Nghiên cứu: ô tô điện là xe hơi "xanh nhất" nhưng chuỗi cung ứng của chúng ô nhiễm ghê gớm

Một bản báo cáo mới chuẩn bị được trình lên Bộ Vận tải Vương Quốc Anh cho thấy các phương tiện chạy điện (EV) thân thiện hơn với môi trường trong suốt vòng đời của chúng so với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong chạy xăng (ICE).
Cụ thể, phân tích mô hình vòng đời chỉ ra rằng một chiếc ô tô điện dùng pin (BEV, hoặc EV) thông thường thải ra khí nhà kính (GHG) thấp hơn đến 65% so với một chiếc ô tô chạy xăng truyền thống.
Nhưng liệu nghiên cứu này có phải là một chiến thắng cho ngành công nghiệp EV, hay chỉ là xuất phát điểm để hướng đến một tương lai hoàn hảo hơn? Hãy cùng tìm hiểu tiếp.
Nghiên cứu: ô tô điện là xe hơi xanh nhất nhưng chuỗi cung ứng của chúng ô nhiễm ghê gớm

Hầu hết khí thải từ EV sản sinh trong quá trình sản xuất

Trong năm 2020, ước tính lượng khí thải từ quá trình sản xuất EV cao hơn khoảng 50% so với ô tô chạy xăng. Nguyên nhân chủ yếu là do pin xe, vốn chiếm 67% tổng lượng GHG trong suốt vòng đời xe.
Tuy nhiên, chúng ta có thể cân đối lượng khí thải này bằng cách tái chế pin cũng như bản thân chiếc EV, và tái sử dụng chúng cho những mục đích khác.
Ví dụ, pin EV có thể được ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác để làm thiết bị lưu trữ năng lượng, hoặc thay thế các nguồn điện khẩn cấp tại những nơi giao nhau với đường sắt khi kết hợp với các phần cứng đã qua sử dụng.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, đến năm 2050, lượng khí thải sản sinh trong quá trình sản xuất ô tô điện dùng pin có thể giảm xuống gần với các phương tiện chạy xăng truyền thống.

Khí thải giảm dần trong suốt vòng đời EV

Nghiên cứu dự báo rằng những cải tiến trong công nghệ pin, trong dây chuyền sản xuất, và trong quy trình xử lý phương tiện khi chúng đã đi đến cuối vòng đời, sẽ giúp giảm lượng GHG đến 76% so với các phương tiện ICE.
Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên mức 81%. Khá ấn tượng đấy!
Nghiên cứu: ô tô điện là xe hơi xanh nhất nhưng chuỗi cung ứng của chúng ô nhiễm ghê gớm
Lượng khí thải nhà kính mà các loại phương tiện chạy điện thải ra trong suốt vòng đời.

Lời cảnh tỉnh với công nghệ hydrogen

Các phương tiện chạy điện sử dụng cell nhiên liệu hydrogen (FCEV) sở hữu một số ưu điểm đáng xem xét, nhưng vẫn kém xa EV.
Cụ thể, lượng GHG mà FCEV cắt giảm được trong suốt vòng đời cao hơn khoảng 60 - 70% so với EV. Nguyên nhân xuất phát từ hiệu suất tổng thể khá thấp của cell hydrogen so với pin điện.
Tuy nhiên, mô hình được dùng trong nghiên cứu lại chưa đề cập nhiều đến những cải tiến trong lĩnh vực hydrogen xanh và những tác động tích cực về mặt hiệu suất mà chúng mang lại đối với quy trình phát triển hydrogen.
Dẫu vậy, các nhà phân tích vẫn nhận định rằng FCEV là giải pháp đáng xem xét đối với các phương tiện vận tải hạng nặng. Ví dụ, đến năm 2050, một chiếc xe tải siêu trường siêu trọng chạy điện dùng cell nhiên liệu hydrogen có thể giúp giảm đến 73% lượng GHG so với một chiếc xe tương tự nhưng dùng dầu diesel.
Nghiên cứu: ô tô điện là xe hơi xanh nhất nhưng chuỗi cung ứng của chúng ô nhiễm ghê gớm
Một mẫu xe tải hạng nặng dùng cell nhiên liệu hydrogen của Hyundai.
Nhìn chung, chặng đường phát triển của hydrogen vẫn còn dài, và tương lai tươi sáng vẫn đang đón chờ những ai đặt cược vào công nghệ này.

