Nghiên cứu: Nghe qua tai nghe có tính thuyết phục và gần gũi hơn nghe qua loa

C
Trần Tiến
Phản hồi: 0
Nghiên cứu là một gợi ý quan trọng để các nhà quảng cáo hoặc các chuyên gia, người sáng tạo nội dung có thể truyền tải thông điệp và thuyết phục người nghe.
Nghiên cứu: Nghe qua tai nghe có tính thuyết phục và gần gũi hơn nghe qua loa
Các chuyên gia tại Đại học San Diego đã chứng minh có sự khác biệt lớn về tác động tâm lý khi nghe âm thanh qua tai nghe hoặc loa. Theo các nhà nghiên cứu, tai nghe có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nhiều đến nhận thức và hành vi của người nghe so với các hình thức tiếp nhận âm thanh khác.
Người Mỹ trung bình dành khoảng 4 giờ mỗi ngày để nghe âm thanh. Do đó việc hiểu được phương tiện nào hiệu quả nhất trong việc truyền tải nội dung sẽ rất hữu ích cho các chiến dịch quảng cáo hoặc các chương trình đào tạo và làm việc từ xa.
Giáo sư On Amir, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng tai nghe tạo ra một hiện tượng được gọi là định vị âm thanh trong đầu, khiến người nói phát ra âm thanh như thể chúng đang ở trong đầu bạn. Do đó, người nghe cảm thấy người giao tiếp trở nên gần gũi hơn. Kết quả là người nghe cảm nhận được người giao tiếp gần gũi, ấm ấp, có cách cư xử dễ thiện cảm và dễ thuyết phục hơn”.
Công trình nghiên cứu này là sự kết hợp từ những phát hiện của năm nghiên cứu khác nhau từ các trường gồm Rady School, đại học California và đại học Berkeley. Các nghiên cứu liên quan đến điều tra thực địa và khảo sát trực tuyến với hơn 4.000 người tham gia. Kết quả chung cho thấy tai nghe khiến người nghe cảm thấy gần người nói hơn, tạo cảm giác đồng cảm và có tác dụng thuyết phục hơn trước khi đưa ra bất kỳ một hành động nào.
Giáo sư Alicea Lieberman đến từ Đại học California, Los Angeles chia sẻ: “Nếu mục đích là để người nghe cảm thấy gần gũi với người giao tiếp hoặc bị thuyết phục đặc biệt bởi thông điệp của họ, chẳng hạn như trong một thông báo dịch vụ công, các nhà quản lý nên cân nhắc đặt quảng cáo hoặc thông điệp của họ trên một chương trình thường được sử dụng qua tai nghe như podcast”.

Tai nghe đem lại sự gần gũi và tăng tính thuyết phục cho nội dung truyền đạt​

Mặt khác, nếu một thông điệp không yêu cầu người nghe phải tiếp xúc gần với người giao tiếp thì vị trí đặt thông điệp sẽ ít quan trọng hơn.
Trong một thử nghiệm, người nghe được chia sẻ về một ví dụ bi thảm liên quan đến sự nguy hiểm khi nhắn tin trong lúc lái xe. Sau phần trình bày, những người tham gia dùng tai nghe bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn. Họ cũng cho rằng nhắn tin khi lái xe nguy hiểm hơn và gây ra nhiều ca tử vong hơn. Thái độ của họ cũng mạnh mẽ và quyết liệt hơn những người nghe cùng thông điệp qua loa.
Trong một thử nghiệm khác, những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên nghe âm thanh qua tai nghe hoặc trên loa khi một người mẹ và con gái mô tả cảm giác vô gia cư là như thế nào. Những người nghe qua tai nghe thể hiện sự đồng cảm hơn đối với người nói và cảm thấy hai mẹ con diễn tả chân thật hơn so với những người nghe câu chuyện qua loa.
Nghiên cứu: Nghe qua tai nghe có tính thuyết phục và gần gũi hơn nghe qua loa
Giáo sư Juliana Schroeder thuộc Đại học Berkeley cho biết: “Các tổ chức có thể xem xét nghiên cứu này khi thiết kế các khóa đào tạo hoặc hội thảo trên web của họ. Ví dụ các nhà quản lý có thể khuyến khích nhân viên nghe các khóa đào tạo về an toàn hoặc hội thảo trên web bằng tai nghe. Điều này có thể thay đổi thái độ và hành vi của họ hiệu quả hơn so với nghe qua loa”.
Theo Giáo sư Amir, các công ty có thể gửi cho nhân viên tai nghe để khuyến khích họ sử dụng tai nghe trong các cuộc trò chuyện điện thoại, bởi phương tiện này có thể tăng cường sự hợp tác, đặc biệt là trong thời đại làm việc từ xa.
Giáo sư Amir chia sẻ: “Rõ ràng, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người có ảnh hưởng, blogger và podcast muốn cố gắng đảm bảo mọi người nghe bằng tai nghe vì điều đó tạo ra sự gắn bó đó. Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng, không chỉ có thông điệp mà mọi người nghe thấy ảnh hưởng đến phán đoán, quyết định và hành vi của họ mà còn cả cách họ nghe các thông điệp đó như thế nào”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Organizational Behavior and Human Decision Processes mới đây.
Nguồn: Earth
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top