Khép hờ hai ngón tay bị cho là một
biểu tượng ám chỉ nhạy cảm về
nam giới Hàn Quốc. Và chỉ từ biểu tượng đó, đã bùng lên
phong trào phản đối nữ quyền. Phải mất 3 năm, người chơi mới chú ý đến cử chỉ tay bị chỉ trích là dấu hiệu mang tính kỳ thị nam giới, ẩn trong
Lost Ark - một trong những thể loại game multiplayer nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Khi nói chuyện hoặc ra dấu “OK” trong
Lost Ark, người chơi sẽ nhấp vào biểu tượng có một cử chỉ có vẻ đầy ôn hòa với nhiều người: ngón trỏ và ngón cái khép hờ vào nhau. Tuy nhiên vào tháng 8, một số người dùng
Lost Ark bắt đầu tuyên bố rằng cử chỉ này là một sự xúc phạm, có ý
khiếm nhã về bộ phận sinh dục nam giới. Họ yêu cầu xóa bỏ biểu tượng này.
Những gì xảy ra sau đó làm
bùng lên phong trào phản đối nữ quyền đang diễn ra ở Hàn Quốc. Hàng loạt công ty phải đưa ra lời xin lỗi, vì bị cho là cổ súy nữ quyền.
Phản đối nữ quyền
Smilegate - tác giả tựa game
Lost Ark và là một trong những nhà phát triển video game lớn nhất Hàn Quốc - đã nhanh chóng thực hiện yêu cầu gỡ bỏ. Công ty phải xóa biểu tượng khỏi trò chơi, tuyên bố sẽ thận trọng hơn trong việc kiểm soát
“những tranh luận không liên quan đến trò chơi” trong sản phẩm của họ. Một cuộc chiến về giới tính đã nổ ra ở Hàn Quốc trong nhiều năm. Các nhà hoạt động nữ quyền chống lại những người đàn ông trẻ tuổi đầy giận dữ, những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau khi đất nước tìm cách giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới. Hiện tại, những cao trào mới nhất trong cuộc chiến này đang đạt đến “độ nóng” thật sự. Kể từ tháng 5, hơn 20 thương hiệu và tổ chức chính phủ đã loại bỏ khỏi sản phẩm thứ bị xem là
biểu tượng nữ quyền. Ít nhất 12 trong số các thương hiệu hoặc tổ chức đó đã phải đưa ra lời xin lỗi, nhằm xoa dịu các khách hàng nam. Chủ nghĩa phản đối nữ quyền đã có lịch sử lâu đời ở Hàn Quốc, nghiên cứu cho thấy quan niệm đó vẫn còn tồn tại ở nhiều thanh thiếu niên nam nước này. Vào tháng 5, công ty nghiên cứu và tiếp thị Hàn Quốc Hankook Research cho biết, khảo sát phát hiện ra hơn 77% nam giới ở độ tuổi 20 và hơn 73% nam giới ở độ tuổi 30 cảm thấy bị
“lép vế bởi những người ủng hộ nữ quyền”. Công ty đã khảo sát 3.000 người trưởng thành, một nửa số đó là nam giới. Thực tế là các tập đoàn Hàn Quốc đang phải đối phó với áp lực đổi mới sản phẩm khi mà bên
tẩy chay nữ quyền đang dần giành được ảnh hưởng. Ở đây vốn luôn phải vật lộn với vấn đề bình đẳng giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, Hàn Quốc có
chênh lệch thu nhập theo giới tính lớn nhất trong khối. Và khoảng 5% thành viên hội đồng quản trị tại các công ty niêm yết đại chúng tại Hàn Quốc là phụ nữ, so với mức trung bình của OECD là gần 27%.
