Ngân hàng quý III: Nợ xấu tăng mạnh có đáng ngại?

N
Ngọc Mai
Phản hồi: 0
Ở nhóm quốc doanh, tại cuối 30/9/2021, Vietcombank dẫn đầu về tăng trưởng cho vay khách hàng hợp nhất mức 11,5% so với 2020 (tăng trưởng so với quý 2 chỉ 1,6%); BIDV so với 2020 tăng trưởng 9,4% trong khi có cải thiện cho vay khách hàng hợp nhất trong quý 3 (so với VCB) và đạt 2,4%; VietinBank có tăng trưởng cho vay khách hàng hợp nhất 9 tháng là 6,8% (quý III chỉ tăng nhẹ 0,7%)...
Ở nhóm NHTMCP tư nhân, MSB gây ấn tượng mạnh với tăng trưởng cho vay khách hàng hợp nhất 9 tháng 23,5% so với 2020; Techcombank (TCB) giữ vị trí tiếp sau với 15,7%. Nhiều nhà băng cũng có tăng trưởng trên 10% có thể kể đến như MBB (12,8%); SHB (10%); VIB (10,8%). Ngược lại, một số ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng hợp nhất khá thấp, điển hình như Sacombank (STB, 4,8% và trong quý âm tăng trưởng cho vay 1,3%)…
Theo thống kê của CTCK Maybank Kimeng Việt Nam (MBKE VN), 9 tháng đầu 2021, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) toàn ngành ngân hàng vẫn được duy trì ở mức cao (42,6% so với năm 2020, đạt 132 nghìn tỷ đồng/5,7 tỷ USD), với các ngân hàng vốn hóa vừa và nhỏ (SHB, MSB, SSB) dẫn đầu đà tăng.
Ngân hàng quý III: Nợ xấu tăng mạnh có đáng ngại?