Không hẳn là một chiến thắng, mà là nền móng để đào sâu hơn tiềm năng của EV

Những dự báo được đưa ra ở trên mang lại khá nhiều hi vọng cho các kế hoạch tương lai của các nhà sản xuất ô tô, lẫn các cơ quan lập pháp, trong bối cảnh cả hai đều đang hướng đến mục tiêu xóa sổ các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.
Nhiều quốc gia như Vương quốc Anh (2030), và Canada (2035), cũng như EU (2035), đã cam kết cấm bán các phương tiện này trong thời gian tới.
Và các nhà sản xuất ô tô cũng đặt ra mục tiêu của riêng họ. Ví dụ, Volvo dự tính ngừng sản xuất ICE hoàn toàn vào năm 2030.
Nhưng sẽ mất một thời gian khá dài trước khi những chiếc ô tô truyền thống biến mất trên các cung đường - có thể là hàng thập kỷ, vượt xa mốc 2050 được dự báo trước đó.
Hơn nữa, kể cả khi 100% số phương tiện bán ra hiện nay là EV, thì hầu hết các thành phố, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, cũng gặp phải một vấn đề khác là xây dựng hạ tầng sạc.
Đó là chưa kể đến hạ tầng lưới điện cần thiết để “gánh” toàn bộ nhu cầu sạc EV. Để quá trình phổ cập EV được thành công, chúng ta cần tập trung mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng mới - bao gồm năng lượng gió và mặt trời - đồng thời chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới phải đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sạc điện tăng cao trong tương lai.
Cuối cùng, và quan trọng nhất, là tìm ra những loại vật liệu tối ưu để sản xuất pin EV!
Nghiên cứu: ô tô điện là xe hơi xanh nhất nhưng chuỗi cung ứng của chúng ô nhiễm ghê gớm
Một mẫu EV của Volvo
Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào phát triển những loại pin với tuổi thọ dài hơn và dung lượng cao hơn, dễ tái chế hơn, và có tiềm năng tái sử dụng tốt hơn. Nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu việc sử dụng những vật liệu gây hại cho môi trường như lithium và cobalt cũng đang được triển khai.
Nhưng những giải pháp đó liệu có cho ra những sản phẩm thực sự hiệu quả về mặt thương mại không, đặc biệt khi mà chi phí phải bỏ ra cho hoạt động khai thác vật liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức lao động vẫn còn quá cao? Do đó, bất kỳ cam kết nào được đưa ra trong ngành công nghiệp ô tô cũng cần đi kèm với khung thời gian hợp lý và những hậu quả phải gánh chịu nếu không tuân thủ các điều kiện đó.
Nghiên cứu: ô tô điện là xe hơi xanh nhất nhưng chuỗi cung ứng của chúng ô nhiễm ghê gớm
Khí thải từ sản xuất lốp xe vượt xa khí thải trong quá trình hoạt động của xe
Một điểm đáng lưu ý nữa là nghiên cứu chưa xem xét tác động của những yếu tố gây ô nhiễm khác, như khí thải sản sinh trong quá trình chế tạo lốp, mà theo các chuyên gia là còn nghiêm trọng hơn cả khí thải sản sinh trong quá trình vận hành xe.
May thay, đã có nhiều nghiên cứu nhằm tạo nên những loại lốp có thể tái chế bằng vật liệu truy nguyên được, nhưng cho đến khi chúng phổ biến, lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất lốp vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan ngại.
Đến năm 2030, hoặc có thể là 2050, những chiếc xe lăn bánh trên đường sẽ rất khác so với hiện nay - đại đa số có lẽ là những chiếc EV.
Nhưng chiến thắng lớn nhất mà chúng ta có được sẽ là giảm số lượng ô tô sản xuất ra, thay vào đó là tập trung đầu tư vào các phương tiện chuyên chở bền vững hơn với môi trường. Ví dụ, các phương tiện giao thông công cộng và các phương tiện nhỏ, nhẹ, hoạt động ở tốc độ thấp dưới 25km/h do người dùng tự lái (còn được biết đến với cái tên micromobility).
Tham khảo: TheNextWeb
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top