Cuộc chiến từ thỏi xúc xích “đáng ngờ”
Cơn bão lửa trên không gian mạng đã bắt đầu lan rộng khắp các công ty ở Hàn Quốc từ tháng 5, bắt đầu với một quảng cáo cắm trại đơn giản. GS25, một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất của đất nước, đã phát đi một quảng cáo nhằm thu hút khách hàng đặt đồ ăn cắm trại bằng ứng dụng của họ, hứa hẹn sẽ có những phần quà miễn phí như là phần thưởng. Quảng cáo thể hiện bàn tay với một ngón trỏ và ngón cái đang giữ hờ lấy phần xúc xích. Mô típ quảng cáo với ngón tay như thế thường được sử dụng để giữ sản phẩm mà không làm che khuất chủ thể chính. Tuy nhiên, những người chỉ trích đã nhận ra điều gì đó khác lạ trong cử chỉ này. Họ cáo buộc đây là một ám hiệu ủng hộ nữ quyền. Dựa trên sự việc vào năm 2015, Megalia (một cộng đồng trực tuyến về nữ quyền hiện không còn tồn tại) đồng chọn
biểu tượng chế giễu kích thước "cậu nhỏ" của đàn ông Hàn Quốc. Megalia đã giải tán kể từ thời điểm đó, nhưng logo của nó vẫn còn hiện diện. Người
chống chủ nghĩa nữ quyền đang cố xóa bỏ sự tồn tại của logo này khỏi Hàn Quốc.
GS25 đã nhanh chóng loại bỏ biểu tượng ngón tay khỏi poster của mình. Nhưng những người chỉ trích vẫn không hài lòng và bắt đầu lùng sục quảng cáo để tìm kiếm manh mối khác. Một người đã chỉ ra, chữ cái cuối cùng của mỗi từ trên áp phích - “Emotional Camping Must-have Item” - khi đọc ngược sẽ là “Megal”, viết tắt của “Megalia”. GS25 đã xóa văn bản khỏi poster, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Người ta bắt đầu đưa ra giả thuyết rằng ngay cả mặt trăng trên phông nền poster cũng là một biểu tượng nữ quyền. Vì mặt trăng được sử dụng làm biểu tượng của một tổ chức học giả nữ quyền tại Hàn Quốc. Sau nhiều lần phải sửa lại tấm poster, GS25 đã đi đến quyết định rút bỏ nó hoàn toàn, chỉ một ngày sau khi chiến dịch được phát động. Công ty đã xin lỗi và hứa sẽ biên tập kỹ càng hơn. Họ cũng cho biết đã khiển trách đội ngũ nhân viên chịu trách nhiệm cho quảng cáo, cách chức trưởng nhóm marketing.
Đám đông cộng đồng mạng đã nếm vị thành công, và họ còn muốn nhiều hơn thế
Các công ty và tổ chức chính phủ khác sớm trở thành mục tiêu tiếp theo. Nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Musinsa đã bị chỉ trích vì áp dụng giảm giá chỉ dành cho phụ nữ, cũng như sử dụng mô típ ngón tay khép hờ trong một quảng cáo dành cho thẻ tín dụng. Công ty đã lên tiếng khẳng định cử chỉ đó chỉ như một yếu tố trung lập, thường được sử dụng trong quảng cáo. Cũng như chương trình giảm giá của họ nhằm mở rộng cơ sở khách hàng nữ giới còn eo hẹp. Dẫu vậy, người sáng lập kiêm CEO Cho Man-ho đã phải từ chức trước làn sóng phản ứng dữ dội.
Người biểu tình Hàn Quốc cầm biểu ngữ trong cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, một phần của phong trào #MeToo tại Seoul vào ngày 8 tháng 3 năm 2018 Dongsuh, công ty Hàn Quốc cấp phép cho đồ uống của Starbucks tại nước này, đã bị tấn công vào tháng 7. Một trong những tài khoản Instagram của họ ở Hàn Quốc đăng tải hình ảnh những ngón tay đang nắm lấy lon cà phê, rất gần với biểu tượng nhạy cảm. Công ty đã phải gỡ quảng cáo và xin lỗi, cho hay sẽ
“xem xét những vấn đề này một cách nghiêm túc,” đồng thời khẳng định hình ảnh không hề có ẩn ý phía sau. Ngay cả chính quyền các địa phương cũng bị cuốn vào các chiến dịch. Vào tháng 8, chính quyền thành phố Pyeongtaek đã bị chỉ trích sau khi đăng 1 hình ảnh lên tài khoản Instagram nhằm cảnh báo về một đợt nắng nóng. Thông điệp sử dụng ảnh minh họa một người nông dân đang lau trán. Tuy vậy, những người chỉ trích cho rằng bàn tay của người nông dân đã được tạo hình như cử chỉ ngón tay chụm lại.