Nợ xấu tăng mạnh​

Cùng với tăng trưởng cho vay nhìn trong chiều dài 9 tháng và nỗ lực hỗ trợ cơ cấu khách hàng, chỉ tiêu thể hiện rõ tác động nhất định của COVID-19 lên nhóm ngân hàng thể hiện rõ ở nợ xấu. Từ BCTC quý III của 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường khoán, số dư nợ xấu đã tăng lên con số 113.006 tỷ đồng tại cuối 30/9/2021, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm.
Ngân hàng quý III: Nợ xấu tăng mạnh có đáng ngại?
Nợ xấu (NPLs) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của 17 ngân hàng (nguồn: MBKE)
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng có thể nói ngắn gọn là quý III đã chứng kiến nợ xấu các ngân hàng gia tăng về con số tuyệt đối lẫn tỷ lệ. Tuy nhiên, mức này vẫn trong tầm kiểm soát và thấp so với các năm trước, do trong năm 2020 và 2021 các ngân hàng vẫn đẩy mạnh dự phòng rủi ro tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng nhóm 1 như VCB, CTG, BID và các ngân hàng nhóm 2 như MBB, ACB, TCB, …
Dù vậy, lại cũng phải thêm rằng trong quý, hiện tượng ngân hàng lãi cao đi kèm nợ xấu cao phản ánh nhất định về khả năng nhiều ngân hàng vẫn có nguồn thu ngoài lãi, cùng với đó là vẫn giữ được lợi thế chi phí vốn giá rẻ và/ hoặc, việc trích lập dự phòng rủi ro có sự điều chỉnh linh hoạt theo lộ trình quy định của các Thông tư.
Ví dụ như Vietcombank đã công bố 9 tháng 2021, lãi trước thuế tăng 20% lên 19.300 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh vượt 1% và gấp đôi so với hồi đầu năm. Theo đó, nợ xấu của Vietcombank là 10.883,940 tỷ đồng, tương ứng nợ xấu / tổng cho vay 1,16%. Hay ở ngân hàng luôn được gọi tên á quân lợi nhuận / hệ thống là Techcombank cũng công bố lãi cao đi kèm nợ xấu tăng so với cùng kỳ 32,1%. Tuy nhiên, với Techcombank nếu so tỷ lệ nợ/ tổng dư nợ thì lại giữ được rất thấp mức 0,57%. VPB với tổng nợ xấu ở 12.701,807 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng trưởng 25,2%, song lại cho tỷ lệ nợ xấu/ tổng cho vay rất cao ở mức 4%. Trong khi đó BIDV tuy nợ xấu đi ngang trong quý nhưng vẫn "không quên" cùng VietinBank tiếp tục ở trong top có quy mô nợ xấu lớn...
Đáng chú ý, theo MBKE VN, nhìn chung, các ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho vay đối với các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Trái ngược với các thông tin bi quan về nợ xấu ngân hàng, MBKE VN cho rằng mức nợ xấu của các ngân hàng VN [trước đại dịch] tương đối thấp, thậm chí rất thấp ở một số ngân hàng (tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,4-0,6%). Do đó, việc tăng từ mức nền so sánh thấp như vậy trở lại mức bình thường, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19, khiến tỷ lệ nợ xấu có vẻ tăng tương đối cao (có thể tăng gấp đôi lên mức nợ xấu bình thường là 1% -1,2%, nhưng lưu ý rằng đây vẫn là tỷ lệ nợ xấu rất tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu).
"Tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng vẫn ở mức cơ bản và ở mức khá. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã được tăng cường hơn nhiều. Ngân hàng Nhà nước ước tính nợ xấu toàn phần (bao gồm cả các khoản nợ có khả năng tái cơ cấu) đạt khoảng 7,8% vào cuối năm 2021. Mức nợ xấu này tương tự như trong giai đoạn 2016-2017 và tin rằng điều này sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng Việt Nam. Trên thực tế, với việc nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội, chúng tôi cho rằng nhiều khoản vay trên sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Xét một cách tổng thể (bao gồm mức nợ xấu hiện tại cũng như nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ tái cơ cấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu, các chính sách hỗ trợ hiện hành (như Thông tư 01/03/14 cho phép hoãn nợ và giãn trích lập dự phòng cần thiết cho các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của COVID-19 trong vòng 3 năm) và sự hồi phục của nền kinh tế hiện nay, chúng tôi cho rằng các ngân hàng Việt Nam sẽ không gặp cú sốc về phí suất tín dụng/tỷ lệ trích lập dự phòng"
, báo cáo của MBKE VN đánh giá.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Mirae Asset cũng bày tỏ lạc quan trước việc tăng nợ xấu như một tất yếu của các ngân hàng do đại địch, nhưng sẽ không ở mức quá đáng ngại. "Việc các ngân hàng có quy mô tài sản lớn đều có lớp đệm dự phòng nợ xấu dày phần nào cũng thể hiện rõ việc sức khỏe hệ thống hiện nay vẫn tốt sau đợt stress test của COVID-19. Xu hướng nợ xấu gia tăng ở nhóm ngân hàng vẫn sẽ chưa dừng lại ở quý IV do việc nhảy nhóm nợ từ nhóm 2 xuống. Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi kinh tế khi mở cửa trở lại, áp lực này sẽ giảm dần trong các quý tới, và có thể giảm mạnh vào quý II năm sau trở đi. Khi kinh tế phục hồi trở lại thì các doanh nghiệp cũng phục hồi theo, kéo theo đó là khả năng trả nợ sẽ tăng trở lại", ông Huỳnh Minh Tuấn nói.
Chuyên gia Mirea Asset cho rằng ngành ngân hàng vẫn còn kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh vào quý II/2022 trở đi do hưởng lợi từ (1) tăng trưởng tín dụng và (2) giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Còn theo MBKE, dự báo 17 ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV/2021, tương đương 44 nghìn tỷ đồng LNTT (bằng mức trung bình của ba quý đầu năm) nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. Do đó, ngành ngân hàng sẽ kết thúc năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận 33% so với 2020.
Với 2022, kỳ vọng phí suất tín dụng trung bình sẽ vào khoảng 1,5-1,6% trong hai quý tới, sau đó có thể giảm xuống kể từ quý 2 năm 222, điều này sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm tới.
Theo Lê Mỹ/ Diễn đàn doanh nghiệp
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Cách hoàn tiền mua sắm trên VPBank NEO
Top