Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Hàn Quốc có nguy cơ sụp đổ!

C
Mai Huyền
Phản hồi: 0
Giá linh kiện đóng băng, gánh nặng chi phí nhân công tăng có thể khiến ngành công nghiệp phụ trợ xe hơi ở Hàn Quốc đứng trước nguy cơ bị sụp đổ.
Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Hàn Quốc có nguy cơ sụp đổ!
Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô vừa và nhỏ ở Hàn Quốc đang lần lượt chuyển các cơ sở sản xuất chính sang Đông Nam Á. Động thái này nhằm tránh tình trạng thua lỗ do giá linh kiện đóng băng, chi phí nhân công tăng cao kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, có một mối lo lớn hơn là hệ sinh thái phụ tùng xe hơi nội địa có thể sụp đổ, khi các cơ sở sản xuất và trung tâm R&D dần chuyển ra nước ngoài.
Công ty SME, nhà cung cấp phụ tùng thứ cấp cho Hyundai Motor và Kia đã chuyển trụ sở sản xuất đến Thái Lan. Động thái này nhằm giảm chi phí sản xuất gồm cả chi phí nhân công.
Công ty sẽ giảm tỷ trọng sản xuất trong nước từ 80% xuống còn dưới một nửa vào năm tới, phần lớn chuyển sang nhà máy ở Thái Lan. Quan chức của công ty cho biết: "Chúng tôi không thể xử lý được việc tăng lương cho lao động hàng năm, trong khi đơn giá cung ứng không thay đổi suốt vài năm qua”.
Tình hình tài chính đã trở nên tồi tệ hơn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng là lý do các công ty quyết định chuyển cơ sở sản xuất chính. Được thành lập vào năm 1987, một doanh nghiệp vừa và nhỏ tạm gọi là A đã giao dịch với các công ty lớn và là đối tác chính của nhiều hãng nội địa Hàn Quốc trong hơn 30 năm qua.
Doanh thu công ty đạt 51,2 triệu USD trong năm 2018 nhưng đã giảm xuống còn 40 triệu USD trong 2019, sau đó là 34 triệu USD vào 2020. Với mức tỉ suất sinh lời tốt khoảng 2%, họ nhanh chóng chuyển sang thua lỗ và khoản lỗ hoạt động năm ngoái đã lên tới 15,3 triệu USD.
Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Hàn Quốc có nguy cơ sụp đổ!
Ảnh minh họa
Công ty vừa và nhỏ B khác cũng đã chuyển nhà máy sang Việt Nam trong năm nay. Nhà máy ở nước ngoài vốn là cơ sở sản xuất phụ cho Hàn Quốc, nhưng nay đã chuyển thành trung tâm.
Đây là chiến lược nhằm tăng khối lượng sản xuất tại Đông Nam Á, đồng thời giảm chi phí. Doanh thu của công ty B đã giảm từ 79,4 triệu USD vào năm 2019 xuống còn 63,2 triệu USD vào năm ngoái. Lợi nhuận hoạt động chuyển từ thặng dư 1,1 triệu USD vào năm 2019 sang thâm hụt 4,6 triệu USD năm 2020.
Nguyên nhân dẫn tới khoản lỗ này là do chi phí lao động tăng. Tỷ trọng giá vốn trên doanh thu tăng mạnh do tỷ trọng chi phí nhân công tăng và do đơn giá giao hàng bị đóng băng.
Tỷ lệ giá vốn trên doanh thu của công ty B tăng vọt từ 90,1% năm 2019 lên 98,2% vào năm ngoái. Cơ cấu này gây khó khăn cho việc sinh lời. Việc tăng lương tối thiểu cũng phần nào dẫn tới sự khó khăn. Mức lương tối thiểu (tính theo 209 giờ công) đã tăng 34,7% trong năm nay, từ 1.150 USD trong năm 2017 lên 1.550 USD sau 4 năm. Mặt khác, lương của một công nhân sản xuất thuộc công ty A ở nhà máy địa phương tại Thái Lan là 512 USD, tức bằng 1/3 so với mức lương ở nhà máy Hàn Quốc.
Một lý do khác là sự đa dạng hóa của các nhà cung cấp. Công ty B đang thúc đẩy việc cung cấp trực tiếp cho các hãng ô tô Nhật như Toyota hay Denso, vốn đã triển khai hoạt động tại Đông Nam Á và nhiều nhà cung cấp cấp đứng đầu chuỗi cung ứng. Việc Hyundai Motor thành lập các nhà máy mới ở Indonesia và sự gia nhập của các nhà sản xuất ôtô thành phẩm trong nước tại thị trường Đông Nam Á, cũng làm tăng khả năng mở rộng các lô hàng.
Sự phân cực về quy mô của các công ty cũng một vấn đề đau đầu. Một số chi nhánh phụ tùng ôtô hoặc các công ty lớn là nhà cung cấp chính độc quyền hưởng lợi từ việc tăng hiệu suất bán xe thành phẩm.
Theo Viện Công nghệ Ô tô Hàn Quốc (Katech), tỷ suất lợi nhuận hoạt động trung bình của 110 nhà sản xuất phụ tùng ô tô đã giảm 1,0% điểm (P), từ 3,8% năm 2019 xuống 2,8% vào năm ngoái. Trong số đó, tỷ suất sinh lời bình quân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm từ 2,0% xuống 1,3%. Các tập đoàn chiếm 2/3 thị phần, thiết lập thế độc quyền của các công ty lớn với số lượng nhân lực đông đảo, đầu tư R&D và tiềm năng tăng trưởng.
Hangu Lee, một thành viên nghiên cứu tại Katech cho biết: “Chúng tôi cần mở rộng đào tạo lại nhân lực, đào tạo chuyên môn và đầu tư R&D cho các nhà sản xuất phụ tùng ôtô vừa và nhỏ, cùng với đó là việc hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp. Ngoài ra còn một vấn đề cấp thiết khác là xây dựng cơ sở hạ tầng xe điện và xe tự lái, đồng thời nuôi dưỡng chúng như những mặt hàng chiến lược xuất khẩu mới”.
Nguồn: ETnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top