Cuộc chiến giới tính chưa có hồi kết
Giáo sư Park Ju-yeon, giáo sư xã hội học tại Đại học Yonsei, cho rằng cốt lõi của
chiến dịch chống nữ quyền là nỗi sợ lan rộng ở nhiều nam thanh niên Hàn Quốc. Sợ mình bị tụt lại so với những nữ giới đồng trang lứa. Tâm lý này càng đè nặng do thị trường việc làm siêu cạnh tranh và giá nhà đất tăng chóng mặt. Những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai các chương trình nhằm thu nhiều phụ nữ hơn vào lực lượng lao động. Những người ủng hộ các chương trình này cho rằng, chúng cần thiết để thu hẹp khoảng cách giới tính. Nhưng một số nam giới lại lo ngại chính sách này tạo lợi thế cạnh tranh không công bằn cho phụ nữ.
Một yếu tố kép khác là: Không giống phụ nữ, nam giới ở Hàn Quốc phải hoàn thành 21 tháng nghĩa vụ quân sự trước 28 tuổi. Một số nam giới cảm thấy bị bất công. Những người chống nữ quyền cũng đã thể hiện thái độ với Tổng thống Moon Jae-in khi ông đắc cử vào năm 2017 và cam kết sẽ trở thành một
“tổng thống vì nữ quyền”. Moon hứa hẹn sẽ khắc phục những rào cản về hệ thống và văn hóa đã ngăn cản phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động. Ông cũng thề sẽ giải quyết tình trạng tội phạm tình dục ở thời điểm phong trào
#MeToo lan rộng toàn cầu. Chiến dịch gây áp lực với các doanh nghiệp trong năm nay lại bổ sung thêm một vấn đề phức tạp nữa, khi mà các thương hiệu phải cân nhắc đến những hậu quả có thể xảy ra. Giáo sư Choi Jae-seob, giáo sư marketing tại Đại học Namseoul ở Seoul, cho biết nam giới Hàn Quốc là những người “bạo chi”. Ông nói rằng nhiều người trẻ ngày nay dễ bị tác động bởi các giá trị chính trị cá nhân khi họ mua đồ. Ha, một sinh viên đại học 23 tuổi, cho biết anh thường chú ý đến những gì các công ty trình bày về vấn đề giới tính trước khi mua hàng.
“Giữa hai thương hiệu thì tôi sẽ chọn bên nào không ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền”, Ha nói. Anh từ chối cho biết tên đầy đủ của mình vì cho rằng giới tính là một chủ đề gai góc với các đồng nghiệp Ha cho hay cảm nhận của mình không hề đơn độc. Ví dụ, khi bạn bè thảo luận về tấm poster cắm trại của GS25, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng nhiều người trong số họ cảm thấy như anh:
“Tôi nhận ra nhiều người đàn ông đang âm thầm sôi sục”. Theo Noh Yeong-woo, một nhà tư vấn tại một công ty quan hệ công chúng PR One, “chiến tranh” về giới đang đẩy các công ty vào tình cảnh khó khăn. Cách tiếp cận không phản hồi lại các cáo buộc rằng có những lập trường riêng về vấn đề bình đẳng giới, sẽ có thể dẫn đến cái mà Noh gọi là
“những chướng ngại buộc tội liên tục” và tạo ra sự kỳ thị. Điều đó buộc các công ty thường xuyên theo dõi các nhóm hội trên mạng và nghiên cứu những gì mà thành viên trong đó ám chỉ là mã hoặc hiệp hội ngầm, nhằm tránh việc bị cộng đồng mạng mang ra săm soi.
“Họ liên tục phải kiểm tra các biểu tượng mới có vấn đề”, Noh nói về các thương hiệu ở Hàn Quốc.
