 người phải rời đi.
Blockchain.com
Sàn giao dịch crypto Blockchain.com đã sa thải 25% đội ngũ nhân sự, ảnh hưởng khoảng 150 người, do tình hình tài chính khó khăn. Công ty hiện đang giải quyết vụ thua lỗ 270 triệu USD khi cho Three Arrows Capital vay vốn.
SoundCloud
Ứng dụng stream nhạc SoundCloud đã sa thải 20% đội ngũ nhân sự. Trong email gửi nhân viên hồi đầu tháng 8, công ty nói rằng việc sa thải là cần thiết do tình hình kinh tế đầy thách thức và thị trường tài chính có xu hướng đảo chiều.
Ngoài ra, còn khá nhiều công ty khác cũng đang thực hiện sa thải hàng loạt nhân viên, bao gồm Cazoo, Bird, OneTrust, Redfin, Compass, Notarize, MasterClass, Backstage Capital, Amount, Argo AI, GoPuff, Lyft, Varo, Shopify, Rivian, Change.org, Career Karma, CoinFlex, Ola, Imperfect Foods, iRobot, Groupon, LinkTree, Hootsuite, và Peloton.
Mùa đông công nghệ: hết thời tăng trưởng nóng, các hãng đua nhau sa thải

Những công ty công nghệ thu hẹp hoặc ngừng tuyển dụng

Microsoft
Microsoft thu hẹp quy mô tuyển dụng đối với các bộ phận Windows, Office, và Teams từ cuối tháng 5, bởi đây là các bộ phận vừa được mở rộng gần đây. Người phát ngôn của công ty cho biết việc này nhằm đảm bảo tài nguyên được phân bổ hợp lý khi mà năm tài chính mới sắp đến. Vào ngày 20/7, công ty cũng đã gỡ bỏ một số thông báo tuyển dụng, bao gồm các bộ phận đám mây và bảo mật doanh nghiệp.
Nvidia
Nvidia sẽ hạn chế tuyển dụng từ cuối năm nay, nhằm tập trung ngân sách để chăm sóc tốt hơn các nhân viên hiện có trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Snap
Sau khi vất vả đạt được kết quả kinh doanh đã đề ra, Snap công bố sẽ hạn chế tuyển dụng từ cuối năm nay. CEO Evan Spiegel phủ nhận việc sa thải hay ngừng hoàn toàn tuyển dụng. Một vài lý do công ty phải hạn chế tuyển dụng là: lạm phát và lãi suất tăng cao, chuỗi cung ứng, cuộc chiến Ukraine, chính sách cấm theo dõi quảng cáo mới của Apple.
Uber
Uber đang hạn chế tuyển dụng và các chi phí khác để đối phó với sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường. CEO Dara Khosrowshahi cho biết sẽ siết chặt khâu tuyển dụng, đồng thời công ty sẽ thu hồi những chiến dịch marketing kém hiệu quả.
Salesforce
Salesforce hạn chế tuyển dụng và cắt giảm các khoản chi tiêu khác, bao gồm chi phí đi lại và một số hoạt động liên quan. Công ty không đưa ra lý do vì sao, nhưng xét giá cổ phiếu của Salesforce đã cắm đầu gần 50% trong 6 tháng qua thì chúng ta cũng không cần ngạc nhiên quá.
Meta
Meta có lẽ là công ty lớn nhất trong danh sách công bố hạn chế tuyển dụng đối với một số vị trí nhằm kiểm soát chi tiêu trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Mark Zuckerberg trấn an nhân viên trong một cuộc họp nội bộ rằng công ty chưa có kế hoạch sa thải hàng loạt. Gần như mọi bộ phận sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế tuyển dụng và quá trình này sẽ kéo dài đến hết năm. Hôm 30/6, Zuckerberg nói với nhân viên rằng sẽ giảm số kỹ sư được tuyển dụng đi ít nhất 30% trong năm nay, và kêu gọi họ sẵn sàng đón nhận một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử đương đại.
Intel
Intel đã ngừng tuyển dụng trong nhiều tuần qua đối với bộ phận chip desktop và laptop. Đồng thời, công ty còn đánh giá lại những ưu tiên trong hoạt động tuyển dụng, nhưng vẫn đảm bảo tiếp nhận mọi lời mời tuyển dụng đã gởi đi.
Spotify
CEO Daniel Ek cho biết sẽ giảm số lượng nhân viên được tuyển dụng khoảng 25% so với mục tiêu ban đầu. Trước đó, CFO Paul Vogel cho biết công ty biết rõ về tình hình kinh tế bất ổn trên toàn cầu và sẽ đánh giá lại đội ngũ nhân sự trong tương lai gần.
Google
Google công bố hôm 20/7 sẽ ngừng tuyển dụng trong 2 tuần, và có thông tin họ sẽ hạn chế tuyển dụng và chi tiêu trong phần còn lại của năm. Phó Chủ tịch cấp cao Prabhakar Raghavan cho biết điều này sẽ không ảnh hưởng những lời mời tuyển dụng đã được gởi đi, nhưng công ty sẽ không đưa ra thêm lời mời nào cho đến khi tình hình chuyển biến khả quan hơn.
Tham khảo: Protocol

>> Làn sóng sa thải nhân viên đang bao trùm khắp nước Mỹ

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top