Nghiên cứu: ánh đèn mờ cũng có thể khiến trẻ khó ngủ

Cường độ ánh sáng dường như không phải là yếu tố quá quan trọng làm ảnh hưởng tới lượng melatonin sản sinh giúp chúng ta dễ vào giấc ngủ. Thậm chí dù chỉ là một nguồn sáng mờ cũng dễ làm gián đoạn giấc ngủ ở trẻ.
Nghiên cứu: ánh đèn mờ cũng có thể khiến trẻ khó ngủ
Ánh sáng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhịp sinh học của chúng ta và nó cũng điều chỉnh cách ngủ và các phản ứng trao đổi chất khác của chúng ta.
Khi ánh sáng chiếu vào võng mạc, một tín hiệu được truyền đến một phần của não được gọi là thoa thị giác nằm ở vùng dưới đồi có nhiệm vụ phản ứng với các tín hiệu sáng-tối. Khi mắt tiếp nhận ánh sáng, võng mạc sẽ chịu trách nhiệm đưa tín hiệu tới thoa thị giác.
Cơ quan này có chức năng điều phối nhịp điệu cơ thể, bao gồm sản xuất melatonin, một loại hormone giúp chúng ta dễ vào giấc ngủ hàng đêm. Nếu tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối, nó có thể gây ức chế hoặc thậm chí ngăn sản sinh ra melatonin giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ.
Trong khi các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận việc tiếp xúc với đèn sáng trước khi đi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ ở người lớn, còn nghiên cứu mới do Đại học Colorado tại Boulder (CU Boulder) thực hiện đã phát hiện thấy, đối tượng trẻ em ngay cả khi tiếp xúc với cường độ ánh sáng rất thấp, ví dụ như đèn mờ vào ban đêm vẫn ghi nhận tình trạng giảm mạnh việc sản xuất melatonin.
Tác giả chính của nghiên cứu Lauren Hartstein, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Giấc ngủ và Phát triển tại CU Boulder cho biết: “Công trình trước đây của chúng tôi cho thấy cường độ ánh sáng khá cao trước khi đi ngủ làm giảm mức melatonin khoảng 90%. Với nghiên cứu này, chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra sự ức chế melatonin cao ở tất cả các cường độ ánh sáng, ngay cả khi chỉ là ánh sáng mờ”.
Tiến sĩ Hartstein và các đồng nghiệp đã mời 36 trẻ em có độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi tham gia vào thử nghiệm kéo dài 9 ngày để theo dõi giấc ngủ và quá trình tiếp xúc với ánh sáng.
Trong 7 ngày đầu tiên, cha mẹ giữ cho trẻ có một lịch trình ngủ ổn định để bình thường hóa nhịp sinh học và đảm bảo mức melatonin tăng lên xấp xỉ cùng một thời điểm vào mỗi buổi tối. Nhưng trong 2 ngày cuối cùng, trẻ được tiếp xúc với ánh đèn mờ trước giờ ngủ.
Nghiên cứu: ánh đèn mờ cũng có thể khiến trẻ khó ngủ
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, so với những đêm trước đó không tiếp xúc với ánh sáng, melatonin bị ức chế từ 70 đến 99% sau khi tiếp xúc với ánh sáng. Đáng ngạc nhiên là cường độ ánh sáng dường như không ảnh hưởng đến mức độ giảm hormone giấc ngủ và thậm chí 50 phút sau khi ánh sáng tắt, melatonin không thể phục hồi ở hơn một nửa số trẻ em.
Tiến sĩ Hartstein cho biết: “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiếp xúc với ánh sáng trước khi đi ngủ, ngay cả ở cường độ thấp có thể dẫn đến ức chế mạnh mẽ melatonin”.
Tác giả nghiên cứu Monique LeBourgeois phó giáo sư về Sinh lý học tại CU Boulder chia sẻ thêm: “Trẻ em không chỉ là những người trưởng thành nhỏ bé. Sự nhạy cảm cao độ với ánh sáng có thể khiến chúng thậm chí dễ bị rối loạn khả năng điều hòa giấc ngủ và hệ thống sinh học hơn”.
Do đó để cải thiện chất lượng giấc ngủ của con mình, cha mẹ nên kiểm soát các hoạt động của con trước khi đi ngủ, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính bảng hoặc smartphone.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Pineal Research mới đây.
Nguồn: Earth
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top