Mỹ muốn cấm công ty trong nước đầu tư vào AI Trung Quốc

Chính phủ Mỹ đang tiến gần hơn đến việc thiết lập các quy định nghiêm ngặt đối với hoạt động đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn. Động thái này xuất phát từ lo ngại rằng các khoản đầu tư của Mỹ có thể vô tình tiếp tay cho sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, từ đó đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Theo thông tin từ Reuters, Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố một loạt đề xuất mới nhằm hiện thực hóa sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden được ký vào tháng 8 năm ngoái. Sắc lệnh này tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ then chốt, bao gồm chất bán dẫn, vi điện tử, điện toán lượng tử và AI.

1719276647635.png

Một số chip xử lý mới tích hợp tại nhà máy của Intel. Ảnh: Philip Cheung

Cụ thể, các quy định mới sẽ yêu cầu công dân và doanh nghiệp Mỹ phải xác định rõ ràng bản chất của các giao dịch liên quan đến Trung Quốc, từ đó xác định xem giao dịch đó có thuộc diện bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn hay không. Dự kiến, các quy định bổ sung này sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay sau khi quá trình lấy ý kiến cộng đồng kết thúc vào ngày 4/8.

Ông Paul Rosen, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính phụ trách An ninh đầu tư, nhấn mạnh rằng mục tiêu của các đề xuất này là “bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách ngăn chặn dòng chảy lợi ích từ Mỹ sang Trung Quốc thông qua một số khoản đầu tư nhất định”. Ông cho biết thêm, bên cạnh nguồn vốn, các yếu tố khác như hỗ trợ phát triển công nghệ nhạy cảm cũng có thể bị lợi dụng để đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ khẳng định quy trình mới này là một phần của “chương trình an ninh quốc gia thu nhỏ, có mục tiêu”, tập trung vào kiểm soát một số khoản đầu tư ra nước ngoài nhất định. Đồng thời, cơ quan này cũng đưa ra các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như các giao dịch được thực hiện "vì lợi ích quốc gia của Mỹ".

Điển hình trong số các hoạt động bị cấm là giao dịch trao đổi công nghệ AI phục vụ một số mục đích cụ thể, bao gồm cả việc phát triển các hệ thống AI sử dụng lượng sức mạnh tính toán lớn. Đối với các giao dịch phát triển hệ thống AI hoặc sản xuất chất bán dẫn không thuộc diện bị cấm, các bên liên quan sẽ phải báo cáo đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng.

Bà Laura Black, luật sư tại Akin Gump và là cựu quan chức Bộ Tài chính, nhận định rằng Bộ Tài chính Mỹ đang nỗ lực tối đa để thắt chặt các quy định liên quan. “Các nhà đầu tư Mỹ cần phải hết sức thận trọng khi xem xét đầu tư vào Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực bị kiểm soát”, bà Laura khuyến cáo.

Không chỉ vậy, các công ty nước ngoài có liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ bị đưa vào diện giám sát chặt chẽ. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty này, ngay cả khi hoạt động tại quốc gia khác, cũng có thể bị cấm. Bất kỳ hành vi vi phạm nào đều có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, bao gồm cả hình sự và dân sự, thậm chí là buộc phải thoái vốn.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết đang tích cực hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết vấn đề này. Đáng chú ý, Ủy ban châu Âu (EC) và Anh cũng đã có những động thái tương tự nhằm kiểm soát rủi ro từ các khoản đầu tư vào Trung Quốc.
#Cuộcchiếnbándẫn
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top