Kỳ thị và chống trả
Tuy nhiên, một số phụ nữ nói rằng những lời xin lỗi đến từ các thương hiệu tại đất nước này đang tạo ra một bầu không khí khiến một số người e ngại khi tự nhận mình ủng hộ nữ quyền. Lee Ye-rin, một sinh viên đại học, cho biết cô đã là một nhà hoạt động nữ quyền từ khi học cấp hai. Nhưng trong những năm gần đây, cô đã không thể công khai về lập trường của mình. Lee Ye-rin nhớ lại một sự cố ở trường trung học, khi một số nam sinh công khai truy hỏi một người bạn theo chủ nghĩa nữ quyền của cô trong khi người đó đang thuyết trình trong lớp, miêu tả phụ nữ trên các phương tiện truyền thông. Lee và các bạn cùng lớp đã quá sợ hãi để bênh vực người bạn của mình.
“Tất cả chúng tôi đều biết rằng nếu một người đứng lên và diễn giải nữ quyền không phải là một thứ gì đó kỳ quặc, thì người đó sẽ bị kỳ thị”, Lee nói. Tuy nhiên, nhằm đáp trả lại các chiến dịch chống nữ quyền năm nay, những người ủng hộ đã mạnh mẽ đấu tranh. Chẳng hạn, lời xin lỗi về poster của GS25 đã khiến các nhà nữ quyền kêu gọi tẩy chay công ty. Một số người đã chia sẻ những hình ảnh họ đang mua sắm tại các cửa hàng đối thủ, sử dụng hashtag để kêu gọi không mua sắm tại GS25.
Tìm kiếm “nước đi” cân bằng
Vì dường như không có nhiều hy vọng tìm được phạm vi thỏa hiệp đối với những kẻ đang khuấy động cuộc chiến tranh giới tính ở Hàn Quốc, nên các chuyên gia cho rằng các công ty phải tìm ra cách để tránh bị lôi vào một cuộc chiến gây tổn hại thương hiệu. Từ PR One, chuyên gia tư vấn Noh khuyến nghị các công ty và tổ chức cần giáo dục nhân viên của họ sự nhạy cảm với giới tính và thậm chí xem xét lại việc sử dụng các biểu tượng đã bị chính trị hóa nặng nề. Cử chỉ ngón tay ở trên
“là những hình ảnh có tính ẩn dụ và biểu tượng phức tạp, chúng vốn đã mang trong mình sự kỳ thị của xã hội. Vì vậy, một khi bạn đã dính líu đến nó, thật khó để giải thích chính đáng và vấn đề sẽ tiếp tục lan rộng cho đến khi hình ảnh được gỡ bỏ theo yêu cầu”, ông nói. Park, giáo sư Đại học Yonsei, cho rằng một phần của vấn đề là vì nhiều công ty Hàn Quốc được lãnh đạo bởi những người đàn ông lớn tuổi, họ không hiểu rõ về các vấn đề giới hiện nay. Theo phân tích năm 2020 của JobKorea (một phiên bản LinkedIn của Hàn Quốc) độ tuổi trung bình của một nhân viên cấp điều hành tại 30 công ty đại chúng hàng đầu của Hàn Quốc là 53 tuổi. Thực tại này cho thấy một mức độ trớ trêu nhất định. Có thể không phải những công ty này cần có một phương hướng làm việc cụ thể vì các nhà phê bình online đang buộc tội họ, mà có lẽ đối với một số công ty trong số họ, thì các lãnh đạo cấp cao không thấu hiểu được cuộc tranh luận. Đối với Park, những đả kích nhắm vào công ty đã chôn vùi đi một số vấn đề cơ bản, có tính hệ thống góp phần gây ra bất bình đẳng giới, kéo theo các cuộc tranh luận về biện pháp tốt nhất để phá vỡ thứ rào cản vô hình với phụ nữ hoặc giải quyết sự phân công lao động trong gia đình, cùng với những mối quan tâm khác.
“Một số cuộc tranh luận rất cần thiết đang bị chôn vùi”, Park nói thêm rằng chiến tranh giới tính ngày nay đang ngự trị trên đỉnh của
“tảng băng trôi”.
“Đó không phải là một cuộc chiến về câu chuyện những ngón tay khép hờ”. Nguồn: CNN